Xem trong sử cũ, nhiều danh nhân tiếng tăm lẫy lừng có những thủ thuật “cưa cẩm” cực độc mà chưa chắc thời nay đã có.
Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ thời trước “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” thì chuyện tình yêu hẳn là tẻ nhạt. Xem trong sử cũ, nhiều danh nhân tiếng tăm lẫy lừng có những thủ thuật làm quen cực độc đáo mà chưa chắc thời nay đã có.
Chiêu tỏ tình của Nguyễn Công Trứ
Công Trứ người làng Uy Viễn – Nghi Xuân – Hà Tĩnh. Thời trẻ gia cảnh rất bần hàn nhưng ông sớm nổi tiếng khắp vùng vì thông minh, ham học. Thời ấy, trong vùng có cô đào nổi tiếng tài sắc nhưng tính nết kiêu kỳ, hiếm người kết thân được với cô ta.
Vốn mê hát ả đào, lại đa tình nên thấy cô đào kia tài sắc ít ai bằng mà lại kiêu kì thì Nguyễn Công Trứ lại càng thích thú, muốn thử khả năng chinh phục của mình. Điều quan trọng đầu tiên để “tán tỉnh” là phải có điều kiện tiếp cận. Công Trứ suy nghĩ mãi cuối cùng cũng ra được một mẹo. Nhân biết chơi đàn, ông mới đến xin với cô đào cho được đi theo làm kép, gảy đàn cho cô ta hát. Không ngờ cô đào đồng ý ngay.
Bước đầu đã thành công nhưng lần nào đi hát cùng cũng đông người, chưa có dịp để thổ lộ. Dịp may cũng đến, hôm ấy, cô đào được mời sang làng bên hát cho một nhà có đám mừng. Nguyễn Công Trứ cùng cô đào và một tiểu đồng cùng đi. Đến giữa cánh đồng vắng, Công Trứ giả bộ hốt hoảng bảo để quên dây đàn ở nhà. Tưởng thật, cô đào vội sai tiểu đồng chạy về lấy.
Chỉ còn hai người giữa đồng không mông quạnh, bấy giờ Nguyễn Công Trứ mới buông lời trêu ghẹo nhưng cô đào chỉ “ứ hự” chứ không cự tuyệt mắng nhiếc gì. Tuy nhiên, chuyện cũng chẳng đến đâu. Nhiều năm sau khi đã đỗ đạt làm tổng đốc Hải – An, nhân ngày sinh nhật, Công Trứ cho mời gánh hát đến giúp vui. Tình cờ cô đào năm xưa cũng có mặt. Nhận ra Nguyễn Công Trứ là anh kép ghẹo mình năm nào, cô đã hát mấy câu nhắc khéo:
Giang sơn một gánh giữa đồng
Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng?
Nhớ ra người năm xưa, Công Trứ hỏi han rồi hết canh hát ông lấy tiền, lụa tặng rất hậu lại dặn kẻ nha lại theo dõi giúp đỡ chu đáo cho cô đào.
Một sự liều là nhiều sự được
Trong số những tình sử của người nổi tiếng, có lẽ chuyện tình của trạng Nguyễn Đăng Đạo là liều lĩnh nhất. Đăng Đạo người ở Kinh Bắc nhưng thời trẻ có lúc ở trọ trong chùa Báo Thiên ở Thăng Long để đi học. Một lần vào dịp rằm tháng giêng, người đến chùa lễ phật rất đông, Đăng Đạo đi học về thì gặp 1 tiểu thư rất xinh đẹp. Ngay cái nhìn đầu tiên ông đã mê mệt nên lẽo đẽo theo nàng lên chùa.
Nhìn thấy tiểu thư đứng lễ Phật, Đăng Đạo cũng len vào đứng cạnh. Rồi ông cố tình khấn rất to: “Nam mô a di đà phật, cầu phật phù hộ cho vợ chồng con bách niên giai lão”. Bọn người hầu của tiểu thư nghe thấy thế thì mắng chàng vô lễ nhưng tiểu thư lại nhỏ nhẹ bảo: “Ngày xuân lễ phật các em không được mắng người ta”.
Thấy người đẹp lại ăn nói nhẹ nhàng, Đăng Đạo càng thích nên bí mật theo dõi để biết nhà nàng. Thì ra nàng là con quan Đề lĩnh quân vụ họ Ngô.
Đêm ấy, Đăng Đạo vượt tường vào phủ tìm nơi ở của tiểu thư nọ. Khi tìm được phòng thì bọn thị nữ thấy người lạ sợ quá mới chạy đi tìm tiểu thư. Nàng đến nơi, Đăng Đạo đĩnh đạc nói: “Tôi là danh sĩ Kinh Bắc đến xin quan lớn cho làm rể”.
Tiểu thư hoảng sợ sai người mang tiền ra cho chàng học trò và bảo: “Thôi có chút quà mọn giúp thầy ăn học, thầy nên đi ngay kẻo cha tôi biết thì nguy cho tính mạng của thầy”. Nhưng Đăng Đạo vẫn điềm nhiên bảo: “Thưa tiểu thư, tôi có phải trộm cướp đâu mà lấy tiền bạc. Tôi chỉ đến xin cầu hôn”.
Ở nhà trên, nghe ồn ào, quan Đề lĩnh tuốt gươm chạy xuống. Nhìn thấy, Đăng Đạo tiến lại vái chào liền bị quan sai người trói lại. Ở dinh bên cạnh có quan tham tụng Phạm Công Trứ, nghe thấy hàng xóm ồn ào mới cùng lính cầm đèn lồng đi sang hỏi: “Đêm hôm, Ngô huynh có việc gì mà giận dữ thế?”. Ngô hầu thuật lại sự việc, Phạm Công Trứ cho là có việc phi thường tất là có người phi thường bèn cho người giải Đăng Đạo lên hỏi: “Anh tự xưng là danh sĩ Kinh Bắc, lính hãy cởi trói cho anh ta. Còn đây là đầu bài phú mới ra ở trường Giám cho các Cống sĩ, anh thử làm xem”. Nói rồi sai người lấy giấy bút cho Đăng Đạo.
Hai quan vào nhà chưa uống hết tuần trà đã thấy lính cầm bài vào. Phạm Công Trứ đọc say mê, vừa đọc vừa trầm trồ khen ngợi rồi bảo: “Nếu Ngô huynh có ý kén rể hiền thì tôi tưởng không ai hơn được người này. Văn tài này hơn cả đám Cống sĩ ở trường Giám. Khoa này không Trạng Nguyên cũng Bảng Nhãn”.
Ngô hầu hết giận nhưng băn khoăn: “Nhà tôi hiếm hoi chỉ có 1 cháu gái nhưng lại đang có tang mẹ, bây giờ chưa thể bàn được”. Phạm Công Trứ gợi ý: “Ngô huynh cứ cho chàng dọn vào trong dinh học tập khi nào đại đăng khoa rồi tiểu đăng khoa cũng vừa. Thế là từ đấy Đăng Đạo được vào trong dinh quan Đề lĩnh ăn học. Sức học chàng tiến bộ hơn hẳn vì có thêm những cánh thư của tiểu thư họ Ngô động viên. Quả nhiên đến khoa thi 1638, Nguyễn Đăng Đạo đỗ Trạng Nguyên và y hẹn, Ngô hầu đã gả người trong mộng cho chàng.