Những nhân vật lưu truyền trong dân gian phản ánh gần như trung thực tâm tư, nguyện vọng cũng như tính nết của người dân. Nhận xét đó của các nhà xã hội học cho phép chúng ta có thể tìm hiểu ít nhiều dân tộc tính qua những chuyện kể hàng ngày.

Địa dư nước ta chia thành ba miền rất rõ rệt. Những điều kiện sinh hoạt, khí hậu, tạo cho mỗi vùng một sắc thái riêng. Chỉ cần quan sát cách ứng xử trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể rút ra nhiều minh chứng của nét dị biệt ở cư dân các vùng Bắc Trung Nam của đất nước. Bài viết này không nhằm mục đích đào sâu sự khác biệt giữa người dân ba miền mà chỉ cốt nêu lên một nhận xét có tính hiển nhiên, để từ đó rút ra một cái nhìn tích cực.

Vài cảm nghĩ về tình tự dân tộc: Chuyện Bác Ba Phi - Trí Thức VN

1. Những nhân vật dân gian

Trong số những nhân vật dân gian ngoài Bắc, người ta phải kể đến hai nhân vật chính: Trạng Quỳnh và Chú Cuội.

Quỳnh là một nhân vật có thật vào thời cuối nhà Hậu Lê, nổi tiếng là nhanh trí và ứng phó giỏi. Quỳnh làm quan trong triều, dùng tài hay chữ của mình để trêu chọc mọi người, từ Chúa đến dân hèn, từ giai cấp sĩ phu đến lớp người vô học. Ở đâu, lúc nào ông cũng tìm thấy đề tài để bỡn cợt, trêu chọc. Lâu dần, nhân vật Quỳnh đi vào dân gian, người dân kể cho nhau nghe, thêm bớt những chi tiết trong những câu chuyện về Quỳnh, khiến những chuyện kể bị dân gian hóa, trở thành huyền thoại, và cứ chuyện nào có tính châm chọc cay chua hay bỡn cợt đều được gán cho Quỳnh.

Trái với Quỳnh, Cuội xuất thân từ lớp dân nghèo, dốt nát, chịu không biết bao nhiêu sự áp bức. Vũ khí Cuội tự trang bị cho mình để sống còn là nói dối. Thành ngữ “nói dối như Cuội”, “hứa cuội” hay “nói nhăng nói cuội” đã nói lên điều đó. Cuội nói dối như thật, chỉ khi nào xong chuyện người ta phối kiểm lại mới biết bị lừa. Cuội dùng tài nói dối như thật của mình để phỉnh gạt người khác, nhất là những người giàu có, ỷ quyền thế, tiền bạc.

Ngoài ra còn phải kể đến hai nhân vật Ba Giai, Tú Xuất tuy không được biết đến nhiều và được coi là phó sản của hai nhân vật trên. Cũng vậy, so với các phần còn lại của đất nước, người dân miền Bắc che giấu mình kỹ hơn. Cách suy nghĩ “Nát giậu cũng còn bờ tre” hay “nào ai có khảo mà mình lại xưng”, v.v. chỉ rõ cho ta thấy người miền Bắc không chấp nhận thua kém, dù trên hình thức.

Miền Trung đất hẹp, nghèo nàn. Dân chúng không sống tập trung như đồng bào ngoài Bắc do phải phân bố dọc theo những mảng đồng bằng khô khan nhỏ bé cạnh bờ biển. Do điều kiện sinh sống vô cùng khó khăn, kinh tế không mấy phát triển, lại phải đương đầu gần như thường trực với thiên tai, không hạn hán thì bão lụt, người dân không có được nhiều cơ hội để tiếp xúc nhau, nên chúng ta không lấy làm lạ khi không thấy những nhân vật có tính cách đại chúng như Trạng Quỳnh hay chú Cuội. Vả lại, hình thể địa lý của miền Trung trải quá dài. Người dân thuộc Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh đã khác Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên; nói chi đến cư dân các vùng thuộc cực nam Trung Kỳ như Nha Trang hay vùng Tam Phan (Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết).

Một nhân vật dân gian của miền Trung là chú Lía, nhưng đó là một nhân vật lịch sử, xuất thân từ lớp dân nghèo, giỏi võ và có biệt tài chạy rất nhanh, nổi dậy chống quan lại tham ô và bọn cường quyền, bị quan quân triều đình bóp chết từ khi lực lượng còn trong trứng nước. Phạm vi hoạt động của chú Lía thuộc vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, tương đối gần với kinh đô Huế, nên không có nhiều ảnh hưởng đến người dân thường. Có chăng là còn lại trong câu hát ru con:

Chiều chiều én liệng Truông mây,
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.

Miền Nam chỉ mới thuộc về Việt Nam sau này. Khởi đầu là đất của Miên, sau do chính sách di dân theo kiểu tầm ăn dâu, người Việt chiếm dần lãnh thổ của người Miên.

Cũng phải ghi nhận công khai phá của những di thần nhà Minh và bộ hạ, không chịu theo Mãn Thanh như Dương Ngạn Địch vùng Cù Lao Phố, Nông Nại (Biên Hòa, Đồng Nai), hay Mạc Cửu ở Hà Tiên, sau đó dâng cho Chúa Nguyễn.

Những người Việt tiền phong phần đông là thuộc vùng Nam Ngải Bình Phú đi vào; một số khác là tù binh của Trịnh do Nguyễn bắt được trong cuộc nội chiến, hay là những tội đồ bị lưu đày. Họ là những người nghèo đói, những kẻ vong mạng, ít học… mong tạo cho mình một cuộc đời mới và họ tìm thấy nơi đây đất lành chim đậu. Họ đương đầu với thú dữ, muỗi vắt, thiên nhiên hoang dã nhưng giàu có và hào phóng:

Trên rừng muỗi kêu như sáo thổi,
Dưới nước đỉa lội như bánh canh

Xứ đâu có xứ lạ lùng
Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh

Chiều chiều quạ nói với diều
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm.

Người Miên không chịu được sự ẩm thấp nên chiếm hết các vùng cao ráo gọi là giồng do phù sa hai con sông Tiền và sông Hậu bồi đắp. Người Việt cứ thoải mái khai thác vùng đất hoang bạt ngàn. Những con người tiền phong đó cứ từng bước đặt những bước chân nam tiến vững chãi cho đến phần đất cuối cùng của bán đảo.

Trong số những người tiền phong đó có lẽ có một người trọng tuổi thứ ba, tên Phi, gọi theo cách miền Nam: Bác Ba Phi; cư ngụ và khai phá vùng U Minh, Cà Mau, vùng đất phèn thuộc lưu vực sông Ông Đốc. Bác Ba Phi phá rừng làm rẫy, ruộng, bắt cá, ăn ong… đem sản phẩm ra chợ Bảy Sào bán, mua lại khô, muối, vật liệu nông ngư nghiệp. Bác Ba Phi có lẽ là nhân vật rất điển hình của lớp người tiền phong khai thác vùng bên kia sông Hậu.

Thời gian Bác Ba Phi sống, qua các chuyện kể về Bác Ba Phi, có lẽ vào cuối thế kỷ 19 khi người Pháp đã đặt xong cơ cấu thực dân của họ. Những câu chuyện về Bác Ba Phi thường là những chuyện do bác kể lại sinh hoạt của bác, nhân những lúc trao đổi hàng hóa ở chợ Bảy Sào, phản ánh cá tính của người dân Nam bộ: xốc nổi, sống cho ra vẻ con người điệu nghệ… Bác kể chuyện sinh hoạt của bác, thêm mắm dặm muối trở nên hấp dẫn hơn, cường điệu hơn và thường chấm dứt một cách ngộ nghĩnh, thú vị bất ngờ, khiến người nghe bật cười thích thú, biết là người kể nói dóc mà cũng không giận vì chẳng hại gì cho ai.

Ta cứ hãy tưởng tượng, có một nông dân trạc trung niên, nhân lúc chờ con nước để bơi xuồng về, ngồi nhâm nhi ly rượu đế, kể những chuyện lạ mà người dân ở chợ không biết, và vì là những chuyện lạ nên mặc tình anh ta thêm thắt chi tiết, nhiều khi quá đáng (xem chuyện Tàu Rùa, Ba Phi làm lúa). Lâu dần, chuyện cứ lan ra, người ta thấy ngộ, kể đi kể lại, tam sao thất bản, riết thành chuyện dân gian.

Ở miền Nam, nhất là nông thôn vùng đồng bằng Nam Bộ, trong các lễ cưới, hỏi, ma chay, người dân thường hay tụ họp ở nhà gia chủ thâu đêm, họ kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện: tích Tàu, chuyện tiếu lâm… trong số những chuyện kể, đôi khi có những chuyện của Bác Ba Phi… Đến bây giờ, trong số các chuyện được kể lại không biết chuyện nào là chuyện do bác kể, chuyện nào là do chính người kể bịa đặt và gán cho Bác Ba Phi. Chỉ biết đó là những chuyện tiếu lâm không tục, những chuyện nói dóc có hệ thống mà người nghe thường chỉ nhận ra khi hết chuyện. Đó là lối giải trí nhẹ nhàng, dí dỏm, biểu thị tính cởi mở, xởi lởi của người dân miền Nam, và lúc nào cũng chấm dứt bằng câu: “hổng tin hỏi bả coi” như một khẳng định chuyện có nhân chứng hẳn hoi.

*
* *

Như đã nhận xét ở trên, nếu những chuyện kể dân gian phản ánh phần nào cá tính của người dân, thì qua những nhân vật điển hình của ba vùng kể trên, ta có thể nhìn thấy những khác biệt rất tiêu biểu trong cách ứng xử hàng ngày của người dân thuộc ba vùng khác nhau của đất nước, để qua đó chúng ta có thể hiểu biết sâu sắc hơn, dễ thông cảm cho nhau hơn và do đó dễ tha thứ cho nhau hơn. Có một cách nhìn tích cực, chúng ta mới mong xóa bớt những mặc cảm phân biệt địa dư lâu nay vẫn tiềm ẩn trong tâm tính người Việt chúng ta.

2. Chuyện kể về Bác Ba Phi

Những chuyện kể về Trạng Quỳnh có rất nhiều, và có những chuyện rất hay, biểu hiện sự thông minh, ứng xử bén nhạy, tinh tế… Những chuyện Quỳnh đấu trí với sứ Tàu là những chuyện thú vị, linh hoạt. Cũng có những chuyện khác, mà chúng tôi nghĩ do người kể gán cho Trạng Quỳnh, lâu dần chẳng còn biết đâu thật giả và thường để lộ rõ tính chất khôn lanh vặt, luôn tranh hơn với người khác, kể cả việc phải dùng đến thủ đoạn để đạt được phần hơn. Quỳnh không chịu thua bất kỳ ai, từ Vua Chúa, quan lại, bọn nhà giàu, đến ngay cả sứ Tàu, Vua quan Tàu… Quỳnh chỉ có thua đàn bà, bà Đoàn thị Điểm, có lúc phải nhờ vả đến cả bà Điểm để gỡ rối cho mình. Những chuyện kể về Trạng Quỳnh và Chú Cuội đã được xuất bản khá nhiều.

Chuyện về Chú Lía như đã trình bày ở trên, chúng tôi không có tài liệu, mong những bậc thức giả đóng góp thêm, hầu có thể bổ túc thêm vào di sản văn học dân gian Việt Nam.

Ở đây chỉ xin trích kể hai chuyện của Bác Ba Phi, một đọc được đâu đó trên báo trước 75 ở Sài Gòn (chuyện Ba Phi làm lúa) và một nghe kể trong một đám cưới ở nông thôn, Long Hồ – Vĩnh Long, sau 75 (chuyện tàu rùa). Chuyện chỉ kể lại theo trí nhớ, có thể có những khác biệt, mong nghe được những đóng góp khác của bạn đọc.

Ba Phi kể chuyện làm lúa

Hồi Qua với má sắp nhỏ về trấn trong đó, chung quanh chẳng có mấy người ở. Phải bơi xuồng cả buổi mới ra đến xóm nhỏ ở đầu vàm, chừng năm bảy nóc gia, trong đó có chú Phò người Quảng Đông mở một tiệm tạp hóa. Qua thường ghé đó đổi mật ong, sáp để lấy thuốc giồng và dầu cù là con cọp để xài từ từ. Khi nào bảnh cũng dám xài sang mua vài ký đường phèn để dành uống trà.

Bây giờ mấy em thấy Qua coi khỏe ru, nhưng hồi nẳm mới về cặm dùi ở trỏng, cực trần ai khoai củ… Trời vừa chạng vạng, quơ tay một cái, hốt cả bụm muỗi, nốc chừng xị đế, chun vô nóp mặc tình cho muỗi hầu tàn. Cá mắm thôi khỏi bàn, của trời để sẵn, cần cứ ra mương, vũng… miễn chỗ nào có nước, thọc tay xuống là bắt được cá, lóc cỡ cổ tay chê nhỏ thả bỏ cho lớn; lớn chừng bắp tay, cổ chơn mới chịu đem rộng trong khạp; ăn không hết, xẻ phơi khô, để dành ra chú Phò hay chợ Bảy Sào đổi mấy thứ cần dùng.

Cái cực nhứt là làm lúa! Hồi mùa đầu Qua mới về, nhân lúc nước nổi Qua phát ngày phát đêm, phá được chừng ba bốn chục công. Chừng nước rút cỏ nằm ủ một lớp dày cả thước, sang tháng ba, chẳng cần bừa trục gì ráo, qua có sẵn vài chục công nằm sẵn, chỉ chờ mưa xuống là sạ. Năm đó Qua đổi sẵn chục giạ giống rẩy xe của Miên, thứ này hột tròn mà trúng, lại ngon cơm mà nở nồi. Qua tính nhẩm một công cho chừng chục giạ thì giá chót qua cũng có hơn ba thiên lúa dư xài.

Chừng bắt đầu sa mưa, Qua ngâm, ủ cho giống no mình, nứt nanh rồi chất xuống ghe chèo riết vô đậu mé kinh. Đội thúng lúa giống lội chừng một đỗi thì tới ruộng. Mèn ơi, sao nghe trên đầu bung bung, hổng biết giống chi, chừng để xuống thì ôi thôi lúa không còn một hột, mà trong thúng đầy nhóc chim, vậy mới dị đoan chớ! Qua cứ hồ nghi không biết chuyện gì, ngó miết ra bờ kinh chờ má sấp nhỏ thì thấy bả chân cao chân thấp đội thúng giống trên đầu đi tới, còn trên đầu bả là một đám mây đen khi lượn lên cao, khi xuống thấp, qua cũng chẳng biết là cái giống gì. Chừng bả tới gần thì trời mẹ ơi! Chim! không biết là bao nhiêu con, cứ bay lên, xà xuống, chúi mỏ vô thúng lúa giống mà ăn. Chừng bả tới nơi, thúng giống cũng đầy nhóc chim. Thì ra xứ gì mà chim quá thể, nội chen nhau giành ăn không thôi cũng chết cả đống.

Điệu này thì làm sao mà sạ? Qua bèn nghĩ ra một kế thần sầu, Qua nói với bả bẻ một cành cây, khi đội thúng giống từ ghe lên thì một tay vịn thúng, một tay thì quơ nhánh cây trên miệng thúng, miệng thì hô hù hù cho chim nó sợ. Làm vậy mà một thúng khi vô tới ruộng rồi cũng chỉ còn hơn phân nửa. Chừng Qua bắt đầu sạ thì lúa giống chỉ còn đủ cho hơn chục công. Trối kệ! cũng cứ sạ chớ làm sao. Qua bắt dầu bưng giống xuống ruộng để sạ. Mới liệng chừng vài nắm thì nghe bả la: “Chèng đét ơi! Ông coi kìa có hột lúa nào rớt xuống ruộng đâu.” Qua dòm lại thì trời đất quỷ thần ơi! Chuột! Chuột cố, chuột ông, chuột bà, cha mẹ, con, cháu, chắt, chút, chít nhà chuột, hết cả họ hàng nội ngoại chú bác cô dì cậu mợ nhà chuột ra sắp hàng hàng lớp lớp dưới ruộng, há mỏ chờ Qua vãi nắm lúa nào xuống thì đớp hết trơn, chẳng rớt xuống ruộng một hột. Như vậy là công cốc! Qua với bả đành đội giống về lại. Lại vịn thúng, quơ cành, miệng hù đuổi chim lội ngược về ghe… Chừng về đến chòi thì chục giạ giống còn lại chưa đầy một giạ…

Vậy mà năm đó Qua thu về hơn ba thiên lúa.

– Nói dóc cha nội, không sạ thì làm sao có lúa mà gặt?

– Ậy! Đừng có nóng, chú em! Để Qua vô ly này nữa rồi kể tiếp cho em nghe, Ba Phi này nói phải có lý thôi, chú em.

Đánh trót ly rượu đế, Bác Ba Phi chậm rãi kể tiếp:

Chuyện như vầy: Qua về chòi ngồi bó gối nghĩ lung lắm. Mình bỏ xứ trôi nổi đến đây cặm dùi mà như vầy đành chết đói sao? Con chim, con chuột, con cá… con gì cũng sống, cũng sanh sôi nảy nở hàng đàn hàng lũ, mà con người như mình đành không có lúa gạo mà chết sao? Chỉ tại mình nghĩ không ra thế thôi!

Một bữa, xách mấy ký khô lóc xuống tiệm chú Phò đổi gạo, Qua bỗng nảy ra ý hay: Nhờ chú Phò gởi ghe hàng mua giùm mấy chục tay lưới, loại hai phân vuông, nói với chú bắt cá bán lấy tiền trả cho chú, vốn lời phân minh. Chú Phò một phần ham lời, một phần tin Qua nói không sai hẹn, nên khứng giúp.

Có lưới rồi qua lập thế giăng ngang đường chim bay về mỗi tối. Trời nhá nhem là chim mỏ nhác không thấy đường, nó chỉ bay theo thói quen, cứ vậy mà ghim đầu vô lưới. Qua cứ ở nhà đan bội chờ hốt chim đem chợ Bảy Sào bán, được bao nhiêu, sau khi mua các thứ lặt vặt, còn lại mua lúa chở về.

Chừng vài tháng chim bớt hẳn, cũng là lúc sang mùa nắng, Qua lại bện sậy làm đăng, thứ này thì thiếu gì, bện mấy chục tay đăng lại không đặng. Qua giăng đăng ngang bờ ruộng, dưới hướng gió, sau đó lội lên đầu gió châm lửa đốt.

Mớ cỏ lác, năng, bàng trong năm theo con nước lên cao nghều nghệu, chừng nước rút nằm sắp lớp dày cả thước, nắng tháng giêng, hai làm khô mặt trên nhưng bên dưới vẫn còn ẩm, cho nên lửa không bốc thành ngọn mà chỉ ngún ngầm trong cỏ, khói theo gió cứ luồn theo cỏ mà hun. Cả họ hàng nhà chuột bị khói cay mắt từ từ dồn về phía mé kinh, nơi có mấy tay đăng chờ sẵn. Con nào còn nhỏ chui lọt đăng, tha làm phước, con nào lớn dính lại hết. Cả ngàn con chớ ít sao. Qua bán không kịp đành lột da mổ bụng muối, lớp phơi làm khô, lớp nhận làm mắm. Mắm chuột ngon mà lại có giá vì lạ miệng.

Năm đó Qua trúng lớn, bán mớ khô chuột và mắm chuột Qua mua về cả mấy trăm giạ lúa nữa. Tính ra, vừa chim vừa chuột năm đó Qua thu về hơn ba thiên lúa. Hổng tin hỏi bả coi!

Tàu Rùa

Năm đó trời làm hạn hán. Nước rút dần xuống mấy đìa nhỏ, cá tép cũng theo nhau về chen chúc trong mấy cái vũng ngày càng nhỏ hẹp, chịu không nổi với cái nóng tháng Hai tháng Ba, thi nhau phình bụng nổi phều, chết ráo trọi. Chim chuột cũng thiếu thức ăn, tản cư đi đâu mất. Người còn phải chật vật, huống hồ là muông thú.

Có khá chăng là miệt dưới Năm Căn, Bảy Sào… ghe thương hồ ghé buôn bán, còn chút tấp nập chớ miệt đầu nguồn, dân phá rừng, ăn ong… sống nhờ vào thiên nhiên như Qua thì ở đâu đất lành chim đậu. Nói vậy chớ biểu Qua ra chợ hay nơi thị tứ kiếm sống, Qua xin chịu. Thảnh thơi quen rồi, không chịu được gò bó, ồn ào nơi đông đúc.

Thường thì Qua luôn tìm công việc gì đó để làm, khi thì đan mấy cái lờ, đặt dọc theo mấy đường nước, cũng đủ cá mắm cho hai ông cháu, qua với thằng Đậu qua ngày; khi thì qua lội vô rừng tràm gác kèo ong, chờ tới mùa, trúng cũng thu được vài chục lít mật. Năm nay bết bát quá, hai vợ chồng thằng con Qua, cha mẹ thằng Đậu, theo bạn gặt lên tuốt Châu Đốc từ hôm ra giêng, vừa ăn Tết xong, gửi thằng Đậu mới lên tám ở nhà hủ hỉ, cũng là để rảnh tay rảnh chơn mà gặt, hái…

Mới hôm đầu tháng rồi, nó nhắn về, nói công gặt cũng chẳng được bao nhiêu, vì bạn gặt các nơi đổ về đông quá. Nó nói nó cùng với mấy đứa bạn bán lúa công gặt, gom tiền lên Miên bao đìa tát, bắt cá làm khô, mắm, đem về miệt Châu Đốc, Long Xuyên bán, lấy tiền mua lúa lại đem về.

Qua nghe vậy thì hay vậy, ở nhà hai ông cháu chẳng chết đói đâu mà sợ. Thằng Đậu lớn lên trong rừng với Qua nên tuy chẳng học hành gì ráo, nhưng việc gì cũng làm được. Từ tóm câu đến đặt trúm bắt lươn… chuyện gì cũng rành. Tuy vóc không lớn lắm nhưng thằng Đậu mạnh cùi cụi và lanh như con sóc, xuống nước thì khỏi nói, nó lặn hụp như rái cá… Qua thương thằng Đậu lắm, những gì Qua biết, Qua đều chỉ cho thằng Đậu, hai ông cháu coi là tương đắc với nhau lắm.

Một lần, Qua với thằng Đậu theo đường nước chèo tuốt vào trong sâu, định tìm thêm chỗ gác thêm vài trăm kèo ong. Chỉ cần gạo đầy ảng, nước mắm đầy hủ… là đủ, tới đâu kiếm thức ăn tới đó, chim trời cá nước đầy ra đó, chỉ có mấy đứa làm biếng mới không có mà ăn. Tới đâu mệt thì cặm sào lại nghỉ. Chừng hơn ngày đường, Qua biểu thằng Đậu cột ghe nghỉ, dặn nấu cơm ăn và coi chừng ghe, còn Qua rảo lên bờ coi địa thế. Rừng hoang vu, không dấu tích con người lai vãng. Tràm mọc dày ken, Qua phải lách theo chỗ trống len tới.

Chừng cách xa bờ hơn trăm thước, bổng nhiên rừng như sáng ra, trước mặt là một cái bàu trước chắc cũng khá rộng, nhưng trời hạn đã thu hẹp phần nước. Bãi bùn chung quanh giờ đã khô cứng. Mà cái gì vậy kìa, đá ở đâu mà ai sắp đầy bãi, lớn nhỏ đủ cữ. Ủa! Đá sao mà cục cựa! Chừng dụi mắt nhìn kỹ thì chu cha quỷ thần ơi, rùa! Không biết ở đâu mà tụ về bàu, có lẽ tìm chút hơi mát của nước còn sót trong bàu do trời hạn quá lâu. Qua chạy ngược về ghe. Thằng Đậu nấu vừa xong nồi cơm thấy qua hớt hải trở về, vội hỏi:

– Gì vậy nội ?

– Đừng hỏi, đừng hỏi, để nội tính thử! Có nước trà rót cho nội một miếng

Chừng xong một bình trà, Qua biểu thằng Đậu:

– Đi! Đi theo nội! Đi bắt rùa.

Hai ông cháu lại len lỏi trở vào rừng, gom lá tràm khô và củi bổi chất giáp vòng quanh đìa, chỉ chừa lại một lối duy nhất ra sông. Thằng Đậu cũng đã quen ý Qua, nên cũng không hỏi đi hỏi lại, chỉ lo gom lá khô. Hai ông cháu làm tới chạng vạng mới vừa xong, lui về ghe. Xong, thằng Đậu lăn ra ngủ như chết.

Sáng hôm sau, khi thằng Đậu thức dậy thì Qua đã nấu cơm sẵn, hối thúc nó ăn cho chắc bụng. Chừng dọn dẹp xong, Qua lui ghe ra cặm ngoài sông, cách bờ chừng một tầm. Qua lôi từ trên ghe một miếng ván nhỏ, một đầu gác lên be ghe, đầu kia gác lên bờ. Qua cũng đưa cho thằng Đậu cây giầm dặn nó ở ghe đợi. Qua lại lội vào rừng, cầm theo con cúi… Chừng một khắc sau, rùa bắt đầu xếp hàng bò từ từ xuống bờ sông. Bây giờ thì thằng Đậu mới hiểu công việc Qua trù tính hôm qua. Qua bắt chước truyện Tam Quốc, dụng hỏa công phá trận Xích Bích Rùa, nhưng Qua còn tài hơn Gia Cát Khổng Minh là bắt rùa phải chạy về hướng mà Qua muốn… Chừng mấy anh rùa đầu tiên xuống đến bờ sông, Qua lượm đặt lên cầu ván đã bắc sẵn xuống ghe. Thế là cả đoàn quân rùa cứ theo anh đầu đàn mà lần lượt lên ghe. Từ trên bờ Qua còn la lớn kêu thằng Đậu:

– Con coi con nào lớn cho lên ghe, con nào nhỏ hất xuống.

Thế là thằng Đậu hờm sẵn trên ghe cứ lựa theo ý nội nó, miệng cứ tía lia:

– Thằng này lên, thằng này ở lại… thằng này lên, thằng này lên…

Mặt trời đã đúng bóng mà rùa vẫn cứ tiếp tục nối đuôi nhau lên ghe, dưới sông bì bõm không biết bao nhiêu là rùa bị thằng Đậu hất xuống, cố bám vào be ghe… Trời hơi xế thì ghe cũng vừa khẳm. Qua lên ghe sửa soạn nhổ sào, miệng kêu thằng Đậu:

– Đậu! Coi rút miếng ván, rồi đẩy mũi ghe ra.

Ghe được rút sào, cả mấy trăm con rùa dưới nước hai chân trước bám vào be ghe, hai chân sau bơi bơi trong nước, đẩy ghe chạy tới. Ban đầu còn đâm ngang đâm dọc, nhưng chỉ chừng vài phút sau Qua đã kềm được lái, cứ thế mà ghe chạy băng băng trên sông. Thằng Đậu ngồi trên mũi ghe khoái chí ca vọng cổ. Cả hai ông cháu chẳng phải chèo chống gì mà ghe cứ như có gắn máy rẽ nước chạy, dậy sóng cả một khúc sông, khiến mấy ghe nhỏ, xuồng con trồi lên hụp xuống. Một ghe ngược chiều la lớn:

– Bớ tàu! Bớ tàu! Bớt máy! Bớt máy!

Thằng Đậu ngồi đằng mũi ghe thích chí cười lớn trả lời:

– Tàu này chạy bằng sức rùa thì làm sao bớt máy được !

Mấy người hổng tin? Hỏi bả coi

3. Vài ý kiến

Chuyện Bác Ba Phi chỉ mới xuất phát gần đây và tương đối khá phổ biến trong dân quê miền Nam. Cũng như nhân vật Trạng Quỳnh ở ngoài Bắc, những chuyện kể nào có tính cách hơi phóng đại và ngộ nghĩnh đều được gán cho Bác Ba Phi.

Qua hai chuyện vừa kể, ta thấy ngay chuyện Tàu Rùa là chuyện do người kể gán ghép cho Bác Ba Phi… Nhưng qua loạt chuyện về Bác Ba Phi, chúng ta thấy tinh thần chịu khó, đơn giản, mộc mạc và thông minh của những người tiền phong trong việc khai phá vùng đất cực Nam của đất nước. Thiên nhiên miền Nam giàu có, hào sảng bao dung những người thất cơ lỡ vận, những kẻ phiêu lưu, những người làm chính trị thời Pháp thuộc bị lộ, muốn tìm cho mình một lý lịch mới.

Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Điệu thơ Lục Vân Tiên

(Sơn Nam – Hương Rừng Cà Mau)

Người Việt không có tính phiêu lưu, cực chẳng đã mới phải rời bỏ quê hương, nơi chôn nhau cắt rún mà đi. Đi tìm sự bình an, đất lành chim đậu, miền Nam trù phú, đón chào những bước chân tiền phong. Nhưng thiên nhiên không bao giờ cho không tài sản của mình. Những người tiền phong phải đổ mồ hôi, công sức để khai phá, phải đương đầu với muỗi mòng, đỉa vắt, thú dữ (đặc biệt là sấu và cọp) chịu đựng ẩm thấp, chướng khí… Họ đã khai phá miền Nam một cách linh hoạt. Những người tiền phong này thường ít học, mộc mạc đơn giản, thuộc tầng lớp nghèo khổ nhất của xã hội. Nhưng họ là những người giàu tính năng động không chịu trói mình trong khuôn khổ cứng ngắt.

Sách biên khảo về miền Nam còn quá ít so với những công trình tương tự về miền Bắc và Trung. Trước đây có vài công trình có tính khởi đầu của vài tác giả miền Nam như Huỳnh Minh (qua các cuốn Vĩnh Long Xưa và Nay, Gò Công Xưa và Nay…), Sơn Nam (Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam, Đồng Bằng Sông Cửu Long hay Văn Minh Miệt Vườn…) và gần đây có bộ Nam Kỳ Lục Tỉnh của Hứa Hoành . Bộ sách nói về các tỉnh xưa và nay của Huỳnh Minh thiên về địa dư chí và giới thiệu các thắng cảnh du lịch, di tích lịch sử cùng vài giai thoại nhỏ. Bộ Nam Kỳ Lục Tỉnh cũng là tập hợp những giai thoại, chuyện kể, ghi chép của tác giả về những vùng đất hai bên sông Tiền và sông Hậu và đúng như tác giả giới thiệu đó là những tài liệu giai thoại nghe được, thấy được; nên chưa thể coi đó là một biên khảo có tính khoa học; tuy vậy chúng ta cũng có thể gạn lọc ở đó một nguồn tài liệu lớn. Riêng hai cuốn Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam và Đồng Bằng Sông Cửu Long hay Văn Minh Miệt Vườn cùa Sơn Nam mang tính biên khảo nhiều hơn, nhưng chỉ mới có tính cách giới thiệu và có thể là những khởi đầu cho những công trình biên khảo lớn hơn, khoa học hơn của các tác giả sau này.

Tác giả: Hòa Đa

Đăng tải lại từ bài viết cùng tên trên tạp chí Chim Việt Cành Nam