Con người sống vì sao mà khổ? Có rất nhiều lúc người ta rơi vào đau khổ tuyệt vọng là bởi vì không hiểu được rằng đời người có những thứ là quy luật tự nhiên. Nếu như chúng ta hiểu được ra và buông bỏ được chúng thì nhất định sẽ sống được vui vẻ, thản đãng hơn.

buông bỏ
(Hình minh họa: Qua saintlukeumc.org)

Nỗi khổ của con người thông thường có nguyên nhân từ việc bị mất đi một thứ gì đó. Nhưng trong thế gian, có 4 điều là không tồn tại vĩnh cửu.

Trong cuốn thứ nhất của “Pháp cú thí dụ kinh” có ghi chép một câu chuyện cổ thời Phật Thích Ca Mâu Ni đang còn tại thế rằng:

Thời ấy, hai vợ chồng nọ có cô con gái khoảng 14, 15 tuổi đoan chính, thông minh lại có tài ăn nói hiếm người sánh kịp. Nhưng đột nhiên cô bé bị mắc trọng bệnh và không lâu sau thì qua đời.

Hai vợ chồng họ vô cùng yêu thương cô con gái duy nhất này. Thường ngày, hễ gặp chuyện ưu phiền gì đi nữa, chỉ cần nhìn thấy con gái là mọi nỗi phiền muộn trong lòng họ đều lập tức biến mất.

Khi phải đối mặt với cái chết của con gái, họ vô cùng thống khổ, mỗi ngày họ đều khóc nỉ non. Cuối cùng, người chồng vì đau buồn quá mà phát điên, cả ngày đi lung tung khắp nơi.

Một lần trong lúc đi lang thang, người chồng đi tới chỗ Phật Thích Ca Mâu Ni, vừa gặp mặt thì liền thanh tỉnh ra. Ông ta cúi đầu quỳ lạy Phật Thích Ca Mâu Ni rồi nói với giọng bi thương: “Con chỉ có mỗi đứa con gái này. Vợ chồng con yêu quý nó như châu ngọc trong tay mình. Nó đã khiến con quên hết mọi sầu đau trong cuộc đời.

Nhưng bỗng nhiên con gái con bị bệnh nặng rồi bỏ con mà đi. Cho dù con gọi thế nào nó cũng không trả lời, hai mắt khép lại, thân thể lạnh đi, không còn thở nữa… Con kêu trời, trời không thấu, gọi đất, đất không nghe. Trong lòng con thống khổ không cách nào tả nổi. Con xin Đức Phật tháo gỡ nỗi đau khổ này giúp con!”

Người chồng vừa nói với giọng nghẹn ngào đau khổ vừa trào rơi nước mắt đầy cả khuôn mặt khiến những người bên cạnh nghe thấy cũng không khỏi rơi lệ.

buông bỏ
(Hình minh họa: Qua indiafacts.org)

Phật Thích Ca Mâu Ni nghe xong, chậm rãi nói: “Trên thế gian này có 4 điều là không thể tồn tại vĩnh cửu: Thứ nhất là hữu thường giả tất vô thường. Thứ hai là phú quý giả tất bất cửu. Thứ ba là hội hợp giả tất biệt ly. Thứ tư là cường kiện giả tất quy tử.”

“Hữu thường giả tất vô thường” (Hết thảy đều thay đổi), chính là nói rằng, phàm là bất luận thứ gì tồn tại thì đều thay đổi, không thể tiếp tục bảo trì trạng thái ban đầu mãi được. Nó thời thời khắc khắc đều ở trong sự biến đổi, bản chất sẽ từ từ cải biến và cuối cùng là biến mất hẳn.

Ví dụ như thân thể của chúng ta, ở thời khắc nào cũng là đang ở trong quá trình trao đổi chất, trải qua sinh lão bệnh tử và cuối cùng là biến mất khỏi thế gian này. Núi sông, mặt đất, địa cầu, vũ trụ… cũng đều là thời thời khắc khắc ở trong quá trình “thành, trụ, hoại, diệt”.

“Phú quý giả tất bất cửu” (Giàu có là không thể vĩnh cửu) là nói rằng, cho dù con người có giàu có đến thế nào đi nữa thì cuối cùng cũng sẽ suy thoái.

Tục ngữ có câu: “Giàu không quá ba đời”, trừ khi họ đời đời làm việc thiện, tích đức thì mới có thể bảo trì được vinh hoa phú quý cho đời con cháu. Nhưng người thường chúng ta đều có lòng tham, có rồi lại muốn có nhiều hơn nữa, có nhiều rồi lại muốn có mãi mãi. Cho nên, thường sẽ không muốn quyên tặng, bố thí đi, vì vậy, giàu có là không thể kéo dài mãi được.

“Hội hợp giả tất biệt ly” (Tụ hợp thì tất sẽ có biệt ly) là có ý nói rằng: Lục thân (cha, mẹ, vợ, chồng, anh, em) ở cùng một chỗ hoặc là bạn bè người thân đến thăm, đến chơi thì đều sẽ có ngày phải ly tán.

Nói sâu xa hơn, tức là cho dù cha mẹ và con cái có sinh sống cùng nhau thì đến một ngày cũng phải “sinh ly tử biệt”.

“Cường kiện giả tất quy tử” (Dù có khỏe mạnh đi nữa thì cuối cùng cũng quy về cái chết) ý nói rằng, cho dù là tuổi trẻ, sức khỏe mạnh mẽ đến thế nào đi nữa thì cũng có thời điểm ra đi, cho dù là sống thọ đi nữa thì cuối cùng cũng quy về cái chết.

Cho nên, cho dù là ai đi nữa đều phải sử dụng chính xác từng giây phút khi còn sống thì sống cũng an bình mà chết cũng an bình giống như Khổng Tử đã nói: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ!” (Buổi sáng được nghe đạo, buổi chiều chết cũng được.”

Cuối cùng, Phật Thích Ca Mâu Ni nói 4 câu kệ: “Thường giả giai tẫn, cao giả diệc đọa, hợp hội hữu ly, sinh giả tất tử.” (Điều gì cũng có tận cùng, cao rồi cũng rơi xuống thấp, hợp rồi sẽ có ly, sống ắt sẽ có chết)

Người đàn ông này sau khi nghe xong những lời chỉ giáo của Phật Thích Ca Mâu Ni thì trong lòng lập tức được giải khai, thông suốt. Sau đó, ông đã xuất gia làm hòa thượng và cuối cùng tu đắc chứng quả vị La Hán.

An Hòa (dịch và t/h)