MỞ ĐẦU

THỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG : NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ TỰ HÀO DÂN TỘC

Từ 1959 đến nay, nghiên cứu thời đại Hùng Vương dựng nước là một công trình khoa học lớn:

– Đã phát hiện, thăm dò, khai quật phân tích hơn 200 di chỉ khảo cổ .

– Đã tổ chức 4 hội nghị khoa học chuyên đề (1969-1971). Đã xuất bản:

. Thời đại Hùng Vương (nhiều tác giả), nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971 (tái bản 1975), 271 trang. Giải thưởng Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam (đã in lại tại Pháp, Nhật, Ca-na-đa).

. Hùng Vương dựng nước (nhiều tác giả), nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 4 tập, 1970-1974, 1460 trang. Giải thưởng Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam.

. Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam (nhiều tác giả),viện bảo tàng lịch sử xuất bản, Hà Nội, 1975 v.v…

-Đã triển khai các cuộc triển lãm lớn: “Thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên” tại viện Bảo tàng lịch sử và tại nhà Bảo tàng Đền Hùng, triển lãm lưu động về thời đại Hùng Vương tại thành phố Hồ Chí Minh, Huế và nhiều tỉnh, thành phố, thị xã khác trong cả nước.

***

Những thành tựu đấu tiên của khảo cổ học ở các tỉnh phía Nam ở các di chỉ nổi tiếng như Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Dốc Chùa (Sông Bé)… đang góp phần thôi thúc các nhà nghiên cứu trở lại một lần nữa, ra sức tìm hiểu văn minh và lịch sử thời các vua Hùng. Đúng là mọi vấn đề của cuộc sống đến lúc chín muồi thì tự nó đòi hỏi phải được đặt ra, được giải quyết, và có sẵn điều kiện để giải quyết. Giới khoa học lịch sử Việt Nam hiện nay chủ trương một lần nữa tập trung lực lượng đẩy mạnh công tác nghiên cứu tìm hiểu sâu sắc thêm thời đại lịch sử các vua Hùng dựng nước là đáp ứng một yêu cầu phát triển khoa học nội tại.

Lê Văn Hảo – Nguyên hội viên Hội Á Châu Paris

CHƯƠNG I: TỪ TRONG MÂY MÙ HUYỀN THOẠI ĐẾN HIỆN THỰC LỊCH SỬ

Liên tiếp trong mấy chục năm ròng, giới khoa học lịch sử Việt Nam, đã tập trung nhiều cố gắng để xem xét lại hàng loạt vấn đề về thời đại Hùng Vương bấy lâu nay chưa sáng rõ.

Hàng trăm công trường khảo cổ đã được mở ra trên khắp mọi miền đắt nước.

Chỉ riêng miền Trung du và phía bắc châu thổ sông Hồng – nơi mà sử cũ và truyền thuyết gọi là đất Văn Lang hay Phong Châu – địa bàn của các vua Hùng, đã phát hiện được hàng trăm di tích, địa điểm cư trú, mộ táng, “công xưởng”, nơi chôn dấu tài sản, cùng hàng vạn di vật của tổ tiên.

Hàng nghìn di tích tín ngưỡng và phong tục cổ liên quan đến thời Hùng Vương cũng đã được kiểm kê, sưu tầm để gắng xuyên qua hư ảo mà nhận diện hiện thực của quá khứ.

Hàng nghìn trang văn trong kho sử cũ cũng được lật lại, soi rọi bằng những cách nhìn mới.

Hàng trăm sáng tác dân gian về thời Hùng Vương cũng được ghi chép thêm, phân tích lại để tìm cái lõi cốt của sự thực lịch sử náu mình sau mây mù huyền thoại.

Tiếng nói và tên gọi con người, sự việc, đất đai, sông núi … được bảo lưu trong ngôn ngữ cận hiện đại hoặc trong tư liệu cổ cũng được huy động, tìm tòi để khôi phục lại những âm thanh, ngôn từ của tổ tiên cùng ý nghĩa, giá trị của nó.

Hàng trăm bộ xương, đầu sọ của người cổ được lòng đất gìn giữ cũng đã được khai quật, đo, tính, để tìm lại hình hài, loài giống của tổ tiên.

Sau cùng, nhiều ngành khoa học tự nhiên, nghiên cứu từ đất đai, cây cỏ đến động vật, cũng tham gia đóng góp những đường nét cho bối cảnh của đời sống người xưa.

Tất cả những ngành và liên ngành khoa học đó, sử dụng những phương pháp chuyên môn của mình, đã tạo ra những luồng sáng khác nhau từ nhiều chiều hướng cùng rọi chiếu vào một điểm, để cuối cùng, dưới ánh sáng của một năng lượng nghiên cứu tổng hợp, đã thấy dần dần hiện ra, lung linh, rỡ ràng cả một thời mơ màng chìm đắm xa xưa…

Từ những chấm sáng như thế, vô vàn, liên kết lại, hình ảnh của cả một thời đại bộc lộ dần. Đây là một thời đại kéo dài từ hai đến bốn nghìn năm trước – đúng như truyền ngôn “mấy nghìn năm lịch sử” của chúng ta. Đấy là một thời đại xao động những biến cố hệ trọng: chuyển mình từ xã hội nguyên thủy sang xã hội giai cấp, xây dựng những thể chế đầu tiên của quốc gia và dân tộc, tiến hành chiến tranh để thống nhất và bảo vệ cộng đồng … đúng như cách mệnh danh ” THỜI ĐẠI DỰNG NƯỚC VÀ GIỮ NƯỚC ĐẦU TIÊN”

Đấy còn là một thời đại bồi đắp và định hình nền văn minh đầu tiên mang bản lĩnh dân tộc với một loạt thành tựu đặc sắc trong đời sống vật chất, xã hội và tinh thần – từ ngôi nhà sàn mái cong đến con thuyền đuôi én, từ những truyện kể kỳ thú đến chiếc trống đồng kỳ diệu… vừa tỏa rộng ảnh hưởng đến những miền đất đai xa xôi đương thời, vừa in dài dấu vết trong những thời đại lịch sử tiếp theo đúng như niềm tự hào mà Nguyễn Trãi xưa đã khẳng định:

” Nước Đại Việt ta vốn xây nền văn hiến đã lâu ” …

Đấy chính là thời đại Hùng Vương dựng nước mà từ bao đời nay, với nếp quen phụng thờ và tưởng nhớ tổ tiên, nhân dân ta vẫn giữ trọn niềm tin yêu sắt đá và hình tượng hoá thành các nhân vật tiêu biểu: VUA HÙNG

Khoa học hôm nay đã mở rộng khái niệm, củng cố độ bền và trả lại chiều sâu cho những sự kiện và con người hằng được quan niệm theo tư duy cảm tính để cho hợp và đúng hơn với phong cách và yêu cầu của thời đại mới.

Đồng thời, bên cạnh việc nghiên cứu khái quát và tổng hợp, vẫn tìm tòi chi tiết cụ thể, chẳng hạn về chính những vua Hùng, gần đây đã xuất hiện những dấu hiệu trực tiếp của một vùng “kinh đô” mà huyền thoại đã xây dựng kèm những lầu son gác tía, tiếng hát Trương Chi và nước mắt Mị Nương… hy vọng có thể sẽ tiến tới chỗ tìm được mộ táng của những vua Hùng ấy. Khi đó sẽ còn xuất hiện những cứ liệu tốt hơn nữa cho việc tìm hiểu và vẽ lại chân dung thời đại.

Huyền thoại bây giờ đang trở thành lịch sử.

Chúng ta hãy đốt nén hương lòng, kính cẩn hướng về những anh hùng dựng nước, hãy hành trình, hành hương vào chiều sâu lịch sử thiêng liêng của Tổ quốc ngàn năm…

CHƯƠNG II: HÀNH HƯƠNG VỀ ĐẤT TỔ

Xuất phát từ Thủ đô theo đường sắt, khởi hành từ ga Hà Nội đi ngược lên phía bắc theo tuyến Yên Bái – Lào Cai. Cũng có thể theo đường nhựa vượt cầu Long Biên sang Đông Anh đi trên quốc lộ số 2 theo tuyến Tuyên Quang – Hà Giang.

Tám chín mươi cây số hành trình, con đường sắt và đường nhựa ấy quấn quýt lấy nhau mà trườn từ đồng bằng cò bay thẳng cánh lên trung du múa lượn đồi gò và đầu tiên chập vào nhau ở cạnh dấu tích toà thành Cổ Loa vĩ đại, thủ đô của đất nước từ thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, nơi đang ngày ngày mọc lên san sát những công trình mới của một vùng công nghiệp phía bắc Thủ đô hiện đại, nơi mà các nhà địa lý – địa mạo coi là đỉnh thứ hai của tam giác châu thổ sông Hồng, thuận lợi lắm cho một vùng cư dân trù mật, xưa cũng như nay.

Vượt qua đất Yên Lãng với dấu vết tòa thành Hạ Lôi (Mê Linh) – tục truyền là nơi đóng đô xưa của Hai Bà Trưng, hai con đường sắt và đường nhựa chập vào nhau ở trên khu công nghiệp Việt Trì lô nhô những ống khói soi bóng trên dòng sông Lô trong xanh, dòng sông Hồng đỏ thắm và xa xa là sông Đà. Đỉnh thứ nhất của tam giác châu thổ sông Hồng là đây. Cũng là đây, nơi đóng đô của đất nước thuở khai nguyên…

Ngọn núi Hùng xanh như một trái tim

Từ cửa ngõ của miền “Đất tổ” này nhìn lên, đã thấy xa xa xanh thẳm ngọn núi Hùng mà nhân dân còn gọi bằng nhiều cái tên khác: Cổ Tích, Hy Cương, Nghĩa Lĩnh.

Ngọn núi Hùng xanh như một trái tim
Đập suốt bốn nghìn mùa xuân sinh nở…

Hình tượng thơ “trái tim xanh” này lạ mà đúng. Ngọn núi cao 175 mét cao vượt lên trên một vùng đồi gò nhấp nhô như sóng cuộn đến chân trời, um tùm rậm rạm cây cối tự nhiên và người trồng. Nhà nghiên cứu cây rừng đã thống kê được ở đây 150 loài cây khiến cho từ ga Tiên Kiên trên đường sắt, hoặc từ Bá Hàng trên đường nhựa còn phải theo một con đường đất đỏ như son, lên xuống uốn lượn giữa các triền đồi cọ và ruộng bãi mà đi vào ba, bốn kilômét nữa thì tới được chân núi, nhưng ai cũng thấy như núi đã sừng sững ở ngay trước mặt.

Và đây, dưới bóng hàng thông đại thụ ở chân núi phía tây vòm cổng đồ sộ của khu đền thờ tổ tiên xa xưa của toàn dân tộc đã hiện ra với đôi câu đối cổ (nguyên văn chữ hán):

Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông quy một mối
Lên cao nhìn rộng, nghìn trùng đồi núi tựa đàn con.

Không thể không ngẫm nghĩ về ý tứ bao quát mà thấu đáo của người xưa, trong khi vẫn vọng mãi bên tai âm hưởng mời gọi mà mô tả thật đúng hình thể núi, đền ba đợt dâng cao trong câu hát dân gian:

Này lên – này lên – này lên
Lên non Cổ Tích, lên đền Hùng Vương…

Khách hành hương bắt đầu đặt chân lên nấc đầu tiên của 95 bậc thềm vắt vẻo trườn qua cây rừng và dốc núi. Thế giới của lòng sùng kính anh hùng và niềm tự hào dân tộc mở dần ra, tạo nên một chất men hào

Có thể đi ngay đến đền Giếng ở phía sau núi, nơi có chiếc giếng Ngọc trong vắt giữa lòng ngôi đền nho nhỏ thờ hai con gái của vua Hùng, mị nương Tiên Dung và mị nương Ngọc Hoa – những thiếu nữ đẹp và dũng cảm mà truyền thuyết kể rằng xưa kia hằng ngày vẫn đến soi bóng trên bờ nước, chải mớ tóc dài…

Nhưng cũng có thể dành lại ngôi đền này đến cuối cuộc hành hương, mà trước hết hãy vượt 225 bậc thềm, lên thẳng đền Hạ. Ở bãi đất bằng trên sườn núi này, cùng với ngôi đền còn có gian chùa cùng gác chuông và tam quan. Tương truyền đây chính là nơi Mẹ Âu (Âu Cơ) đẻ ra chiếc bọc trăm trứng nở thành một trăm chàng trai tuấn tú, tổ tiên của dân tộc Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước.

Từ sau nơi sinh hạ của tổ tiên này, đi lên 168 bậc thềm nữa thì gặp đền Trung – ngôi đền được xây cất đầu tiên trong hệ thống miếu đền trên núi, với ý nghĩa ghi lại dấu tích của nơi các vua Hùng xưa đã thường ngồi bàn việc nước cùng các lạc hầu, lạc tướng. Qua vòm lá cành của cây cỏ quanh đền, từ nơi cao xa này đã thấy lồng lộng đất trời bên ngoài núi, nhưng hãy cùng nhau đi tiếp lên cao đợt nữa.

Một trăm lẻ hai bậc thềm cuối cùng là dẫn tới đỉnh núi với ngôi đền Thượng. Tương truyền, nguyên là ngôi miếu do chính vua Hùng đời thứ 6 dựng lên thờ ông Dóng, người anh hùng đã cùng với nhân dân chiến thắng giặc Ân xâm lược, xứng đáng lưu danh trong toà miếu mà nhân dân gọi là “ngôi điện giữa 9 từng mây”. Từ miếu ấy, bây giờ là một ngôi đền thờ chính vua Hùng, mái chìm trong mây. Và cũng là làn mây núi này sà thấp ấp ủ cho một công trình xinh nhỏ – trái tim nhỏ của trái tim “Đất tổ” – trang nghiêm im lặng nằm chếch bên đền: Lăng Hùng Vương.

Bên cạnh đền còn có cột đá thề tương truyền do vua Thục dựng lên để thề với vua Hùng thứ 18 rằng muôn đời sẽ cúng tế nhà Hùng, tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Từ những công trình kiến trúc tượng trưng ấy, nghĩ suy về đất nước và lịch sử, nghĩ suy về cuộc hành trình mà xuất phát từ chính nơi đây dân tộc ta đã đi dài suốt mấy nghìn năm để tới ngày nay, hãy phóng tầm mắt mà nhìn mãi ra xa.

Dưới bầu trời xanh bao la là một cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ: Khắp nơi đều có những ngọn đồi lô nhô to nhỏ thấp cao với hình thể hổ phục, voi chầu phượng múa, rồng bay… Trước mắt, dải lụa sông Hồng mịn màng uốn khúc, và xa xa, trong ánh nắng mai, nắng chiều nhạt mờ, hay giữa giờ khắc trong sáng chói chang của nắng trưa, dải lụa trắng sông Đà, sông Lô trải dài trên những cánh đồng xanh rờn chảy xuống nhập với sông Hồng chan hòa giữa ngã ba Hạc mênh mông. Đồi cây, ruộng đồng trải rộng tít tắp chen với những chấm đỏ của mái ngói và màu sẫm của những cột điện cao thế, những ống khói của khu công nghiệp Việt Trì.

Đấy là nơi các vua Hùng đã từng phóng ngựa đi săn, dạy dân trồng lúa, làm thuỷ lợi, xây dựng kinh thành. Rặng Tam Đảo hiểm trở nhô cao cột tháp vô tuyến truyền hình, nổi lên trên nền xanh trù phú ấy, ở phía bên trái nối xuống hòn Sóc Sơn, nơi ông Dóng (Thánh Dóng) vứt bay lên trời sau trận thắng giặc Ân. Và bên phải sừng sững ngọn Ba Vì hùng vĩ đang xanh tốt những nông trường trồng dứa và tung tăng những đàn bò, nơi ông Tản (Sơn Tinh) để lại kỳ tích thắng giặc lũ lụt.

Tất cả như chầu về miền Đất tổ này – một miền cao quí của cả xứ sở nghìn đời lao động và chiến đấu, dựng nước và giữ nước, với trái tim yêu nước nồng nàn.

Ở đây cũng như ở nhiều miền quê hương Tổ quốc chúng ta, mặt đất san sát những dấu chân, dấu chân người sau đặt lên dấu chân người trước. Không mệt mỏi. Và, hướng tới tương lai…

CHƯƠNG III: KHƠI NGUỒN TRUYỀN THỐNG THỐNG NHẤT VÀ VĂN MINH

Phía tây chân núi Hùng, ở cổng chính dẫn lên đền Hùng, khách hành hương đứng trước câu đối giàu ý nghĩa:

Thái thuỷ khai cơ, tứ cố sơn hà quy bản tịch
Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tử thi tôn.
(Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông quy một mối
Lên cao nhìn rộng, nghìn trùng đồi núi tựa đàn con)

Sự nghiệp của tổ tiên ta ở thời đại Hùng Vương, càng suy ngẫm càng thấy lạ, thấy hay, thấy nhiều màu vẻ, mà càng lùi xa nhìn ngắm từ vị trí của thế hệ mấy nghìn năm con cháu bây giờ, càng thấy trong đó nổi lên kỳ vĩ công trạng “mở lối, đắp nền, bốn mặt non sông quy về một mối” đúng như nhận thức mà người trước đã truyền ghi ngay ở trước đền Hùng để nhắc nhở người sau. Trước buổi bình minh của lịch sử dân tộc.

Bởi đã qua rồi những nghìn, những chục nghìn năm tổ tiên nguyên thủy, từng thị tộc, vài chục người, trú náu trong các hang động Hòa Bình, Bắc Sơn, ghè đẽo qua loa những mảnh cuội suối, cuội sông làm đồ dùng, nhặt từng hạt, củ, bắt từng con ốc để nuôi mình, và ngoài việc kiếm sống ấy, chẳng còn là bao công sức, thời gian và tâm trí để đóng góp cho đời sống văn minh đích thực của con người.

Đã đến lúc những bộ lạc người Việt cổ, ngoài việc chiếm lĩnh khắp miền núi rừng Đông Bắc, Tây Bắc, dọc Trường Sơn, còn đủ thế và lực để tràn ra khai phá từ miền biển Đông nước mặn đến đồi gò trung du và cả miền đồng bằng đầm lầy, với nền kỹ thuật đã được suốt một thời đại đồ đá dài dặc đưa tới đỉnh cao cuối cùng.

Văn minh có điều kiện để xây đắp nhiều hơn và lẽ ra phải có được một đài cao thành tựu và biểu hiện với quy mô lớn lao tương xứng. Thế nhưng, gạn lọc từ những văn hóa khảo cổ thời đá mới muộn với những đặc trưng gần gũi và có tuổi trên dưới bốn nghìn năm – từ văn hoá hang động ở rừng núi đến văn hoá sông nước ven biển hoặc văn hoá đồi gò trung du và đồi đất đồng bằng – lại thấy phổ biến một quy mô tản mạn và một tình trạng phân tán. Rõ ràng là còn sự rời rạc bộ lạc – chỉ trên một miền đất nước mà sử cũ đã nhắc tới con số 15 bộ lạc – thì quy mô và tình trạng kém văn minh này còn ngự trị.

Trong khi đó đã hiện ra nguy cơ có thể thủ tiêu ngay chính nền văn minh còn đang độ manh nha ấy từ những thế lực bành trướng khổng lồ ở các phương trời xa đã tập hợp xong các sức mạnh đen tối của nó.

Một quá trình diễn biếnvăn minh kỳ lạ: Từ Văn hoá Phùng Nguyên đến Văn hoá Đông Sơn rực rỡ

Chính vào lúc này, theo dõi những hiện tượng khảo cổ học trong khoảng thời gian từ ba đến bốn nghìn năm trước ở đất nước ta, bổng thấy xuất hiện một quá trình diễn biến văn minh kỳ lạ.

Từ địa bàn quanh đỉnh tam giác châu của đồng bằng phù sa sông Hồng, nền văn hoá khảo cổ Phùng Nguyên vừa khởi sắc, vừa toả ra những ảnh hưởng của mình để rồi từ đấy hình thành và phát triển nền văn hoá khảo cổ Đông Sơn rực rỡ, trùm lên trên và thay thế tất cả các văn hoá khảo cổ khác trong kỷ nghìn năm cuối cùng trước Công nguyên.

Giở lại những trang sử cũ ghi chép về thời đại này, chúng ta lại gặp những dòng chữ cô đọng nói về nhân vật Hùng Vương, được xưng tụng là “người kỳ lạ” Phong Châu – đều là tên gọi xưa của vùng “Đất tổ” quanh nơi hội lưu của các dòng sông, sông Hồng, Đà, Lô – thu phục được các bộ lạc mà thành lập một cộng đồng lớn mạnh hơn và dựng  nước Văn Lang với kinh đô Phong Châu.

Trong khi đó, bằng những hình tượng và tình tiết tráng lệ, truyền thuyết dân gian cũng khơi ra một dòng truyện kể tràn đầy sức hấp dẫn về cội nguồn các vua Hùng là từ sự giao hoà giữa Bố Rồng (Lạc Long), tiêu biểu cho các tập đoàn người Việt Cổ vùng văn hoá sông nước ven biển, và Mẹ Âu (Âu Cơ), tượng hình của các cộng đồng cư dân miền văn hoá núi đồi ở Việt Trì – Bạch Hạc; về vua Hùng cùng các tướng tá, các con gái, con trai, con rể… chiến thắng giặc ngoại xâm, điều khiển kỳ công trấn ngự giặc lũ lụt, tìm ra dưa hấu, và làm bánh chưng, bánh giầy, dạy dân gian điểm và múa hát, khai phá đảo hoang và đầm lầy, mở rộng đất đai cương vực…

Tất cả các nguồn thông tin khác nhau như thế không có gì khác hơn là sự phát sáng hay ánh xạ của một tiến trình lịch sử vĩ đại “mở lối đắp nền, bốn mặt non sông qui một mối” ở thời đại các vua Hùng.

Kết thúc được sự phân tán, tản mạt như vậy chính là sự vượt lên của văn minh. Văn minh được bảo vệ cũng chính là nhờ đó. Và cũng chính là vì thế mà tạo ra được sự phát triển mạnh mẽ hơn của văn minh. Những quan hệ biện chứng ấy của phạm trù văn minh đều chằng chéo qua một hạt nhân cơ bản: Thống nhất.

Chính sự thống nhất đất nước được thực hiện lần đầu tiên ở thời đại các vua Hùng là một tiền đề quan trọng để nở rộ nền văn minh rực rỡ thứ nhất của dân tộc: Nền văn minh sông Hồng.

Sự thống nhất ấy đã xoá bỏ được những ranh giới từ lớn như cả một vùng đèo Ngang hay Tam Điệp, đến nhỏ như một khúc sông hay vạt rừng, từng chia cách các bộ lạc, đặng chuyển hoá không phải chỉ theo cấp số cộng những số dân, năng lực và tài nguyên của liên minh bộ lạc, mà là theo cấp số nhân, để thành cả một sức mạnh tổng hợp của một khối cộng đồng gắn bó, gồm khoảng một triệu người – một số dân có ý nghĩa rất đáng kể vào thời điểm bấy giờ – ở trên một địa vực liền khoảng rộng lớn và giàu có từ phía nam đèo Hải Vân tới mãi vùng rừng núi xa ở phía bắc: Địa bàn nước Văn Lang của người Việt Cổ.

Trong lịch sử, đây là lần thứ nhất xuất hiện một sức mạnh với một chất lượng mới lạ như vậy. Cho nên nguồn đất nguyên khai màu mỡ ấy mới thúc nở được cả một mùa màng văn minh rực rỡ, với sắc màu vàng óng của lúa nếp và đồng thau, với những âm thanh hùng tráng của trống đồng, cồng chiêng, cùng tiếng khèn dặt dìu, tiếng chuông nhạc thánh thót và tiếng sênh phách giòn giã; với bóng hình đồ sộ mà duyên dáng của những ngôi nhà sàn mái cong và những con thuyền vọng lâu đi biển; với sức nóng của các lò luyện kim và vòng xoay nhanh của những bàn nặn chuốt gốm, tiện khoan đá; với đường nét hoa văn đối xứng hài hoà và tinh vi trang trí trên khắp các vật phẩm; với sự chăm nom ân cần và hợp thức cho những lứa trẻ sơ sinh, những đôi gái trai và những người lìa đời: với những vua Hùng cùng lạc hầu, lạc tướng và dân làng chạ gắn bó trong một thể chế chững chạc mà khoan hoà…

Chính những vùng đất mãi xa ngoài đảo khơi hoặc nằm sâu trong đất liền, từng tiếp nhận sâu sắc những ảnh hưởng của nền văn minh sông Hồng, làm chứng về sức chiếu sáng của nền văn minh ấy ở Đông Nam Á đương thời. Cũng như sự bất lực của cả một nghìn năm xâm lược, thống trị và đồng hoá của bọn phong kiến phương Bắc, cùng với hiệu quả của những truyền thống xã hội và văn hoá trong suốt một nghìn năm sau đấy nữa, đã thừa nhận sức ăn sâu của nền văn minh này vào chiều dài lịch sử Việt Nam.

Mối quan hệ giữa Thống nhất và Văn minh đã một lần xác lập và được chứng minh ở thời đại các vua Hùng, sẽ được tái hiện và phát triển ở các thời đại sau.

Nói văn minh là nói đến sự kết tụ: kết tụ của sự phát triển kỹ thuật sản suất, kết tụ của sức sáng tạo nhân dân, kết tụ của tâm hồn dân tộc. Bốn mươi thế kỷ trôi qua, cho đến hôm nay, chúng ta càng thấy rõ: Tất cả sức mạnh, tinh hoa, bản sắc, tâm hồn và truyền thống dân tộc Việt Nam hình thành trong lịch sử, đều có mầm mống đầu tiên từ một ngọn nguồn là nền văn minh Việc cổ của thời đại của các vua Hùng dựng nước.