Norilsk là một thành phố biệt lập với thế giới, bị hạn chế khách du lịch và được xây dựng trên tàn tích của một trại lao động.
Thành phố Norilsk của Siberia là một thành phố nằm ở cực Bắc thuộc Nga. Nằm cách vòng cực Bắc khoảng 320km, thành phố này không chỉ là nơi có khí hậu lạnh giá mà còn là nơi ô nhiễm nhất nước Nga. Đó là một nơi biệt lập, bị hạn chế khách du lịch và được xây dựng trên tàn tích của một trại lao động.
Thế nhưng, vẫn có 177.000 người chọn sống tại thành phố này. Điều đó khiến Norilsk trở thành thành phố lớn nhất tại cực Bắc.
Tại đây, nhiệt độ trung bình hàng năm vào khoảng -10 độ C. Mức thấp nhất trong kỉ lục của thành phố này là -53 độ C. Vào mùa đông, nhiều người không thể đứng đợi ở trạm xe buýt vì sợ sẽ bị đóng băng đến chết.
Khoảng 3 tháng trong một năm, Mặt trời gần như không xuất hiện khiến thành phố này chìm trong bóng đêm. Nhưng vào khoảng tháng 6, tháng 7, mặt trời lại xuất hiện 24/7 khiến thành phố này lúc nào cũng sáng rõ như ban ngày.
Thành phố với những mỏ kim loại giá trị nhất thế giới
Bất chấp khí hậu khắc nghiệt, nằm sâu dưới những lớp đất bị chôn vùi bởi tuyết, Norilsk chứa đựng rất nhiều quặng kim loại quý hiếm. Đó là những mỏ kim loại giá trị nhất thế giới. Norilsk cũng là một trong những nhà sản xuất lớn nhất của niken và paladi. Paladi là một loại hợp chất được sử dụng trong điện tử và là khoáng sản có giá trị lớn, khoảng 35 triệu đồng/1 ounce (28g).
Thành phố này được thành lập chính thức vào năm 1935 dưới thời nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin. Khoảng từ năm 1935 – 1953, ước tính có khoảng 650.000 tù nhân được lưu đày đến đây để khai thác các quặng kim loại nằm dưới lớp băng vĩnh cửu. Các tù nhân thời đó làm việc 14 giờ mỗi ngày mà không được trang bị những thiết bị an toàn lao động.
Một tù nhân còn sống sót đã kể lại rằng: “Đó là một công việc nặng nhọc. Chúng tôi không có ngày nghỉ, trừ khi nhiệt độ xuống tới khoảng -50 độ C.”
Nhiều tù nhân đã chết vì đói, lạnh, nhiễm độc kim loại và kiệt sức. Có một số người tuyệt vọng đến mức đã tự sát để không phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt này nữa.
Có khoảng 250.000 tù nhân đã qua đời. Hệ thống nhà tù tại đây hiện đã bị đóng cửa và mọi công dân nước ngoài đều không được phép đến thăm khu vực này.
Cuộc sống thường ngày tại “Nơi tận cùng thế giới”
Vào mùa đông, hầu hết các hoạt động trong thành phố này đều diễn ra ở trong nhà. Những người sống tại Norilsk thường coi thành phố của họ là một “hòn đảo” và phần còn lại của Nga là “đại lục”. Phải đến tận năm 2017, thành phố này mới có mạng internet.
Vào mùa hè, cuộc sống ở thành phố này dễ thở hơn một chút. Tuy nhiên, lớp băng tan cũng không khiến Norilsk có một mùa hè đích thực.
Công dân tại Norilsk thường là hậu duệ của những tù nhân từng bị lưu đày và lao động khổ sai. Họ vẫn sống tại đây vì khó có thể rời thành phố và tìm một công việc khác. Một số người tìm đến đây định cư với hi vọng có một mức lương cao như mong ước.
Một số người dân địa phương có cơ hội rời khỏi Norilsk thường không muốn quay trở lại. Một cư dân 30 tuổi đã được tờ The New York Times hỏi rằng ông cảm thấy thế nào khi đi thăm các vùng khác của nước Nga và nhận được câu trả lời rằng: “Tôi thực sự không muốn quay lại Norilsk và sẵn sàng cho đi bất cứ thứ gì để không phải trở về.”
Bên cạnh đó, vẫn có những cư dân của Norilsk tự hào về khả năng phát triển mạnh ở một nơi khắc nghiệt như vậy.
Norilsk nằm cách biệt với nước Nga. Để đến được đây, người ta phải đi tàu thủy hoặc máy bay trong nhiều giờ. Vì dường như sống ở nơi “tận cùng của thế giới”, người dân ở đây dành phần lớn thời gian trong không gian kín tại nơi làm việc, ở nhà trong căn hộ của họ, hoặc trong các trung tâm giải trí và trung tâm mua sắm địa phương.
Thành phố ô nhiễm nhất nước Nga
Hoạt động khai thác kim loại đã khiến cho môi trường trở nên ô nhiễm nặng nề. Do hàm lượng lưu huỳnh dioxit được tạo ra trong quá trình nấu chảy có nồng độ cao trong không khí, Norilsk không chỉ là thành phố ô nhiễm nhất nước Nga mà còn là một trong 10 thành phố ô nhiễm nhất hành tinh.
Vào mùa hè, không khí ô nhiễm càng khiến cho thành phố này trở nên khó thở vì khí độc
Khí thải khai thác đã giết chết các thảm thực vật. Năm 2016, sự cố tràn từ các nhà máy niken đã biến sông Daldykan gần đó thành màu đỏ như máu. Cái chết do bệnh hô hấp ở đây cũng cao hơn so với những nơi khác. Bên cạnh đó là các bệnh về ung thư và tâm lý của cư dân tại đây.
Thành phố này ngay sau đó cũng đã có những động thái để làm giảm lượng khí thải ô nhiễm. Năm 2016, công ty Norilsk Nickel đã đóng cửa lò luyện cũ từ năm 1942, nơi thải ra lượng khí độc lớn nhất. Điều này đã có những tác động tích cực khi đến năm 2019, lượng khí thải sulfur dioxide đã giảm gần 200.000 tấn.
Dù vậy, thành phố này vẫn là nơi sản sinh ra lượng khí độc lớn nhất thế giới. Norilsk hiện đang chi khoảng 3,5 tỷ đô la để giúp hiện đại hóa mỏ và làm sạch khí thải.