Anh hùng là một con người thực sự hoặc một nhân vật hư cấu, đã chiến đấu với nghịch cảnh thông qua những chiến công của sự khéo léo, can đảm hoặc sức mạnh trong khi đối mặt với các nguy hiểm. Giống như các thuật ngữ trước đây chỉ dành riêng cho giới tính (như diễn viên), anh hùng thường được sử dụng để chỉ cả nam và nữ, mặc dù nữ anh hùng chỉ đề cập đến phụ nữ. Loại anh hùng ban đầu của sử thi cổ điển đã làm những việc như vậy vì vinh quang và danh dự cho riêng mình.

Mặt khác, những anh hùng hậu cổ điển và hiện đại thực hiện những hành động vĩ đại hoặc những hành động vị tha vì lợi ích chung thay vì mục tiêu cổ điển là sự giàu có, niềm tự hào và danh tiếng cho bản thân. Phản nghĩa của một anh hùng là một kẻ hèn hạ. Các thuật ngữ khác liên quan đến khái niệm về một anh hùng gồm có “người tốt” và “mũ trắng”.

Anh hùng là phiên âm Hán Việt của từ 英雄 (đọc là yīngxióng) có nghĩa là người tài giỏi xuất chúng; người tài giỏi hơn đời, làm được việc lớn.

Về từ nguyên của anh hùng, trong cuốn Hán Việt từ điển giản yếu, Đào Duy Anh giảng: “Anh là vua của loài hoa, hùng là vua loài thú – Anh hùng là người hào kiệt xuất chúng

Lê Văn Hòe trong cuốn Tầm nguyên từ điển xuất bản tại Hà Nội năm 1942  giảng anh hùng như sau: “Anh là phần đẹp đẽ nhất trong cây cỏ tức là bông hoa, hoặc là thứ cây cỏ đẹp đẽ nhất trong loài cây cỏ, nghĩa bóng là đẹp; hùng là giống đẹp và khoe nhất trong loài thú, hoặc là con thú giống đực, nghĩa bóng là khỏe. Người tài trí hơn đời gọi là người anh hùng, gọi thế là có ý so sánh người ấy như bông hoa, như con thú mạnh nhất. Nay anh hùng có nghĩa là người không sợ chết hoặc đã lập được võ công”.

Theo chúng tôi cả hai cụ Đào Duy Anh và Lê Văn Hòe có thể đã dựa vào một nghĩa của từ anh và từ hùng rồi suy diễn “vua loài hoa” (tức anh) kết hợp với “vua loài thú” (tức hùng) thành anh hùng. Thực ra, anh ngoài cái nghĩa là “hoa” còn có hai nghĩa khác là:

1. người tài giỏi
2. nước Anh

Anh trong hai tiếng anh hùng chính là lấy cái nghĩa “người tài giỏi” chứ chẳng phải vua của loài hoa nào cả. Tam Quốc diễn nghĩa có ghi lại câu của Khổng Dung nói với Thái Sử Từ như sau: “Quân tuy anh dũng, nhiên tặc thế thậm thịnh, bất khả khinh xuất” 君雖英勇, 然賊勢甚盛, 不可輕出” (Tạm dịch: Ông tuy tài giỏi, dũng mãnh, nhưng thế giặc to lắm, không nên coi thường).

Về từ hùng, có tới gần 20 nghĩa chứ không chỉ có cái nghĩa là “vua của loài thú”, trong đó có hai nghĩa sát với từ anh hùng như sau:

1. dùng để chỉ đàn ông, nam tử

Trong Nam Hoa Kinh, Trang Tử viết: “(Ai Đài Tha) hựu dĩ ác hãi thiên hạ, họa nhi bất xướng, trí bất xuất hồ tứ vực, thả hữu thư hùng hợp hồ tiền, thị tất hữu dị hồ nhân giả dã” (哀駘它)又以惡駭天下, 和而不唱, 知不出乎四域, 且有雌雄合乎前, 是必有異乎人者也 – Tạm dịch: (Ai Đài Tha) lại xấu xí làm mọi người phát sợ, họa nhưng không xướng, trí không ra khỏi bốn cõi, vậy mà đàn ông, đàn bà xúm xít lại trước mặt. Chắc hắn phải có gì khác người”.

2.  Người dũng mãnh, tài giỏi, kiệt xuất

Theo chúng tôi, hùng trong hai tiếng anh hùng chính là lấy cái nghĩa người dũng mãnh, tài giỏi, kiệt xuất chứ chẳng phải vua của loài thú nào cả.