Bốn mươi năm trước, boléro phát trên làn sóng điện vẳng lại từ lối xóm đã ru tôi những giấc trưa ngắn và êm đềm. Giấc đêm khó mà êm sâu, vì ì ầm tiếng súng xa xa Phú Thọ Hòa, phi trường Tân Sơn Nhất. Giấc đêm dù có Thanh Thúy ru và dù có mưa nửa đêm tôi cũng khó mà ngủ sâu. Saigon những ngày tàn cuộc chiến, vô lo đến mấy cứ giật mình trở giấc.

Boléro Thanh Thúy hát “Mưa Nửa Đêm”, tôi nghe những buổi trưa (ngắn và êm đềm). Chị không phải là giọng hát được gia đình tôi khuyến khích nghe (thì tất nhiên, tôi lên sáu, ngay cả Khánh Ly tôi còn chưa đến tuổi được nghe) nhưng mẹ và cậu tôi không hề chê bai. Chưa bao giờ, cả sau này bật những băng cassette cũ, mẹ cũng không chê lời nào.

Đêm chưa ngủ
Nghe ngoài trời đổ mưa từng hạt rơi

Chị người Huế, phát âm kỷ nịm với đèng lẻ loi với lạnh xuyêng qua áo ai. Nhưng hỏi ngã luyến rất đẹp: đêm chưa NGỦ, láy đuôi từ trước nhập vào từ sau NGHE, hát rất tự nhiên như chẳng dụng công gì. Hồi mới vào nghề hòa âm, tôi phối cho băng nhạc quê hương Hoa Kỷ Niệm, làm việc với Bích Phượng và Giang Tử — họ chưa đạt đến hàng danh ca đầu bảng như Thanh Thúy — mà tôi đã phải phục họ hát giỏi, nhả chữ nối câu rất nhuần nhị. Còn làn hơi Thanh Thúy là lô hỏa thuần thanh rồi.

Anh gối tay tôi để ôn chuyện xưa cũ
Gói tròn trong tủi nhớ

Bác Mai Thảo gọi chị là Tiếng hát lúc không giờ. Mai Thảo là người lớn được quyền thức khuya.

Tôi muốn hỏi
Có phải vì đời chưa trọn vòng tay
Có phải vì tâm tư giấu kín trong thư còn đấy
Nên những khi mưa nửa đêm làm xao xuyến
Giấc ngủ chưa đến tìm

Giai điệu và lời đẹp đẽ. Bây giờ nghe lại, tôi vẫn thán phục nhạc sĩ Trúc Phương. Boléro Việt sở dĩ được yêu, là vì những lời ca cứ dìu dặt mà rót đều vào tim vào não, như những làn mưa nhòe phố khuya, át đi nỗi sợ súng đạn và làm mờ đi ánh hỏa châu lập lòe đe dọa.

Những sinh linh đô thị thời chiến đã sống sót, thì biết ơn boléro.