– Khi bước chân vào trường y, các thầy cô thường giảng những điều cốt lõi, những kinh nghiệm quý báu, sinh viên Y thường phải tốc ký rất nhanh để ghi lại những kiến thức quý giá. Không có thời gian nắn nót, sau thời gian dài như vậy trở thành thói quen nét chữ dần xấu đi.

 – Học đến năm 3 trở đi, sinh viên sẽ đi lâm sàng. Khi đó, hầu như mọi động tác viết được thực hiện khi sinh viên vừa đứng hoặc vừa đi vừa viết và phải viết thật nhanh, viết tắt, nên mỗi người đều phải nghĩ ra những ký hiệu, ký tự để có thể tốc ký về nhà đọc lại.

– Khi ra trường, làm việc ở bệnh viện, phòng khám, số lượng bệnh nhân rất đông mà thời gian cho mỗi người bệnh lại có hạng. Điều này càng đòi hỏi bác sĩ phải ghi nhanh hơn nữa để kịp thời gian.

Bên trên là một phần để lý giải hiện tượng bác sĩ thường viết chữ rất xấu, khó đọc. Ngoài ra còn có một số ý kiến cho rằng với một số bác sĩ tâm không tốt, họ cố tình viết kiểu “không thể đọc được” để ăn chia hoa hồng theo đơn thuốc với những nhà bán thuốc nhất định (vì chỉ những nhà bán thuốc này mới đọc được đơn thuốc do bác sĩ kê).

Hay cũng có một số ý kiến hài hước cho rằng do những tên thuốc cũng như dược liệu, hóa chất quá nhiều và quá loằn ngoằng, dài khó nhớ, nhiều khi bác sĩ không thể nhớ hết nên chỉ nhớ được đặt điểm nhận dạng là phần đầu tên thuốc, phần còn lại thì ghi loằn ngoằng để trình dược viên tự hiểu mà bốc.

Hiện trạng “bác sĩ viết chữ quá xấu” là có thật, nên hiện nay phần lớn bệnh viện đã cho kê toa thuốc bằng cách đánh máy và in ra giấy.

Về vấn đề bác sĩ viết chữ xấu này cũng có một câu chuyện khá hài hước được dựng lên kiểu ngụ ngôn như sau:

Khi xưa ở bên Tàu có một vị lương y danh tiếng. Ông không chỉ giỏi chữa bệnh mà còn là một nhà thư pháp đại tài, chữ ông rất đẹp. Vì vậy mà không bao giờ ông viết nhầm cả.

Một hôm, vì mãi mê suy nghĩ chuyện gia đình nên lương y đã viết nhầm một chữ trong đơn thuốc. Hậu quả là bệnh nhân uống đơn thuốc đó qua đời và lương y bị quan tống giam hai năm trong ngục.

Ra tù, vì đã bị tước giấy phép hành nghề vĩnh viễn nên vị lương y ấy đành phải mưu sinh bằng nghề nuôi gà. Một hôm, trong lúc nhìn đàn gà bới đất tìm giun, “cựu” lương y thở dài ngẩng mặt lên nhìn… giàn mướp mà than rằng: “Phải chi trong đơn thuốc ta viết theo kiểu… gà bới thì trước quan ta đã có thể cãi chày cãi cối rằng vị thuốc đó là “thế này” chứ không phải “thế kia”, người nhà bệnh nhân đọc nhầm chứ không phải ta viết sai”.

Rồi ông đem kinh nghiệm đó mách nhỏ cho các đồng nghiệp để họ tránh tai họa như ông, dần dần các “đấng” hậu nhân cứ thế mà noi theo.

Theo Bestie.