Giai đoạn đầu của lịch sử Trung Hoa được gọi là thời kỳ Tiên Tần, được chia thành bốn thời đại là Hoàng, Đế, Vương, Bá. Người thống trị cao nhất ban đầu được xưng là Hoàng và Đế, họ tại vị vào khoảng thời gian dựng lập nước Trung Hoa nên cổ nhân gọi là thời kỳ Tam Hoàng Ngũ Đế.

Cổ nhân lý giải rằng Trung Hoa cổ đại gồm có hai mặt là kết cấu trạng thái tĩnh “Thiên, Địa, Nhân” và hình thức vận chuyển “Ngũ hành”. Bởi vậy, “Tam Hoàng” là chỉ Thiên Hoàng, Địa Hoàng và Nhân Hoàng. “Ngũ Đế” là chỉ Mộc Đế, Thổ Đế, Kim Đế, Thủy Đế, Hỏa Đế.

“Tam Hoàng Ngũ Đế” là các đế vương xuất hiện vào trước triều nhà Hạ và là những thủ lĩnh của các bộ lạc. Bởi vì họ có thực lực rất mạnh nên trở thành người lãnh đạo liên minh các bộ lạc thời bấy giờ. Sau này khi Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc vì để thể hiện mình có công lao “chí công vô thượng” nên đã chọn từ “Hoàng” trong “Tam Hoàng”“Đế” trong “Ngũ Đế” làm danh hiệu “Hoàng Đế” cho mình.

Trên cơ bản, vô luận là dựa theo truyền thuyết hay ghi chép trong sử sách thì đều cho rằng thời kỳ Tam Hoàng là có trước thời kỳ Ngũ Đế. Nhưng các học giả đời sau tự đặt một vị Đế mà họ tôn sùng vào vị trí “Tam Hoàng Ngũ Đế” nên tổ hợp danh sách tám vị này có chỗ bất đồng.

Lưu bản nháp tự động
“Tam Hoàng Ngũ Đế” là các đế vương xuất hiện vào trước triều nhà Hạ và là những thủ lĩnh của các bộ lạc. (Hình minh họa: Qua .sina.com.cn).

“Tam Hoàng”

Trong “Sử Ký. Tần Thủy Hoàng bản kỷ” viết, Tam Hoàng là Thiên Hoàng, Địa Hoàng và Thái Hoàng. Hơn nữa còn cho rằng Thái Hoàng là tôn quý nhất. Vậy Thái Hoàng là ai? Theo “Thái Bình Ngự Lãm” viết: “Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng là Tam Hoàng”. Cho nên, có thuyết pháp cho rằng Thái Hoàng ở đây chính là Nhân Hoàng.

Cả “Thượng thư đại truyện” “Bạch hổ thông nghĩa” đều cho rằng Tam Hoàng tương ứng là Toại Nhân, Phục Hy và Thần Nông. Nhưng trong “Vận đấu xu” “Nguyên mệnh bao” lại cho rằng Tam Hoàng bao gồm Phục Hy, Thần Nông và thần sáng tạo ra nhân loại là Nữ Oa. Theo “Đế vương thế kỉ” thì Tam Hoàng lại bao gồm Phục Hy, Thần Nông và Hoàng Đế.

Có thể thấy rằng có rất nhiều lý giải khác nhau về “Tam Hoàng” nhưng đều đồng nhất rằng trong “Tam Hoàng” có Phục Hy và Thần Nông. Vậy vị thứ ba rốt cuộc là ai? Có một số tư liệu ghi chép, cho rằng “Tam Hoàng” gồm ba vị sau:

  • Toại Nhân, Phục Hy, Thần Nông (“Thượng thư đại truyện”)
  • Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông (“Phong tục thông nghĩa”)
  • Phục Hy, Chúc Dung, Thần Nông (“Phong tục thông nghĩa”)
  • Phục Hy, Thần Nông, Cộng Công (“Phong tục thông nghĩa”)
  • Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Thái Hoàng (“Sử Ký”)
  • Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hòa (“Dân gian truyền thuyết”)
  • Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế (“Cổ Vi Thư”)

Cho đến ngày nay, thuyết pháp trong “Cổ Vi Thư” cho rằng “Tam Hoàng” bao gồm ba vị Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế là có ảnh hưởng và phổ biến nhất, họ cũng trở thành ba vị Đế Vương tối cổ nhất của Trung Hoa. Ngoài ra trong vĩ thư triều nhà Hán cho rằng “Tam Hoàng” là Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng, đó cũng là ba vị Thiên Thần. Thuyết pháp này cũng có tầm ảnh hưởng tương đối rộng rãi.

“Ngũ Đế”

Ba cuốn “Thế bản”, “Đại đới ký” và “Sử Ký. Ngũ Đế bản kỷ” đều xếp Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn là “Ngũ Đế”. Nhưng trong “Lễ ký” lại xếp Thái Hạo (Phục Hy), Viêm Đế (Thần Nông), Hoàng Đế, Thiếu Hạo và Chuyên Húc là “Ngũ Đế”.

Ngoài ra còn có truyền thuyết thần thoại cho rằng Thiên Thần ở ngũ phương hợp thành “Ngũ Đế”. Trong “Sử từ” thời Đông Hán viết rằng Thần ở ngũ phương bao gồm Thái Hạo (Thần phương đông), Viêm Đế (Thần phương nam), Thiếu Hạo (Thần phương tây), Chuyên Húc (Thần phương bắc) và Hoàng Đế (Thần ở trung tâm) hợp thành “Ngũ Đế”… Tổng hợp về cách xếp “Ngũ Đế” bao gồm bốn thuyết pháp như sau:

  • Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn (“Đại đới ký”).
  • Bào Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn (“Chiến Quốc sách).
  • Thái Hạo, Viêm Đế, Hoàng Đế, Thiếu Hạo, Chuyên Húc (“Lã thị xuân thu”).
  • Hoàng Đế, Thiếu Hạo, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đường Nghiêu (“Tư trị thông giám”).

Về sau này thuyết pháp cho rằng “Ngũ Đế” bao gồm Thiếu Hạo. Chuyên Húc, Đế Khốc, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn  được ghi chép trong tín sử “Thượng thư tự” được sử dụng phổ biến nhất.

Thân thế của 8 vị “Tam Hoàng Ngũ Đế”

Phục Hy Thị

Phục Hy Thị còn có tên là Bao Hy Thị, Bào Hy, Thái Hạo Phục Hy. Ông được coi là người sáng tạo ra nghề đánh bắt cá, tạo phúc cho dân. Phục Hy cũng sáng tạo ra Bát Quái và chế tạo ra Đàn sắt, đồng thời sáng tác các nhạc vũ “Lập cơ”, “Giá biện”. Về hình dạng, ông thường được mô tả là thân rồng đầu người, hoặc thân rắn đầu người, vì thế được người đời sau xưng là Long Tổ.

Thần Nông Thị

Thần Nông Thị là Viêm Đế trong truyền thuyết, là Thổ Thần chủ quản việc đồng áng. Ông được xưng là Thần về nông nghiệp, dạy dân trồng trọt. Ông còn là vị Thần về y dược. Tương truyền rằng Thần Nông chuyên đi nếm các loại cây cỏ và sáng lập ra y học.

Hoàng Đế

Hoàng Đế là thủy tổ của dân tộc Hoa Hạ, họ Công Tôn, tên Hiên Viên. Tương truyền rằng ông sống ở gò Hiên Viên nên lấy Hiên Viên làm hiệu. Hoàng Đế đã đánh bại được sự xâm lược của Xi Vưu nên được các chư hầu tôn làm thiên tử và để ông lên ngôi hoàng đế thay cho Thần Nông.

Hoàng Đế đã lệnh cho vợ là Luy Tổ dạy người dân nuôi tằm, kéo tơ dệt lụa và đại thần Thương Hiệt tạo ra chữ. Hiên Viên Hoàng Đế cũng sai Đại Nhiễu chế ra can chi để tính thời gian mà làm lịch, và sai Linh Luân chế tác ra nhạc khí…

Trong lịch sử, Nghiêu, Thuấn, Hạ, Chu, Thương đều là hậu duệ của Hoàng Đế  cho nên được xưng là “Con cháu Viêm Hoàng”.

Viêm Đế

Viêm Đế họ Khương. Vị thần này hình người đầu trâu. Khi Viêm Đế bị Xi Vưu đuổi đến Trác Lộc, ông đã cầu viện Hoàng Đế. Hai bên giao chiến một hồi ở Trác Lộc, Xi Vưu thỉnh Thần gió mưa làm mưa làm gió khiến cho Hoàng Đế lạc mất phương hướng. Hoàng Đế lại nhờ Thần hạn và Nữ bạt làm cho trời quang mây tạnh, và tạo ra “Chỉ nam xa” để phân rõ phương hướng. Kết quả trận giao tranh kịch liệt này là Xi Vưu bị thất bại, Hoàng Đế giành thắng lợi và được tôn làm Thiên tử.

Chuyên Húc

Chuyên Húc họ Cơ, hiệu là Cao Dương Thị. Theo Sử ký, Hoàng Đế và Luy Tổ có hai con trai là Huyền Hiệu và Xương Ý. Xương Ý được phong ở Nhược Thủy, lấy người con gái của thị tộc Thục Sơn là Xương Phó và sinh ra Chuyên Húc. Chuyên Húc là người kế vị Hoàng Đế.

Theo mô tả trong “Sử Ký” và “Ngũ Đế bản kỷ”, Chuyên Húc là người uyên bác, trầm tĩnh, có mưu lược. Sau khi Chuyên Húc kế ngôi, xa gần đều phục tùng, trở thành một vị vua quyền uy thời đó.

Đế Khốc

Đế Khốc họ Cơ, hiệu là Cao Tân. Theo “Sử Ký” của Tư Mã Thiên, Đế Khốc là con của Đới Cực, còn Đới Cực là con của Huyền Hiêu, và Huyền Hiêu chính là con trưởng của Hoàng Đế Hiên Viên. Theo vai vế, Đế Khốc là cháu họ của Chuyên Húc – cháu nội của Hoàng Đế và là người kế thừa Hoàng Đế.

Cũng theo Sử ký, ông là người nhân ái khiêm nhường, được thiên hạ theo về. Ông có khả năng tận dụng đất đai và tài nguyên, có tài lãnh đạo mọi người. Ông còn là người chế ra lịch phù hợp với quy luật sự vận động của mặt Trời và mặt Trăng, thành kính thờ tế quỷ thần.

Đế Nghiêu

Đế Nghiêu họ Doãn Kỳ, hiệu là Phóng Huân, là con trai của Đế Khốc, mẹ họ Trần Phong. Bởi vì ông đức cao vọng trọng nên dân chúng ái mộ xưng ông là Đế Nghiêu.

Ông là người nghiêm túc kính cẩn, yêu thương dân chúng, cao thấp rõ ràng, có thể đoàn kết các bộ tộc nên thời ông trị vì các bộ tộc sống chung đoàn kết như người một nhà. Đế Nghiêu gả hai con gái cho Thuấn, đồng thời sau một thời gian dài quan sát, cuối cùng ông đã yên tâm nhường ngôi cho Thuấn.

Đế Thuấn

Đế Thuấn họ Nghiêu, tương truyền rằng mắt của ông có hai đồng tử nên được xưng là “Trọng Hoa”. Sau khi được Đế Nghiêu nhường ngôi, ông làm tốt chức trách của mình, khai sáng cục diện “quốc thái dân an” thời thượng cổ. Cho nên, Đế Thuấn cũng trở thành vị minh quân Trung Nguyên cường đại nhất.

Sau này, Đế Thuấn quyết định truyền ngôi cho Vũ thay vì con trai mình là Thương Quân. Vũ lại lập ra nhà Hạ và các triều đại nối tiếp nhau ra đời.