Cookie là gì?
Cookie về cơ bản là một đoạn chữ nhỏ lưu vào trình duyệt của bạn. Nó dùng để lưu trữ một số thông tin cơ bản mà website cần để hoạt động, ví dụ với Tinh tế là user_id của bạn, với Google Analytics (công cụ phân tích web) là một số thông tin để định danh bạn ngay cả khi bạn không đăng nhập, với Facebook sẽ là một số thứ gì đó khác…
Bạn có thể xem được các cookie mà website để lại trên máy tính hay điện thoại của bạn bằng cách vào menu Inspect Element. Trình duyệt nào cũng cho coi mấy thông tin về cookie.
Ngày xưa, cookie được dùng để biết bạn là ai, nhờ vậy mà website không bắt bạn đăng nhập ở những lần truy cập sau đó (tính năng Remember Me hoạt động dựa vào cookie). Một số web thì hỏi bạn về khu vực bạn đang ở, các thể loại topic bạn ưa thích… và lưu nó vào trình duyệt để phục vụ mục đích gợi ý nội dung.
Mỗi cookie được lưu sẽ có “nguồn gốc” (Origin), cho bạn biết cookie đó của ai đặt lên máy tính của bạn. Ví dụ, cookie lưu lại khi bạn vào trang Tinhte.vn mà của chính Tinhte.vn đặt vào thì gọi là Cookie “chính chủ”. Một số cookie do các trang khác tích hợp với Tinhte.vn đặt, ví dụ như Google hay Facebook, thì gọi là “third-party cookie”, hay cookie của bên thứ ba.
Cookie dùng cho quảng cáo nghĩa là gì?
Ngoài phục vụ cho những chức năng của website, cookie còn có một công dụng nữa, đó là quảng cáo có định hướng. Một số mạng lưới quảng cáo (Ad Network) như Google, Facebook sẽ thông qua các trang web để đặt cookie lên máy bạn nếu như các trang web đó có hợp tác để kiếm tiền từ quảng cáo. Ví dụ, Tinh tế có hợp tác với Google để hiển thị quảng cáo (Google AdSense), nên Google sẽ được tích hợp vào Tinh tế và như vậy nó sẽ phải để lại một số cookie trên máy bạn. Tương tự, nếu bạn xem web A, B, C nào đó khác mà có gắn quảng cáo của Google thì cũng sẽ có cookie của Google.
Nhờ việc theo dõi cookie trên nhiều trang, Google dễ dàng biết được bạn là ai, bạn đi qua các trang web nào (vì các cookie này đều là của Google), và thậm chí bạn xem những nội dung gì, hành vi của bạn là gì.
Và bởi vì Google biết bạn là ai + sở thích của bạn, họ có thể chạy quảng cáo định hướng. Đây là cơ chế chọn lọc quảng cáo để hiển thị, trong đó Google sẽ đoán bạn đang cần gì, bạn đang muốn gì và hiển thị quảng cáo phù hợp. Ví dụ, nếu bạn đang tìm kiếm về máy hút bụi trên Google, thì sau đó bạn đi web nào cũng thấy quảng cáo máy hút bụi, miễn là web đó có tích hợp Google Ads.
Việc này có lợi cho nhà quảng cáo vì thông tin của họ được hiển thị đến đúng đối tượng, xác suất bạn mua hàng cao hơn (so với việc hiển thị quảng cáo máy hút bụi cho một ông khác đang muốn mua laptop). Google được hưởng lợi nhờ hệ thống định hướng ads và họ có thể thu tiền nhiều hơn, còn bạn ở vai trò người dùng thì hưởng lợi vì thấy được các khuyến mãi, giảm giá có thể có liên quan đến nhu cầu của mình, đỡ phải đi tìm kiếm từng website riêng lẻ để kiếm chỗ mua.
Cuộc chiến của các trình duyệt với cookie
Cách đây cũng vài năm các trình duyệt bắt đầu có những extension giúp bạn chặn cookie của những bên thứ ba. Cách này giúp các mạng lưới quảng cáo không biết bạn là ai, trong khi website mà bạn ghé vào thì vẫn hoạt động bình thường, đầy đủ chức năng. Ví dụ, nếu bạn chặn cookie của Google trên Tinh tế thì mọi tính năng khác của Tinh tế vẫn chạy bình thường, chỉ là Google không hiển thị quảng cáo định hướng được cho bạn (còn adblock hay chặn quảng cáo là chuyện khác nữa, đang nói tới chặn cookie thôi).
Gần đây, bản thân các trình duyệt cũng bắt đầu triển khai các biện pháp tương tự. Riêng Safari và Firefox còn có cơ chế chặn các cookie giả làm cookie chính chủ nữa kìa, gọi là “Intelligent Tracking Prevention”. Cơ chế chặn cookie dạng này sẽ dần dần thông minh hơn khi Apple và Mozilla nâng cấp thuật toán và thu thập được nhiều dữ liệu hơn. Những thứ này hiện đã được kích hoạt sẵn, không cần người dùng phải bật lên.
Ngoài ra các externsion để chặn quảng cáo cũng được phát triển để chặn hiển thị quảng cáo, tức là họ sẽ dùng một số luật (rule) để xem liệu các khu vực nhất định trên web có đang gắn quảng cáo hay không, nếu có thì ẩn đi. Một số extension thậm chí còn phát hiện cả tên file và chặn khi cần. Một số trình duyệt như Brave có tích hợp sẳn adblock.
Google Chrome và Microsoft Edge thì đang chạy theo, họ cũng có chức năng chặn cookie của bên thứ 3, tuy nhiên mặc định không bật, bạn phải bật lên thủ công nếu muốn dùng. Google nói rằng Chrome sẽ bỏ hoàn toàn các cookie bên thứ 3 vào cuối năm 2022, tuy nhiên họ cũng lo lắng cho các trang web nào đang dùng cookie bên thứ 3 để kiếm doanh thu từ quảng cáo. Tất nhiên Google phải lo rồi, vì đây là nguồn thu chủ yếu của họ mà, trong khi Apple, Mozilla hay Microsoft thì không sống bằng quảng cáo định hướng.
Mục tiêu cơ bản của việc chặn cookie bên thứ 3 là để quảng cáo định hướng không hoạt động được, như vậy người xem sẽ cảm thấy đỡ khó chịu hơn.
Thay cho cookie sẽ là gì?
Google hiện đang dẫn đầu việc nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp mới thay cho cookie. Một trong các thứ mà họ đề xuất là Privacy Sandbox. Nó có khả năng hoạt động trên quy mô lớn (cookie ban đầu không được thiết kế cho điều này), dữ liệu được tổng hợp lại để mất tính cá nhân, và một số dữ liệu sẽ được lưu trên thiết bị hơn so với cookie. Quảng cáo định hướng khi đó sẽ chạy theo cách “tôn trọng” người dùng hơn (phần này mình chưa rõ, sẽ Google thêm rồi chia sẻ với các bạn trong bài riêng nhé), và phía nhà quảng cáo cũng sẽ giảm được tình trạng lừa đảo về xem, nhấn vào các ad.
Một số trang web hiện đã không còn gắn quảng cáo theo kiểu định hướng tới đặc điểm, hành vi cá nhân từng người dùng, thay vào đó họ hiển thị quảng cáo định hướng dựa theo nội dung của web đang đọc là gì. Ví dụ bạn đang đọc Tinh tế bài về máy hút bụi thì sẽ hiển thị máy hút bụi, đồ dùng gia đình, điện tử… còn nếu bạn sang bài khác thì quảng cáo sẽ hiển nội dung khác. Và họ ghi nhận doanh thu đi lên.
Hiện tại vẫn chưa có giải pháp chắc chắn nào thay thế cho cookie, bởi mọi thứ không chỉ xuất phát từ Google, mà còn phải từ các nhà phát triển trình duyệt, các nhà quảng cáo, cả các trang web nữa.
Nguồn: Gizmodo