Ý nghĩa thành ngữ cõng rắn cắn gà nhà được hình thành nhờ tính biểu trưng của các từ ngữ tạo nên nó. Trong thành ngữ này, rắn biểu trưng cho kẻ xấu, độc ác hại người, và hiểu rộng ra là kẻ thù, là bọn giặc. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi trong ý thức của nhân dân ta, rắn bao giờ cũng được liên hệ với cái độc ác, nham hiểm. Rắn đổ nọc cho lươn, rắn đến nhà không đánh thành quái là thế. Còn, gà là vật nuôi quen thuộc, là đối tượng cần được chăm sóc, bảo vệ chu đáo. Trong nhận thức dân gian, gà hay được biểu trưng cho tình anh em ruột thịt: “khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” (Ca dao). Khi từ gà kết họp với từ nhà , tạo thành tổ hợp gà nhà, thì ý nghĩa đó càng thể hiện rõ. Một khi những người anh em thân thiết mà lại làm hại lẫn nhau, thì người đời sẽ chê trách là ”gà nhà bới bếp nhà”. Cho nên khi nói, rắn cắn gà nhà, thì ý nghĩa nổi bật lên đầu tiên là kẻ ác làm hại những người thân thích của mình. Cái lí thú của thành ngữ này còn ở từ cõng với nghĩa khom lưng đưa rước kẻ khác. Và, trớ trêu thay, hành động cõng ở đây lại là cõng rắn, đưa rước kẻ độc ác, kẻ nguy hiểm về làm hại những đối tượng đáng lẽ mình phải có bổn phận chăm sóc, bảo vệ! Sự kết hợp ý nghĩa biểu trưng của các từ, các thành tố riêng lẻ đã dem lại cho thành ngữ cõng rắn cắn gà nhà ý nghĩa chung hàm chỉ hành động đem kẻ ác, kẻ nham hiểm đến làm hại người thân của mình, và hiểu rộng ra, đó là hành động phản bội đồng bào, đưa giặc vào giày xéo Tổ quốc thân yêu của mình. Đó là hành động tội lỗi đáng muôn đời nguyền rủa:
“Cõng rắn cắn gà nhà
Nghìn thu tội với sơn hà còn đeo”
Cùng nghĩa với thành ngữ cõng rắn cắn gà nhà, trong tiếng Việt còn có thành ngữ rước voi về giày mả tổ. Về cơ bản, ý nghĩa hai thành ngữ này tương tự nhau. Tuy nhiên, thành ngữ rước voi về giày mả tổ có sắc thái biểu cảm mạnh hơn: “Tôi biết rằng các người là con dân nước Việt Nam, song vì bị Pháp bắt buộc, bị chúng lường gạt, cho nên, đi lính cho chúng chứ thực ra không ai muốn cõng rắn cắn gà nhà, rước voi về giày mả tổ, chống lại Tổ quốc để mang tiếng Việt gian”