Trong các ghi chép lịch sử của Trung Quốc, thì Việt Thường là một cái tên xuất hiện trong nhiều ghi chép, chủ yếu là ở hai sự kiện: sự kiện thứ nhất diễn ra vào thời Đào Đường, tức nhà Hạ, khi người Việt Thường dâng rùa thần hơn ngàn tuổi có chép chữ và lịch, sự kiện thứ hai, đó là người Việt Thường dâng lên Chu Thành Vương con chim trĩ trắng. Sự kiện thứ nhất được ghi lại trong lịch sử Trung Quốc, sự kiện thứ hai được chép cả trong cả tài liệu Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt, sự kiện thứ hai được các tài liệu Trung Quốc chép lại rất nhiều trong lịch sử của họ.

1. Người Việt Thường dâng rùa thần lên vua Nghiêu:

Sự kiện đầu tiên, đó là người Việt Thường dâng lên vua Nghiêu “rùa thần ngàn tuổi, vuông hơn ba thước, trên lưng có chữ, đều là lối chữ khoa đẩu, ghi từ thủa mở mang về sau”, vua Nghiêu “sai chép lại gọi là lịch rùa”.

Thái Bình ngự lãm (Tống – Lí Phưởng soạn): Thuật dị kí của Nhâm Phưởng chép: “陶唐之世,越裳國獻千歲神龜,方三尺余。背上有文,皆科斗書,記開辟已來命錄之龜曆。” – “Vào thời nhà Đào Đường, người nước Việt Thường tặng rùa thần ngàn tuổi, vuông hơn ba thước, trên lưng có chữ, đều là lối chữ khoa đẩu, ghi từ thủa mở mang về sau, (vua Nghiêu) sai chép lại gọi là lịch rùa.” [Bản dịch của Tích Dã]

Những ghi chép này cũng cung cấp cho chúng ta những thông tin rất quan trọng: người Việt đã có chữ, và có lịch, chữ của người Việt là chữ Khoa Đẩu, lịch của người Việt cũng được người Hoa Hạ tiếp thu và cho chép lấy. Sự bang giao khi này gần giống như một sự truyền bá di sản văn hóa của phương Nam lên phương Bắc, vị thế của tộc Việt và người Hoa Hạ là tương đương, chứ không phải là phiên thuộc như các triều đại thời phong kiến sau này.

Trong ghi chép này, thì Việt Thường được xem là một nước, nhưng sách về cơ bản là không xác định vị trí chính xác của Việt Thường là ở đâu như nhiều sách của người Hán sau này chép, nhiều khả năng, Việt Thường là một danh xưng khi ngoại giao của tộc Việt, được tộc Việt sử dụng khi tặng cống vật cho các vị vua Hoa Hạ, người Hoa Hạ nghe người Việt tự xưng là Việt Thường mà cho rằng đó là tên quốc gia. Nhưng cách gọi “nước Việt Thường” cũng cho chúng ta thấy được người Hoa Hạ công nhận tộc Việt là một nước độc lập, chứ không phải không công nhận, phải tới các giai đoạn khởi nguồn từ thời Hán, thì Việt Thường mới bắt đầu được sử dụng để chỉ một vùng cụ thể, là phía Nam Giao Chỉ, hay là quận Cửu Chân hoặc quận Nhật Nam, vấn đề này sẽ được chúng tôi tìm hiểu sâu hơn ở phần kế tiếp.

2. Người Việt Thường dâng chim trĩ trắng cho nhà Chu:

Sự kiện tiếp theo, đó là sự kiện người Việt Thường dâng chim trĩ trắng cho nhà Chu vào thời Chu Thành Vương. Sự kiện này đã được cả sách sử, ghi chép của Việt Nam và Trung Quốc xác nhận. Tại Việt Nam, thì sự kiện này được lưu truyền dưới dạng truyền thuyết truyền miệng, sau đó được Trần Thế Pháp chép thành văn vào thời nhà Trần trong sách Lĩnh Nam chích quái, những ghi chép của Trần Thế Pháp là khá trung thực, nó tương đồng với những gì mà sách sử Trung Quốc đã chép lại, và còn cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin quan trọng hơn so với cổ sử Trung Quốc.

Lĩnh Nam chích quái chép: “周成王時,雄王命其臣稱越裳氏,獻白雉於周。其言語不通,周公使人重譯,然後相通。周公問曰:「何為而來?」越裳氏應曰:「今天無淫雨、海不揚波三年矣。意者中國有聖人矣,故來。」周公嘆曰:「政令不施,君子不臣其人;德澤不加,君子不享其物。及記黃帝所誓曰:『交趾方外,無得侵犯。』」賞以重物,教戒放回。” – “Thời Chu Thành Vương, Hùng Vương ra lệnh quần thần của mình xưng là họ Việt Thường, dâng chim trĩ trắng cho nhà Chu, Chu Công sai người phiên dịch nhiều lần, sau mới hiểu nhau. Chu Công hỏi nói: “Cớ sao lại đến?”. Họ Việt Thường đáp nói: “Nay trời không có mưa lớn, biển không dậy sóng ba năm rồi. Nghĩ là Trung Quốc có thánh nhân chăng, cho nên đến”. Chu Công than nói: “Chính lệnh không đến, người quân tử không bắt người khác thần phục; ân đức không ban cho, người quân tử không nhận đồ dâng cống. Ghi nhớ lời thề của Hoàng Đế nói: ‘Giao Chỉ là cõi ngoài, không được xâm lấn’”. [Bản dịch của Tích Dã]

Từ đoạn trích trong sách Lĩnh Nam chích quái, chúng ta thấy được rằng, Hùng Vương đã cử một sứ thần, tự xưng họ Việt Thường dâng chim trĩ trắng cho nhà Chu. Ghi chép này cũng hoàn toàn tương đồng với các ghi chép của Trung Hoa, cũng chính xác về mặt niên đại, khi thời kỳ Chu Thành Vương của nhà Chu cũng chính là thời kỳ tồn tại của triều Hùng Vương của tộc Việt trong lịch sử tộc Việt.

Lĩnh Nam chích quái cũng cho thấy một góc nhìn từ ghi chép của người Việt: sứ thần được cử đi bởi Hùng Vương, Hùng Vương đã ra lệnh cho quần thần của mình xưng là họ Việt Thường khi tới dâng lễ vật, vì vậy, Việt Thường hoàn toàn không phải là một quốc gia độc lập, mà là một danh xưng của tộc Việt triều Hùng Vương. Đoạn trích cuối cùng cũng nói rõ: “Hoàng Đế nói: ‘Giao Chỉ là cõi ngoài, không được xâm lấn‘”, vậy mới thấy vị thế của tộc Việt từ thời Hoàng Đế tới thời Chu Thành Vương là cao như thế nào.

Những ghi chép trong cổ sử Trung Hoa cũng xác nhận sự kiện được chép lại trong sách Lĩnh Nam chích quái, câu chuyện, cách đối đáp cũng rất tương đồng với ghi chép và lưu truyền của người Việt, cũng là dâng chim trĩ trắng, cũng nêu rõ tình huống diễn ra câu chuyện dâng lễ vật. Sự kiện này được chép lại sớm nhất trong các sách Kim bản trúc thư kỉ niên, Hàn thi ngoại truyện, Bạch hổ thông đức luận, Diêm khiết luận và Hán thư.

Kim bản trúc thư kỉ niên (chưa rõ tác giả, được viết khoảng năm 299 TCN): “成王十年王命唐叔虞為侯。越裳氏來朝。周文公出居於豐。” –“Năm thứ mười thời Thành Vương (ất mùi, 1106 TCN), vua phong Đường Thúc Ngu lấy tước hầu. Người nước Việt Thường đến chầu. Chu Văn Công ra ở ấp Phong.” [Bản dịch của Tích Dã]

Bạch hổ thông đức luận, Quyển năm: Phong thiện, của tác giả Ban Cố đời Hán (năm 79) chép: “嘉禾者,大禾也,成王時有三苗異畝而生,同為一穗大幾盈車,長几充箱。民有得而上之者,成王訪周公而問之,公曰:“三苗為一穗,天下當和為一乎!”以是果有越裳氏重九譯而來矣。” – “Lúa đẹp là lúa to vậy, thời Thành Vương có ba cây lúa trồng ở đất lạ mới mọc ra, đều là một bông lớn nhỏ chở đầy xe, dài chất đầy rương. Dân lấy được thì dâng lên vua, Thành Vương thăm hỏi Chu Công mà hỏi về cái này, Công nói: “Ba cây lúa non làm một bông, thiên hạ đang hòa thuận làm một chăng!”. Sau đó quả nhiên họ Việt Thường qua chín trạm dịch mà đến. [Bản dịch của Tích Dã]

Hàn thi ngoại truyện (Hán, 150 TCN, – Hàn Anh soạn): “成王之時有三苗貫桑而生,同爲一秀,大幾滿車,長幾充箱,民得而上諸成王。成王問周公曰:”此何物也?”周公曰:”三苗同爲一秀,意者天下殆同一也。”比幾三年,果有越裳氏重九譯而至,獻白雉於周公,曰:”道路悠遠,山川幽深。恐使人之未達也,故重譯而來。”周公曰:”吾何以見賜也?”譯曰:”吾受命國之黃髪曰:’久矣,天之不迅風疾雨也,海之不波溢也,三年於茲矣。意者中國殆有聖人,盍往朝之。’於是來也。”周公乃敬求其所以來。” – “Vào thời Thành Vương có ba mầm lúa thấu qua cây dâu mà mọc, hợp cùng một bông, lớn gần đầy xe, dài gần đủ cái rương, người dân lấy mà đem dâng lên Thành Vương. Thành Vương hỏi Chu Công rằng: “Vật ấy là gì?” Chu Công nói: “Ba mầm lúa mọc cùng một bông, có lẽ là thiên hạ sắp hợp làm một vậy.” Kịp gần ba năm sau, quả nhiên có sứ giả nước Việt Thường qua chín lần phiên dịch mà đến, tặng chim trĩ trắng cho Chu Công, nói: “Đường lối xa xăm, sông núi sâu kín, sợ sứ giả không truyền lời được, cho nên nhiều lần phiên dịch mà đến đây.” Chu Công nói: “Ta cớ gì được nhận vật tặng?” Sứ giả nói: “Ta nhận lệnh ông già tóc vàng của nước ta nói: ‘Lâu rồi trời không có mưa to gió lớn, biển không dậy sóng cao, ba năm như thế rồi! Nghĩ rằng Trung Quốc sắp có thánh nhân, sao không đến chầu ở đấy!” Cho nên đến vậy.” Chu Công bèn kính theo ý mà sứ giả đến.” [Bản dịch của Tích Dã]

Qua những ghi chép này, chúng ta thấy được người Hoa Hạ có vẻ như rất xem trọng việc dâng lễ vật của tộc Việt, ghi chép theo cung cách cho rằng đây là một điềm lành hiếm có, những ca ngợi của sứ giả tộc Việt tới Chu Thành Vương cũng được xem giống như một sự công nhận đối với công đức của Chu Thành Vương vậy.

Diêm thiết luận (Hán – Hoàn Khoan soạn) chép: 昔周公處謙以卑士,執禮以治天下,辭越裳之贄,見恭讓之禮也。” – “Ngày xưa Chu Công nhún nhường để đãi kẻ sĩ, giữ lễ để trị thiên hạ, từ chối vật tặng của người nước Việt Thường, tỏ lễ khiêm nhường vậy.” [Bản dịch của Tích Dã]

Vị thế của tộc Việt qua câu nhận xét này của Hoàn Khoan được thể hiện rất rõ, thể hiện đây là một hành động bang giao của hai quốc gia ngang hàng, chứ không phải theo hai bề, một nước ở vị thế cao và một nước ở vị thế thấp.

Hán thư – Giả Quyên Chi truyện (Hán, thế kỷ I SCN – Ban Cố soạn, Đường – Nhan Sư Cổ chú): “武丁、成王,殷、周之大仁也,師古曰:「武丁,殷之高宗。」然地東不過江、黃,西不過氐、羗,南不過蠻荊,北不過朔方。是以頌聲並作,視聽之類咸樂其生,越裳氏重九譯而獻,晉灼曰:「遠國使來,因九譯言語乃通也。」張晏曰:「越不著衣裳,慕中國化,遣譯來著衣裳也,故曰越裳也。」師古曰:「張說非也。越裳自是國名,非以襲衣裳始為稱號。王充論衡作越甞,此則不作衣裳之字明矣。」此非兵革之所能致。” – “Võ Đinh, Thành Vương là các vị vua có lòng nhân của nhà Ân, nhà Chu, mà đất về phía đông không quá sông Giang-Hoàng, phía tây không qua chỗ người Đê-Khương, phía nam không quá đất Man Kinh. Thế mà tiếng ca tụng cùng réo lên, đều vui với những thứ mắt thấy tai nghe của mình, sứ giả nước Việt Thường đến qua nhiều lần phiên dịch mà tặng, Tấn chước chép: “Sứ giả nước xa đến, qua chín lần phiên dịch tiếng nói mới hiểu thông.” Trương Yến nói: “Người Việt không mặc xiêm áo, theo thói của người Trung Quốc, sai sứ giả đến mới mặc xiêm áo, cho nên gọi là Việt Thường.” Sư Cổ nói: “Trương Yến nói sai. Việt Thường tự là tên nước, không phải vì mặc xiêm áo mới có tên gọi ấy. Luận hành của Vương Sung chép là ‘Việt Thường’, chữ ấy không phải là chỉ cái xiêm là rõ rồi.” Đấy chẳng phải do cái mà binh cách dẫn đến.” [Bản dịch của Tích Dã]

Những ghi chép này cũng xác nhận về sự kiện người Việt Thường tới dâng lễ vật, chi tiết “phía nam không quá đất Man Kinh“, cho thấy được rằng lãnh thổ của người Hoa Hạ khi ấy chưa vượt qua được sông Dương Tử, mà đây vẫn là nơi sinh sống của tộc Việt mà họ gọi là “Man Kinh” (Man Kinh chỉ vùng lưu Dương Tử, Man ý chỉ người Việt phía Nam với ý miệt thị). Mở rộng khảo cứu thêm các tài liệu lịch sử, chúng ta cũng sẽ thấy được rằng sự kiện này đóng một vai trò rất quan trọng trong lịch sử của Trung Hoa, được người Hoa Hạ sử dụng như một câu chuyện nhằm nâng cao vị thế của triều đại mình.

3. Sự kiện dâng chim trĩ trắng trong lịch sử Trung Hoa:

Những ghi chép trong cổ sử Trung Hoa cho thấy, sự kiện Việt Thường Thị đóng một vai trò rất quan trọng trong lịch sử của dân tộc họ, họ ca tụng, tán thưởng nó như một sự kiện lớn, thậm chí, tới thời Hán, các ghi chép còn phỏng lại tích Việt Thường thị dâng chim trĩ trắng cho Chu Công, cho rằng Việt Thường Thị dâng ba con chim trĩ trắng và đen, ý như triều đại của họ còn hơn nhà Chu, hay như Vương Mãng cũng ngụy tạo sự kiện tương tự nhằm tự nâng cao vị thế của mình bằng triều Chu.

Luận hành (Hán – Vương Sung soạn): 成王之時,越常獻雉,倭人貢暢。幽厲歷衰微,戎狄攻周,平王東走,以避其難。至漢,四夷朝貢。孝平元始元年,越常重譯獻白雉一、黑雉二。夫以成王之賢,輔以周公,越常獻一,平帝得三。” – “Vào thời Thành Vương, người Việt Thường tặng chim trĩ, người Oa cống lúa nếp. Vào thời U-Lệ suy kém, người Nhung Địch đánh nhà Chu, Bình Vương chạy sang miền đông để tránh nạn ấy. Đến thời nhà Hán, người Di bốn phương chầu cống. Vào năm Nguyên Thủy thứ nhất (năm 5) người Việt Thường qua nhiều lần phiên dịch tặng một con chim trĩ trắng, hai con chim trĩ đen. Vậy là Thành Vương là vua hiền được Chu Công giúp, mà người Việt Thường chỉ cống một con, còn Bình Đế được ba con.” [Bản dịch của Tích Dã]

Hán thư (Hán – Ban Cố soạn, Đường – Nhan Sư Cổ chú), Bình Đế kỉ chép: “元始元年春正月,越裳氏重譯獻白雉一,黑雉二,師古曰:「越裳,南方遠國也。譯謂傳言也。道路絕遠,風俗殊隔,故累譯而後乃通。」詔使三公以薦宗廟。群臣奏言大司馬莽功德比周公,賜號安漢公,及太師孔光等皆益封。語在莽傳。” – “Năm Nguyên Thủy thứ nhất (năm 5), mùa xuân, tháng giêng, người nước Việt Thường qua nhiều lần phiên dịch tặng một con chim trĩ trắng, hai con chim trĩ đen, Sư Cổ nói: “Nước Việt Thường là nước xa ở miền nam. Phiên dịch là truyền lời. Đường lối xa cách, thói tục khác lạ, cho nên phiên dịch nhiều lần sau mới hiểu được.” Hạ chiếu sai Tam công đem tế ở tông miếu. Bầy tôi tấu nói là công đức của quan Đại tư mã tên là Mãng sánh ngang Chu Công, xin ban hiệu là An Hán Công, kịp lúc đó bọn quan Thái sư là Khổng Quang đều được phong thêm. Lời nói chép ở Vương Mãng truyện.” [Bản dịch của Tích Dã]

Hán Thư, Vương Mãng truyện chép: “始,風益州令塞外蠻夷獻白雉,元始元年正月,莽白太后下詔,以白雉薦宗廟。: – “Lúc trước, (Vương Mãng) sai quan lại châu Ích sai người Man Di ở ngoài ải đến tặng chim trĩ trắng, vào tháng giêng năm Nguyên Thủy thứ nhất thì Mãng từ lúc Thái hậu hạ chiếu bèn đem chim trĩ trắng tế ở tông miếu.” [Bản dịch của Tích Dã]

Người Trung Quốc trong các ghi chép lịch sử luôn miệng chê người Việt man di, cho rằng đây là giống người không văn minh, nhưng sự kiện họ Việt Thường dâng chim trĩ lên Chu Công lại được họ ca tụng như một sự kiện lớn lao trong lịch sử của dân tộc mình, dùng người Việt để nâng vị thế của triều đại mình nên, quả thực đây là một chuyện khá lạ lùng! Nếu người Việt thực sự là man di, thì tại sao họ lại xem trọng sự kiện người Việt tặng Chu Thành Vương chim trĩ như vậy? Về bản chất, sự kiện này cho chúng ta thấy được vị thế của người Việt thời điểm đó là rất cao, nên việc nhà Chu được người Việt tặng chim trĩ giống như một sự công nhận công đức của Chu Thành Vương, nên triều Hán sau đó cũng tạo ra một sự kiện tương tự để nâng vị thế của dân tộc mình lên.

4. Vấn đề vị trí của Việt Thường trong các ghi chép sau đó:

Các ghi chép trên cũng cho thấy rằng đa phần các tài liệu xuất hiện sớm (từ thời Hán) đều không ghi rõ về vị trí của Việt Thường, tuy nhiên, thì trong sách Thượng Thư Đại Truyện cũng được viết vào khoảng thời nhà Hán, có chép về “交阯之南,有越裳國。” – “Phía nam đất Giao Chỉ có nước Việt Thường”, từ đây thì các ghi chép trong sách vở sau này mới dần dần đặt vị trí của Việt Thường cố định là ở quận Cửu Chân hoặc Nhật Nam.

Thủy kinh chú (Bắc Ngụy – Lịch Đạo Nguyên soạn): “《林邑記》曰:九德,九夷所極,故以名郡。郡名所置,周越裳氏之夷國。《周禮》,九夷遠極越裳。白雉、象牙,重九譯而來。” – “Lâm Ấp kí viết: “Quận Cửu Đức là chỗ tận cùng của người Cửu Di, cho nên lấy tên quận ấy. Tên quận được đặt có gốc từ nước của người Di là nước Việt Thường thời nhà Chu. Chu lễ có chép đến chỗ tận cùng của người Cửu Di là nước Việt Thường. Đem chim trĩ trắng, ngà voi, qua chín lần phiên dịch mà đến.” [Bản dịch của Tích Dã]

Tấn thư – Địa lí chí (Đường – Phòng Huyền Linh soạn): “九德郡吳置,周時越常氏地。” – “Quận Cửu Đức đặt ra từ thời nhà Ngô, là đất nước Việt Thường thời nhà Chu.”. [Bản dịch của Tích Dã]

Thông điển – Châu quận điển (Đường – Đỗ Hữu soạn): “驩州今理九德縣。古越裳氏國,重九譯者也。秦屬象郡。二漢屬九真郡。吳分置九德郡,晉、宋、齊因之。隋置驩州,後為日南郡。大唐為驩州,或為日南郡。” – “Châu Hoan nay trị ở huyện Cửu Đức. Là nước Việt Thường thời xưa có sứ giả qua chín lần phiên dịch. Thời Tần thuộc quận Tượng. Thời hai nhà (Tiền-Hậu) Hán thuộc quận Cửu Chân. Nhà Ngô chia đặt ra quận Cửu Đức, nhà Tấn, Tống, Tề nhân theo nhà Ngô. Thời nhà Tùy đặt ra châu Hoan, sau lại đặt thành quận Nhật Nam. Nhà Đường là châu Hoan, có khi gọi là quận Nhật Nam.” [Bản dịch của Tích Dã]

Lương thư – Chư di liệt truyện (Đường – Diêu Tư Liêm soạn): “林邑國者,本漢日南郡象林縣,古越裳之界也。” – “Nước Lâm Ấp vốn là huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam thời Hán, là đất của nước Việt Thường thời xưa.” [Bản dịch của Tích Dã]

Như vậy, thì ban đầu, đa phần các ghi chép trong cổ sử Trung Hoa đều không chép về vị trí của “Việt Thường”, duy chỉ có sách Thượng Thư Đại Truyện là chép về vị trí của Việt Thường là phía nam Giao Chỉ, sau đó, các ghi chép của người Hoa Hạ mới bắt đầu định vị trí của nước Việt Thường là ở quận Cửu Chân hoặc quận Nhật Nam, cho rằng nó thuộc vị trí của nước Chiêm Thành. Các ghi chép sau đó, họ lại tiếp tục đặt Việt Thường vào vị trí xa và khó hiểu hơn, tới tận nước Lão Qua hay nước Lào ngày nay.

Thánh vũ ký (Thanh– Ngụy Nguyên soạn): “老撾 即古 越裳氏 , 景 邁 二國即 八百息婦國 ,皆來貢象。” –“Nước Lão Qua là đất của họ Việt Thường thời xưa, cùng nước Cảnh Mại tức nước Bát Bách Tức Phụ, hai nước đều đến cống voi (cho nhà Thanh).” [Bản dịch của Tích Dã]

Vị trí của nước Việt Thường vì vậy không đủ cơ sở tin cậy, nhiều khả năng, trong bối cảnh người Việt đang nội thuộc Trung Hoa, và sau đó là độc lập với họ, các sách sử Trung Quốc không muốn công nhận có một quốc gia ở phía Nam, nên đã gắn nó vào cực Nam của đất Việt, hay thậm chí là đưa Việt Thường sang tận đất Lào để đánh lạc hướng.

5. Vậy Việt Thường ở đây là gì? Có phải chỉ một quốc gia độc lập?

Dựa trên những ghi chép của cả tài liệu Việt Nam và Trung Quốc, chúng tôi cho rằng, Việt Thường là một danh xưng của tộc Việt, được vua Hùng và trước đó là họ Hồng Bàng trong vùng Dương Tử đặt ra để bang giao với các triều đại phương Bắc. Nó không chỉ trực tiếp một quốc gia nào khác với quốc gia của cộng đồng tộc Việt, bởi xuyên suốt lịch sử, tên Việt chỉ được sử dụng cho cộng đồng tộc Việt trong vùng Dương Tử tới miền Trung Việt Nam, tất cả đều dưới 3 danh xưng và tên gọi chính: Lạc Việt, Dương Việt, Bách Việt như chúng tôi đã tổng hợp và phân tích ở trên. Chính các ghi chép trong cổ sử Trung Hoa cũng cho thấy các vùng Cửu Chân, Nhật Nam đều là “phân dã của đất Việt”.

Sách Hán thư, Địa lý chí chép: “粵地牽牛、婺女之分壄也。今之蒼梧、鬱林、合浦、交阯、九真、南海、日南皆粵分也。其君禹後帝少康之庶子云封於會稽臣瓚曰「自交阯至會稽七八千里百越雜處各有種姓不得盡云少康之後也。” – “Đất Việt ở phân dã của chòm sao Khiên Ngưu, Vụ Nữ. Các quận Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam ngày nay đều là phân dã của đất Việt. Có quân trưởng của đất ấy là dòng dõi của vua Vũ, đấy là con thứ của vua Thiếu Khang được phong ở núi Cối Kê, Thần Toản nói: “Từ quận Giao Chỉ đến quận Cối Kê dài bảy, tám ngàn dặm có các nhóm người Bách Việt ở lẫn, đều có nhánh họ, không nên nói đều là dòng dõi của vua Thiếu Khang.” [Bản dịch của Tích Dã]

Vậy thì dựa trên sự khảo cứu toàn diện các tài liệu lịch sử, hoàn toàn không đủ cơ sở để cho rằng có tồn tại một quốc gia Việt Thường nào đó ở vùng Cửu Chân hoặc Nhật Nam, hay thậm chí là tận bên Lào như những ghi chép trong thời Bắc thuộc và sau đó của người Hoa Hạ. Chúng tôi cho rằng, các ghi chép trong thời Bắc thuộc hay sau đó của người Hoa Hạ đều không muốn nhắc tới một quốc gia trong vùng phía Nam sông Dương Tử, bởi họ đang chiếm đóng, cai trị và đồng hóa cư dân tộc Việt trên vùng này, nên đã đưa nó xuống vùng Cửu Chân, Nhật Nam hay đưa sang tận Lào nhằm mục đích đánh lạc hướng.

Những ghi chép của người Việt đã thể hiện sự chính xác với các ghi chép của người Hoa Hạ, nó cũng đã cho thấy, Việt Thường là danh xưng của tộc Việt, mà đại diện là sứ giả được Hùng Vương phái đi, các ghi chép của người Hoa Hạ cũng thường nhắc tới “Việt Thường Thị”, cho chúng ta thấy cơ sở của điều đó. Bởi vậy, có thể kết luận lại, “Việt Thường” là một danh xưng chỉ chung của tộc Việt, nó đại diện cho cả cộng đồng tộc Việt khi ấy đang nằm dưới quốc gia Văn Lang của các vị vua Hùng, là một danh xưng được sử dụng cho hoạt động bang giao. Những ghi chép cho rằng nó là “một nước”, cũng cho thấy được phía Nam địa bàn sinh sống của người Hoa Hạ là một nước độc lập và có chủ quyền, chứ không phải là những bộ tộc hoang dã, không có văn minh.