Bài này đăng phóng ảnh một bức thư 18 trang thủ bút của ông Trương Vĩnh Ký gửi cho đại biểu Blancsubé, về việc ông từ chối vào quốc tịch Pháp. Kèm theo là bản Việt dịch thư này do dịch giả Nguyễn Bích Thu thực hiện.

Tài liệu được tìm thấy tại Thư Viện, Viện Thông Tin Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, dưới nhan đề “Trương Vĩnh Ký. Lettres relatives à la question de la naturalisation”, Saigon: [s.n.] 1881. (24 tr.) [số hiệu kho là OCTO 11541]

*

Gởi Ông Blancsubé Đại Biểu Nam Kỳ,
Tháng 10, 1881

Thưa Ông Đại Biểu,

Theo lời yêu cầu khẩn cấp của Ông, tôi đồng ý gởi đến ông kèm đây những nhận thức về dự án gia nhập quốc tịch Pháp. Những kết luận của cuộc nghiên cứu này không phản ánh cảm xúc cá nhân tôi mà chỉ là suy luận từ thực tế và quy ước quen thuộc và cũng diễn tả chính xác cảm xúc dân gian nói chung.

Ông sẽ biết những thuận lợi mà chính quyền Pháp đã cho cá nhân tôi ngoài chức vụ này. Ông cũng biết là vì lòng ủng hộ tất cả những gì tiến bộ và văn minh, trong thâm tâm tôi là người Pháp và sẵn sàng trở thành công dân Pháp. Nhưng đây không phải là ý kiến của đa số. Tôi nghĩ có bổn phận trình bày sự thật, dù khác ý kiến cá nhân tôi, vì ông đã được kêu gọi thảo luận về vấn đề quan trọng này, tôi chỉ gởi cho ông những nhận thức tôi cho là tuyệt đối chính xác và hơn nữa chỉ là kết quả hợp lý của định chế chính trị của chúng ta.

Xin Ông Đại Biểu nhận nơi đây lòng thành kính của tôi.

Ký tên: P. Trương Vĩnh Ký.

*

Kính thưa Ông Đại Biểu,

Về vấn đề quan trọng là việc gia nhập quốc tịch Pháp của dân An Nam, Ông đã nghĩ đến tôi để tham khảo về những khó khăn và chống đối có thể xảy ra trong khi thực hiện dự án này.

Theo sự mong muốn của Ông, tôi đã nghiên cứu chi tiết và tỉ mỉ vấn đề gia nhập quốc tịch Pháp. Ngày hôm nay tôi vinh dự gởi Ông kết quả của những suy luận của tôi.

Cũng như Ông đã nói rõ với tôi, tôi cũng thấy là việc gia nhập quốc tịch Pháp chỉ có thể thực hiện được với những người An nam theo Thiên Chúa Giáo, một thành phần nhỏ bé của dân bản xứ. Nhờ những định chế Thiên Chúa Giáo, họ đã được chuẩn bị từ lâu cho cuộc biến đổi này, dù rằng có lẽ vẫn chưa đủ để họ chấp nhận việc này một cách không do dự.

Ngược lại, những người khác, giới trí thức Nho học, những người theo Khổng Giáo và Phật Giáo, nghĩa là đại đa số, khác biệt một cách chủ yếu với thành phần trên do những tin tưởng và tôn giáo cũng như do gia phong và nguyên tắc xã hội. Chính đây sẽ là nơi cố thủ của những chống đối cứng rắn nhất, đối với những lợi ích mà chính quyền Pháp đã rộng rãi ban phát với việc gia nhập quốc tịch Pháp.

Cách tốt nhất để đo lường tầm quan trọng của sự cân nhắc của thành phần An Nam không theo Thiên Chúa Giáo là nhắc nhở đến những căn bản của định chế gia đình An Nam.

Tóm lại có 3 điểm chủ yếu như sau :

1. Tầm quan trọng của tổ tiên
2. Quyền uy của người cha
3. Lòng hiếu thảo của con cái

Ba điểm này liên quan mật thiết với nhau đến mức là việc xóa bỏ bất cứ một điểm nào cũng sẽ hủy diệt toàn bộ cấu trúc xã hội.

1. Tầm quan trọng của tổ tiên

Người An Nam tin là linh hồn con người bất diệt và như thế họ tin vào thế giới bên kia; sau khi chết, linh hồn của tổ tiên được thánh hóa vì cái chết đã đem lại cho họ một sức mạnh siêu nhiên; tổ tiên chỉ được hạnh phúc hoàn hảo ở thế giới bên kia nếu được con cháu sùng bái. Việc thờ cúng ông bà tổ tiên là tôn giáo mà mọi gia đình chúng tôi đều tuân theo một cách nghiêm ngặt. Người con trai cả, nhân danh các em, có nhiệm vụ cúng lễ cha mẹ và tất cả tổ tiên vào những dịp định kỳ. Không làm nhiệm vụ này là tội bất hiếu tối đa, giống như tội giết cha mẹ và tất cả tổ tiên trong gia đình. Lơ là hoặc không làm đều đặn việc thờ cúng sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc của người quá cố, làm cho họ mất quyền lợi; ngược lại sức mạnh và phúc ấm của tổ tiên tăng lên với sự cúng kiếng, giỗ tết và các nghi thức tưởng niệm; vị tổ tiên trở thành một loại thần thánh bảo vệ và cứu vớt con cháu bằng sự tốt đẹp và sức mạnh của mình. Như vậy người sống cũng như người chết không thể không có nhau. Họ luôn luôn giúp đỡ lẫn nhau do đó các thế hệ trong một gia đình liên đới chặt chẽ với nhau thành một khối kết hợp và vững bền.

Đây là một trong những nguyên nhân chính người An Nam chống lại việc cải đạo sang Thiên Chúa Giáo. Như ta đã thấy ở thế kỷ thứ XVI nhiều giáo đoàn khác, cùng làm công tác truyền đạo tại Trung Hoa, đã chống lại các giáo sĩ Dòng Tên (Jesuites) mà họ nghĩ là quá dễ dãi; các Đức Giáo Hoàng Innocent XI, Innocent XII và Clément XI đã lên án một vài tập tục trong việc thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, để cho tự do thờ ông bà thì mang lại tiến bộ cho sự cải đạo; ngược lại, sự kiềm chế tục thờ cúng ông bà làm cho sự cải đạo chậm lại ngay.

2. Quyền uy của người cha

Người cha là gia trưởng. Ông chia quyền với người mẹ và thực thi quyền hành của mình trên tất cả tài sản và con người của các con. Khi người cha vắng mặt, người mẹ được giữ quyền uy và khi người cha mất đi, quyền uy này hoàn toàn về tay người mẹ.

Theo những định chế và luật lệ của các nước, quốc gia chỉ có thể là hình ảnh phóng đại và trung thành của gia đình dưới quyền uy của người gia trưởng; mối liên hệ giữa vua và dân cũng dựa trên những luật lệ bất biến như thế.

Khởi đi từ điểm xuất phát này, người dân dễ dàng chấp nhận quyền tối thượng của vua hoặc hoàng đế. Khi lên ngôi, nhà vua nhận một nhiệm vụ từ trời, vì vậy vua là con của Trời hay Thiên Tử (天子).

Nhưng nếu nhà vua có quyền tuyệt đối trên tất cả mọi thành phần của đại gia đình quốc gia, thì đối lại nhà vua cũng có một nhiệm vụ linh thiêng (仁 nhân ) lòng nhân đạo (tình thương của cha). Trong đời sống riêng tư, nhà vua phải xứng đáng được hưởng sự kính trọng mà quyền uy người cha mang đến. Trong đời sống công, nhà vua phải cố gắng xứng đáng để được hưởng tên gọi đẹp nhất của một vị vua: cha mẹ của dân (民之父母 dân chi phụ mẫu ).

Sự đồng hóa quyền lợi của vua và của người cha mang lại kết quả là sửa soạn cho người dân từ trẻ thơ vâng lệnh nhà vua. Nhà vua cũng có thể, như người cha, giao quyền cho một thành phần của gia đình quốc gia nhưng không vì vậy mà bỏ bổn phận của mình.

3. Lòng hiếu thảo của người con

Những luật gia đầu tiên đã tuyên bố là lòng hiếu thảo của người con là nền tảng của vương quốc và hạnh phúc của xã hội. Lễ Kí (禮記Lễ kí) nói rằng: nếu muốn xây dựng tình cảm lẫn nhau trong nước, hãy bắt đầu bằng cách yêu thương cha mẹ và như thế dậy cho dân chúng hòa hợp và liên kết.

Vua là con của trời, và phải kính trọng trời giống như sự kính trọng mà vua đòi hỏi từ dân. Cuối cùng, nhiệm vụ của người cha đối với các con cũng giống như nhiệm vụ của các con với người cha. Như vậy trong tất cả tầng cấp của xã hội An Nam, ta thấy những nghĩa vụ mà quyền uy nhắc nhở cho từng người.

Dựa trên ba nguyên tắc kể trên, căn bản bất biến của xã hội An Nam, thử hỏi xã hội này có sẵn sàng hay từ chối gia nhập quốc tịch Pháp? Sau đây ta sẽ xem xét điều này cũng là mục đích của nghiên cứu này.

Để đạo thờ ông bà không bị đứt quãng, vì như thế sẽ ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc của dân, định chế gia đình cần tiếp nối vĩnh viễn qua trực hệ và qua những người con trai chính thức. Cũng như người La Mã, quyền thừa kế truyền cho con cháu trai (về phía cha “mascuntur patris, non matris familiam sequuntur”. [chữ La-tinh có nghĩa là theo phụ hệ mà không theo mẫu hệ].)

Định chế hôn nhân ra đời là để bảo vệ cho việc kế thừa. Chế độ đa thê và ly hôn cũng thế. Việc kế thừa quan trọng đến nỗi luật pháp quy định là nếu không có người thừa kế hợp pháp để thờ ông bà, thì gia đình có quyền nhận một người trong những cháu trai gần nhất làm con để tiếp nối thờ ông bà. Và tuyệt tự là một trong bảy nguyên nhân cho phép ly dị, trong trường hợp đó người đàn ông được có vợ thứ hai và có vợ bé.

Bởi vì tất cả những dự phòng của luật pháp cũng như những thực hành được thừa nhận bởi tập tục và tín ngưỡng đều chỉ có mục đích là đảm bảo cho tính liên tục của việc thờ cúng ông bà, làm sao có thể thừa nhận là người An Nam sẽ đồng ý từ bỏ những truyền thống cổ xưa đó? Đó sẽ là một sự chối bỏ đạo, một tội phạm thánh, một sự phản đạo. Ngoài ra, có hợp lý không nếu tin là họ sẽ từ bỏ các quyền đa thê và ly hôn mà vua của họ cho phép và nhiều khi là áp đặt.

Trương Vĩnh Ký viết về việc người An Nam từ chối nhập quốc tịch Pháp

Chúng ta đã nói về quyền của người cha, hãy xem quyền uy này mang lại những quyền lợi gì?

Người cha trong gia đình An Nam cũng tương tự như vị giáo chủ của đạo thờ ông bà (đạo thờ ông bà có nhiều điều giống như “Sacra privata” và các lễ trong gia đình của người La Mã).

Người cha có quyền sửa chữa và dạy dỗ, quyền này chỉ chấm dứt khi người cha và người con chết; người con không có quyền tạo lập cái gì riêng tư nếu không có phép của người cha; trừ khi có lời dặn trong di chúc các con không có quyền chia gia tài trong lúc còn để tang. Cha mẹ có quyền chia gia tài theo ý muốn của mình và như thế quyền uy của họ có thể thực hiện ngay cả sau khi họ đã mất; họ có quyền truất quyền thừa kế và trong trường hợp này, người viết di chúc giao quyền cho trưởng tộc (長族trưởng tộc). Người này chủ tọa sự phân chia và thi hành lời ước cuối cùng của người cha, những lời ước nguyện được luôn luôn thi hành một cách tuyệt đối.

Thử hỏi khi gia nhập quốc tịch Pháp, những quyền lợi quý báu này của người cha có được tồn tại không? Thử hỏi người cha có thể từ bỏ quyền uy mà phong tục và tôn giáo đã bảo vệ? Người đàn bà có tự thấy bị tổn thương chẳng phải bà là thừa kế hợp pháp của người cha, người chồng? Ngay khi người này còn sống, bà cũng có một nửa quyền gia nhập khế ước, quản trị tài sản gia đình.

Cuối cùng, ngay cả các người con, cũng sẽ đến lượt họ trở thành cha, họ có sẽ tiếc khi bị mất những đặc quyền mà họ sẽ có một ngày nào đó không? Lòng hiếu thảo, mà họ vẫn xem là một đức hạnh xuất sắc, sẽ đi về đâu? Thoát được […..] khi gia nhập quốc tịch Pháp, họ có bằng lòng tự phóng thích và có lo sợ bị khinh bỉ vì bỏ đạo thờ ông bà?

Như vậy ta thấy: ngày mà người cha trở thành dân Pháp, những phong tục cổ nhất, những luật lệ thiêng liêng nhất, những giáo điều bất khả xâm phạm nhất, những thực hành đã ăn sâu vào tâm thức của con người sẽ bị suy yếu từ trên xuống dưới. Gia đình An Nam sẽ mãi mãi bị giải thể.

Một lời chót: hãy theo dõi dân An Nam trong lịch sử của họ. Trung Hoa, nước láng giềng ghê gớm của An Nam, sau khi chiếm đất An Nam có phải đã tìm đủ mọi cách để đồng hóa chúng tôi, và bắt dân chúng gia nhập quốc tịch? Và chuyện đó đã diễn ra nhiều lần khác nhau, từ năm 111 trước Thiên Chúa đến năm 39 sau Thiên chúa, tức 149 năm dưới nhà Tây Hán (西漢Tây Hán); từ năm 43 đến năm 186 sau Thiên Chúa tức 144 năm dưới nhà Đông Hán (東漢Đông Hán); từ năm 226 đến năm 540 tức 314 năm dưới nhà Ngô, Ngụy, Tấn, Tống, Tề, và Lương; từ năm 603 đến năm 939 tức 336 năm dưới nhà Tùy, Đường và Lương; từ năm 1418 đến năm 1428 tức 10 năm dưới sự đô hộ của nhà Minh. Trung Hoa, sau bao nhiêu cố gắng, đã thành công trong việc áp đặt chữ viết, văn chương, tôn giáo và luật pháp lên trên chúng tôi; nhưng người An Nam dù thua trận không bao giờ bằng lòng theo kẻ thắng trận hay thay đổi tên của nước mình.

Dưới thời Lê Chiêu Thống, những quan lại đi theo vua sang Trung Hoa, đã từ chối không cạo trọc đầu và mặc y phục Trung Hoa; dưới sự cai trị của nhà Thanh, họ thà chịu bị tù hay lưu đày còn hơn bỏ quốc tịch.

Như vậy, lòng yêu nước sống mạnh trong người An Nam, và dù cho rằng người An Nam đồng ý giải tán gia đình, lòng yêu nước sẽ có tiếng nói to để chống đối việc gia nhập quốc tịch Pháp.

[1] Đúng ra là東漢 đông Hán. Dường như có dấu gạch chéo chữ tây 西và viết lại chữ đông 東mờ mờ.

Trương Vĩnh Ký viết về việc người An Nam từ chối nhập quốc tịch Pháp

Trương Vĩnh Ký viết về việc người An Nam từ chối nhập quốc tịch Pháp

Trương Vĩnh Ký viết về việc người An Nam từ chối nhập quốc tịch Pháp

Trương Vĩnh Ký viết về việc người An Nam từ chối nhập quốc tịch Pháp