Không chỉ đẹp về kiến trúc, giá trị của cầu ngói Thanh Toàn còn được tôn lên nhờ nằm ở vùng quê có phong cảnh thơ mộng và giàu truyền thống văn hóa.
Bắc qua một con mương làng Thanh Thủy Chánh, thuộc xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu gỗ được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam.
Cầu được được xây vào năm 1776 bằng tiền cúng tiền của một người cháu gái thuộc thế hệ thứ sáu của họ Trần ở địa phương là bà Trần Thị Ðạo, nhằm giúp dân làng qua lại được thuận tiện đồng thời là nơi cho lữ khách cùng người tha phương tạm nghỉ chân khi qua làng.
Trải qua hơn hai thế kỷ, cầu đã nhiều lần bị hư hại do hứng chịu thiên tai cũng như sự tàn phá của chiến tranh. Sau mỗi lần cầu hư hỏng, người dân địa phương lại đóng góp tiền bạc, công sức để tu sửa, giúp cầu giữ được nét kiến trúc từ thuở ban đầu.
Kết quả đo đạc cho thấy, cầu dài 16,85m và rộng 4,63m, được xây dựng theo lối “thượng gia hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu) chia làm 7 gian. Cầu nằm trên hệ thống trụ đỡ có 3 hàng, mỗi hàng có 6 cột.
Hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để khách vãng lai nằm nghỉ hoặc ngồi tựa lưng.
Gian giữa cầu được thiết kế rộng nhất và ở đó cũng là nơi đặt bàn thờ để thờ bà Trần Thị Đạo – người khai sinh ra cây cầu.
Trên cầu có mái che, lợp ngói ống tráng men được sản xuất ở Huế.
Đỉnh cầu có một cặp phượng chầu mặt trời được khảm sứ, đem lại sự sinh động cho kiến trúc của cầu.
Không chỉ đẹp về kiến trúc, giá trị của cầu ngói Thanh Toàn còn được tôn lên nhờ nằm ở một vùng quê có phong cảnh thơ mộng và giàu truyền thống văn hóa.
Cây cầu lịch sử này là điểm đến mà du khách không nên bỏ qua mỗi khi ghé thăm xứ Huế.