Giống là vậy, thế nhưng nhìn cho kĩ, nhiều điều của xứ Hoa vẫn cứ khác xứ Việt. 

Nếu bạn gặp ai lần đầu ở xứ lạ, mà người đó bảo bạn rằng bạn là người Việt, không phải là người Hoa, thế mà thực sự đúng là như vậy, thì người đó quá là tài! Có những người như thế thật, người xứ tây hẳn hoi, nhưng chính tôi cũng không dám chắc mình đủ tinh anh được đến như thế.

Chẳng cần phải lý sự nhiều, sự giống nhau giữa người Việt và người Hoa thật là lớn lao, cả về thể chất lẫn tinh thần. Đọc chuyện của ai, chứ đọc chuyện của xứ Hoa thì người Việt cảm thấy như họ đang nói chuyện về mình. Đọc Lỗ Tấn, tôi cứ đinh ninh mãi rằng bác AQ là người Hoa… gốc Việt. Vua quan triều Nguyễn thì ăn mặc còn Hoa hơn cả vua quan Trung Hoa triều Thanh, chuyện ấy, chả phải nhắc.

Giống là vậy, thế nhưng nhìn cho kĩ, nhiều điều của xứ Hoa vẫn cứ khác xứ Việt.

Nhắm tới tự quyết tinh thần

Xứ Hoa thu thập đủ các lý thuyết thập phương. Nhưng dù có những giai đoạn họ không hề hiểu rõ các lý thuyết đó ra làm sao, họ im ỉm không cam chịu làm nô lệ đơn thuần cho những lý thuyết đó. Ngược lại là khác, họ tìm cách Trung Hoa hóa chúng, tìm cách khai thác chúng một cách sinh lợi, theo quan niệm của họ. Phật giáo là một ví dụ. Ngay cả học thuyết Marxist-Leninist, một khi vào đến Trung Hoa, nó cũng rất nhanh chóng nhuộm chuyển thành ra học thuyết Mao Trạch Đông, một cách dứt khoát.

Trung Hoa không tự trói mình trong tập tục về sự biết ơn vô bờ. Xử sự của họ với Liên bang Xô viết là ví dụ điển hình, sau chịu ơn được việc, là ngang hàng lập tức.

Cái tinh thần gắng leo thật sự lên đỉnh của thiên hạ đó của xứ Hoa, là cái mà chúng ta không học ra.

Tinh thần thực dụng

Nói là một chuyện, làm ăn sinh sống là chuyện khác, đó cũng là một tinh thần Hoa thật mãnh liệt. Khổng giáo khinh thường, chê bai buôn bán đến đâu đi chăng nữa, thì buôn bán vẫn luôn luôn là lý tưởng và thực hành lớn lao trong đời sống người Hoa. Tôi từng quen biết một kĩ sư trẻ người Hoa, anh này giỏi giang, sáng sủa, hàng ngày chăm chỉ leo xe bus đi làm, chứ không diện xe ôtô riêng đẹp để tán các người đẹp dù cho thu nhập của anh thừa sức. Trong khoảnh khắc càfé thân tình anh ta thổ lộ riêng «bố mẹ tôi ráo riết rồi, đi làm là để có phiếu lương để đi vay tiền, cứ mua cho xong được ba cái căn hộ đơn cho thuê, khi ấy là xong cái nghề đi làm, rồi muốn bay nhảy gì thì hẵng. Tôi đã mua được hai cái.»

Người Việt tuy là học mượn, học nhờ Khổng giáo, nhưng lại cứ làm như mình là con đẻ chính nòi chân chính của Khổng giáo, bắt chước phải cho triệt để cái thuyết đó theo tưởng tượng của mình, để mà khinh thường buôn bán thật sự, đến mức căm phẫn buôn bán. Đã là bắt chước, thì đúng là chỉ theo được cái bóng chước bên ngoài.

Trong chính trị, cũng vậy. Hôm trước xứ Hoa chống Mỹ kịch liệt, khai tử «con hổ giấy», hôm sau chủ tịch Mao đã đón tiếp long trọng tổng thống Mỹ, để cùng hàn huyên dàn chuyện đại sự của thế giới. Trong khi đó người Việt loay hoay chê trách «lập trường» với «đức hạnh» của họ.

Là một nước nhỏ bé, người Việt không hiểu ra điều đó, cứ tưởng như mình có thể nhờ « gương mẫu đức hạnh », để rồi sẽ tự đứng ra hòa giải được cả hai nước khổng lồ là Liên bang Xô viết và Trung Hoa kia lại, để rồi hai ông khổng lồ này rồi sẽ phải trầm trồ biết ơn và kính phục người Việt. Người Việt không hiểu được rằng để thực dụng được, đó không chỉ là câu chuyện đạo đức hay không đạo đức, mà trước hết phải là chuyện có hiểu hay không hiểu cái thế giới xung quanh, nó đang đi về đâu, do những sức mạnh chính yếu nào dẫn dắt.

Người Trung Hoa hôm trước mang cả ông Khổng Tử ra đấu tố, cứ như là ông ấy đang phạm phải tội bè phái chống chủ nghĩa Mao Trạch Đông. Hôm nay, tên tuổi của ông Khổng Tử lại được thắp sáng choang, y như là tượng Nữ Thần Tự Do bên bờ New York. Nếu bạn ngạc nhiên vì điều bình thường đó, chẳng qua là vì bạn chưa hiểu văn hóa Trung Hoa, và hơn nữa, nếu bạn là người Việt, bạn chưa hiểu chính mình.

Bao dung vì lợi

Ngay từ thời xa xưa, các đạo quân Trung Hoa đánh chiếm đến đâu cũng thường đã sẵn sàng nhiều phương phép, hoặc là làm cỏ man rợ các thành trì bất khuất, hoặc là cho các quân tướng của các thành trì đã sớm đầu hàng được giữ nguyên tước vị. Họ không lo vác theo các loại bộ máy quan lại to nhỏ đông đúc li ti để thay thế cho bằng hết được các bộ máy ở mọi nơi mới bình định, chiếm đóng được. Có như thế, các đạo quân xứ Hoa mới đi được xa, mới thu giữ được thiên hạ mênh mông. Họ biết «bao dung vì lợi», để còn kiếm được những ích lợi thật to lớn hơn như thế nữa.

Ngay trong thời hiện đại, Trung Hoa đã vô cùng kiên nhẫn chờ cho hết các thời hạn để thu về trong hòa bình các lãnh địa Hongkong, Macao đã cực kì phát triển giàu có, và lại còn chấp nhận bình thản các thể chế kinh tế-xã hội khác biệt của chúng. Rồi tới đây, sẽ là Đài Loan.

Nhưng họ cũng rất dứt khoát thoắt ra tay ở biển Đông khi thời cơ vừa hé lộ, không khác gì Tư Mã Ý nhanh tay bắt Mạnh Đạt ngày nào.

Chép sử kĩ càng

Xứ Hoa có nền chép sử. Trong đống sử liệu đó, vàng, thau, thật, giả hỗn độn, nhưng vẫn có vàng, vẫn có thật. Tư Mã Thiên lạnh lùng chuyên nghiệp từ cả hàng ngàn năm, từ trước cả công nguyên, đã đành; ngay chuyện Tam Quốc bảy giả ba thật cũng đã khắc họa nhà nghề đời sống và con người đủ loại quí phái bần tiện, khắc họa sắc sảo, không nương tay.

Ngay trong thời hiện đại hôm nay, Mao Trạch Đông đã được đánh giá lại công khai, chính thống, là “bảy đúng, ba sai” chứ không phải “mười đúng, zero sai”, hoặc “zero đúng, mười sai”, theo lối nghĩ thần thoại ông Thiện ông Ác. Hơn cả thế nữa, đã đúng, là đúng tiềm năng, đúng mãi mãi ; đã sai, là sai tiềm năng, sai muôn thuở.

Tính toán xa xôi

Ở Xứ Hoa, họ chắc chắn có kế hoạch cho 20 năm, cho 50 năm tới. Làm được hay không còn là chuyện khác, nhưng việc tính toán thật về đường dài nằm trong tâm trí của họ, và họ thi hành chúng. Người đã quen tính đường dài thì ung dung hơn, và đủ làm ngạc nhiên liên tục những người xung quanh chỉ quen tính đường ngắn, quen nghe ngóng, quen ăn thì ở độ.

Tầm vóc

Sự khác nhau căn bản nhất của xứ Việt và xứ Hoa, là tầm vóc. Nhưng người Việt lại hay quên nhất điều này.

Xứ Việt có tầm vóc thật là khiêm nhường so với xứ Trung Hoa, vậy mà lại cả ngàn năm cứ cố học nguyên xi theo Trung Hoa nhiều chuyện, điều đó là vô cùng không bình thường.

Để ví dụ, tầm vóc đã khác nhau đến như thế, mà trong lịch sử lại từng cùng đua nhau áp dụng Khổng giáo, thì sẽ là vô cùng khác nhau giữa vị thế của quốc gia đóng ngôi thiên tử với vị thế của quốc gia đóng phận dậu phiên khi phải gặp nhau.

Tạm kết

Xứ Việt thực sự vẫn có rất nhiều thứ để học được từ xứ Trung Hoa. Nhưng nếu lối học là học đuổi theo bóng, thì càng thu hoạch, càng ảo tưởng.

Cần học thật, tới nhẽ. Để tìm ra con đường thực sự sáng sủa, bền vững của mình, cho mình.

Và tất nhiên, đừng bao giờ chỉ học từ mỗi xứ Trung Hoa.

Theo HOÀNG HỒNG MINH