Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Phạm Đình Hổ và câu chuyện từ chối chức Tế tửu Quốc Tử giám

Phạm Đình Hổ (1768-1839), là danh sĩ đời vua Minh Mệnh. Ông tên tự là Tùng Niên và Bỉnh Trực, còn có hiệu là Đông Dã Triều. Ông người xã Đan Loan tổng Minh Loan huyện Đường Hào tỉnh Hải Dương, sinh ra trong gia đình khoa bảng, cha là Cử nhân Phạm Đình Dư từng giữ chức Tuần phủ Sơn Tây.

Ông đọc rộng hiểu nhiều nhưng chỉ đỗ đến Tú tài. Mặc dù không đỗ đạt cao nhưng đương thời ông khá có tiếng tăm trong giới nhân sĩ. Khi vua Minh Mệnh lên ngôi, nhà vua đặc biệt rất chuộng nhân tài đất Bắc và muốn trọng dụng. Năm 1820 (Minh Mệnh năm thứ nhất), vua cho gọi bọn Tiến sĩ triều Lê là Nguyễn Đăng Sở, Đỗ Lệnh Thiện và Sinh đồ ở Bắc thành là Phạm Đình Hổ, Phan Huy Chú… do Bộ dẫn vào yết kiến nhưng Đỗ Lệnh Thiện và Phạm Đình Hổ cáo bệnh không đến. Năm 1821 nhân khi vua ra Bắc tuần cho vời đến bái yết, thấy Phạm Đình Hổ tâu bày xin tiếp tục theo nghiệp học để mong đỗ đạt, vua cho bổ giữ chức Hành tẩu Viện Hàn lâm.

Chân dung ngài Hàn Lâm viện Thị giảng học sĩ Phạm Đình Hổ (范廷琥, 1768 – 1839), quàn tại từ đường Phạm Đình tộc (thôn Hòa Ché, xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, Việt Nam). Ảnh wikipedia

Theo Đại Nam thực lục, năm Bính Tuất tức Minh Mệnh năm thứ 7 (1826), mùa thu tháng 9 một lần nữa nhà vua cho triệu Phạm Đình Hổ về Kinh. Vua Dụ bảo Phan Huy Thực, đương thời là Hữu Tham tri Bộ Lễ, kiêm quản Viện Hàn lâm rằng: “Trước kia Trẫm ra Bắc tuần nghe tiếng Phạm Đình Hổ cho triệu vào yết kiến, nhưng Hổ nói có bệnh xin về, chẳng biết y học hành ngày thường như thế nào?” Thực thưa rằng: “Hổ là người cứng rắn, giặc Tây Sơn mấy lần gọi không chịu ra”. Vua nói: “Người ấy tiết tháo đáng khen, nên triệu vào để dùng, đấy cũng là ý lấy năm trăm lạng vàng mà mua bộ xương ngựa vậy[1]”. Liền sắc cho quan Bắc thành tuyên chỉ triệu vào, cấp cho 20 lạng bạc làm tiền đi đường, ban cho làm Hàn Lâm viện Biên tu, rồi thăng Thừa chỉ lại ban cho mũ áo đại triều. Vua bảo Bộ Lễ rằng: “Hổ có tính cương trực, không xu nịnh kẻ quyền quý, nên đặc biệt hậu đãi để khuyến khích người khác sau này”. Lúc đó Phạm Đình Hổ đem sách An Nam chí và sách Ô châu cận lục dâng lên, vua thưởng cho 10 lạng bạc và 5 tấm lụa.

Tháng 12 năm đó, vua Minh Mệnh lại cho thăng Phạm Đình Hổ làm Thự Tế tửu[2] Quốc tử giám ở thành Thăng Long. Ngay lập tức Phạm Đình Hổ đã dâng bản tấu từ chối. Bản Tấu ngày 28 tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) Hàn Lâm viện Thừa chỉ Phạm Đình Hổ trình rằng: “Thần phụng Chỉ thăng làm Thự Tế tửu Quốc Tử giám, vừa nghe tin báo đã vừa mừng vừa lo. Thần chỉ là anh hàn nho thấp hèn chậm chạp, phong trần lưu lạc, yếu ớt tầm thường, nhờ hưởng thiên ân mà được gia cấp. Trong một tháng 5 lần được triêm ân nên khắc cốt ghi tâm vô cùng xúc động. Duy danh cao vọng trọng được nhiều ưu ái nhưng mỗi lần phụng mệnh đều lo lắng hết sức. Thần trộm nghĩ Thái học là nơi cửa hiền, Tế tửu là thầy của học giả, vì vậy người đó tất phải như thánh thần. Huống đâu như thần, uyên thâm chưa tới, khoa mục chưa thành, còn đang cố công dốc lòng học hỏi mà vẫn chưa biết sâu hiểu rộng. Thần nay khoác áo đồ nho mà dám lạm lên làm thầy, tư cách còn chưa đáp ứng sự mong mỏi của đám học trò. Hiện hai vị Tư nghiệp[3] đêu là các bậc sĩ lưu túc nho, thần được dự cùng hàng với họ còn cảm thấy hổ thẹn, huống hồ chức Tế tửu là quan đứng đầu trường học, phải tập hợp được kẻ sĩ bốn phương. Nay thiên hạ vừa mới ổn định, đạo đức thống nhất nhưng phong tục còn bất đồng. Giới sĩ phu từ Linh Giang trở vào Nam khi triều đình cử lệnh thì đều cổ vũ mà rèn đúc nhân tài nhưng giới nho sĩ từ Hoành Sơn trở ra Bắc chẳng cứ bọn khoa mục đỗ đạt vị tất đã phục tùng. Việc phép tắc cho đến việc quyền thế chưa hẳn đã dung hòa, may mà người có lòng, có danh hiệu để chọn không thiếu. Vậy thần cúi xin thánh thượng xem xét chọn lựa người hiền đức làm khuôn mẫu cho học trò, cốt sao cho học trò được đào tạo bởi nhân đức lớn lao mà tiểu thần cũng tránh được tội không tròn chức trách. Thần mạo muội lo lắng sợ hãi kính cẩn tấu trình”.

Bản Tấu được vua Minh Mệnh phê rằng: “Truyền (ngươi) hãy cố gắng nhận chức, khâm thử” [4].

Có thể thấy vua Minh Mệnh rất phóng khoáng và trọng thực tài, ông sẵn sàng bỏ qua chuyện bằng cấp thứ bậc để chọn Phạm Đình Hổ chỉ là một Tú tài tầm thường trong khi chức Tế tửu tức Hiệu trưởng trường Quốc Tử giám theo quan chế chỉ dành cho các bậc Trạng nguyên, Tiến sĩ uyên bác.

Tuy nhiên Phạm Đình Hổ lại là người vốn chỉ muốn lấy văn thơ để nổi tiếng, vì vậy cuộc đời ông chủ yếu dành cho việc sáng tác và biên soạn sách hơn là tham gia vào chốn quan trường. Ông đã để lại nhiều công trình khảo cứu trước thuật có giá trị trên nhiều lĩnh vực lịch sử, địa lý, văn học như: Lê triều hội điển, Bang giao điển lệ, An Nam chí, Vũ trung tùy bút, Tang thương ngẫu lục

Bản Tấu ngày 28 tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) của Hàn Lâm viện Thừa chỉ Phạm Đình Hổ xin từ chối chức Tế tửu Quốc Tử giám Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/Châu bản triều Nguyễn

Sau khi miễn cưỡng nhận chức Tế tửu Quốc Tử giám, một thời gian ngắn sau Phạm Đình Hổ liên tục cáo bệnh xin nghỉ, vua Minh Mệnh bèn chấp nhận cho ông giữ chức Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ. Năm 1832, Phạm Đình Hổ xin về quê dưỡng bệnh, vua chuẩn y và cho mang theo mũ áo đại triều đã cấp. Mấy năm sau Phạm Đình Hổ bị bệnh mất tại quê nhà, vua sai theo lệ cấp tiền tuất và cấp thêm cho 100 quan tiền, 5 tấm lụa, 10 tấm vải.

Cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Đình Hổ có nhiều điều đặc biệt, hoạn lộ không sớm nhưng thăng tiến khá nhanh, đỗ đạt không cao nhưng nhiều người trọng vọng. Ông là người ngang tàng khiến nhiều lần vua Minh Mệnh phải than rằng: “Trẫm ưu đãi Đình Hổ không phải là không hậu, thế mà mới nhậm chức thì liên tiếp cáo ốm mà xin về. Há là vì tuổi già sức yếu mà nguội lạnh với công danh hay không có ý làm quan mà thế chăng?” Có lẽ bản Tấu mà Phạm Đình Hổ trình lên nhà vua xin từ chối chức Tế tửu Quốc tử giám đã thể hiện phần nào tính cách và con người của ông./.

[1] Lấy điển tích từ Chiến quốc sách chép chuyện Yên Chiêu vương trọng dụng Quách Ngỗi để thu hút người tài giống như việc một vị vua bỏ ra 500 lạng vàng mua bộ xương ngựa quý mà nhờ đó được người đời mang đến tặng rất nhiều ngựa hay.

[2] Tế tửu là chức quan đứng đầu Quốc tử giám, nơi đào tạo quan lại cho nhà nước thời kỳ phong kiến, ngày nay tương đương Hiệu trưởng trường Đại học. Người giữ chức Tế tửu thường là các bậc đại khoa tài năng đức độ, không chỉ là nhà quản lý về giáo dục mà còn là những nhà giáo mẫu mực.

[3] Tư nghiệp là chức quan đứng sau Tế tửu, nay tương đương như Phó Hiệu trưởng.

[4] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh tập 20, tờ 234-235.

Trên đời vốn vô sự, chỉ có con người tự sầu lo

Ở cõi đời này, chúng ta chỉ là những vị khách qua đường vội vã. Trên dòng sông thời gian dài đằng đẵng, ta từng trải qua bao cảnh tử...

Chuyện Thúng, Mủng, Rổ, Rá

Lưu bản nháp tự động
Lúa đã cấy xong, nước nôi ngoài ruộng cũng đã ổn, được hôm rảnh việc, anh Tuy đem rựa ra ngồi dựa gốc mít vót nan để đan thêm mấy...

Câu đối trong xã hội An Nam

Vào những ngày giáp Tết, tại các khu chợ của địa phương và trên những vỉa hè ở thành phố, người ta lại thấy xuất hiện những gian hàng tuyệt...

Vì đâu “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím”?

Hơn 60 năm trước, bài thơ “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” của nhà thơ Kiên Giang ra đời (1957) đã làm xôn xao dư luận một thời. Bài...

Đạo thờ cúng Tổ Tiên của người Việt

Phan Kế Bính ở những năm đầu thế kỷ 20, theo xu hướng Duy tân của các nhà nho, nhất là Ðông Kinh Nghĩa Thục, đã nhận xét về tục...

Bún từ Bắc vô Nam

Phở và hủ tíu/hủ tiếu hiện quá phổ biến đối với dân ta. Hai món ấy dù đã Việt hoá tối đa song bắt nguồn từ Trung Hoa. Có ý...

Nhớ về thời hoàng kim của ‘băng video’, ‘đầu video’

Các hàng cho thuê băng video hồi ấy có đủ mọi thể loại phim như chưởng Tàu, hành động Mỹ, tâm lý xã hội, hoa hậu áo tắm, thậm chí…...

Từ sự tham gia của nhân dân Vũ Ninh vào cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Thực hào kiệt, thực anh hùng  Chúng tôi chỉ khoanh lại – những định đề- trong một vùng đất nhỏ hẹp, mà ở đấy có những dải đồi lô xô...

Tranh ảnh đen trắng về Hà Nội

Những mẫu tranh về Hà Nội được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau cả trong và ngoài nước. Một số bức tranh được mua bản quyền, số khác là...

Những điều cần biết về học thuyết âm dương ngũ hành

Học thuyết âm dương ngũ hành không những được nhiều trường phái triết học tìm hiểu lý giải, khai thác mà còn được nhiều ngành khoa học khác quan tầm...

“Cứu khổ” và “cứu khổn”

Báo Tuổi trẻ ngày 8/10/2012 có bài viết nhan đề “Khát vọng cứu khổ phò nguy” của Hồng Hạnh. Sau đó, trên Tuổi trẻ ngày 15/10/2012, bạn đọc Vạn Lý...

Tục ngữ – thành ngữ Việt Nam và thế giới về chuột

1. Tục ngữ - thành ngữ - ca dao Việt Nam về chuột: Chuột đóng góp vào kho tàng ngôn ngữ, làm phong phú cho tục ngữ – thành ngữ...

Exit mobile version