Giữa phụ nữ Việt Nam thời xưa và thời nay có nhiều khác biệt, từ chuyện chăm sóc vẻ bề ngoài, chăm sóc sức khỏe đến cách ứng xử, quan niệm về vị thế trong xã hội.
Hàm răng
Các cụ xưa quan niệm, “cái răng, cái tóc là góc con người”. Thời nay cũng vậy, cái răng, cái tóc luôn được chị em phụ nữ quan tâm, chăm chút rất kỹ lưỡng.
Thời xưa, chuẩn mực của một hàm răng đẹp là… đen bóng. Nhuộm răng đen là một bí quyết làm đẹp của phụ nữ xưa. Đây là một quá trình vô cùng cầu kỳ, phức tạp: một ngày trước khi nhuộm phải ngậm chanh, rượu trắng để lớp men răng bị bào mòn (đây cũng là giai đoạn đau đớn nhất cho người nhuộm, bởi răng, môi, lưỡi, lợi lúc nào cũng sưng tấy); phải dùng vỏ cau khô châm than bột trộn muối bột để đánh bung hết men răng trong 3 ngày; sau đó, phết thuốc nhuộm bằng nhựa cánh kiến lên răng trong nhiều ngày với quy trình tỉ mỉ và cặn kẽ cho tới khi răng có màu đỏ cánh kiến.
Răng đen bóng như hạt na là chuẩn mực của nét đẹp xưa.
Thời gian này, khi đói, người nhuộm răng chỉ được phép nuốt chửng thức ăn. Cuối cùng, người ta phết lên răng hỗn hợp phèn đen với nhựa cánh kiến. Kết quả là một hàm răng đen bóng như hạt na với “hạn sử dụng” 20 – 30 năm. Với nhiều phụ nữ xưa, đánh răng là một việc hết sức lạ lùng, một phần vì cao răng không thể bám vào hàm răng đã nhuộm đen được.
Ngày nay, phụ nữ cũng dùng nhiều cách để bảo vệ hàm răng của mình, nhưng đương nhiên, họ ưa một hàm răng trắng bóng, sạch sẽ.
Phụ nữ thời nay chuộng hàm răng đều, trắng bóng.
Vệ sinh răng miệng thường xuyên, lấy cao răng, kiềng răng cho hàm đều, không xô lệch, thậm chí làm răng giả bằng sứ nếu lỡ có chiếc nào bị nhổ đi… là những cách mà phụ nữ ngày nay thường áp dụng để giữ nụ cười của mình luôn tươi tắn, sáng bóng.
Mái tóc
Mái tóc cũng là thứ được người phụ nữ Việt xưa trân trọng, chăm sóc nhiều nhất. Thời xưa, một mái tóc đẹp là phải đen, dài, mượt, thơm và sạch sẽ. Phụ nữa xưa sử dụng những nguyên liệu thiên nhiên sẵn có như bồ kết, củ sả, bồ hòn, chanh, vỏ bưởi, lá hương nhu, tang bạch bì (vỏ rễ sấy khô từ cây dâu tằm)… chế thành thứ dầu gội hoàn hảo để mái tóc lúc nào thơm dịu, sạch gàu. Ngoài bồ kết, nhiều người ủ nước vo gạo hoặc nước dừa tươi cho lên men để làm đồ dưỡng tóc.
Phụ nữ xưa thường để tóc dài, buộc hờ để tóc buông trên vai.
Để làm điệu với mái tóc, họ hoặc buông xõa, cài thêm mấy chiếc kẹp đơn giản hoặc búi đuôi gà gọn gẽ, vài lọn tóc mềm buông lơi sau gáy.
Một vật dụng không thể thiếu để chăm sóc mái tóc của phụ nữ xưa là chiếc lược bí làm bằng gỗ, bên thưa để chải tóc mây, bên khít để chải xác quả bồ kết, tép chanh còn sót lại trên tóc hoặc để diệt… đàn chấy rất thích bám trụ vào những mái tóc dài.
Lược bí là “bảo bối” diệt chấy giúp mái tóc dài luôn sạch sẽ.
Thời nay, để chăm chút cho một “góc con người”, phụ nữ hiện đại sẽ dùng đủ mọi sản phẩm hóa chất để tạo kiểu, khi duỗi, khi uốn, xoăn lọn to, lọn nhỏ… và nhuộm các màu mình thích, miễn là họ cảm thấy đẹp và tự tin.
Phụ nữ hiện đại có nhiều chọn lựa hơn để làm đẹp mái tóc.
Các kiểu tóc thời hiện đại cũng đa dạng, không chỉ là tóc dài buông xõa như thời xưa. Dầu gội đầu, dầu xả, kem ủ, keo giữ nếp tóc… là những hóa chất không thể thiếu khi phụ nữ hiện đại chăm sóc tóc.
Trang điểm
Thời xa xưa, phụ nữ chỉ dùng các loại phấn son từ hương liệu tự nhiên như kem dưỡng môi làm từ sáp ong trộn màu, phấn nụ Huế làm từ thạch cao và các vị thuốc Bắc bí truyền, một số loại hoa, nước mưa xứ Huế tinh khiết. Để tô kẻ lông mày, họ dùng than đốt từ gỗ cây điên điển. Đến thời Tây hóa, phụ nữ dùng than của nút chai sâm-panh để làm chì kẻ lông mày.
Cách trang điểm của họ cũng có thiên hướng nhẹ nhàng, không lòe loẹt và đơn giản, chỉ là tô chút son hồng, đánh phấn trắng tạo điểm nhấn. Những mỹ phẩm nổi tiếng thời ấy cũng chỉ là những sản phẩm xà phòng nội địa như “xà phòng Cô Ba”, xà phòng hiệu “Mộc Lan”, “Hoa Hồng”, “Bạch Lan” hay sang hơn là xà phòng Liên Xô.
Có một thời, xà phòng là thứ mỹ phẩm xa xỉ.
Với những ngón tay, cách “trang điểm” duy nhất là cắt ngắn móng tay, chà chanh vào các đầu móng để móng luôn sạch sẽ, trắng trẻo.
Ngày nay, chị em phụ nữ không thiếu các mỹ phẩm để phục vụ cho việc làm đẹp, trang điểm, từ phấn nền, phấn lót, phấn má, phấn mắt, chì kẻ mắt, marcara, son môi… Phong cách trang điểm cũng đa dạng và cầu kỳ hơn, được chọn lựa cho phù hợp với lứa tuổi, gương mặt, tính cách cũng như sự kiện mà phụ nữ sẽ tham gia. Không bó hẹp vào những dịp quan trọng, với nhiều phụ nữ thời hiện đại, trang điểm đã trở thành điều kiện tiên quyết mỗi khi họ xuất hiện trước đám đông, khiến họ cảm thấy tự tin và nổi bật.
Những ngón tay của phụ nữ thời hiện đại cũng trở thành điểm nhấn cho chủ nhân khi được cắt tỉa cầu kỳ, tô vẽ nhiều màu sắc hay đắp đá, đắp bột, nối dài thêm… miễn là chủ nhân thấy đẹp. Ngày nay, thậm chí còn có mỹ phẩm dưỡng móng tay, móng chân để chúng luôn bóng đẹp, khỏe mạnh.
Không đơn thuần cắt ngắn và giữ cho sạch sẽ, phụ nữ hiện đại có nhiều cách làm đẹp cho bộ móng tay của mình.
Trang phục
Ngày nay, phụ nữ chuộng mặc những bộ đồ thời trang, đa dạng các kiểu dáng, thậm chí được thiết kế riêng để phù hợp với vóc dáng của họ. Trang phục thời nay được may bằng nhiều chất liệu với đa dạng màu sắc, thường có xu hướng hơi bó để tôn lên những đường cong cơ thể. Quần áo cũng được thiết kế cho những mục đích khác nhau như đi làm, đi dạo, đi dự tiệc hoặc quần áo ngủ, đồ lót… tất cả nhằm nhấn mạnh vẻ đẹp hình thể của phái nữ mọi lúc, mọi nơi.
Trang phục thời nay hướng đến sự quyến rũ.
Trang phục của phụ nữ xưa thường khá kín đáo, họ chuộng áo dài, nếu có xẻ tà cũng được xẻ một cách khéo léo để không hở làn da bên trong. Xưa hơn nữa, các bà các chị mặc áo yếm, nhưng luôn được khoác ngoài bằng áo tứ thân hoặc áo mớ ba mớ bảy. Màu vải được chị em xưa lựa chọn thường nhã nhặn, không sặc sỡ, chú trọng nét dịu dàng, tao nhã, thanh lịch.
Trang phục xưa chú trọng nét tao nhã, thanh lịch.
Nếu có mặc váy thì phụ nữ xưa cũng chuộng những kiểu váy dài đến gần gót chân, có xu hướng hơi xòe để che toàn bộ phần đùi, đầu gối và không lộ rõ hình dáng “vòng 3” khi đi lại.
Chuyện chăm sóc sức khỏe
Bí mật cho vòng 1 căng đầy
Cũng như thời nay, phụ nữ xưa cũng thích có vòng 1 căng đầy, nảy nở. Nhưng không có các thực phẩm chức năng, thuốc kích thích hay các phương pháp nâng ngực, bơm ngực như thời hiện đại, họ chỉ dùng các sản phẩm thiên nhiên để khiến cho vòng 1 to hơn.
Phụ nữ xưa có nhiều bí quyết tự nhiên để làm vòng 1 căng đầy.
Phụ nữ xưa thường ăn nhiều đu đủ và sắn dây sau mỗi kỳ “đèn đỏ”, sử dụng nhân sâm hoặc xoa bóp ngực với các loại thuốc cao có chứa thành phần thực vật tự nhiên như trầm hương, cam thảo để kích thích tuần hoàn máu, khai thông huyệt đạo, hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng cần thiết để giúp cho bộ ngực nảy nở căng tràn.
Bảo bối của ngày “tới tháng”
Vào đầu thế kỷ 20, khi chưa có các loại băng vệ sinh, mỗi khi “tới tháng”, vải xô, vải màn là “bảo bối” của phụ nữ. Họ lấy vải màn, vải xô cắt thành miếng to, rồi gấp nếp thành nhiều lớp, dùng kim băng ghim vào quần nhỏ hoặc làm dây nối với eo để để giải quyết chuyện tế nhị. Sau khi dùng xong, họ giặt sạch, phơi khô và tái sử dụng cho những lần sau. Ở một số dân tộc, vùng sâu không có vải màn thì người ta dùng vải may thành một bao nhỏ, nhồi tro bếp cho vào bao để lót dưới đáy quần cho máu thấm vào.
Xếp hàng chờ phân phối vải trong thời bao cấp.
Ngày nay, với sự xuất hiện của băng vệ sinh, rất phong phú về chủng loại, hình dáng, hầu như rất ít phụ nữ còn giữ thói quen dùng vải màn khi “tới tháng”. Không chỉ đem lại sự thoải mái, dễ chịu, thân thiện với cơ thể và có nhiều loại, đáp ứng nhiều mục đích, thời kỳ sử dụng khác nhau, băng vệ sinh ngày càng được cải tiến để mang tính thẩm mỹ cao.
Các nhà sản xuất còn tạo ra loại băng vệ sinh “tàng hình” ẩn sâu trong cơ thể để phục vụ cho các vận động viên hoặc những phụ nữ ưa bơi lội, tập thể dục trong những ngày “đèn đỏ”.
Kiêng cữ khi sinh nở
Theo quan niệm xưa, những chuyện kiêng khem rất cần thiết cho phụ nữ sau khi sinh để bảo vệ sức khỏe, tránh gặp phải những bệnh có thể xảy ra như đau lưng, ù tai, mỏi mắt, ê buốt răng, tê chân tay… Các sản phụ xưa sau khi sinh con phải mặc quần áo dài, đi tất, nhét bông vào tai, kiêng tắm gội, kiêng nước hoàn toàn từ 2 tuần đến 1 tháng, không được để mắt hoạt động nhiều (ví dụ như xỏ kim, đọc sách báo, sử dụng điện thoại, xem tivi, máy tính), không được đánh răng, chỉ được ngậm nước muối ấm để súc miệng.
Sản phụ xưa cũng không được ra khỏi phòng, tránh gió trong suốt thời gian ở cữ (từ 1 tháng đến 3 tháng 10 ngày), không được dùng quạt, còn phải nằm ủ than, kể cả trong mùa hè. Các bà đẻ cũng chỉ được ăn cá bống kho khô, thịt kho nghệ, rau ngót và uống nước nóng, tuyệt đối không được ăn hoa quả, không được chạm vào cây, quả hoặc lá dâu…
Canh rau ngót là món ăn trường kỳ với các bà đẻ.
Ngay cả chuyện tiếp xúc (gặp mặt) chồng cũng bị kiêng cữ nốt vì cho rằng sẽ đem lại những điều xui xẻo cho công danh, sự nghiệp của chồng. Chuyện “yêu” thì tuyệt đối bị ngăn cấm từ khi sinh đến 3 – 6 tháng sau.
Ngày nay, các sản phụ được học hỏi các kiến thức khoa học về chăm sóc bản thân và chăm sóc em bé, được tư vấn bởi các chuyên gia nên việc kiêng cữ thái quá sau sinh không còn khắt khe như vậy nữa. Hầu hết các sản phụ hiện đại đều bỏ nằm than, thoải mái với quạt, điều hòa, tắm gội sớm (1 ngày sau khi sinh nếu sinh thường và 2 – 3 ngày với sinh mổ) và đặc biệt là rất thích sử dụng máy tính, điện thoại để lướt Facebook, chụp ảnh con và giao lưu với thế giới bên ngoài. Nhiều bà mẹ thậm chí còn tranh thủ “trốn con” đi chơi khi mới sinh được ít ngày.
Sản phụ ngày nay không giữ lệ kiêng tắm gội cả tháng như xưa.
Chế độ ăn uống của sản phụ thời nay cũng cân bằng, đầy đủ dưỡng chất và đa dạng món ăn hơn. Chuyện kiêng đánh răng sau khi sinh cũng được chứng minh là không cần thiết và có ảnh hưởng không tốt cho cả mẹ và bé.
Đối với chuyện vợ chồng, theo các chuyên gia, sau sinh từ 6 – 8 tuần, phụ nữ có thể “yêu” trở lại, miễn là tâm lý thoải mái. Thậm chí, chuyện “yêu” còn là cách giảm stress cho bà mẹ, tăng cường gắn bó giữa cặp vợ chồng cũng như để chồng không có cảm giác bị bỏ rơi.
Bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong xã hội
Phụ nữ xưa thường được nhắc đến với phong cách đi đứng, giao tiếp chú trọng nét đoan trang, nhã nhặn, hiền thục. Trong ứng xử gia đình, người phụ nữ xưa nổi tiếng với sự lo toan, chăm sóc chồng và các con từ chuyện ăn uống, vệ sinh cho đến dọn dẹp nhà cửa. Phụ nữ xưa thường thức dậy sớm quét dọn, đun nước nóng để pha trà sớm, để các thành viên trong gia đình vệ sinh cá nhân.
Bữa cơm gia đình thời trước cũng luôn phải chu tất, người vợ luôn ngồi đầu nồi để xới cơm cho các thành viên trong gia đình, phải nhường, gắp thức ăn ngon cho bố mẹ, chồng, các con rồi mới đến lượt mình.
Phụ nữ xưa thường được gán với vai trò “nội tướng”.
Nghĩ đến phụ nữ xưa là nghĩ đến vai trò “nội tướng” (người quản lý trong nhà) và có phần lép vế hơn so với đàn ông. Quan niệm “tam tòng, tứ đức” là quan niệm phổ biến để đánh giá phẩm chất của phụ nữ.
Ngày nay, “phái yếu” đã dần dần chiếm được vị trí quan trọng trong xã hội. Sự hiểu biết và quyền bình đẳng đã phần nào giải phóng phụ nữ khỏi những bất công, áp bức cũng như tạo điều kiện cho họ mở mang tri thức, tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động xã hội và chính trị.
Nhiều phụ nữ hiện đại đã nắm giữ các chức vụ lãnh đạo quan trọng của đất nước, hay đơn giản hơn là có sự nghiệp riêng, có khả năng cùng chồng xây dựng kinh tế gia đình, nhiều người thậm chí còn trở thành trụ cột.
Phụ nữ thời nay cởi mở, tự tin hơn, nhiều người có sự nghiệp riêng và đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong xã hội.
Những công việc chăm sóc chồng con vẫn được phụ nữ hiện đại chu toàn, nhưng không còn quá khắt khe như trước. Những bữa cơm gia đình với các món ăn cầu kỳ, mất nhiều thời gian chế biến có thể được thay thế bằng những buổi đi ăn ngoài hoặc được hỗ trợ bởi thức ăn chế biến sẵn, thức ăn công nghiệp, miễn là gia đình êm ấm, hạnh phúc