Từ trước đến giờ, tôi cứ đinh ninh rằng chỉ có một đức Phật là Phật Thích Ca, còn Phật Bà Quan Âm là do người đời sau thêm vào, và đức Phật Di Lặc thì chưa giáng sinh…

Một hôm được xem bức tranh dân gian “Ông sư đội mũ thất Phật (bảy đức Phật)”, tôi bàng hoàng ! Rõ ràng chiếc mũ có bảy mặt, mỗi mặt vẽ hình một đức Phật. Như vậy là có đến bảy đức Phật ! Hiểu biết của tôi thật là nông cạn, thô thiển. Từ ngày đó trong đầu tôi cứ lởn vởn câu hỏi: bảy đức Phật là những đức Phật nào ? Các ngài là ai ?

May sao lời giải đáp cho thắc mắc này, tôi đã tìm thấy trong bộ kinh Trường A Hàm (1). Tôi xin chép tóm tắt ra đây, để giúp ai muốn tìm hiểu, đỡ mất thì giờ tra cứu.

Theo bài kinh thứ nhất (Nhân duyên giáng sanh, thành đạo, giáo hóa của bảy đức Phật trong thế giới Ta bà), có ba đức Phật của kiếp quá khứ (Trang nghiêm kiếp) và bốn đức Phật của kiếp hiện tại (Hiền kiếp). Bài kinh không nói đến kiếp vị lai (Tinh tú kiếp).

Bảy đức Phật gồm :

1. Đức Phật Tỳ Bà Thi của kiếp quá khứ. Ngài giáng sinh tại thành Bàn Đầu Ma Na, và chứng (đắc đạo) dưới cây Bà la, cách nay 91 kiếp. Thuở ấy nhân loại sống 8 vạn tuổi. Ngài có 3 hội thuyết pháp gồm 168000, 100000 và 80000 đệ tử. Hai đệ tử đứng đầu là Kiển Trà và Chất Sa. Đệ tử chấp sự (người hầu hạ giúp đỡ) của ngài là Vô Ưu.
Cha ngài là Bàn Đầu Ma Đa, mẹ là Bàn Đầu Ma Để, ngài có con tên là Phương Ưng.

2. Đức Phật Thi Khí của kiếp quá khứ. Ngài giáng sinh tại thành Quang Tướng, chứng dưới cây Phân đà lỵ, cách nay 31 kiếp. Thuở ấy nhân loại sống 7 vạn tuổi. Ngài có 3 hội thuyết pháp gồm 100000, 80000 và 70000 đệ tử. Hai đệ tử đứng đầu là A Tỳ Phù và Tam Bà Đà. Đệ tử chấp sự là Nhẫn Hạnh.
Cha ngài là Minh Tướng, mẹ là Quang Diệu.

thikhiphat

3. Đức Phật Tỳ Xá của kiếp quá khứ. Ngài giáng sinh tại thành Vô Dụ, chứng dưới cây Bác Lạc Xoa, cách nay 31 kiếp. Thuở ấy nhân loại sống 6 vạn tuổi. Ngài có 2 hội thuyết pháp gồm 70000 và 60000 đệ tử. Hai đệ tử đứng đầu là Phò Du và Uất Đa Ma. Đệ tử chấp sự là Tịch Diệt.
Cha ngài là Thiện Đăng, mẹ là Xưng Giới.

tyxaphuphat

4. Đức Phật Câu Lưu Tôn của kiếp hiện tại. Ngài giáng sinh tại thành An hòa, chứng dưới cây Thi lỵ sa. Thuở ấy nhân loại sống 4 vạn tuổi. Ngài có 1 hội thuyết pháp gồm 40000 đệ tử. Hai đệ tử đứng đầu là Tát Ni và Tỳ Lâu. Đệ tử chấp sự là Thiện Giác.
Cha ngài là Lễ Đức, mẹ là Thiện Chi.

cauluutonphat

5. Đức Phật Câu Na Hàm của kiếp hiện tại. Ngài giáng sinh tại thành Thanh tịnh, chứng dưới cây Ưu đàm bác la. Thuở ấy nhân loại sống 3 vạn tuổi. Ngài có 1 hội thuyết pháp gồm 30000 đệ tử. Hai đệ tử đứng đầu là Ưu Bà Hiển Xí Đa và Uất Đa La. Đệ tử chấp sự là An Hòa.
Cha ngài là Đại Đức, mẹ là Thiện Thắng.

caunahammauniphat

6. Đức Phật Ca Diếp của kiếp hiện tại. Ngài giáng sinh tại thành Ba la nại, chứng dưới cây Thi câu loại. Thuở ấy nhân loại sống 2 vạn tuổi. Ngài có 1 hội thuyết pháp gồm 20000 đệ tử. Hai đệ tử đứng đầu là Đề Xá và Bà La Bà. Đệ tử chấp sự là Thiện hữu.
Cha ngài là Phạm Đức, mẹ là Tài Chủ.

cadiepphat

7. Đức Phật Thích Ca của kiếp hiện tại. Ngài giáng sinh tại thành Ca tỳ la vệ, chứng dưới cây Bát đa (Bồ đề). Nhân loại bây giờ sống 100 tuổi. Hội thuyết pháp của ngài được 1250 đệ tử. Hai đệ tử đứng đầu là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Đệ tử chấp sự là A Nan.
Cha ngài là Tịnh Phạn, mẹ là Đại Hóa. Ngài có con tên là La Hầu La.

thichcamauniphat

Về sự tích các đức Phật, có sách chép : Ca Diếp và A Nan Đà (hay A Nan) là hai đệ tử của đức Phật Thích Ca (2) (3).

Về mặt giáo lý, tông phái Đại thừa tự cho là hiểu ý sâu xa của Phật, chủ trương chỉ theo tinh thần lời Phật dạy mà tiến hóa. Người tu đạo phát nguyện tự giác, giác tha, cứu mình và cứu chúng sinh. Tông phái Tiểu thừa thì tự cho là theo đúng lời Phật dạy, mọi việc đều chỉ cần theo đúng các kinh điển. Người tu đạo nhằm tự cứu lấy mình.

Tuy cả hai tông phái đều nhắm mục đích cứu khổ, giải thoát, nhưng vì quan điểm có khác nhau, nên cách hành đạo, thờ cúng cũng có khác nhau.

Về mặt hình thức, chùa là nơi thờ Phật. Việt nam là nước có nhiều chùa, nên các đức Phật được thờ cũng nhiều !

Tại các chùa theo phái Tiểu thừa, trên chánh điện chỉ bày tượng Phật Thích Ca, giáo chủ Phật giáo. Ngoài ra không có pho tượng nào khác. Ngược lại, các chùa theo phái Đại thừa, chịu ảnh hưởng văn hóa Tàu, thờ nhiều Phật, nhiều nhân vật của Phật giáo. Nhiều chùa còn thờ thêm thần thánh của đạo Lão, của tín ngưỡng dân gian (2) (3).

Vào một ngôi chùa theo Đại thừa, ngước lên chánh điện, ngó sang bên trái, ngoảnh qua bên phải, nhìn lại phía sau, khách thập phương có cảm tưởng như đang thăm viếng một viện bảo tàng trưng bày tượng. Lớp trong lớp ngoài, tầng trên tầng dưới. Tượng Phật, tượng La hán, tượng Bồ tát, tượng Hộ pháp. Mỗi giới lại có nhiều vị. Có chùa cho là chưa đủ, bày thêm Đế Thích, Phạm Thiên, Ngọc Hoàng, Minh Vương, Nam Tào, Bắc Đẩu… Sơn son thếp vàng rực rỡ, chữ nho lớn nhỏ, dọc ngang (4). Phật tử nào chưa biết rõ lai lịch, vai trò của các vị được tạc tượng, đến chùa lễ Phật thường bị choáng ngợp, hoa mắt, ngẩn ngơ. Các cụ cho rằng càng nhiều càng hay, càng to càng quý. Đám trẻ đứa nào nhát gan thì đâm ra sợ sệt, đứa nào bạo dạn mới dám tò mò đặt câu hỏi… Câu trả lời xoay quanh Tam thế, Tam thân, Thập bát La hán, Thập điện Diêm vương… Càng huyền bí, càng linh thiêng. Giản dị quá hóa phàm tục. Kẻ mới bắt đầu học Phật hoang mang như lạc vào rừng, chỉ thấy cây, cây nhiều che lấp cả cánh rừng, ngăn mất nẻo về. Bậc uyên thâm giáo lý gật gù, trầm trồ khen ngợi…

***

Tôi mơ một ngày trời trong sáng, êm dịu, được thả bộ nơi đồng quê Việt nam, thơ thẩn dạo chơi giữa ruộng lúa, khóm tre. Bỗng nghe tiếng chuông chùa ngân vang, từ đâu vọng lại. Như mời, như gọi…

Tôi vào thăm chùa. Chùa làng nhỏ, bốn bề rêu mốc. Chánh điện bày biện đơn sơ, hai ngọn đèn dầu chỉ đủ soi sáng một pho tượng Phật. Khói hương tỏa mùi thơm nhẹ nhàng, không làm điếc mũi nhức đầu. Sư cụ đang tụng kinh. Chuông mõ điểm nhịp đều đặn, khoan thai. Chùa không có máy tăng âm, nhưng chú ý nghe cũng nhận ra sư cụ tụng kinh bằng tiếng Việt.

Tụng kinh xong, sư cụ gọi chú tiểu mang ấm nước vối ra mời khách. “Tiếp khách mà không có được chén trà Tàu nóng thơm. Xin ông bỏ qua. Chùa còn nghèo”. Tôi trân trọng uống cạn chén nước vối. Chuyện trò cùng sư cụ. Chuyện đạo, chuyện đời…

Bước ra khỏi cổng chùa, một làn gió nhẹ thoáng qua, tôi rùng mình, văng bật ra khỏi giấc mơ…

***
(1) Thích Trí Đức : Kinh Trường A Hàm, NXB Phật học viện Trung Phần, 1962.
(2) Toan Ánh : Tín ngưỡng Việt nam, quyển I, NXB Xuân thu, Hoa kỳ (in lại), t.276-308.
(3) Louis Bezacier : L’art vietnamien, Edition de l’Union française, Paris, 1954, p.152-176.
(4) Võ Văn Tường : Việt nam danh lam cổ tự, NXB Khoa học xã hội, Hà nội, 1993.