Những người có đạo đức cao thượng thời xưa đều xem được mất của người như được mất của mình. Vô luận là trong phạm vi nhỏ như gia đình, bạn bè hay lớn hơn là một quốc gia, nếu ai ai cũng làm được điều đó thì dân giàu, nước mạnh mà thái bình yên vui.

Đạo trị quốc xưa: Xem được mất của người như được mất của mình
(Hình minh họa: Qua kknews)

Trong “Khang Hy gia huấn”, một trước tác mà hoàng đế Khang Hy viết để dạy dỗ các hoàng tử có đoạn:

Trong đối nhân xử thế của mỗi người, nên biết khoan dung tha thứ. Khi thấy người khác đắc được thì nên cảm thấy vui vẻ. Khi thấy người khác bị mất mát thì nên cảm thông. Những điều này đều có lợi cho mình. Nếu ghen tức với thành công của người khác, vui vẻ trên thất bại của họ thì sao có thể có quan hệ với người? Cổ ngữ có câu: Thấy người khác được thì giống như mình được, thấy người khác mất thì giống như bản thân mình mất. Người mà trong tâm có ý niệm này thì Trời tất sẽ bảo hộ.

Một người khi đối nhân xử thế, lúc nào cũng nên giữ lòng khoan dung, nhường nhịn. Thấy người khác có chuyện vui, vừa ý đẹp lòng thì nên cảm thấy vui vẻ, mừng cho họ. Khi người khác gặp phải những chuyện không vừa ý thì nên cảm thông, đồng cảm với họ và giúp đỡ họ. Cái tâm này lúc nào cũng có ích cho bản thân mình.

Nếu một người luôn ghen tị với thành công của người khác, vui vẻ khi thấy thất bại của họ thì làm sao có thể sống cùng mọi người được? Làm như vậy tuy rằng có thể không gây tổn hại đến người khác, nhưng trước tiên nó khiến cho đạo đức của chính bản thân mình trở nên bại hoại.

Hoàng đế Khang Hy lên ngôi năm 8 tuổi, tại vị suốt 61 năm, ông đã xây dựng được rất nhiều thành tựu to lớn. Những lời trong gia huấn được xem là sự tổng kết cuộc đời đế vương của ông, cũng là lời nhắc nhở đối với vị hoàng đế tương lai.

Là hoàng đế của một đất nước, nắm trong tay mọi thư, nhưng Khang Hy không hề cho rằng hạnh phúc của mình là độc lập với người khác. Ông hy vọng người dân trong thiên hạ đều hạnh phúc, sung túc. Bởi vì dân chúng có ấm no hay không cũng quyết định sự mạnh yếu của đất nước. Dân nghèo thì nước yếu, dân giàu thì nước mạnh. Khi người dân có việc vui, đương nhiên người làm vua cũng nên vui vẻ, khi dân chúng gặp phải tai họa, sống trong khổ cực, đương nhiên vua cũng cần phải lo buồn, cảm thông với người dân, cố gắng tìm cách giúp người dân vượt qua khó khăn, có vậy lòng dân và đất nước mới ổn định được. Thậm chí hoàng đế cần phải “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, như vậy mới là một vị hoàng đế đức hạnh.

Ngược lại, hoàng đế mà luôn đi ngược lại ý dân, ghen ghét khi dân chúng có việc mừng, vui sướng trên những mất mát của họ thì e là sớm muộn người dân cũng sẽ vùng lên. Đây không chỉ là thất bại về đức hạnh của bậc quân vương mà còn làm đất nước hỗn loạn, quả thật rất đáng sợ.\

Đạo trị quốc này kỳ thực cũng có thể áp dụng cho mọi mối quan hệ trong cuộc sống. Tục ngữ có câu: “Thêm một người bạn thêm một con đường, thêm một kẻ thù thêm một ngõ cụt.” Bạn bè từ đâu đến, kẻ thù từ đâu ra? Nói chung điều này đều xuất phát từ lòng phân biệt giữa người với người quá mạnh mẽ, cố chấp, đặt nặng cái tôi, khiến bạn thì ít mà thù thì nhiều.

Nếu một người có thể bỏ qua thành kiến, bỏ qua cái tôi, vui với niềm vui của người khác, xem điểm mạnh của họ như điểm mạnh của mình, nhìn nguy nan của họ cũng như nguy nan của chính bản thân, Xem được mất của người như được mất của mình, như vậy thì ắt có thần linh phù trợ, giống như cổ nhân thường giảng: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”. Đạo của Trời không phân biệt thân thích, nhưng người thiện lương thường bỏ qua cái tôi, bao dung ưu khuyết điểm của người khác, hợp với đạo Trời, nên làm việc thuận lợi, hoặc dẫu có khó khăn thì vẫn có thể hữu kinh vô hiểm, như là được Trời cao phù hộ.

Đạo gia giảng rằng: “Thiên nhân hợp nhất” (Trời và người hòa làm một), khi lòng chúng ta đến gần với đạo, phù hợp với lẽ trời, luân lý làm người và đặc tính của vũ trụ, thì chúng ta thật sự nhận được lợi ích. Ngọn nguồn của đạo đức tốt đẹp xuất phát từ tấm lòng rộng mở, khi chúng ta mở rộng tấm lòng để đối xử với mọi sự mọi vật, xem niềm vui của trời đất như niềm vui của mình, lại lo buồn vì nỗi lo của trời đất, thì khoảng cách của chúng ta đến với đạo cũng không còn xa nữa.

An Hòa