Có một bộ phim Ý nổi tiếng – Cinema Paradiso (Rạp chiếu bóng Thiên đường) – mà tôi xem vào năm 1990 xa lắc lơ. Đó là câu chuyện một chú nhóc mê điện ảnh bắt đầu từ rạp chiếu bóng duy nhất trong thị trấn bé xíu trên đảo Sicily.

Bộ phim đằm thắm, nhẹ nhàng đưa tôi không chỉ đến nước Ý mà lạ thay đưa tôi về những rạp chiếu bóng thuở nhỏ ở Sài Gòn của mình. Những cái tên Rex, Eden, Văn Hoa, Đại Đồng, Long Vân… hiện lên trong tôi như những nơi chốn thần thoại, thu hút bọn con nít ngày xưa mê say viễn du vào thế giới vừa thực vừa ảo.

Những ai từng lớn lên ở một đô thị nhiều tiện nghi văn hóa chắc không thể nào đánh mất ký ức về các rạp chiếu bóng mà dân Sài Gòn quen gọi là rạp xinê (cinéma). Nhất là vào dịp lễ Tết, các rạp xinê là địa chỉ của những tiếng cười sảng khoái sau một năm vất vả.

1. Những rạp xinê lộng lẫy khu trung tâm

 “Ba tiểu thư” quý phái

Đêm Giáng sinh (24-12) vừa rồi, trên mặt tiền khách sạn Rex có một cây thông Noel khổng lồ được tạo hình bằng những bóng đèn trang trí sáng lung linh. Đông người qua lại ngắm nhìn nó như biểu tượng phục hồi sinh hoạt nhộn nhịp của trung tâm thành phố sau những ngày COVID-19 buồn vắng.

Trước khung cảnh tưng bừng đó, tôi ước chi được quay ngược thời gian để vào xem một bộ phim vui tươi của “vua hài” Charlot hay Louis de Funes ở “thiên đường lộng lẫy” bên trong tòa nhà Rex.

Từ thập niên 1960, Rex vốn dĩ không chỉ là khách sạn mà còn là cao ốc phức hợp bao gồm văn phòng, vũ trường, quán cà phê, nhà hàng, hồ bơi, sân tennis… Và đặc biệt, Rex có đến ba rạp xinê thuộc loại “trâm anh, đài các” từ cách thiết kế đến ghế ngồi, máy lạnh và phong cách phục vụ. Rạp lớn rộng mênh mông, khai sinh vào năm 1962 – đồng tuổi người viết.

Rạp Rex trước 1975 hay chiếu phim Âu Mỹ – Ảnh tư liệu

Rạp có hai tầng với khoảng 1.000 ghế và một màn ảnh “đại vĩ tuyến” bề thế. Hoa văn trang trí vách tường và trần nhà trong rạp đều là những đường nét màu lam ngọc thanh nhã. Ghế ngồi là ghế nệm bọc simili êm ái với màu xanh dạ trang trọng. Dàn máy lạnh của rạp chạy êm ru như “mang” cả Đà Lạt vào khán phòng.

Quý bà quý cô vào đây thường diện áo lạnh đủ màu đủ kiểu càng làm không gian trong rạp thêm sinh động và vui tươi. Trong lúc phim chưa chiếu, những bài hát du dương, phần lớn là tiếng Pháp, cất lên dìu dặt.

Rạp lớn có mặt tiền thênh thang đối diện với công viên Đống Đa, phía trước tòa đô sảnh. Trong khi ấy, hai rạp nhỏ mang tên Mini Rex A và Mini Rex B đều ra đời vào những năm 1970. Hai “nàng út” này e ấp, ẩn mình bên trong tòa nhà, gần vũ trường, có lối vào ở mặt đường Lê Lợi.

Mỗi rạp chỉ non 100 ghế và là ghế bành lớn, có thể ngồi cả đôi. Không gian rạp Mini be bé, vách tường khoác màu sôcôla ấm cúng nên mau chóng trở thành chỗ hẹn hò quý phái cho các cặp tình nhân!

Trước 1975, Rex nổi tiếng là rạp chuyên chiếu các phim Âu Mỹ mới “nhập cảng”, phần lớn là phim “chiếu độc quyền”. Với vị trí đắc địa ở trung tâm và khung cảnh thượng lưu, Rex còn là nơi biểu diễn ca nhạc và ra mắt phim mới, đón các đoàn văn nghệ nước ngoài hoặc là nơi diễn ra các sự kiện điện ảnh lớn như Ngày điện ảnh Việt Nam.

Người đi xem tại đây không hẳn là đi xem phim mà còn có thú vui được thưởng ngoạn một không gian giải trí thượng hạng, sau một vòng dạo đường phố Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tự Do (Đồng Khởi). Thỏa thích nhất là vào dịp Giáng sinh và Tết!

Với tôi thuở con nít, ấn tượng lớn nhất ở Rex lại là chiếc thang cuốn ở tiền sảnh dẫn lên khán phòng trên lầu. Ngày ấy, hầu như Rex là rạp duy nhất ở Sài Gòn “trình làng” chiếc thang cuốn hiện đại đầy “ma lực”.

Vé xem trên lầu dĩ nhiên mắc hơn vé dưới nhà, nhưng bọn nhóc chúng tôi mỗi lần vào Rex đều cố vòi vĩnh người lớn cho xem trên lầu để được đi chiếc thang “thần tiên” đó.

Nhà báo Phạm Công Luận còn nhớ lúc mới lên 10 từng xem tại đây một bộ phim hài khoa học giả tưởng của Mỹ có tên là Barbabella.

Trong phim, ở phần mở đầu, người ta cho xuất hiện cảnh “nude” của cô đào “bốc lửa” Jane Fonda chút chút nhưng rồi lại cho “chạy” những hàng chữ tựa phim đè lên càng làm phim thêm hấp dẫn.

Sau 1975, có nhiều năm Rex đổi tên là Bến Thành. Có lẽ vào khoảng những năm 1990, tên Rex được phục hồi khi đất nước trở lại với kinh tế thị trường.

Một trong những phim tôi xem lần chót tại Rex là L’Amant (Người tình). Phim có nhiều cảnh tái hiện phố xá Sài Gòn vào những năm 1930 rất công phu và cả những cảnh yêu đương được quay rất nghệ thuật.

Trong buổi chiếu ra mắt Người tình, người xem được gặp đạo diễn Jean-Jacques Annaud – người có mái tóc bạch kim xoăn xoăn và phong cách rất lịch lãm.

Đầu những năm 2000, không hiểu vì sao đơn vị chủ quản của Rex bỗng xóa đi cả ba rạp xinê. Tiền sảnh rạp lớn trở thành lobby mới của khách sạn, còn khán phòng hóa thành nhà hàng sân vườn. Riêng hai rạp Mini đã đổi thành hội trường nhỏ.

Than ôi, Rex trong tiếng châu Âu có nghĩa là “vua chúa”, vậy mà “bậc đế vương” vẫn phải chia tay những rạp hát của mình và bao thế hệ!

Các tờ quảng cáo phim chiếu ở rạp Rex và Eden từ sưu tập của nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp – Ảnh tư liệu

 Hai “đức ông” sang trọng

Đối diện Rex là khu thương xá và căn hộ Eden đồ sộ, hình thành từ những năm cuối 1940. Trong đấy có một rạp xinê tuy nhỏ hơn nhưng “thượng lưu” không kém.

Mặt chính của rạp nằm ở mặt đường Tự Do, bên cạnh nhà sách Xuân Thu. Trên vách sau của rạp, trông sang Rex, thường xuyên có panô vẽ hình quảng cáo phim đang chiếu giống như nhiều rạp khác ở Sài Gòn.

Bên trong rạp, khách ngỡ ngàng trông thấy dáng vẻ một nhà hát opera. Hiếm có rạp xinê nào ở Sài Gòn có đến hai tầng lầu như Eden.

Bảng quảng cáo phim đang chiếu ở phía sau lưng của rạp Eden, phía đường Nguyễn Huệ đối diện với rạp Rex – Ảnh Internet

Vào thời Pháp, hai tầng lầu đều được phân lô nên dấu tích còn lại là những đoạn bancông nho nhỏ có lan can bằng gang, thiết kế rất hoa mỹ. Thời sinh viên, vào những năm 1980, mỗi lần vào nhà sách Xuân Thu, tôi đều không cưỡng lại ý định sẽ rẽ qua hành lang dẫn vào rạp Eden.

Cái hành lang có những cửa hàng lưu niệm, quầy bán báo và cả tiệm cà phê xinh xắn tạo nên một không gian cổ điển rất “Tây”.

Tiếc thay, cách đây khoảng 10 năm, cả cụm nhà Eden đã bay “lên trời”, nhường chỗ cho tòa nhà Union Square đương đại. Ước chi chủ đầu tư có thể phục hồi quán Givral, cà phê La Pagode và cả rạp Eden nữa để bao người yêu quý chúng không phải đắng lòng mãi.

Trong khi đó, khoảng năm 1973 – 1974, rạp Thanh Bình cũ kỹ ở đường Phạm Ngũ Lão được xây lại. Nó trở thành một rạp xinê tối tân nằm trong một thương xá mới mẻ, mang tên là Quốc Tế.

Đây là rạp đầu tiên có màn ảnh cong, tạo cảm giác hình ảnh nổi, rất sắc nét. Cùng với máy chiếu công nghệ “Vistarama”, rạp còn áp dụng hệ thống âm thanh vòng quanh các vách tường cho nên khách thấy mình như được “sống” hẳn trong phim.

Tôi được xem bộ phim Mỹ khai trương rạp là Cuộc đua bay vui như tiên (Those magnificent men in their flying machines). Phim vui nhộn, nhiều cảnh “máy bay bà già” nhào lộn, xem trên màn hình cong càng lý thú…

Rạp Quốc Tế còn mang đến kiểu bán nước giải khát và bánh kẹo ngay trong rạp theo lối Mỹ.

Người bán đội calô trắng, khoác tạp dề sọc đỏ, đeo khay hàng trước ngực đi mời khách. Khoảng hơn một thập niên trước, rạp Quốc Tế và cả khu thương xá bị phá bỏ để làm chung cư cao cấp.

Thật tiếc cho những “thiên đường chiếu bóng” lộng lẫy ở trung tâm Sài Gòn năm xưa…

Dân Sài Gòn ở đâu cũng có “thiên đường chiếu bóng” theo túi tiền và sở thích. Chỉ cần một chiếc vé xinê rẻ hơn ngàn lần so giá vé máy bay, người xem như viễn du nhiều châu lục…

2. “Vương quốc” xinê một thời

Các rạp Rex, Eden và Quốc Tế đều là “rạp hạng nhứt”, phần lớn chiếu phim mới nhất, độc quyền và không để trùng nhau. Đi xem phim tại các “rạp sang” là thú vui đắt tiền hiếm hoi cho nhiều gia đình.

Rạp Casino Sài Gòn trước năm 1975 – Ảnh tư liệu

Thế nhưng Sài Gòn “thượng vàng hạ cám”, có đủ rạp xinê “hạng hai”, “hạng ba” hay kể cả “hạng bét” ở cả khu vực trung tâm và các xóm lao động. “Rạp sang” là rạp có máy lạnh, ghế nệm, chiếu theo suất. Rạp bình thường chỉ có quạt máy, chiếu pẹc-ma-năng (thường trực) vào lúc nào cũng được, đặc biệt chiếu liên tục hai phim, đều là phim cũ. Riêng dịp Tết, chỉ chiếu một phim, nhất là phim hài.

* Văn Hoa Đa Kao và Văn Hoa Sài Gòn

Dân Sài Gòn già hay trẻ ở đâu cũng có “thiên đường chiếu bóng” theo túi tiền và sở thích của mình. Chỉ cần một chiếc vé xinê rẻ hơn ngàn lần so với giá vé máy bay, người xem có thể viễn du nhiều châu lục, nhiều thời điểm và hòa mình vào những câu chuyện “hỉ nộ ái ố” trên màn bạc. Điểm lại Sài Gòn ngày xưa với dân số 2-3 triệu người, từng là “vương quốc điện ảnh” có hơn 60 rạp xinê, thế nhưng giờ đây rạp còn, rạp mất, phôi pha trăm nỗi.

Chiều chủ nhật 2-1-2022, tôi đi xem phim No time to die ở rạp Mega GS số 17 Cao Thắng. Sau gần hai năm không xem phim vì Covid-19, bước vào rạp, tôi bồi hồi không chỉ vì gặp lại anh chàng Jame Bond tài hoa. Không chỉ vì khung cảnh những gia đình tề tựu ríu rít. Và kìa, tuổi teen cười nói lao xao trước phòng vé. Trong tôi, còn có nỗi hoài cảm trở về chốn xưa, chứng kiến những thay đổi hoàn toàn.

Nơi đây chính là rạp Văn Hoa Sài Gòn của ông bác tôi – Trần Hữu Tuân. Trước khi di cư vào Nam năm 1954, bác Tuân đã có rạp xinê và nhà hàng ở Nam Định. Mới chân ướt chân ráo trên miền đất mới, gia đình bác đã gầy dựng lại cơ nghiệp xinê bằng cách xuống Mỹ Tho thuê rạp Định Tường. Chẳng mấy chốc, bác Tuân biến rạp vắng thành rạp đông khách.

Sau đó, bác “thôn tính” luôn rạp hát còn lại ở thành phố nhỏ bé và hiền hòa ấy. Và rồi, làm ăn khấm khá hơn, gia đình bác Tuân chuyển lên Sài Gòn dựng nghiệp lớn, mua đất và xây rạp ở khu Đa Kao – Tân Định trên đường Trần Quang Khải.

Bác Tuân khai sinh thương hiệu Văn Hoa, bao gồm rạp xinê cùng quán cà phê nhạc và máy lạnh – loại hình mới mẻ lúc đó. Ngôi biệt thự của bác được xây ngay bên rạp. Mỗi lần đến chơi nhà bác, tôi đều “chết khiếp” khi thấy đàn chó berger Đức cao to chạy ùa ra nghênh đón(!).

Những năm cuối 1960, bác Tuân mua lại rạp Việt Long cũ kỹ ở khu Bàn Cờ, “hóa phép” thành rạp Văn Hoa Sài Gòn. Từ ấy, để phân biệt với rạp mới, rạp cũ ở đường Trần Quang Khải được gọi là Văn Hoa Đa Kao. Hai chữ Văn Hoa vừa lạ, vừa đẹp cộng thêm các bí quyết về nhập phim và phục vụ khách, đã làm hai rạp xinê này tuy chỉ bậc trung nhưng thu hút khách không kém Rex hay Eden.

Rạp Văn Hoa Dakao – Ảnh Internet

Năm 1974, quyết chí thăng hạng lên “rạp sang”, bác Tuân cho phá rạp Văn Hoa Sài Gòn để xây rạp mới, cao to và lộng lẫy hơn, đặt tên là rạp Capitol, khai trương tháng 1-1975. Mặt tiền của rạp và nội thất bên trong đều lát gạch granite màu huyết dụ, nhập từ Ý. Hình ảnh trang trí trong rạp là những cành hồng trắng thanh tao. Ở đại sảnh, các poster phim khổ cực lớn được trình bày trong các khung kính trang nhã. Mặt khác, Capitol còn có rạp Mini với cầu thang đi lên hình xoắn ốc và thiết kế bên trong tạo cảm giác khách bước vào một “phi thuyền” rất kỳ thú.

Sau tháng 4 năm 1975, gia đình bác Tuân giao lại hai rạp xinê cho Nhà nước để đi xuất cảnh chính thức. Từ đấy đến cuối năm 1990, rạp Capitol đổi tên là rạp Thăng Long cùng với rạp Bến Thành (Rex) vẫn là hai rạp lớn nhất và hiện đại nhất của thành phố. Trước khi xuất cảnh, bác Tuân còn kịp nhận mấy đứa cháu họ vào làm nghề chuyển phim giữa các rạp và nghề soát vé. Các anh đều trở thành “công nhân viên” khi rạp chuyển qua quốc doanh. Cũng nhờ các anh, những năm sau đấy, nói ra thật mắc cỡ, thời sinh viên đói kém, tôi thường vào “coi cọp” thoải mái ở rạp Thăng Long.

Khoảng năm 2015, rạp Thăng Long lại bị “hóa kiếp” thành cao ốc Saigon Mall, nơi có các rạp nhỏ của hệ thống Mega GS. Cùng thời gian, rạp Văn Hoa Đa Kao cũng đã “chuyển hóa” thành cao ốc đa năng, bên trong có rạp CGV. Gia đình bác Tuân cũng như gia đình ông Ưng Thi – chủ nhân rạp Rex và rạp Đại Nam – chắc không ngờ nổi sau gần 50 năm những rạp xinê của mình đã “đầu thai” thành những tên tuổi khác!

Rạp Khải Hoàn xế chợ Thái Bình đường Cống Quỳnh – Ảnh Internet

Tờ quảng cáo phim rạp Văn Hoa Đa Kao và Văn Hoa Sài Gòn – Ảnh sưu tập của Huỳnh Minh Hiệp

* “Di tích” Casino, Vĩnh Lợi, Lê Lợi, Đại Nam…

Không xa Rex và Eden, ở trung tâm quận 1 còn có nhiều rạp hát khác, đông khách không kém. Trước nhất, phải kể đến rạp Casino Sài Gòn ở góc Pasteur – Lê Lợi. Rạp có từ thời Pháp, trang thiết bị “bình bình” nhưng có vị trí thuận lợi và còn hút khách vì có nhiều quán hàng ngon kề bên. Cái hẻm bên cạnh rạp được gọi là “hẻm Casino”, có đầy đủ hàng quán cơm, phở, bún thang, bánh cuốn và nhiều món ăn Bắc.

Mẹ tôi mách, bố tôi “nghiện” đi xem phim khuya tại đây, “nghiện” cả thú xem phim xong là có ngay phở nóng! Còn tôi thì không quên đối diện rạp Casino Sài Gòn có quán kem Mai Hương ngon “tuyệt cú mèo”. Trong lúc chờ xem phim hay lúc tan hát, khách vào đây, nhất là các cặp đôi, nhâm nhi ly kem lạnh, ngắm phố phường. Sau 1975, rạp đổi tên rất “oách” là Vinh Quang song “vinh quang” dần dà tắt lịm vào những năm 2000. Có một ít năm, rạp xinê này trở thành rạp hát kịch hài của “gánh” Phước Sang. Những năm gần đây, rạp Vinh Quang bị phá bỏ để xây nên khách sạn Liberty Central Saigon Citypoint, bên trong có rạp xinê hiện đại của hệ thống CGV!

Cùng hệ Casino, còn có rạp Casino Đa Kao nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, gần Cầu Bông, chỉ trang bị quạt máy, thu hút khách bình dân. Sau 1975, rạp đổi tên thành rạp Cầu Bông, không được đầu tư thêm, lúc nào trông cũng xập xệ. Bây giờ, rạp cũng đã “dẹp tiệm”, trở thành một cơ sở kinh doanh gì đấy, đợi ngày biến thành cao ốc mới. Từ rạp Casino Sài Gòn đi bộ vài bước đến giao lộ Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa, sẽ gặp một rạp xinê khác. Đó là rạp Vĩnh Lợi, một rạp nhỏ có mặt tiền trải dài, chiếu đủ phim “Âu Mỹ Tàu Ta”.

Rạp Casino Đa Kao -Ảnh Internet

Rạp Nam Quang khu chợ Đủi góc đường Lê Văn Duyệt và Trần Quý Cáp ( CM tháng 8 và Võ văn Tần) – Ảnh Internet

Những năm 1990, rạp cùng khu nhà kế cận bị bóc dỡ để làm cao ốc văn phòng của Hãng Daewoo. Nhưng rồi dự án ấy bị “đóng băng” do khủng hoảng tài chính, cả khu “đất thịt nạc” tạm thời trở thành chợ Sài Gòn Square, chuyên bán quần áo, giày dép cho du khách nước ngoài. Gần chợ Bến Thành, trên đường Lê Thánh Tôn, còn có rạp Lê Lợi chuyên chiếu phim cũ nhưng là phim chọn lọc. Nhiều năm nay, rạp nằm giữa dãy phố sầm uất, đã chuyển hóa thành phòng trà. Phía đường Gia Long (Lý Tự Trọng) có một rạp xinê nhỏ mang tên khá xưa là Long Phụng, nay trở thành rạp hát bội. Rạp này cùng rạp Diên Hồng (nằm sát Trường Thalmann, bây giờ chỉ còn là quán nhậu) từng nổi tiếng “chuyên trị” phim Ấn Độ. Khu vực Chợ Cũ, có hai rạp chuyên về phim Hong Kong, đó là rạp Nam Việt và rạp Kim Châu, cả hai đã thôi là rạp xinê từ lâu…

Khu vực mở đầu đại lộ Trần Hưng Đạo có một “di tích” lớn là rạp Đại Nam. Đầu những năm 1990, rạp Đại Nam “bốc hơi”, toàn tòa nhà được nước ngoài đầu tư làm mới, hóa thành tổ hợp khách sạn, nhà hàng, vũ trường khá đình đám. Gần Đại Nam có rạp Nguyễn Văn Hảo, có từ trước 1945, vừa là rạp cải lương vừa là rạp xinê. Rạp này sau 1975 đổi tên là Công Nhân, nay chỉ chuyên trình diễn kịch. Vật đổi sao dời, xem ra lịch sử các rạp xinê cũng là một bi hài kịch lâm ly…

3. Những thiên đường xinê bình dân

Lứa chúng tôi – trang lứa 6X – phần đông là dân các xóm lao động. Tuy ít nhiều từng chạm đến những rạp xinê lộng lẫy như Rex, Eden, Đại Nam, Quốc Tế, nhưng chúng tôi quen thuộc nhất vẫn là các rạp xinê bình dân.

Rạp Long Vân ở khu vực Ngã Bảy những năm 1960 – Ảnh tư liệu

* Rạp bình dân có gì vui lạ?

Những ai ở xóm Bàn Cờ không xa lạ với các rạp Đại Đồng, Long Vân, Nam Quang. Dân các xóm chợ Thái Bình và khu Cống Quỳnh thường đi các rạp Khải Hoàn, Hưng Đạo, Olympic, Quốc Thanh…

Bà con vùng Bà Chiểu thích vào rạp Huỳnh Long, Cao Đồng Hưng, Đại Đồng – Nguyễn Văn Học (nay là Nơ Trang Long). Dân Phú Nhuận là khách quen của rạp Văn Cầm và Cẩm Vân. Dân Hòa Hưng – Cống Bà Xếp có rạp Thanh Vân. Đi tiếp nữa, khu Ông Tạ có thêm rạp Đại Lợi.

Dân ở xa xa như quận 11 và miệt Cây Gõ có rạp Quốc Thái và rạp Tân Bình (Minh Phụng). Về phía Chợ Lớn, dân Sài Gòn khắp nơi tha hồ lui tới một chục rạp chuyên chiếu phim Hong Kong trên đường Đồng Khánh (Trần Hưng Đạo, quận 5) và Tổng Đốc Phương (Châu Văn Liêm).

Sài Gòn thời xưa hầu như quận nào cũng có các rạp bình dân lớn nhỏ, vừa là nơi hát bóng, hát cải lương, thoại kịch. Và kể cả đại nhạc hội với đủ loại hình văn nghệ thập cẩm.

Cái thú xem phim “rạp xoàng” có được trước nhất là do vé rẻ bằng phân nửa hay một phần ba so với “rạp sang”. Mặt khác, khách được thưởng thức liên tiếp hai phim, thông thường một phim Tây, một phim Tàu, coi như du lịch hai lục địa!

Chỉ vào các ngày Tết, các rạp bình dân mới chiếu một phim và là phim chọn lọc, nhất là phim hài cho khách xem “lấy hên”. Các rạp này chiếu “pẹc-ma-năng” – vào xem lúc nào cũng được. Càng khoái hơn nữa, trẻ em đi kèm người lớn thường được miễn mua vé!

Vào rạp, khách muốn ngồi đâu cũng được, vé thường không có số ghế. Trước rạp thường để hai ba khung căng tranh vẽ quảng cáo cho phim với nhiều hình ảnh và nét vẽ, câu chữ ngộ nghĩnh và hấp dẫn. Tùy tay nghề và cảm hứng của họa sĩ từng rạp mà tranh quảng cáo mỗi nơi mỗi khác.

Trước các rạp lại có đủ các quầy thuốc lá-kẹo-thịt bò khô và đủ loại thức ăn vặt để cầm vào nhâm nhi trong lúc xem phim. Ngoài ra, còn có các xe sinh tố-trái cây xay, trái cây tươi, bánh mứt, chè, nước dừa, nước ngọt. Chưa kể các hàng cơm tấm, bánh mì thịt, xôi gà. Cái “trung tâm ăn uống” đầy ắp vỉa hè đó hiếm có ở trước các rạp “thượng lưu”!

Rạp Đại Đồng Cao Thắng – Ảnh Internet

Song đã “bình dân” thì khách phải chịu xem phim cũ đã chiếu ở các rạp lớn từ nhiều tháng trước. Tuy vậy, có nhiều phim nổi tiếng “Tây Tàu” rất hay, được xem trễ cả năm vẫn đỡ ghiền lắm lắm.

Phim cũ, máy chiếu phim cũ, lâu lâu phim đang chiếu bỗng ngừng ngang. Lắm lúc, do cùng một phim mà “chạy” hai ba rạp, người đưa phim vì lý do xe cộ gì đó đến trễ thì khán giả tha hồ chờ để… nghe nhạc và ăn vặt!

Nhạc trong rạp vào lúc phim chưa chiếu thường là “tân nhạc”, đủ loại từ nhạc tình dìu dặt như Ngậm ngùi, Dư âm, Mộng dưới hoa đến “kích động nhạc” khuấy động bởi cặp Hùng Cường – Mai Lệ Huyền. Cổ nhạc với những câu vọng cổ ngọt ngào trong những tuồng tích lâm ly kiểu Lan và Điệp hoặc bi hài như Tình chú Thoòng, cũng được phát tùy theo “gu” khách của từng địa phương.

Phần lớn các “rạp xoàng” đều trang bị ghế gỗ, ngồi lâu ê cả mông, xui xẻo thì dính thêm rệp!

Dưới chân ghế, khách vào thấy xả rác vô tội vạ còn trên ghế thì phải dòm chừng có bã kẹo sơ-vin-gôm hay không. Thỉnh thoảng đang xem phim ngon ơ, khách bỗng giật mình vì có mấy “chú tí”… chơi rượt bắt chạy ào qua chân, có khi còn đau điếng vì lũ chuột đói cắn vào ngón chân.

Các rạp bình dân thường chỉ xài quạt máy gắn sẵn trên cao, đồng thời có thêm quạt máy đứng to đùng. Một số rạp trang bị máy lạnh hẳn hoi nhưng là máy cũ, khi chạy nghe tiếng máy rì rì và chỉ lạnh vừa vừa. Riêng chuyện nhà vệ sinh thì ôi thôi, nhiều hình ảnh hãi hùng, không nên nhắc tới…

Rạp bình dân là vậy song dẫu sao vì rẻ tiền và gần nhà nên vẫn là thiên đường trong tầm tay cho người dân các xóm lao động và chợ búa.

Dân buôn thúng bán bưng hay xích lô hoặc trăm nghề tự do còn tìm đến rạp bình dân để vừa xem phim vừa… ngủ hay “giải sầu” đôi ba tiếng. Các cặp bồ bịch có bóp ví “lép kẹp” xem đây là nơi hò hẹn thoải mái. Còn giới học trò “nhất quỷ nhì ma” có thêm chốn tụ tập vui chơi khi có giờ trống, thậm chí “cúp cua” trốn học!

Các tờ quảng cáo phim rạp Đại Đồng, Thanh Vân, Khải Hoàn, Thanh Bình – Ảnh sưu tầm của Huỳnh Thanh Hiệp

* Những rạp xinê đầu đời

Với bọn nhóc ngày ấy, có lẽ rạp xinê đầu đời không phải là nhà lầu to bự hay cao ốc nguy nga. Tôi không quên được nơi xem phim lần đầu lại là chiếc “xe thùng hát bóng” trước cửa Trường tiểu học Phan Đình Phùng khu Bàn Cờ.

Thuở những năm 1950 – 1960, loại xe chiếu phim lưu động này có mặt ở đủ các xóm nghèo của Sài Gòn. Đó đúng là một thùng sắt kín mít, gắn sau đuôi xe đạp hay xe gắn máy. Thùng đủ to, hai bên nhô ra khoảng bốn năm cái “ống nhìn” như kiểu ống nhòm nhưng có một miếng kim loại che chắn, gọi là màn trập.

Bọn nhỏ trả tiền năm mười cắc gì đó – chắc khoảng 500 hay 1.000 đồng hiện tại, thì được ghé mắt vào “ống nhìn”. Và rồi cái màn trập mở ra, thế là được bước vào cái rạp xinê tí hon, trông thấy nơi màn hình bên trong hiện lên phim trong vòng mươi phút.

Nào là Sạc-lô hay Tạc-zăng, nào là Zô-rô là những phim con nít ưa thích. Ngoài ra, còn có phim hoạt họa như Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Vịt Đô-nan. Ngạc nhiên và thích thú, có cả phim hoạt họa về giữ gìn vệ sinh, phòng ngừa vi trùng là phim tuyên truyền của ngành y tế.

Máy chiếu trên xe thùng là loại máy chiếu phim 8 li dùng cho gia đình, kêu rè rè. Còn phim, có lẽ là các đoạn phim nhặt nhạnh từ nhiều nguồn. Cố nhà văn Lê Văn Nghĩa có một tiểu thuyết rất cảm động, nhắc nhiều kỷ niệm lý thú về chiếc “xe thùng hát bóng” của “chú Hai Ngon”. Riêng tôi, còn có kỷ niệm về một chiếc xe “hát bóng” khác.

Chiếc xe này nhỏ hơn, không chiếu phim mà chiếu… ảnh, bây giờ gọi là slides hay đèn chiếu. Khi chiếu các ảnh về các xứ sở năm châu bốn biển, cảnh sắc rực rỡ, phong tục lạ kỳ, ông già chiếu phim làm luôn chuyện “thuyết minh” bằng chất giọng khàn khàn nhưng trầm bổng quyến rũ. Lạ hơn nữa, ông cụt một tay nhưng vừa điều khiển máy, vừa nói rất nhịp nhàng, thuần thục.

Hai rạp xinê thực thụ đầu tiên tôi được gia đình cho đi là Đại Đồng và Long Vân, cách khu chợ Bàn Cờ chưa đầy 10 phút đi bộ. Rạp Đại Đồng nằm trên đường Cao Thắng khá bề thế, hai bên hông có bãi giữ xe và lối thoát hiểm to rộng. Hai chữ Đại Đồng được đúc bằng ximăng, cao nghệu, đặt trên nóc rạp, trông rất “oai phong”.

Bên trong rạp để lấy ánh sáng tự nhiên vào giờ giải lao (tiết kiệm điện) thường có một đám nhóc tì chuyên đi đóng mở các cửa sổ trên tầng lầu. Trong khi ấy, rạp Long Vân ở đường Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ) gần vòng xoay Ngã Bảy có phần to lớn hơn và lịch sự hơn. Mặt ngoài rạp là một tòa nhà bốn năm tầng, bên trong rạp có máy lạnh. Khách vào xem có cả bình dân và trung lưu.