“Nói người hãy ngẫm đến ta, thử sờ lên gáy xem xa hay gần”, câu ca dao này có hàm nghĩa rất sâu xa, và rất giống câu thành ngữ “Phản cầu chư kỷ”, nghĩa là “Xem xét lại mình”.

Khổng Tử nói: “Thi bắn cung cũng là Đạo của con người. Bắn cung là để quy chính bản thân, bản thân đã chính rồi mới bắn. Bắn không trúng thì khoan oán người thắng cuộc, mà phải xem xét lại mình”.

tiên trách kỷ hậu trách nhân | NTD Việt Nam (Tân Đường Nhân)

(Nguyên văn: “Xạ giả, nhân chi đạo dã. Xạ cầu chính chư kỷ, kỷ chính nhi hậu phát; phát nhi bất trúng tắc bất oán thắng kỷ giả, phản cầu chư kỷ nhi dĩ hĩ”)

Khổng Tử nói: “Người quân tử không tranh giành, nếu có thì cũng chỉ là thi bắn cung mà thôi. Chắp tay thi lễ nhường nhau, sau đó bước lên. Sau khi thi xong thì cũng như thế. Mọi người kính chúc rượu nhau. Cho dù cho đua tranh thì cũng phải hợp với cái lễ của người quân tử”.

(Nguyên văn: “Quân tử vô sở tranh, tất dã xạ hồ! Ấp nhượng nhi thăng, hạ nhi ẩm, kì tranh dã quân tử” (Lễ Ký – Xạ nghĩa)

Đây là lễ nghi của người xạ thủ. Khi bắn tên, nhất định phải có tư thế đoan chính, tất cả tư thế đều chuẩn bị xong rồi mới bắn tên. Nếu bắn không trúng đích, cũng không oán người đã thắng mình, mà nên tự suy xét lại chính mình, cố gắng tiến bộ hơn nữa.

Chúng ta dù làm bất cứ việc gì thì cũng nên tự yêu cầu bản thân, nhìn vào khuyết điểm của chính mình, nỗ lực sửa đổi chúng. Chỉ có mang theo thái độ như vậy mới có thể làm tốt việc cần làm. Mà làm được vậy là người có khả năng “phản cầu chư kỷ”, tức là xem xét lại mình.

Suy ngẫm

1- Xạ thủ và “nhân đức” thì có mối quan hệ gì? “Nhân đức” là gì?

2- Người bình thường khi gặp phải việc gì đó, thường dễ đẩy trách nhiệm lên người khác, chúng ta cần làm gì để tránh việc như vậy xảy ra?

Vận dụng

Dù gặp phải vấn đề gì, chúng tôi đều sẽ xem xét lại mình trước, chứ không phải cứ chăm chăm đi trách móc người khác.

Thành ngữ tương tự

Phản cung tự tỉnh: Xem xét lại bản thân

Nhất nhật tam tỉnh: Một ngày 3 lần xem xét bản thân

Nghiêm dĩ luật kỷ: Nghiêm khắc tự giác kỷ luật

Hoàng Hoa biên dịch
(Theo tài liệu Văn hóa truyền thống của trang Chánh Kiến)