Thực hào kiệt, thực anh hùng
Chúng tôi chỉ khoanh lại – những định đề- trong một vùng đất nhỏ hẹp, mà ở đấy có những dải đồi lô xô kỳ vĩ, những dòng sông cần mẫn chăng khắp cánh đồng như mạng nhện giữa mấy huyện của Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay: Yên Dũng, Gia Bình, Lang Tài,Quế Võ, Thuận Thành, Tiên Du, Từ Sơn và Yên Phong. Chính vì ở những nơi ấy, nhân dân Vũ Ninh đã sớm đồng cam cộng khổ chặn lại sự tràn lan của giặc nước, giặc ngoại xâm và đã cùng Hai Bà Trưng dũng cảm kiên trinh dựng nghiệp.
Đã hơn 19 thế kỷ qua đi, tiếng vọng khải hoàn từ những xóm mạc như còn sôi động, còn khiến cho có thể lở đất long trời, dù gái quần hồng phải đọ với càn thoa. Trở lại những ngày oai hùng đó, tức cũng trở lại với một sức sống có diện mạo của dân tộc trong những ngày mất nước – dũng mãnh và quật khởi.
Những năm đầu công nguyên, Vũ Ninh chứa chất những hờn căm, giặc phương Bắc xáo trộn xã hội Âu Lạc vốn thuần hậu. Phụ nữ thành kẻ tôi đòi. Bao bà mẹ, người chị bị làm nhục. Đã đi qua những ngày hội tưng bừng và chỉ có những lưỡi gươm nhuốm đỏ. Các Lạc tướng đầy lòng thương dân đều bị sát hại. Thành lũy giặc Hán dăng dăng. Nhà cửa, kho đụn của bọn quý tộc Hán lớp lớp. Bạc vàng, hoa thơm, quả lạ cũng bị vơ vét không còn.
Nước mất, mất độc lập tự do, cả đất nước bừng bừng uất hận, cả một vùng Vũ Ninh sục sôi. Khát vọng về quyền sống, quyền làm chủ nung nấu trong tâm khảm mọi người. Như một sự cộng cảm, người dân Vũ Ninh lần lần đứng lên, bao vây giặc ở khắp nơi, khắp chỗ. Hình thức khởi nghĩa từng phần xuất hiện, tràn lan.
Người xưa đã ghi nhận những sự kiện này:
“Thánh Thiên chiêu quân kén tướng, ra sức thao luyện kinh luân, chiến thuật. Chẳng bao lâu danh trấn một phương. Nhưng thấy lực còn mỏng, công chúa bèn tạm giải quân, về Yên Dũng tìm cậu. Cậu xưng là Nam Thành Vương. Tô Định đem quân đến, Nam Thành Vương chém hơn ngàn địch”([1]).
“Đào Nương cùng chồng là Doãn Công mộ được hai vạn quân, lập đồn trại ở gò Bảo Tháp, phối hợp với Trương Quán, uy danh nổi khắp nơi”([2]).
Những dòng dẫn chứng ngắn ngủi, phản ánh không hết độ nóng của hờn căm, độ sôi động của phong trào. Nếu như Thánh Thiên nổi lên vì bức bách, Đào Nương vì căm giận, thì ở Du Tràng, Ả Lã – Rồng Nhị đứng dậy để trả thù nhà, ở Cẩm Chương, Diệu Tiên nổi lên trả nợ nước. Còn nhiều nữa những Tam Quan, Tam Ngọ, Liễu Giáp, A Tắc, Ả Dị cũng vì nợ nước đã tràn đầy, thù nhà đã nặng mà vùng lên.
Thế là lớp lớp sóng người dồn lên, đạp bằng cường quyền ngoại tộc. Hào khí của đất nước trỗi dậy, chất ngất như non Tản, sải dài như cánh chim M’ling. Vũ Ninh kiên nghị, nổi trận cuồng phong.
Không riêng gì người dân Lạc Việt hờn căm, những người Hán cũng mang nặng hận thù với triều đình Đông Hán. Thần tích ở một ngôi đền ghi lại:
“Đô Thiên và Minh Giang, là hai viên quan của nhà Đông Hán, vì căm giận triều đình, chạy sang Giao Chỉ, chống lại Hai Bà Trưng khởi dậy ở Mê Linh, hai ông mang quân theo”([3]).
Từ sau buổi hội thề sông Hát, khí thế cứu nước cứu nhà bừng khắp một dải Vũ Ninh. Ở bờ tây hồ Lãng Bạc, nhiều đội quân đã được tập hợp, kéo về tiêu diệt Long Biên – Luy Lâu:
- Ả Lã – Rồng Nhị (Song Giang – Gia Bình, Bắc Ninh)
- Đào Nương – Doãn Công – Trương Quán – Thập Bát Sơn (Đông Cứu – Gia Bình, Bắc Ninh)
- Côn Nương (Bình Dương, Lang Tài, Bắc Ninh)
- Đà Công – Nguyệt Nương (Phú Hòa, Lang Tài, Bắc Ninh)
- Chiêu Nương (Trung Chinh, Lang Tài, Bắc Ninh)
- Nga Nương – Lang Công – Nghiêm Công – Dương Công (Minh Tân, Lang Tài, Bắc Ninh)
7.Chiên Hựu (Nhân Thắng, Lang Tài, Bắc Ninh)
- Tỉnh Trai công chúa (Lai Hạ, Lang Tài, Bắc Ninh)
Tại bờ bắc hồ Lãng Bạc, nhiều đội quân tưng bừng khí thế:
- Thành Thiên (Ngọc Lâm, Yên Dũng, nay thuộc thành phố Bắc Giang)
- Trương Sách (Lãng Sơn, Yên Dũng, Bắc Giang)
- Đỗ Thiên, Minh Giang (Kè Sơn, Lạng Giang, Bắc Giang)
Vây quanh thành Luy Lân, trực tiếp đánh vào hang ổ kẻ thù có:
- Ả Tắc – Ả Dị (Trí Quả, Thuận Thành, Bắc Ninh)
- Tạ Thông, Đề Nương, Mộc Hoàn Công (Xuân Lâm, Thuận Thành, Bắc Ninh)
- Đặng Đường Hoàn (Trạm Lộ, Thuận Thành, Bắc Ninh)
- Biều Phật Nương (Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh)
5.Hùng Bàn (Ninh Xá, Thuận Thành, Bắc Ninh)
- Thiên Binh (Ninh Xá, Thuận Thành) và các tướng Đống Công, Hựu Công, Quốc Nương, Đào Đô, Đào Hiển, Đào Lang, Khỏa Ba Sơn (Gia Lâm – Hà Nội)
Trên con đường tiến về Long Biên chúng ta thấy:
- Diệu Tiên – Pháp Hải – Quảng Khánh (Cẩm Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh)
- Tam Quan (Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh)
- Tam Ngọ (Đồng Quan, Từ Sơn, Bắc Ninh)
- Liễu Giáp (Nội Duệ, Tiên Du, Bắc Ninh)
- Diên Hồng, Linh Giang, Linh Quan (Hương Lâm, Hiệp Hòa, Bắc Giang) và các tướng Thành Công, Phương Dung, Đông Bảng, Thủy Hải, Đăng Giang, Khổng Chúng, Đào Kỳ, Cửa Ngõ, Vĩnh Hoa (Gia Lâm, Đông Anh, Hà Nội).
Bằng phương pháp thống kê ban đầu, đất Vũ Ninh đã ghi nhận có 51 tướng tham gia vào cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong đó có 20 nữ danh tướng. Họ tham gia bằng đủ các hình thức, chiến đấu với nhiều phương thức phong phú. Nhiều gia đình đã tham gia vào các trận đánh. Mẹ con Diệu Tiên – Pháp Hải. Vợ chồng Doãn Công – Đào Nương – Đà Công – Nguyệt Nương. Chị em Ả Tắc – Ả Dị, Ả Lã – Rồng Nhị. Anh em Lang Công – Dương Công. Cậu cháu Trương Sách – Thánh Thiên. Đa số các tướng sinh trưởng ở Vũ Ninh, nhưng cũng nhiều tướng từ Hồng Châu (Hải Dương) lên, từ Ái Châu (Thanh Hóa), Sơn Nam (Nam Định) tới([4]). Điều đó càng biện minh cho mảnh đất Vũ Ninh đầy hờn căm và nóng bỏng, là hang ổ cuối cùng của kẻ thù.
Nhiều hội hè, dân tục còn lại ở những ngày kỷ niệm các vị danh tướng của Hai Bà Trưng trên đất Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay, đã cho ta hiểu biết về những phương thức tác chiến thời đó. Hội đến Ngọc Lâm, Cẩm Giang, và nhiều nơi khác cho ta hay về tài đánh giặc dưới nước của người thời ấy, các hội ở Song Giang, Đông Cứu lại phản ảnh tài luyện quân của các anh hùng. Phải chăng, tinh thần thượng võ ấy đã lưu giữ cho chúng ta gần 2.000 năm và mãi còn rõ nét.
Biết bao tấm gương chiến đấu anh dũng, nay vẫn chói ngời. Ả Tắc – Ả Dị can đảm phá vòng vây, tả xung hữu đột. Đào Nương – Doãn Công cự địch tận ngoài bờ biển, dũng cảm hy sinh. Còn Nương bồng con mới đẻ, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Thánh Thiên thì quên mình vì minh chủ, thế cùng lực tận đã giữ chọn thanh danh:
Thực hào kiệt, thực anh hùng, những khi giúp đỡ vua Trưng, mặt được sông Thương gươm báu trong lồng còn lấp lánh.
Còn bâng khuâng, còn phảng phất, sau lúc đuổi tan giặc Hán cành hoa bến ngọc, vòng tay thơm nức vẫn còn đây ([5]).
Ngày nay, đền đài, miếu mạo bái vọng các vị anh hùng đất Vũ Ninh tham gia vào cuộc khởi nghĩa còn uy nghiêm ở khắp nơi. Đền Bính Hạ thờ Tam Ngọ, đền Xuân Thụ thờ Diệu Tiên – Pháp Hải – Quảng Khánh, đình Hồi Quan thờ Tam Quang, vẫn trầm tư soi mình xuống dòng Ngũ Huyện, như nhớ lại những ngày chiến thuyền nô nức kéo về công phá Long Biên. Đền Văn Quan vẫn còn bên dòng sông Dâu, như in bóng Ả Tắc – Ả Dị. Đền Du Tràng, đền Bảo Tháo còn vang danh Ả Lã – Rồng Nhị, Doãn Công – Đào Công – Đào Nương e ấp soi mình xuống dòng sông Đuống. Đền Côn Nương ở Phùng Xá còn xây tượng hai mẹ con người nữ anh hùng. Đền Côn Nương đoái nhìn dòng sông Ngụ, chảy cạnh Tuần Lạ. Chỉ ngần ấy, trong số những gì còn lại, đã cho chúng ta cả một nỗi niềm khao khát để tìm về thời dũng cảm đảm đang. Chúng ta hãy hỏi, như nhà thơ trẻ Bế Kiến Quốc, và để các anh hùng ấy trả lời:
Sinh ở đâu, mà ai cũng anh hùng
Tất cả trả lời: bên một dòng sông
Đi tìm đất cũ hồ xưa
Sau gần 3 năm, nhà Đông Hán lại cử tên tướng già Mã Viện sang xâm lược nước ta. Đó là mùa xuân năm Quý Mão (43). Một chiến trường phòng ngự kéo dài từ Cẩm Khê đến Lãng Bạc được hình thành. Đứng trước khung cảnh ấy, tướng giặc phải thốt lên: “Lúc ta đang ở miền Lãng Bạc và Tây Lý, quân địch chưa diệt được, dưới thì nước lụt, trên thì mây mù, khí độc bốc lên ngùn ngụt, ngẩng trông thấy chim diều hâu bay sà rơi xuống nước”.
Lãng Bạc ở đâu, có phải nằm trong vùng đồi núi Tiên Du như một số người chủ trương không([6]). Bằng một số cứ liệu, chúng tôi chỉ xin minh giải và vạch một nét khái quát về vùng hồ rộng lớn nay. Câu trả lời có thể được dứt khoát, nếu như những điều chú giải có sức thuyết phục.
Nhiều biên niên sử đã cho hay, quân Hán do Mã Viện và Lưu Long chỉ huy, kéo vào nước ta theo hai đường. Mã Viện từ Chi Lăng xuống. Lưu Long theo biển vào rồi tập kết quân ở Phả Lại. Đạo quân thủy và bộ ấy gặp nhau và phải dừng lại vì đang ở bờ đông hồ Lãng Bạc.
Chúng tôi chủ trương hồ Lãng Bạc là vùng nước mênh mông, nay ở địa phận mấy huyện: Yên Dũng, Quế Võ, Gia Lương và Chí Linh. Vùng Lục Đầu – Phả Lại là cái rốn của hồ.
- Đất ở đây thấp trũng, hàng năm còn ngập nước (khoảng 3000ha). Phù sa dày (trên dưới 10m) có nhiều bùn đen, đất sám vàng và cát đen. Đó là loại phù sa trẻ, hình thành cách ngày nay 17-18 thế kỷ. Cát đen chính là cát biển.
Nguyễn Đức Tâm đã chứng minh đất ở vùng này có dấu vết của bờ biển. Tài liệu của Ủy ban Nông nghiệp Hà Bắc trước đây cũng cho hay các dải đồi thấp bị nước biển xâm thực rất rõ nên mặt sét và màu mỡ bị trôi đi, hình thành các bãi cát([7]).
Tài liệu địa chất và thổ nhưỡng đã chỉ rõ vùng chúng tôi cho rằng là hồ Lãng Bạc xưa kia chìm dưới nước biển. Do bồi tụ và do sự ngăn chặn quá sớm của con người (đắp đê khoanh vùng) nên vùng đồng bằng này còn lồi lõm, hàng năm bị ngập nước.
- Thời kỳ còn hồ Lãng Bạc, sông Cầu làm nhiệm vụ chính trong việc chuyên chở phù sa sông Hồng. Kết quả nghiên cứu ở các di chỉ khảo cổ học phân bố ven sông Cầu cho ta biết điều này: phù sa lớp dưới màu đỏ, dày như ven sông Hồng (di chỉ Nội Gầm – Yên Phong), đồng ruộng hai bờ sông Cầu quanh năm ngập nước (di chỉ Chi Long – Yên Phong), sông Cà Lồ khi chưa bị lấp, đã nối sông Cầu với sông Hồng.
Từ khi sông Đuống (Thiên Đức) được mở rộng, nối sông Hồng với sông Thái Bình, thì lượng nước chuyên chở do chính sông Đuống đảm nhiệm. Sông Cà Lồ không tiếp nối giữa sông Hồng và sông Cầu nữa. Do sự can thiệp của con người, do lưu lượng thấp sông Cầu trở nên hiền hòa, nhỏ bé.
Tổng lượng nước 4 con sông (Đuống, Cầu, Lục, Thương) là 41,6 tỷ mét khối. Riêng sông Đuống là 31,6 tỷ (số liệu 1960). Chúng tôi nêu lên những vấn đề này là muốn chứng minh rằng, có khả năng lầm lẫn về nhiệm vụ của hai dòng sông Đuống, sông Cầu cho nên dẫn đến sự lầm lẫn về vị trí hồ Lãng Bạc. Khi Mã Viện kéo vào Lãng Bạc, đánh lên Cẩm Khê, đi đường thủy phải từ vùng Phả Lại ngược sông Cầu lên. Sông Đuống lúc đó chỉ là một hệ thống sông nhỏ không tiếp nối nhau. Mãi cách đây khoảng trên 900 năm sông Đuống mới được khơi thông, nhưng cũng chưa lớn lắm.
Một lần nữa, chúng ta thấy vùng Phả Lại là trung tâm của hồ Lãng Bạc.
- Thư tịch cổ cũng ghi chép đôi nét về hiện trạng của vùng Lục Đầu – Phả Lại, cách ngày nay vài trăm năm. Lịch triều Hiến chương cho hay:
“Sông Thiều Dương đời cổ gọi là vụng Lão Nhạn. Sông rộng lớn từ trên Lục Đầu giáp địa giới các huyện Phượng Nhỡn, Quế Dương, Yên Dũng, Gia Định thuộc trấn Kinh Bắc. Giữa sông có một bãi cát gọi là bãi Đại Than([8])“.
Đại Nam Nhất Thống Chí cũng chỉ ra rằng:
“Sông Lục Đầu, hợp nhau ở Bình Than, đến xã Lý Dương xưa gọi là vụng Lão Nhạn, thế nước mênh mông”([9]).
Sự trùng hợp của hai tài liệu cho ta biết thực trạng của vùng đất bao quanh địa điểm Lục Đầu. Bóng dáng của một vịnh nhỏ ăn thông từ biển vào cách đây không lâu vẫn còn rõ nét. Đó cũng chính là diện mạo của hồ Lãng Bạc, vùng hồ kẹp giữa những huyện như chúng tôi đã chủ trương ở trên, thuộc các xã An Thịnh, Minh Tân, Mỹ Hương([10]), Cao Đức, Đại Lai, Vạn Linh, Hoàng Kênh… (Lang Tài), Cẩm Lý, Vũ Xá (Lục Nam), Phù Lãng, Từ Đức, Ngọc Xá (Quế Võ).
Đại Nam nhất thống chí cũng cho biết thêm, vào thời Nguyễn nhân dân Gia Lương còn khai thác được nhiều hải sản như: Rươi, cáy. Phong thổ Kinh Bắc – một cuốn sách viết vào cuối thời Lê cũng xác nhận điều này([11]).
- Địa danh học – trong trường hợp này đã góp phần đắc lực cho việc xác định địa điểm của Lãng Bạc. Rải rác một số xã ven sông Đuống, sông Cầu còn mang tiền từ Lãng.
Ở Gia Lương, có xã Lãng Ngâm với một loạt làng có tên gốc là Chằm (Chằm = Ngâm, vùng đất lầy trũng). Xã Mão Điền nằm bên cạnh Lãng Ngâm, nơi có nghề nuôi cá giống nổi tiếng cũng mang tên Chằm.
Chằm Ngâm đi bán cá con
Phù Lãng gánh đất nung lon nặn nồi…
Ngoài ra, xã Đại Bái xưa có tên là Vân Lãng. Đình Đại Bái gọi là Đình Vân Lãng. Ở Thứa còn có xã Phá Lãng, Tân Lãng. Trong Đại Việt Sử lược, một tác phẩm khuyết danh viết vào thời Trần cũng nhắc tới địa danh Lãng Ải:
“Lại Linh giữ Nghĩa Trú. Phan Lân giữ Siêu Loại, Thủ Độ giữ Lãng Ải, Phạm Ngự giữ Bần Ải([12])“.
Dịch giả Trần Quốc Vượng đã ghi chú:
“Thủ Độ giữ Lãng Ai, lại đánh nhau với người Hồng Châu (Ninh Giang – Bình Giang – nay thuộc Hải Hưng). Vậy Lãng Ải có lẽ ở miền Đông Hưng Yên, giáp Hải Dương”([13]).
Chúng tôi cho rằng Lãng Ải là Làng Ải, khu vực Phá Lãng (Gia Lương). Ở vùng này có câu “Thóc gạo làng Đông, thừng chão làng Rồng, nước trong làng Ải, bánh trái Phượng Trì”. Địa danh Lãng Ải xuất hiện muộn nhất vào thời Lý.
Ở Quế Võ có xã Phù Lãng. Niên đại xuất hiện địa danh này chúng tôi chưa xác minh được. Truyền thuyết ở địa phương kể lại vào thời Lý, do không đóng góp công của vào cuộc kháng chiến chống Tống, triều đình đã đặt cho làng là làng Phũ. Dần dần dân đọc triệu đi thành Phù Lãng. Đây chỉ là cách giải thích của một số cụ đồ nho([14]). Còn ở Mão Điền (Thuận Thành) có làng An Lãng (tục gọi là làng Hồ) ngay sát xã Lãng Ngâm.
Ở Yên Dũng có xã Lãng Sơn, gần như đối diện với xã Phù Lãng mà sông Cầu là trục. C.Madrolle, trong Bắc Kỳ thời cổ (Le Tonkin ancien) có nói đến một thần tích vợ chồng tướng của Hai Bà Trưng ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Theo thần tích này, vợ hy sinh ở Vĩnh Bảo, chồng ở Lãng Sơn. Thần tích về vợ chồng Doãn Công – Đào Nương cũng tương tự. Có thể Đông Cứu (nằm cạnh Lãng Ngâm) là Lãng Sơn, hoặc là vùng Lãng Sơn bên Yên Dũng([15]).
Như thế ta được một loạt địa danh Lãng, dọc hồ Lãng Bạc theo giả định của chúng tôi: Lãng Sơn, Lãng Ngâm, Phù Lãng, An Lãng, Vân Lãng, Phá Lãng, Tân Lãng. Nếu đem cộng địa danh Lãng với địa danh Bạc trong Kiếp Bạc (nơi có đền thờ Trần Hưng Đạo, nay thuộc Chí Linh Hải Hưng) ta sẽ có: Lãng Bạc. Một sự ngẫu nhiên hay đó là một sự thật lịch sử?
- Tài liệu khảo cổ học giúp ta hiểu phần nào thực trạng của vùng này những năm đầu thế kỷ.
Gần đây, trong khi đào mương máng, nhân dân vùng Gia Bình, Lang Tài đã phát hiện nhiều mộ táng hình thuyền, giống loại hình Việt Khê (Hải Phòng), La Đôi, Nghĩa Vũ, Thiên Khánh (Hải Dương). Những mộ này nằm ở Lãng Ngâm, Trung Chính. Nếu phác một nét vạch vòng từ biển vào, chúng ta thấy loại hình mộ hình thuyền phân bố cách sông Kinh Thầy và sông Thái Bình vài ba cây số. Địa điểm Trung Chính nằm trong khoảng cách ấy. Theo Đức Phong thì tục chôn cất bằng quan tài hình thuyền này tồn tại từ Chiến Quốc đến Đông Hàn. Chúng tôi tán thành niên đại xuất hiện và kết thúc loại hình mộ táng này. Hai mộ thuyền ở Lãng Ngâm, Trung Chính có thể có niên đại muộn, tức Đông Hán với những bằng chứng sau:
– Kẻ được chôn, cao trên 1m70, mặc quần áo vải thô, đội mũ cói rộng vành, chân đi giầy cỏ.
– Ngoài 4, 5 mũi lao chôn theo, còn có 2 trùy đồng. Trang phục và vũ khí của người chết cho ta kết luận, đây có thể là xác của binh lính hoặc tướng sĩ Đông Hán bị chết trận.
Như đã trình bày ở trên, vùng Gia Bình, Lang Tài và một số vùng khác thuộc Quế Võ, Yên Dũng, đang trong quá trình hình thành đồng bằng. Do có con người đến ở sớm, quá trình bồi tụ bị ngăn lại. Hiện tượng có nhiều ô trũng, lụt lội quanh năm luôn luôn xuất hiện. Khi nhà Hán xâm lược nước ta, chúng tiếp tục sinh cơ lập nghiệp bên cạnh những địa điểm quần cư của người Việt. Cho nên nhờ khảo cổ học, một lần nữa ta xác định thêm được những địa điểm có mật độ cao quan lại quý tộc và dân Hán: Lãng Ngâm, Đông Cứu, Đại Lai, Phù Lãng…
- Cùng với tài liệu khảo cổ, ký ức của con người còn ghi nhớ. Những Bãi Xác, mả giặc Mã Viện rải rác ở khắp nơi. Đa Mai, Chản, Thọ Xương (nay thuộc thành phố Bắc Giang), Ngăm Mặc (Gia Bình) và rất nhiều nơi khác ở Quế Võ, Yên Dũng, Thuận Thành. Phải chăng trận đụng độ lớn đã xảy ra giữa quân đội Hai Bà Trưng và Mã Viện diễn ra khốc liệt ở vùng này. Và nếu như thế, không còn nghi ngờ gì nữa, vùng hồ Lãng Bạc chính là vùng đất ngày nay của 5 huyện Yên Dũng, Lục Nam, Quế Võ, Gia Bình, Lang Tài và Chí Linh.
Hồi đầu Công nguyên, đất Vũ Ninh có từ 4-5 huyện:
- Khúc Dương: Việt Yên, Yên Dũng, Lạng Giang.
- Bắc Đái: Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Thế.
- Kê Từ: Lục Ngạn, Sơn Động
- An Định: Gia Bình, Lang Tài, Chí Linh.
- Luy Lâu: Thuận Thành, Gia Lâm.
- Long Biên: Quế Võ, Tiên Du, Từ Sơn, Yên Phong.
Như vậy, tên hai huyện Long Biên, Luy Lâu xuất hiện từ thời Hán. Nhưng dấu vết của các đô thành cổ Long Biên đó nằm ở đâu thì chúng ta còn phải dò tìm vất vả.
Theo sự mô tả lại, ta biết Long Biên cũng là một trung tâm về chính trị, văn hóa và kinh tế. Thành Long Biên chia thành nhiều phố phường, các nghề thủ công phát triển. khách nước ngoài ra vào tấp nập. Ngoài người Hán, còn có người Khơ Me, Ấn Độ, Ja Va. Chùa chiền được dựng nên nhiều. Đường giao thông thủy bộ phát triển.
C.Madrolle dẫn một số sách, cho ta biết, thành Long Biên được nâng lên thay thế cho Luy Lâu vào năm 142-143. Một năm sau, Chu Xưởng được cử đến đây làm thái thú. Hắn củng cố thêm thành. Năm 187 Sĩ Nhiếp chuyển thủ phủ về Luy Lâu. Tới năm 229 nhà Ngô lại chuyển đến Long Biên. Hai lần thay đổi ấy diễn ra trong vòng hơn 40 năm, vừa đời của một viên thái thú.
Chúng ta được biết, mỗi lần trở lại như vậy, Long Biên không còn ở vị trí cũ nữa. Cuối thế kỷ II, tức lúc Sĩ Nhiếp đóng ở Luy Lâu, thành Long Biên di chuyển 7 dặm. Năm 306, Lư Tuần lại rời Long Biên 10 dặm về phía tây. Nếu phối hợp với những dòng ghi chép trong Nguyên Hòa Quận Huyện chí, một cuốn sách viết vào đầu thế kỷ IX, ta biết Long Biên có vị trí cách Hà Nội ngày nay khoảng 60 dặm, 53 dặm và 45 dặm (tức 30km, 26km và trên 20km theo lần lượt vị trí di chuyển). Đoạn ấy ghi như sau:
“Long Biên cách Đô hộ phủ chừng 45 dặm. Núi Tiên Sơn là cửa tây của Long Biên”:
Vị trí do Nguyên Hòa Quận Huyện chí dẫn, có lẽ là địa điểm thứ ba của Long Biên.
Long Biên lúc đầu có tên là Long Uyên, sau đổi mà thành. Người ta có hai cách giải thích về cách gọi đó. Có lúc thì cho là kiêng tên hoàng tử người Hán, nên đổi Uyên thành Biên. Cuốn sách đời Tống cho ta biết như vậy. Long Biên được thừa nhận xuất hiện trước năm 479. Một truyền thuyết khác nói, ở cửa sông gần thủ phủ có hai con rồng nổi lên cuộn nhau, nên có sự đổi tên đó.
Giữ thế kỷ VI, Lý Bôn dựng nước Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên. Sau khi Lý Phật tử cướp ngôi Triệu Quang Phục, sai em là Lý Đại Quyền coi giữ Long Biên, còn Phật Tử đóng ở Cổ Loa. Tới năm 621 Long Biên trở thành trụ sở của Long Châu. Năm 627, Long Biên thành huyện lỵ huyện Long Biên thuộc Tiên Châu. Cuối thế kỷ VII, tên Long Biên mất hẳn. Việc tìm hiểu vị trí thành Long Biên xưa nay ít được chú ý vì mặc nhiên người ta coi Long Hiên là Thăng Long. Trong Dư Địa Chí Nguyễn Trãi cũng chủ trương như vậy.
Trước hết, chúng tôi cho rằng, tên huyện Long Biên xuất hiện do việc nhà Hán lập một huyện trên bộ lạc Rồng. Mà chúng ta đã biết, bộ lạc Rồng, bộ lạc của nhóm cư dân làm ruộng nước nằm bên cạnh bộ lạc Dâu (sau là huyện Luy Lâu) và bộ lạc Gà (sau là huyện Phong Khê). Đầu kỷ nguyên độc lập, Lý Công Uẩn người con của bộ lạc Rồng đã dựng quốc đô Thăng Long. Cho nên huyện Long Biên bao gồm đất đai của Quế Võ, Tiên Du, Từ Sơn, Yên Phong. Tìm vị trí thành Long Biên, do đó, không ngoài phạm vi các huyện này. Dựng thủ phủ, một trung tâm kinh tế, chính trị, phải ở vào nơi thuận tiện giao thông thủy bộ.
Cho tới nay, chúng ta mới chỉ biết thành Long Biên ở vào thượng lưu so với Cổ Loa, phía bắc con sông nhập vào sông Cầu. Bằng vào sự chỉ dẫn đó, chúng tôi dò tìm dấu vết của Long Biên ở khu vực các xã Hòa Long, Vạn An và khu vực Khúc Toại (Chọi).
Theo truyền thuyết ở vùng Hòa Long, trước đây ở cánh đồng Viêm Xá (Diềm = Dền) có một tòa thành ở cánh đồng Mặt gương, nay còn dấu vết bờ thành, sát bờ sông Cầu. Tương truyền, hai anh em Trương Hống – Trương Hát đã trấn giữ ở đây chống lại Lý Phật Tử. Nếu có khả năng đây là thành Long Biên của nhà nước Vạn Xuân thì cũng có khả năng tên nhà nước đã tản ra quanh vùng: (Vạn: Vạn An, Vạn Vân; Xuân: Xuân Viên, Xuân Ái, Xuân Ổ). Dù sao đây cũng chỉ là giả thiết.
Trước đây, Ty Văn hóa Hà Bắc và Viện khảo cổ đã tiến hành đợt thám sát ở Quả Cảm (Kẻ Cởm, gần Viêm Xá). Ngoài di chỉ đồ đồng thuộc loại hình Đường Cổ, chúng tôi còn tìm thấy vô số mộ Hán. Không kể đồ bán sứ, tiền Ngũ Thù, một bát đồng cho ta một niên đại tuyệt đối. “Họ Lý chế tạo ngày 7 tháng 7 năm Vĩnh sơ thứ 7” (Vĩnh Sơ thất niên thất nguyệt thất nhật Lý Thị tác tạo – tức năm 113 sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng 80 năm.
Có khả năng đô thành Long Biên ở cánh đồng Mặt gương thuộc làng Diềm, xã Hòa Long, huyện Yên Phong. Vùng này đã được xác nhận là đơn vị tụ cơ lớn thời cổ, một làng Quan họ cổ. Tuy nhiên nếu ở vào vị trí này, còn một mặt là sông Cầu. Thêm vào đấy, cánh đồng chiêm trũng bao quanh là mối lo ngại lợi cho cư dân ở trong thành (ở địa phương có câu: Mật Diềm, chiêm Chắp). Còn nếu như chuyển vị trí Long Biên lui lên vùng Xuân Viên – còn gọi là Vườn Hồng – Nhất Cổ Bi, nhì Cổ loa, ba Vườn Hồng) hoặc vùng Lẫm, Đặng thì thuận tiện cả về mặt phòng ngự, cả giao thông, kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên ở các nơi này chúng tôi chưa thấy dấu vết của thành trì. Nếu như thành Long Biên ở đây, cũng là vị trí của nó được dựng đặt lần đầu hoặc cũng có thể Long Biên ở thế kỷ VI – quốc đô của Nhà nước Vạn Xuân.
Chúng ta được biết rằng, vào năm 411, nhà Tấn cử Đỗ Tuệ Độ chỉ huy đội chiến thuyền chiếm lại Long Biên trong tay lực lượng đối địch. Trận thủy chiến ác liệt xảy ra. Tên lửa từ hai bờ sông bắn ra tua tủa, đốt cháy và phá hủy nhiều chiến thuyền. Sự kiện lịch sử này, xảy ra khi Long Biên đã chuyển đến vị trí thứ ba – tức là cách địa điểm ban đầu 17 dặm, cách Tống Bình (Hà Nội) 45 dặm như Nguyên Hòa Quận huyện chí đã nêu.
Để tìm được vị trí thứ ba, tất phải tìm vị trí thành Long Biên thứ hai. Năm 1937, C.Madroll đã dò tìm đến vùng Đông Yên (Yên Phong). Nếu đây là vị trí thứ hai, và vùng Hòa Long là thành Long Biên đầu tiên, thì cho ta một khoảng cách 7 dặm (trên 3km). Nhưng vết tích ở Đông Yên không nhiều, dù mới thời Nguyễn nó còn là huyện lỵ huyện Yên Phong. Mật độ mộ Hán thưa thớt. Điều đáng chú ý là các thôn ở đây được gọi là phường: phường tây, phường đông (thôn tây, thôn đông). Không rõ cách gọi này có liên quan gì với các phường thủ công ở Long Biên hay không? Lui xuống một chút là vùng Chi Long (Long Châu – Yên Phong) – một vùng đồng chiêm trũng, nhưng có di chỉ cùng niên đại với Đường Cổ và nhiều mộ Hán, Chi Long và Đông Yên cách nhau khoảng 1km.
Cuộc dò tìm vị trí thứ hai của Long Biên chưa kết quả. Tuy nhiên chúng tôi cứ giả định là Đông Yên và từ đó đi xuống 10 dặm, dọc sông Ngũ Huyện – con sông đổ vào sông Cầu, để tìm một vùng đất sao cho con sông này nằm ở phía Bắc. Chúng tôi dừng lại ở vùng núi Tiêu (Tương Giang – Từ Sơn). Ngoài cái may mắn tìm được công xưởng chế tác đồ đá Cửa Phủ, một vài khu di chỉ loại bình Đường Cổ, chúng tôi tìm thấy một tòa thành cũ với một số địa danh: Ao Dinh, Vườn Đồn, Cửa Phủ, Mả Đánh, Mả Dộc, Mả Đường, Hào Bàng và làng Viềng. Truyền thuyết nói Lý Xúy xây thành này, đánh nhau với Thân Lợi. Nếu thế thì phải ngược thuyền từ Tống Bình lên, vào sông Ngũ Huyện. Tòa thành này còn có sông Tiêu Tương chảy qua, thông với Ngũ Huyện. Sông này đã bị lấp nhiều đoạn.
Như thế, theo sự đoán định ban đầu của chúng tôi, thành Long Biên thời Hai Bà Trưng “ầm ầm binh mã” tấn công ở vào khoảng Viêm Xá – Vạn An. Ở đây còn di tích kho đụn (thôn Lẫm và bến sông, Lẫm Cảng). Tuy nhiên còn phải có nhiều bằng cứ nữa mới có khả năng thuyết phục.
* * *
Luy Lâu cũng là tên huyện xuất hiện vào thời Hán. Tòa thành này hiện còn ở huyện Lũng Khê (Thanh Khương – Thuận Thành). Vị trí của đô thành này là điểm gặp gỡ của nhiều đường thủy bộ quan trọng. Có lẽ ngay từ năm 207 trước Công Nguyên, Luy lâu đã là trị sở của quận Giao Chỉ. Nhà Tây Hán và Đông Hán vẫn dùng Luy lâu làm trụ sở. Thời sĩ Nhiếp Luy Lâu hưng thịnh nhất. Từ đó trở đi, Luy Lâu, lúc hưng thịnh lúc suy tàn[16].
Thành Luy Lâu hình chữ nhật, nằm hơi chếch theo hướng đông bắc – tây nam, dài khoảng 300m, rộng hơn 100m, hiện còn một vài đoạn thành cao tới 4-5m, rộng 3-4m. Do thành cao lại có mặt rộng, nên có thể dựng tháp canh, người ngựa có thể đi lại dễ dàng, lính có thể ăn uống ngay trên mặt thành. Phía tây và nam thành Luy Lâu có sông Dâu làm ngoại hào, phía đông và bắc có đồng chiêm trũng, ruộng nước. Từ đầu Công Nguyên, Luy Lâu nổi tiếng sầm uất. Thương nhân nước ngoài đã đến đây buôn bán. Ngoài người Hán còn có người Tây Á, Ấn Độ, Khơ Me.
Những năm gần đây Viện khảo cổ học đã khai quật, cắt một vài đoạn thành và cho những hiểu biết mới rất lý thú. Nhiều người quan tâm đến việc nghiên cứu Luy Lâu (Đào Duy Anh, C.Madtolle) việc nghiên cứu và chỉ ra thật rõ vị trí thành Luy Lâu có tác dụng lớn đối với việc nghiên cứu khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Ngoài Long Biên và Luy Lâu, trên mảnh đất Vũ Ninh còn lại dấu vết một số thành, tương truyền của các tướng Hai Bà Trưng rải rác ở Gia Bình, Lang Tài, Yên Dũng và thành phố Bắc Giang như: thành Dền của nhóm lãnh tụ Doãn Công – Đào Nương – Trương Quân – Thập Bát Sơn (Đông Cứu – Gia Bình), thành du Tràng của Ả Lã Rồng Nhị (Song Giang – Gia Bình) thành Đống Từa của Chiêu Nương (Trung Chính – Lang Tài), thành Ngọc Lâm, thành Dền (thành phố Bắc Giang). Đặc điểm chung của các thành này là đều được xây dựng ở các gò đất cao ven đồi và nhất thiết nằm cạnh sông, với diện tích không lớn hơn Luy Lâu. So với thành trì của các triều đại phong kiến Việt Nam, thì các thành này nhỏ bé hơn. Tuy nhiên nó sẽ có một tác dụng rất quan trọng trong việc tìm hiểu nghệ thuật quân sự thời Hai Bà Trưng.
Vòng quanh đất đai vùng Vũ Ninh cũ, tìm lại cái âm vang trong lòng đất thời Hai Bà Trưng. Chắc chắn, từ một vùng hồ bát ngát, từ những bờ thành đã phủ rêu phong sẽ vang lên bản trường ca của một thời sôi động.
Rồi đây, ta còn phải trở lại nữa, còn phải mầy mò công phu hơn nữa mới có thể không phụ lòng các bậc tiên triết đã đổ máu bảo vệ quê hương thân yêu của chúng ta.
Ngàn năm treo một tấm gương trong
- Từ sự tham gia của nhân dân Vũ Ninh vào cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, cho phép chúng ta đi tới một số kết luận về quy mô, phạm vi của cuộc khởi nghĩa này.
Đây là sự quật khởi rất mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam chống lại ách đô hộ của ngoại bang. Hận thù khi đã nung nấu, toàn dân khi đã đồng lòng và quyết tâm thì dù cho sự thống trị đó hà khắc, sự đàn áp bạo tàn cũng không ngăn cản nổi sự trỗi dậy và ý thức độc lập tự do.
Vai trò của người phụ nữ – trong đó có phụ nữ Vũ Ninh – đã giữ địa vị quyết định đối với cuộc khởi nghĩa này, đối với nền độc lập của Tổ quốc trong giai đoạn này. Ngọn cờ tập hợp của họ khi đã phất lên thì được sự đồng tâm hiệp lực của toàn dân tộc.
- Ngoài trung tâm Mê Linh, địa bàn Vũ Ninh khi đó rất quyết định. Giành được thắng lợi ở vùng này, cũng có nghĩa là giành được thắng lợi trong phạm vi toàn quốc. Những chiến thắng vang dội ở Long Biên, Luy Lâu đã quyết định toàn bộ chiến thắng của cả dân tộc.
Quân đội của Hai Bà Trưng, đã chọn Vũ Ninh làm quyết chiến điểm. Các đạo quân thủy, quân bộ đã “ầm ầm binh mã” kéo về giải phóng Long Biên, Luy Lâu. Khi quân xâm lược kéo sang, trận đụng độ đầu tiên cũng xảy ra trên mảnh đất này.
- Ở nơi giặc đàn áp nặng nề và để lại nhiều tội lỗi nhất, nơi mà hàng ngũ quan lại, đội quân xâm lược dày đặc nhân dân đồng lòng vùng lên, thì nơi đó sẽ trở thành điểm yếu nhất của giặc.
Với gần 50 tướng nam nữ, và hàng ngàn nghĩa binh, hang ổ của địch thực tế đã sụp vỡ. Với hình thế khởi nghĩa từng phần tiêu hao sinh lực địch, Hà Bắc đã giữ một vai trò quan trọng trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
- Việc xác định và tìm hiểu về các địa điểm Lãng Bạc, Long Biên và Luy Lâu đã đóng góp nhiều cho việc tìm hiểu một cách toàn diện và đầy đủ về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và giúp khơi dậy bản hùng ca ngắn ngủi đó.
Chú thích:
([1]) Thần tích đền Ngọc Lâm (Tân Mỹ -Yên Dũng)
([2]) Thần tích đền Bảo Tháp (Đông Cửu, Gia Bình, Bắc Ninh)
([3]) Sự tích đền Càn (Kẻ Sơn, Lạng Giang, Bắc Giang)
([4]) Từ Hồng Châu lên: Thành Thiên, Lang Công, Nghiêm Công, Nga Nương, Ả Tắc, Ả Dị. Từ Ái Châu tới có: Đào Ký, Khòa Ba Sơn. Từ Sơn Nam có: ba anh em họ Đào…
([5]) Câu đối ở đền Ngọc Lâm (xã Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang).
([6]) Các tác giả. Lịch sử Việt Nam (Nxb. Khoa học xã hội – 1971) Ông Văn Tân và số khác cũng chủ trương như vậy.
([7]) Nguyễn Đức Tâm. Đất đồng bằng với trồng trọt – Hùng Vương dựng nước tập III – Nxb. Khoa học xã hội.
([8]) Phan Huy Chú – Lịch triều hiến chương – Dư địa chí – Hải Dương – tr.107.
([9]) Đại Nam nhất thống chí – tập III. Tỉnh Hải Dương – tr.381.
([10]) Ở Mỹ Hương chỉ cao hơn mức nước biển 0,2m.
([11]) Xem: Phong thổ Hà Bắc thời Lê – Trần Văn Giáp dịch, khảo định – Ty Văn hóa Hà Bắc xuất bản.
([12]) Việt sử lược – Trần Quốc Vượng dịch, Nxb. Sử học
([13]) Việt sử lược – đã dẫn.
([14]) Còn có người gắn tên Làng Phũ với thời Lê Chiêu Thống
([15]) Xem: C.Madrolle – Bắc Kỳ thời cổ
([16]) Thời Ngô, Lữ Đại rời về Long Biên, nhà đường, Lý Đại Lương rời Tống Bình về Luy Lâu rồi lại bỏ. Năm Trịnh Nguyễn (785 – 805) chúng lại về Luy Lâu lại bỏ (814) và Luy lâu mất vai trò từ đó.