Môn thể thao đua ngựa du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 cùng bước chân của những người lính Pháp. Và cùng với thú chơi này, nhiều trường đua quy mô lớn cũng xuất hiện tại Hà Nội.
Năm 1889, Hội Đua ngựa Hà Nội đề nghị Thống sứ Bắc Kỳ cấp khu đất nằm dọc theo đường Boulevard Gambetta (nay là đường Trần Hưng Đạo), giáp các làng Nam Ngư, Liên Đường và đường Cái quan (nay là đường Lê Duẩn) làm trường đua với diện tích 94.510m2. Năm 1890 việc xây dựng khán đài hoàn thành. Theo biên bản nghiệm thu ngày 07/10/1890, khán đài được chia làm 3 phần riêng biệt. Bên phải và bên trái là khán đài dành cho công chúng, chia thành 9 hàng, với sức chứa khoảng 70 khán giả. Khu vực trung tâm được sử dụng làm khán đài danh dự, lát gạch vuông, có chỗ cho khoảng 20 người.
Khu vực này sau đó được trưng dụng để xây nhà đấu xảo (vị trí ngày nay của Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội). Vì vậy, năm 1899, trường đua dời về khu vực gần vườn Bách Thảo, thuộc các làng Ngọc Hà (11 mẫu), Liễu Giai (6 mẫu 6 sào), Vĩnh Phúc (2 mẫu 3 sào), Kim Mã (5 mẫu 6 sào) và Vạn Phúc (4 mẫu 5 sào). Đây cũng là khu vực có Cung thể thao và lấy luôn tên là Quần Ngựa ngày nay. Chiều dài trường đua mới là 500 mét (hướng Bắc – Nam) và chiều rộng là 200 mét (hướng Đông – Tây). Ngoài ra, còn có một khu đất 10.000m2 ở phía Tây làm khán đài và bãi quây ngựa. Phủ Toàn quyền đã chi 12.000 đồng Đông Dương để đền bù đất đai và hoa màu cho các làng.
Theo dự toán chi tiết của Sở Nhà cửa dân sự, kinh phí cần thiết để quy hoạch trường đua mới là 10.138 đồng Đông Dương, bao gồm 7.158 đồng xây dựng khán đài và 2.980 đồng xây dựng các công trình phụ trợ (tàu ngựa, nhà vệ sinh, ki ốt âm nhạc và quầy rượu, barie đường đua, rào bãi quây ngựa). Năm 1900, trường đua tiếp tục mở rộng về phía các làng Ngọc Hà (2 sào), Vĩnh Phúc (7 sào 2 thước) và Kim Mã (2 mẫu 1 sào).
Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) nổ ra, trường đua sau nhiều năm không được sử dụng rơi vào tình trạng “tồi tàn, các công trình xây dựng trở thành hoang phế” khiến chính phủ Bảo hộ phải cho cải tạo lại. Cuộc đua ngựa đầu tiên sau Đại chiến thế giới (tổ chức vào ngày 16/7/1916 nhân kỷ niệm 127 năm Quốc khánh Pháp) đã thu hút sự chú ý của đông đảo quần chúng. Tuần báo Eveil économique de l’Indochine đã tường thuật về sự kiện này như sau: “Ngay từ 3h, đám đông đã bắt đầu kéo đến trường đua trên xe kéo tay, xe đạp, xe ngựa, xe hơi, và tỏ ra kinh ngạc khi thấy những công trình mà họ tưởng chừng hoang phế vĩnh viễn đã được thay áo mới, chiếm chỗ của các bãi cỏ và khán đài cũ… Rất đông người bản xứ ngồi lẫn với người Âu tại khu vực dành cho khách có vé”. Những người không thể mua vé thì tụ tập ở phần đất đối diện, trên đê Parreau (nay là đường Hoàng Hoa Thám), thậm chí trên cành cây để có thể quan sát trận đấu.
Môn thể thao đua ngựa lan rộng trong quần chúng dẫn đến sự xuất hiện của nhiều lò nuôi ngựa đua nhập từ nước ngoài. Năm 1899, theo gợi ý của bác sĩ thú y LEPINTE, chính phủ Bảo hộ cho nuôi ngựa ngay trong Thành Hà Nội và các cơ sở chăn nuôi tại Bạch Mai. Tuy nhiên, kết quả thu được không mấy khả quan. Do đó, nhiều trại ngựa giống được thành lập, điển hình là trại Nước Hai, Cao Bằng. Trước năm 1914, trại Nước Hai đã tiếp nhận 46 con ngựa giống Pháp và 34 con ngựa Australia rồi tiến hành lai tạo với giống ngựa bản địa. Năm 1914, trại Nước Hai bị xóa bỏ và chỉ mở cửa trở lại sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Kể từ giai đoạn này, trại nhập thêm nhiều ngựa giống từ Tunisia, Ấn Độ. Với giá bán dao động từ 90 đến 180 đồng Đông Dương/con, trong những năm 1924-1930, trại Nước Hai đã bán ra thị trường 113 con ngựa phục vụ nhu cầu của quân đội và thú đua ngựa của một bộ phận dân chúng (xem bảng dưới đây).
Năm | Số ngựa bán ra | Giá bán trung bình (đồng Đông Dương) |
1924 | 12 ngựa non và 7 ngựa cái tơ | 150 |
1925 | 4 ngựa non và 3 ngựa cái tơ | 90 |
1926 | 12 ngựa non và 8 ngựa cái tơ | 95 |
1927 | 1 ngựa non và 15 ngựa cái tơ | 145 |
1928 | 9 ngựa cái tơ | 150 |
1929 | 13 ngựa non và 10 ngựa cái | 150 |
1930 | 8 ngựa non và 11 ngựa cái tơ | 180 |
Sau nhiều biến cố của lịch sử, không gian rộng lớn của Quần ngựa ngày ấy giờ là Cung thể thao Quần Ngựa, nơi đã diễn ra các sự kiện lớn của Thể Thao Việt Nam như Sea Games 22, lễ bế mạc Asean Para Games, Asian Indoor Games III đồng thời cũng là địa điểm quan trọng phục vụ nhu cầu tập luyện, thi đấu thể thao và rất nhiều mục đích khác như: hội trường, họp, tổ chức biểu diễn…