I- Những người đắp thành Gia Định và Diên Khánh

Các sử gia triều Nguyễn rất kiệm lời, có lẽ vì cho là không quan trọng, các quan chỉ thi hành nhiệm vụ của mình; cho nên phải rò kỹ mới tìm thấy vài câu trong Liệt Truyện:

– Liệt Truyện về Tôn Thất Hội ghi:“Năm Canh Tuất (1790), mùa xuân, [Tôn Thất] Hội đắp thành đất ở Gia Định[1]Nguyễn Quốc Trị là người đầu tiên tìm thấy câu này.

 Liệt Truyện về Trần Văn Học ghi: “Năm Canh Tuất (1790), đắp thành Gia Định[Trần Văn] Học nêu đo phân đất và các ngả đường (…) Năm Nhâm Tý (1792), làm đồn Mỹ Tho, Học dâng bản đồ, cách thức, Học vẽ giỏi, phàm làm đồn lũy, đo đường sá, vẽ bản đồ, nêu dấu, đều do tay cả[2].

Hai đoạn văn ngắn này xác định: Tướng Tôn Thất Hội được chỉ định cai quản việc đắp thành và Trần Văn Học đo đạc, vẽ bản đồ, thiết kế, thực hiện, không chỉ thành Gia Định và cả đồn Mỹ Tho.

Về thành Diên Khánh, chính sử cũng vắn tắt:

– Liệt Truyện Tôn Thất Hội ghi: “Năm Quý Sửu (1793) (…) Hội cùng đạo binh hợp lại bao vây [Quy Nhơn], giặc có quân cứu viện ở ngoài đến, bèn giải vây về đắp thành Diên Khánh[3].

– Liệt Truyện Vũ Viết Bảo ghi: “Mùa hạ năm Quý Sửu, [Vũ Viết Bảo] theo đi đánh Quy Nhơn, đến khi về đắp thành Diên Khánh, vua sai Vũ Tính [Võ Tánh] ở trấn, cho Bảo làm Cai đội coi thuyền Kiên súng [chịu trách nhiệm súng] doanh Bình Khang [Khánh Hoà][4].

Vì chỉ có những câu ngắn ngủi như thế, cho nên không mấy ai tìm ra tên những người phụ trách đắp hai thành Gia Định và Diên Khánh, khiến các tác giả thuộc địa tha hồ ba hoa về thành tích “xây thành Vauban” của người Pháp. Chúng ta lại biết Nguyễn Ánh trực tiếp trông coi mọi chuyện lớn nhỏ (xem chương 6: Chân dung Gia Long) vậy có thể nói: Chủ trì chương trình đắp thành Gia Định và Diên Khánh chính là Gia Long, dưới lệnh vua là Tôn Thất Hội, phụ tá có Trần Văn Học đắp thành Gia Định và Vũ Viết Bảo đắp thành Diên Khánh.

Tôn Thất Hội (1757-1798)

Tôn Thất Hội (con thứ ba Cai đội Tôn Thất Thắng) năm 18 tuổi theo Định Vương Nguyễn Phước Thuần (1765-1777) chạy vào Gia Định (1775). Phước Thuần bị Nguyễn Huệ giết, Hội theo Nguyễn Ánh, hai lần chạy sang Xiêm, làm tới chức Bình Tây Đại Tướng quân. Năm 1787, Nguyễn Ánh từ Xiêm về chiếm lại Gia Định, trong những trận đánh quyết liệt năm 1788-1789, Tôn Thất Hội giữ vai trò chủ chốt, Liệt Truyện ghi:

“Mùa thu năm Mậu Thân (1788), đại binh đến đóng ở Tam Phụ. Hội cùng Vũ Tính đánh giặc ở Ngũ Kiểu, lấy đèn lồng sắt đốt vào sách [làng, thôn] của giặc, giặc sợ tan vỡ cả. Bắt sống được không biết đâu mà kể. Bèn nhân thế được, tiến sát đến Sài Gòn, đánh phá được Thái bảo của giặc là Phạm Văn Tham chạy đến giữ Ba Thắc [Sóc Trăng]. Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) Hội điều khiển quân các đạo cùng bọn Vũ Tính đánh giặc ở Hổ Châu. Tham sức kém bèn đầu hàng. Lại cùng Nguyễn Văn Trương đánh dẹp bọn lũ còn lại của người Man Ốc Nha Ốc. Tân Hợi (1791), bổ làm Chưởng Tiền quân doanh [Chưởng dinh Tiền Quân]. Năm Quý Sửu (1793) thăng Khâm sai Bình Tây Đại tướng quân, tước quận công”.

Năm 1797, Nguyễn Ánh đánh Quy Nhơn, “để Hội ở lại trấn Gia Định. Uy lịnh nghiêm túc, trong cõi yên lặng. Mùa đông năm Mậu Ngọ [1798] bị bệnh chết, tuổi bốn mươi hai [41 tuổi tây] Thế Tổ rất thương tiếc, tặng là Nguyên phụ công thần, Thượng phụ quốc Chưởng doanh.”

Là người trong hoàng tộc, Tôn Thất Hội hay Nguyễn Phước Hội hơn Nguyễn Ánh 5 tuổi, chưa biết ngôi thứ trong họ thế nào; trưởng thành khi phải bỏ kinh đô vào Nam, nên có đủ thời gian học hỏi hơn Nguyễn Ánh (lúc đó mới 13 tuổi); có khả năng của một vị tướng văn võ kiêm toàn, cho nên Lê Văn Duyệt, vốn rất cao ngạo, rất kính trọng:

“Hội là người nghiêm trọng, kính giữ lễ độ, công cao mà không khoe, ngôi tôn mà càng khiêm tốn, mỗi khi vào chầu ra mắt đi đứng có chỗ thường, ăn mặc như nhà Nho, các tướng đều kính mà sợ. Lê Văn Duyệt từng bàn về điều được điều hỏng của các tướng, bảo rằng: Tống Viết Phước hăng mạnh mà không có mưu, Nguyễn Văn Thành có mưu mà ít hăng mạnh. Duy Hội trí dũng gồm đủ, thật là bậc danh tướng. (…). Năm [Gia Long] thứ 16 vua thấy Hội là người huân nghiệp danh vọng rõ rệt đứng đầu các bề tôi đời trung hưng, cho phụ tế ở Võ Miếu”[5].

Đó là những lý do giải thích tại sao Nguyễn Ánh trao cho Tôn Thất Hội đặc trách trông coi việc đắp hai thành trì lớn nhất thời đó, là Gia Định kinh và thành Diên Khánh.

Về hoàn cảnh đắp thành Diên Khánh, Liệt Truyện cho biết: mùa hạ năm 1793, Nguyễn Ánh đánh Quy Nhơn theo đường thủy, Tôn Thất Hội tiến công mặt bộ, “đại binh vào cửa biển Thị Nại; Hội từ Hà Nha, Cù Mông chia làm hai đường đến đánh úp tên Bảo là con ngụy Nhạc ở Thổ Sơn, Bảo thua chạy về thành Quy Nhơn. Hội cùng đạo binh họp lại để bao vây, giặc có quân cứu viện ở ngoài đến, bèn giải vây về đắp thành Diên Khánh.”[6]

Cũng chỉ vỏn vẹn mấy chữ!

Tôn Thất Hội, tướng đặc trách việc công chánh, có trách nhiệm cao nhất và phụ tá đắc lực của ông trong việc đắp Gia Định thành là Trần Văn Học.

Trần Văn Học

Trần Văn Học, người huyện Bình Dương, thành Gia Định, biết chữ quốc ngữ, La tinh và tiếng Pháp, được Bá Đa Lộc giới thiệu làm thông ngôn cho Nguyễn Ánh. Năm Nhâm Dần (1782), khi Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ vào đánh Gia Định (lần thứ 2), Học cùng Đa Lộc dẫn mẹ và gia đình Nguyễn Ánh chạy sang Cao Miên, rồi lại dẫn về Cần Thơ nơi Nguyễn Ánh đóng… Năm 1783, Học cùng Bá Đa Lộc, Phạm Văn Nhơn, Nguyễn Văn Liêm… hộ tống hoàng tử Cảnh sang Tây cầu cứu, tháng 2/1875, tầu tới Pondichéry. Tháng 7/1786, Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh sang Pháp; Học, Nhơn, Liêm… phải quay về Vọng Các[7]. Năm 1787, Học sang Ấn Độ, khi về, tầu gặp bão, dạt sang Phi Luật Tân, hơn một sau mới về tới Gia Định.

“Từ đó, Học ở lại theo hầu, đem thông ngôn nước Tây cùng với Ô Ly Vi (người Tây) phiên dịch chữ tiếng Tây, và chế tạo các hạng hoả xa, chấn địa lôi, binh khí.

Năm Canh Tuất [1790] đắp thành Gia Định, Học nêu đo phân đất và các ngả đường, rồi cùng người Tây là bọn Nguyễn Chấn [Vannier] trông coi chiếc thuyền lớn bọc đồng, theo quan quân đánh giặc.

Năm Nhâm Tý [1792] làm đồn Mỹ Tho, Học dâng bản đồ, cách thức, Học vẽ giỏi, phàm làm đồn luỹ, đo đường sá, vẽ bản đồ, nêu dấu, đều do tay cả.

Gia Long năm thứ hai [1803], thăng Cai Cơ, rồi thăng Giám thành sứ Khâm sai Chưởng Cơ.

Minh Mạng năm thứ hai [1821] sai đến các trấn Gia Định và địa giới nước Chân Lạp vẽ địa đồ núi sông đường sá đem dâng[8].

Nguyễn Đình Đầu viết: “Đem so sánh bản đồ Sài Gòn 1799 của Dayot với bản đồ Gia Định 1815 của Trần Văn Học thì, về kỹ thuật đồ bản như trắc địa hay tỷ lệ, bản đồ sau chính xác hơn bản đồ trước nhiều. Hình như Trần Văn Học đã vẽ hầu hết các thành trì và công sự phòng thủ ở cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Ta có thể coi Trần Văn Học là người Việt Nam đầu tiên đã biết vẽ bản đồ điạ lý và đồ hoạ kỹ thuật theo phương pháp Tây phương”[9].

Nguyễn Đình Đầu sưu tập được bản đồ Gia Định của Trần Văn Học vẽ năm 1815, rất quý, chúng tôi xin phép ông, sẽ in lại bản đồ này, tiếc rằng ông không cho in bản đồ Sài Gòn của Dayot 1799, và bản đồ Sài Gòn của Le Brun 1795, mà ông nhắc đến trong bài viết. Chúng tôi mong có dịp được xem những bản đồ này, vì Dayot trốn đi năm 1795 và Lebrun bỏ đi năm 1791, vậy không biết họ vẽ những bản đồ này lúc nào và vẽ như thế nào? Hoặc ai là người vẽ những bản đồ này rồi đề tên Dayot và Le Brun vào, với mục đích gì?

Vũ Viết Bảo

Vũ Viết Bảo chuyên về hoả pháo và xây dựng thành luỹ. Người gốc Thanh Hoá, tổ tiên theo Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá. Cha là Hựu, làm đội trưởng. Năm 1775, Vũ Viết Bảo theo Nguyễn Phước Thuần vào Nam, năm 1778, được bổ vào đội Nội binh, trực thuộc Đỗ Thanh Nhơn, rồi vào đội Tiểu sai. Có lẽ thời kỳ này Bảo đã học cách đóng tầu chiến với Đỗ Thanh Nhơn[10]. Năm 1781, Đỗ Thanh Nhơn bị giết, quân Đông Sơn nổi lên chống Nguyễn Ánh. Nguyễn Đình Thuyên được cử dẹp loạn, 1782, Vũ Viết Bảo dụ hàng những người Đông Sơn còn lại. 1785, Nguyễn Ánh chạy sang Vọng Các, Bảo trốn ở vùng sông Tam Kỳ. 1788, Bảo theo Võ Tánh đánh Tây Sơn ở bãi Khổng Tước [Gò Công]. 1789, Nguyễn Ánh lấy lại Gia Định, Bảo trở lại đội Tiểu sai.

Vũ Viết Bảo được gần gụi những tướng giỏi về thuyền tầu, xây dựng và đúc súng, sau Đỗ Thanh Nhơn, ông ở dưới quyền Nguyễn Văn Khiêm, chuyên gia pháo binh và xây dựng thành luỹ.

Tháng 7/1792, Vũ Viết Bảo coi đội thuyền hoả pháo, theo Nguyễn Văn Khiêm lập công đốt thuyền Tây Sơn ở trận Thị Nại. Năm Quý Sửu [1793], theo Tôn Thất Hội đi đánh Quy Nhơn, không được, phải rút về Diên Khánh, Bảo đắp thành Diên Khánh với Tôn Thất Hội. Năm Kỷ Mùi [1799], được gọi về Gia Định, coi hai đội Chấn Uy nhất và Chấn Uy nhị kiêm phó quản các thuyền trung hầu tiến đánh Quy Nhơn; rồi lại theo Lê Văn Duyệt đắp các đồn Thạch Tân và Sa Lung, để chặn quân tiếp viện của Tây Sơn. Tháng 7/1799 Võ Tánh hạ thành Quy Nhơn, làm trấn thủ, Vũ Viết Bảo quản lý thuyền bè và trông coi súng ống ở bốn cửa thành. Khi Trần Quang Diệu vây Quy Nhơn, Võ Tánh mở cửa thành ra đánh, Vũ Viết Bảo điều khiển súng hoả xa bắn lui quân địch. Năm 1802, được triệu về kinh thăng chức Thuộc nội Cai cơ, theo vua ra Bắc.

Năm 1805, Vũ Viết Bảo theo Nguyễn Văn Khiêm phụ trách việc “xây dựng xã miếu, cung điện, hoàng thành Huế” và “trông coi đúc 9 cỗ súng lớn”[11]Sau chiến tranh, ông tiếp tục quản trị thuyền tầu và súng ống, được thăng Thị nội Thống chế. Năm 1816, có lỗi, bị giáng xuống Cai cơ. Minh Mạng lên ngôi, đặt doanh Thần Cơ, thăng ông làm Thống chế Thần Cơ Thị nội kiêm lĩnh các đội Thân binh. Ông mất năm Minh Mạng thứ 4 [1823][12].

Trịnh Hoài Đức và Gia Định Thành Thông Chí

Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức (1765-1825) là bộ sách sử địa có tính bách khoa đầu tiên viết về miền Nam từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX, mà các tác giả triều Nguyễn khi viết Thực Lục, Liệt Truyện, Hội Điển, Nhất Thống Chí… đều phải dựa vào. Việc tìm hiểu thành Gia Định ngày nay không thể tiến hành nếu không có Gia Định Thành Thông Chí.

Trịnh Hoài Đức còn có tên khác là An, tự Chí Sơn, hiệu Cấn Trai, người minh hương, tổ tiên ở Phúc Kiến, nhiều đời làm quan. Ông nội bỏ nhà Thanh, đến ở Trấn Biên [Biên Hoà]. Khi cha chết, 10 tuổi, mẹ dời đến Phiên Trấn [Gia Định], học xử sĩ Võ Trường Toản. Năm 1788, Hoài Đức cùng các bạn Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tĩnh… đi thi, đỗ, được bổ Hàn lâm viện chế cáo (tâu trình luật tắc), năm sau, làm Điền tuấn (quan coi canh nông) ở huyện Tân Bình (Sài Gòn). Rồi tham tri bộ Hình và Thị giảng (thầy dậy) Đông cung Cảnh.

Tháng 6/1802, vua Gia Long đặt Lục bộ, nhưng chưa có chức Thượng thư, Trịnh Hoài Đức được tạm phong Thượng thư bộ Hộ, làm Chánh sứ sang Tầu xin cầu phong (đi cùng có Ngô Nhơn Tĩnh, tham tri bộ Hình và Lê Quang Định tham tri bộ Binh, vv…), rồi ông làm thông dịch sứ trong lễ tuyên phong. 1805, trở về Gia Định. 1808, Nguyễn Văn Nhơn làm Tổng trấn, Trịnh Hoài Đức làm hiệp tổng trấn Gia Định. Tháng 8/1812, thăng Thượng thư bộ Lễ. 1813, Thượng thư bộ Lại. 1816, lại làm hiệp tổng trấn Gia Định.

1820, Minh Mạng lên ngôi, gọi Nguyễn Văn Nhơn về kinh, Trịnh Hoài Đức kiêm tổng trấn và hiệp trấn Gia Định. Mùa hạ 1820, Trịnh Hoài Đức về kinh giữ bộ Lại; 1821, sung phó Tổng tài Sử quán, rồi thăng Hiệp biện Đại học sĩ, kiêm lĩnh bộ Lại và bộ Binh. Là quan văn đầu tiên được trao nhất phẩm trong triều. 1821, theo vua ra Bắc, khi về, dâng hai bộ sách Lịch Triều Kỷ Nguyên và Khang Tế Lục. 1822, làm chủ khảo khoa thi Hội đầu tiên, và đến kỳ thi Đình, trong ban đọc quyển, rồi kiêm Thượng thư bộ Lễ.

Trịnh Hoài Đức không có nhà riêng, “vua cho 3.000 quan tiền và gỗ, gạch, ngói làm nhà để làm chỗ nghỉ ngơi tắm gội.” 1823, già yếu, xin nghỉ, vua chỉ cho tạm ngừng việc ở bộ Lại và bộ Lễ để dưỡng bệnh, mùa đông, khỏi bệnh, lại giữ chức cũ. Sau 3 tháng về thăm nhà, 1824, trở lại kinh, giữ hai bộ Lại và Lễ kiêm nha Thương Bạc.

Mùa xuân 1825, ông mất ở tuổi 60. Minh Mạng thương tiếc lắm, bãi triều ba ngày, truy tặng Thiếu Phó Cần Chính Đại Học Sĩ, đặt tên thụy là Văn Khác. Ngày đưa linh cữu về Gia Định, sai hoàng tử Miên Hoành đến nhà khâm mạng. Đám tang đến Gia Định, tổng trấn Lê Văn Duyệt thân hành đi viếng. Tác phẩm: Gia Định Thành Thông Chí, Ấn Trai thi tập, Bắc sứ thi tập và Gia Định tam gia thi tập[13]. Trịnh Hoài Đức là một trong những khuôn mặt văn hoá lớn của đất Gia Định cùng Lê Quang Định, có công xây dựng nền địa dư nước nhà từ buổi đầu. Việc nghiên cứu Gia Định kinh, kinh đô thứ ba của Việt Nam sau Thăng Long và Phú Xuân, phần lớn dựa vào Gia Định Thành Thông Chí.

II- Chúa Nguyễn chinh phục miền Nam

Gia Định trước khi thuộc vào nước Việt, là đất của Thuỷ Chân Lạp. Gia Định kinh tồn tại từ 1790, khi Nguyễn Vương đắp thành bát quái, đến năm 1801, khi Gia Long lên ngôi hoàng đế, ngự trị ở Huế. Gia Định hay Sài Gòn, sau 12 năm là kinh đô của nhà Nguyễn trung hưng, trở thành thủ đô miền Nam. Sự thành lập Gia Định kinh gắn bó với tiến trình chinh phục miền Nam của chúa Nguyễn.

Sự chinh phục này bắt đầu từ thời chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687), có thể chia làm 5 thời kỳ, như sau:

1- Thời kỳ I, chúa Nguyễn bảo hộ Chân Lạp

Thực Lục tóm tắt lời Trịnh Hoài Đức, ghi: “Tháng 9 [Mậu Tuất, 10/1658] vua nước Chân Lạp (vốn tên là Cao Miên) là Nặc Ông Chân xâm lấn biên thùy. Dinh Trấn Biên[14] báo lênchúa sai Phó tướng Trấn Biên là Tôn Thất Yến, Cai đội là Xuân Thắng, tham mưu là Minh Lộc (hai người đều không rõ họ) đem 3000 quân đến thành Hưng Phúc [Phước](bấy giờ gọi là Mỗi Xuy, nay thuộc huyện Phúc Chính tỉnh Biên Hoà) đánh phá được, bắt Nặc Ông Chân đưa về. Chúa tha tội cho và cho hộ tống về nước, khiến làm phiên thần, hàng năm nộp cống[15].

Lê Quý Đôn viết: “Vĩnh Thọ năm thứ (1658), mậu tuất, tháng 9, [10/1658] Phúc Tần lấy cớ vua Cao Miên là Nặc Chăn lấn bờ cõi, sai võ tướng dinh Trấn biên là Yên võ hầu, Cai đội là Xuân thắng hầu, tham mưu là Minh lộc hầu, câu kê [?] là Văn lĩnh bá đem 3000 quân đi đánh miền Nam. Ngày mồng 9 [5/10/1658] cất quân, ngày 19 [15/10/1658] đến thành Cao Miên, đánh vài trận lớn, bắt sống được Nạc Chăn cùng bộ lạc, và bắt được voi ngựa khí giới, giải về dinh Quảng Bình, Phúc Tần tha cho Nặc Chăn về nước”[16].

Qua hai đoạn trích dẫn trên đây, ta nhận thấy:

Điểm thứ nhất: Trịnh Hoài Đức và triều đình Huế cho là Chân Lạp “xâm lấn” trước nhưng Lê Quý Đôn, học giả Bắc, lại viết Nguyễn Phước Tần chỉ lấy cớ để đánh Chân Lạp. Có hai sự kiện hiển nhiên: thứ nhất, Nguyễn Phước Tần là vị chúa chinh phục[17]. Trong khi đánh nhau với chúa Trịnh, Nguyễn Phước Tần thôn tính dần nước Chiêm Thành và định đánh xuống Chân Lạp để mở rộng bờ cõi về phương Nam. Ông áp dụng khéo léo phương pháp vừa chiến vừa trị: Một mặt sai tướng đi chinh phục, bắt vua Chân Lạp rồi tha về cho làm phiên thần, sau lấy cớ Chân Lạp không chịu thần phục, chiếm dần đất này. Một mặt cho người Minh xuống miền Nam khai khẩn đất hoang; cuộc di dân này sẽ được Quốc Chúa Nguyễn Phước Chu (1691-1725) tiếp nối, đem dân từ Quảng Bình trở xuống vào Nam để đồng hoá người Chân Lạp.

Điểm thứ hai: Trận chiến chinh phục đầu tiên năm 1658 do Tôn Thất Yến thống lãnh quân đội, xẩy ra ở thành Hưng Phúc [Hưng Phước hay Mỗi Xuy] mà Lê Quý Đôn gọi là thành Cao Miên, Nhất Thống Chí ghi là ở Biên Hoà, nhưng thời kỳ đó Biên Hoà và Gia Định chưa phân chia rõ ràng địa phận, nên có thể hiểu là ở sát Sài Gòn hay chính là Sài Gòn?

2- Thời kỳ II, Nguyễn Dương Lâm chinh phục Chân Lạp

Năm Giáp Dần [1674], Chân Lạp có nội loạn: Nặc Ô Đài giết cha là nhất vương Nặc Xô, tự làm vua, cấu kết với Xiêm La, mưu giết nhị vương Nặc Nộn. Nặc Nộn chạy lên Thái Khang [tức Bình Khang hay Khánh Hoà] cầu cứu. Chúa Hiền sai Nguyễn Dương Lâm, Cai cơ đạo Nha Trang dinh Thái Khang, làm Thống binh, cùng Nguyễn Diên Phái, Tham mưu và Vân Sùng (không rõ họ) làm Thị chiến, đem quân vào cứu. “Dương Lâm chia binh làm hai đạo, đương đêm đem binh đánh úp phá các luỹ Sài Gòn (nay là tỉnh lỵ Gia Định) và Bích Đôi (Gò Bích), chặt cầu phao và xích sắt [hệ phòng thủ của Chân Lạp], thẳng tiến vây thành Nam Vang. Nặc Ô Đài hoảng sợ, chạy chết, Nặc Thu đến quân môn xin hàng. Tin thắng trận báo về, triều đình bàn rằng Nặc Thu là dòng đích thì phong làm vua chính, đóng ở thành Long Ức (U Đông), Nặc Nộn làm vua thứ nhì, đóng ở thành Sài Gòn, cùng coi việc nước, hàng năm triều cống”[18]Các tướng Diên Phái và Vân Sùng chết vì lao lực. Dương Lâm rút quân về Nha Trang, được thăng làm trấn thủ Thái Khang. Vậy tên Sài Gòn đã có từ thời Nguyễn Dương Lâm, 1674.

Nhưng chúng tôi chú ý đến một đoạn Đại Nam Nhất Thống Chí ghi về di tích thành cũ Tân Lân và luỹ cũ Phước Tứ như sau:

“Thành cũ Tân Lân: Tân Lân tức là Bàn Lân xưa, ở lỵ sở tỉnh, dấu vết vẫn còn; có thuyết nói do người Chân Lạp xây.

Luỹ cũ Phước Tứ: ở phiá đông trạm Biên Phước thuộc điạ phận huyện Phước An, nằm ngang đường cái. Xưa người Cao Miên là Bô Tâm đắp luỹ đất ở địa đầu Hưng Phước, trồng tre gai, thế rất kiên cố. Năm Giáp Dần, Thái Tông thứ 27 [Nguyễn Phước Tần] (1674) sai bọn Nguyễn Dương Lâm và Nguyễn Diên đem quân đánh. Diên đến trước, nhân lúc không phòng bị, tiến quân chiếm cứ lấy luỹ; cách mấy hôm sau, quân Man bốn mặt họp lại, đánh vây rất hăng, Diên cố giữ không đánh. Dương Lâm kế đến hợp lực cùng đánh, quân Man vỡ tan, nhân gọi luỹ ấy là luỹ Phước Tứ, các đời vẫn theo như thế, lấy làm chỗ đóng đồn trọng yếu của đạo Hưng Phước, bờ tre và nền cũ nay hãy còn có thể nhận được ra dấu vết.”[19]

Tập hợp những thông tin trên đây, ta có thể kết luận:

Khi Tôn Thất Yến tấn công Chân Lạp năm 1658, đánh nhau ở thành Hưng Phước tức Mỗi Xuy hay thành Cao Miên, bắt được Nặc Ông Chân giải về Quảng Bình, nơi chúa Nguyễn Phước Tần đóng quân chống nhau với chúa Trịnh. Điều này chứng tỏ Nặc Ông Chân đã lấy Hưng Phước hay Mỗi Xuy hay thành Cao Miênlàm thành hay kinh thành của Thủy Chân Lạp, tức là miền Nam Việt Nam sau này.

Khi Dương Lâm tiến quân năm 1674, cũng chiếm các luỹ Sài Gòn trước, rồi mới đánh sang Nam Vang sau. Đánh Nam Vang tức là đánh kinh đô U Đông của Lục Chân Lạp lúc bấy giờ[20].

Trở lại những điều Nhất Thống Chí và Lê Quý Đôn ghi ở trên, thì luỹ Sài Gòn, chính là luỹ Phước Tứ, ở thành Hưng Phước tức thành Mỗi Xuy hay thành Cao Miên.

Vậy ta có thể suy ra: Hưng Phước tức Mỗi Xuy hay thành Cao Miên chính là Sài Gòn. Còn thành cũ Tân Lân có thể là dinh Phiên Trấn (sẽ nói đến sau). Sau khi thắng trận, Dương Lâm, được lệnh chúa Hiền, phong Nặc Thu làm nhất vương đóng ở U Đông và Nặc Nộn làm nhị vương đóng tại Sài Gòn.

Vậy Sài Gòn và U Đông, thời ấy, là kinh đô của Thủy và Lục Chân Lạp. Điều này giúp cho sự xác định vị trí cung điện vua Chân Lạp tại Sài Gòn, trong các phần sau.

3- Thời kỳ III, người Minh tỵ nạn vào Nam

Năm Kỷ Mùi, 1679, các tướng Minh là Long Môn (Quảng Tây) Dương Ngạn Địch, cùng Hoàng Tiến, Cao Lôi Liêm và Trần Bình An, chạy nhà Thanh, đem 3.000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến cửa Tư Dung và cửa Đà Nẵng, “xin làm tôi tớ“, chúa Hiền không nỡ chối từ, nhưng vì “ngôn ngữ bất đồng, khó cai quản“, thấy đất Đông Phố (tên cổ của Gia Định) ở Chân Lạp đồng ruộng phì nhiêu, bèn cấp cho chức tước, sai vào khai khẩn Đông Phố, và lệnh cho vua Chân Lạp đón tiếp. Binh thuyền của Ngạn Địch và Hoàng Tiến vào cửa Lôi Lạp (thuộc tỉnh Gia Định) đến đóng ở Bàn Lân (thuộc Biên Hoà), khai vỡ đất hoang, dựng phố xá. Thuyền buôn của người Thanh và các nước Tây Dương, Nhật Bản, Chà Và… đi lại sầm uất. Trong số hậu duệ của những người Minh ở vùng Biên Hoà Gia Định này, sẽ có những nhân tài như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh…

Năm Kỷ Tỵ (1689), chúa Nghiã Nguyễn Phước Trăn (1687-1691), sai phó tướng Mai Vạn Long đi đánh Chân Lạp, thua, bỏ về. Chúa lại sai Nguyễn Hữu Hào[21] làm thống suất cùng tham mưu Hoà Tín đi đánh Chân Lạp. Chân Lạp sợ oai Nguyễn Hữu Hào, vua Nặc Thu bèn cống lễ, Hào nhận đồ cống rồi về. Hoà Tín tâu: Hữu Hào lừng khừng, chúa giận, truất chức.

Tuy là phiên thần, nhưng Chân Lạp không chịu sự bảo hộ, vẫn nổi lên chống lại, các vua Chân Lạp cũng đánh lẫn nhau, và chính Hoàng Tiến cũng giết chủ tướng là Ngạn Địch để hùng cứ, nên các chúa phải sai quan quân đi dẹp, rồi chiếm dần đất Chân Lạp.

4- Thời kỳ IV, Nguyễn Hữu Kính dựng dinh Phiên Trấn

Năm Mậu Dần [1698] Quốc chúa Nguyễn Phước Chu (1691-1725) sai Thống suất Nguyễn Hữu Kính (1650-1700), con Nguyễn Hữu Dật, em Nguyễn Hữu Hào, kinh lược đất Chân Lạp. Lấy đất Đông Phố làm phủ Gia Định, chia làm hai: lấy Đồng Nai làm huyện Phúc Long, đặt dinh Trấn Biên; lấy Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Rồi Hữu Kính lại trở về trấn thủ Bình Khang. Năm sau, 1699, vua Chân Lạp Nặc Thu nổi lên chống lại, chúa sai Hữu Kính làm Thống suất đi đánh. Mùa xuân Canh Thìn (1700) Hữu Kính bày trận ở Ngư Khê, đắp lũy Hoa Phong[22], chia đường tiến đánh Nam Vang. Nặc Thu bỏ chạy, Nặc Yêm ra hàng. Kính vào thành yên dân. Nặc Thu cũng xin hàng, Kính cho Nặc Thu về thành La Bích tập hợp dân phiêu bạt. Hữu Kính đem quân về tới Soài Mút thì bị bệnh mất, thọ 50 tuổi. Minh Mạng năm thứ 12[1831] truy tặng Khai Quốc công thần Tráng vũ tướng quân, thụy là Tráng Hoàn, thờ ở Thái Miếu.

Trịnh Hoài Đức viết:

“Mùa xuân năm Mậu dần [1698]… dựng dinh Phiên Trấn (lỵ sở ở cạnh đồn mới ngày nay) mỗi dinh đặt ra các chức Lưu thủ, Cai bạ, Ký lục, để giữ và chăm dân, nha thuộc thì có hai ty Xá sai và Tướng thần lại để làm việc; quân lính thì có tinh binh và thuộc binh thuỷ bộ, các cơ đội thuyền để hộ vệ; mở đất đai nghìn dậm, được dân hơn bốn vạn hộ, chiêu mộ dân di tán ở châu Bố Chính [Quảng Bình] trở vào để cho ở đầy, đặt các xã, thôn, phường ấp, chia các điạ phận, trưng chiếm ruộng đất, chuẩn định thuế điền, thuế đinh; làm ra sổ đinh, điền; từ đấy con cháu người Trung Quốc ở Trấn Biên [Biên Hoà] lập làm xã Thanh Hà, ở Phiên Trấn [Gia Định] lập làm xã Minh Hương, đều biên vào sổ hộ khẩu”[23].

Năm 1708, Mạc Cửu dâng Quốc chúa đất Hà Tiên[24].

5- Thời kỳ V, Nguyễn Cư Trinh dựng dinh Điều Khiển

Năm 1753, vua Chân Lạp Nặc Nguyên, xâm lấn đất Côn Man [hay Tì Man], Võ Vương Nguyễn Phước Khoát (1738-1765)] muốn nhân cơ hội chiếm Chân Lạp, bèn sai Thống suất Thiện Chính và Tham mưu Nguyễn Cư Trinh đem quân chinh phạt. Nặc Nguyên chạy sang Hà Tiên, xin dâng 2 phủ Tâm Bôn  Soi Rạp [Lôi Lạp], chúa chưa thuận, Cư Trinh khuyên nên, chúa nghe theo. Ít lâu sau Nặc Nguyên chết, chúa phong Nặc Tôn làm vua, Nặc Tôn dâng thêm đất Tâm Phong Long.

Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) là người văn học, năm 1750, làm tuần phủ Quảng Ngãi đã viết truyện Sãi Vãi bằng quốc âm để khuyên dân. Ông là người đầu tiên nhận chức Điều Khiển. Cai trị miền Nam hơn 10 năm, được dân chúng mến phục. Liệt Truyện viết: “Cõi Nam mở đất đến đây rất rộng, đều là công Cư Trinh… Ông lại hay ngâm vịnh, thường cùng Hà Tiên đô đốc Mạc Thiên Tứ lấy văn từ đáp tặng nhau… Ông lại hoạ 12 bài vịnh Hà Tiên, được mọi người truyền tụng”. Năm 1765, Nguyễn Phước Thuần lên ngôi, gọi ông về Huế. Trương Phước Loan chuyên quyền, triệu các quan đến nhà riêng bàn bạc, ông bảo: Phúc Loan sao dám vô lễ như thế! Chực chuyên quyền à? Các quan không dám đến nữa, Loan căm giận lắm nhưng vẫn kính sợ. Năm 1767, ông mất, thọ 51 tuổi. Minh Mạng năm thứ 20 (1839) truy tặng Khai quốc công thần, Hiệp biện Đại Học Sĩ.

Liệt Truyện viết: “Cư Trinh là người có tài lược, khéo quyết đoán. Những việc ông tâu bầy phần nhiều là lời trung, bàn phải. Khi coi việc quân ở cõi nam, mở đất đai, giữ yên ngoài biên, có huân vọng siêu việt. Ông lại giỏi văn, trội thơ, có tập Đạm am lưu hành ở đời[25].

Trịnh Hoài Đức viết: “Mùa đông năm Quý Dậu (1753), cho Cai đội là Thiện Chính hầu làm Thống Suất, ký lục là Nghi Biểu hầu Nguyễn Cư Trinh làm tham mưu, điều khiển tướng sĩ 5 dinh: Bình Khang [Thái Khang cũ, Bình Thuận, Trấn Biên [Biên Hoà], Phiên Trấn [Gia Định], Long Hồ [Vĩnh Long] (chức Điều Khiển bắt đầu đặt từ đây) đi kinh lược nước Cao Miên, đóng quân ở xứ Bến Nghé [Sài Gòn], dựng làm dinh trại gọi là Đồn dinh (tức chợ Điều Khiển ngày nay) kén luyện quân đội, điều độ kho lương, làm kế khai thác”[26].

Tóm lại, về việc chinh phục miền Nam và xây dựng các dinh thự đầu tiên ở Gia Định thành, có ba điểm thiết yếu:

– Năm 1698, Nguyễn Hữu Kính đi kinh lược, dựng dinh Phiên Trấn và đắp lũy Hoa Phong.

– Hơn nửa thế kỷ sau, năm 1753, Nguyễn Cư Trinh làm Điều Khiển đầu tiên, dựng dinh Điểu Khiển, còn gọi là Đồn dinh. Chợ ở gần dinh này gọi là chợ Điều Khiển.

– Thời Nguyễn Cư Trinh làm Điều Khiển, miền nam có bốn trấn: Phiên Trấn [Gia Định], Trấn Biên [Biên Hoà], Long Hồ [Vĩnh Long] và Hà Tiên.

Dinh Phiên Trấn tương đương với tòa Đô Trưởng, và dinh Điều Khiển tương đương với Bộ Tổng Tham Mưu ngày nay, là hai cơ quan đầu não cai trị miền Nam, thành lập năm 1698 và 1753.

III- Gia Định kinh

Địa điểm dinh Phiên Trấn và dinh Điều Khiển

Chữ Gia Định có ba nghiã, khi Trịnh Hoài Đức viết:

1- “Gia Định xưa là đất của nước Thuỷ Chân Lạp (tức nước Cao Miên ngày nay, nòi giống chia làm Thuỷ Chân Lạp và Lục Chân Lạp), đất ruộng béo tốt, sông nhiều bể mặn, có nhiều điạ lợi như thóc, đậu, cá, muối”[27]Gia Định, trong nghiã này là cả miền Nam. Năm 1698, khi Nguyễn Hữu Kính vào kinh lược, thu phục được hai trấn: Trấn Biên [Biên Hoà] và Trấn Phiên hay Phiên An [Gia Định][28].

2- Gia Định còn là thành phố Sài Gòn của người Chân Lạp xưa. Chữ Sài Gòn, phiên âm từ tiếng Chân Lạp, trong lần chinh phục đầu tiên năm 1658, Tôn Thất Yến đánh nhau ở thành Hưng Phước [Mỗi Xuy], mà Lê Quý Đôn gọi là thành Cao Miên. Khi Dương Lâm tiến quân năm 1674, cũng chiếm các luỹ Sài Gòn trước, rồi mới đánh sang Nam Vang. Và như chúng tôi đã phân tích ở trên, Hưng Phước tức Mỗi Xuy hay thành Cao Miên có thể chính là Sài Gòn. Vậy tên Sài Gòn, đã có trong khoảng 1658-1674.

Năm 1776, tên Sài Gòn đã thông dụng rồi nên Lê Quý Đôn viết: “… lập Nặc Thu làm chính quốc vương đóng ở Cao Miên, Nặc Nộn làm thứ quốc vương đóng ở Sài Gòn, hàng năm triều cống”[29]. Vậy năm 1674, khi Nguyễn Dương Lâm vào đánh, đưa Nặc Nộn trở lại ngai vàng ở Sài Gòn, cung điện của Nặc Nộn ở đâu? Nói khác đi, Sài Gòn đã từng là thủ đô của Thuỷ Chân Lạp, bên cạnh U Đông, thủ đô của Lục Chân Lạp, tất phải có dinh thự, cung điện, đó là chỗ nào? Cung điện U Đông nằm trên đồi cao, điều này cho chúng ta một ý niệm về cung điện Sài Gòn.

3- Gia Định còn có nghiã là tỉnh Gia Định, hay trấn Phiên An [trấn đã bình định yên ổn] trong buổi đầu chinh phục. Trong nghiã này, địa phận Gia Định hay trấn Phiên An, theo Trịnh Hoài Đức như sau: bắc giáp trấn Biên Hoà, nam giáp trấn Định Tường, đông giáp biển và tây giáp Cao Miên, ông viết: “Từ đông sang tây cách 352 dặm, từ nam sang bắc cách 107 dặm. Trấn ấy [trấn Phiên An] lúc mới dùng gọi là dinh Phiên Trấn, có một huyện, bốn tổng. Lỵ sở ở thôn Tân Lân, thuộc tổng Bình Trị, huyện Bình Dương ngày nay[30] (Xem bản đồ Trần Văn Học 1815 ở dưới, tổng Bình Trị chính là Sài Gòn-Chợ Lớn ngày nay).

Vậy tỉnh Gia Định buổi đầu, được chia làm 4 bốn tổng, mà tổng Bình Trị là trung tâm, tức vùng Sài Gòn Chợ Lớn, trong có các lân Tân Thuận, lân Tân Mỹ, thôn Tân Khai, là ba địa điểm chính của thủ phủ. Không thấy Trịnh Hoài Đức ghi thôn Tân Lân trong danh sách thôn, lân của tổng Bình Trị (t. 87-88).

Nhưng câu Lỵ sở ở thôn Tân Lân, rất đáng chú ý, nếu so sánh với câu trong Nhất Thống Chí vừa trích ở trên: “Thành cũ Tân Lân: Tân Lân tức là Bàn Lân xưa, ở lỵ sở tỉnh, dấu vết vẫn còn; có thuyết nói do người Chân Lạp xây”. Ta có thể đoán ra rằng: Tân Lân hay Bàn Lân, là nơi đã được Nguyễn Hữu Kính năm 1698, lấy làm lỵ sở, và dinh Phiên Trấn có thể ở trong hoặc chính là thành cũ Tân Lân của người Chân Lạp.

Trong phần Thành Trì Chí, Trịnh Hoài Đức xác định lại ba vị trí quan trọng này một lần nữa:

“Gia Định trước nhiều rừng chàm rậm rạp, đời Thái Tông [Nguyễn Phước Tần] sai tướng mở cõi chọn chỗ bằng phẳng tiện lợi lập dinh đồn ở chợ Điều Khiển ngày nay, làm nơi cho Thống suất tham mưu đóng quân. Lại đặt dinh Phiên Trấn ở lân Tân Thuận ngày nay (…).

Đến mùa xuân năm Ất Mùi, Duệ Tông [Nguyễn Phước Thuần] năm thứ 11 [1775] đại giá của chúa phải chạy nạn, đóng ở đất thôn Tân Khai.

Mùa thu năm Mậu Thân [1788] là năm Thế Tổ [Nguyễn Ánh] thứ 11[31] buổi đầu trung hưng, việc quân đương rối ren, tạm đóng ở đồn cũ Tây Sơn ở phia đông sông Bình Dương để nghỉ quân nuôi dân.

Ngày mồng 4 tháng 2 mùa xuân năm Canh Tuất thứ 13 [1790], mới đắp thành Bát quái ở gò cao thôn Tân Khai đất huyện Bình Dương.”[32]

Trong đoạn trích trên đây, câu “lập đồn dinh ở chợ Điều Khiển” đặt trước câu “lại đặt dinh Phiên Trấn ở lân Tân Thuận” gây hiểu lầm, người đọc có thể tưởng Dinh Điều Khiển xây trước, thực ra, như ông đã nói ở trên, dinh Phiên Trấn xây trước.

Trịnh Hoài Đức xác định vị trí và mô tả dinh Phiên Trấn như sau:

“Lỵ sở trấn Phiên An, trước đặt ở lân Tân Thuận tổng Bình Trị, sau vẫn để ở đấy. Năm Gia Long thứ sáu (1807), đổi, đặt ở địa phương thôn Hoà Mỹ, phụ vào ngoài quách thành Gia Định, ngồi ở đông bắc trông về tây nam, mà sau lưng là sông Bình Trị [tức sông Bà Nghè hay Thị Nghè]. Ba toà nhà ngói, toà giữa trấn thủ, toà bên tả là cai bạ, toà bên hữu là ký lục, làm công thự của trấn, cũng gọi là công dinh, ngang dọc đều 80 tầm [170m][33] bề ngang chia làm ba phần, duy dinh chính (Trấn thủ) rộng hơn ra 5 tầm [10m625] thôi. Năm thứ 18 (1819), ở sau trấn thự, ngoài đường cái rộng 6 tầm [12m75] đặt kho bốn trấn, 5 nhà kho ngói, mỗi kho 31 gian, rộng rãi, tráng lệ, để chứa nghiền thóc. Thừa ty, quân trại bày ở trước sân ba dinh (Khám đường, nhà ngục, dựng ở phia bắc đường cái quan)”[34].

Tóm lại, chúng ta cần nhớ ba điểm chính sau đây:

1- Dinh Phiên Trấn, hay Toà tỉnh trưởng, lập năm 1698, ở lân Tân Thuận, thời Nguyễn Hữu Kính kinh lược, đến đời Gia Long, năm 1807, dời đến thôn Hoà Mỹ, sát vách thành Gia Định, quay lưng ra sông Thị Nghè.

2- Dinh Điều Khiển hay Bộ tham mưu, lập năm 1753, ở lân Tân Mỹ, thời Nguyễn Cư Trinh làm Điều Khiển, xây ở chỗ đất bằng rộng rãi, làm đồn dinh cho Thống suất tham mưu đóng. Ở gần dinh có chợ, chợ đó được gọi là chợ Điều Khiển.

3- Năm 1775, chúa Nguyễn Phước Thuần chạy vào Nam, đến đóng ở thôn Tân Khai là nơi sẽ đắp thành Gia Định năm 1790.

Nhưng trước đó, Tân Khai chắc chắn phải là một khu dinh thự quan trọng vì Nguyễn Phước Thuần khi chạy vào Nam năm 1775, đã không ở dinh Phiên Trấn và dinh Điều Khiển, mà lấy thôn Tân Khai làm hành tại.

Vậy chúng tôi phỏng đoán thôn Tân Khai chính là khu cung điện cũ của vua Chân Lạp Nặc Nộn ở Sài Gòn, mà các sử gia triều Nguyễn không muốn nói rõ tên.

Lê Quang Định: Nguyễn Ánh mở rộng thành cũ, không xây thành mới

Lê Quang Định[35], viết trong Hoàng Việt Nhất Thống Điạ Dư Chí một đoạn liên quan đến thành Gia Định, hơi khác Trịnh Hoài Đức, như sau:

“Ghi chú về phủ Gia Định: Ngày xưa là đất Thuỷ Chân Lạp, sau đó thuộc đất Cao Miên, Hiếu Ninh Hoàng đế [Nguyễn Phước Chu] triều ta mở mang đất này, lập ra phủ Gia Định từ Bình Hoà vào phiá trong, đặt ra năm dinh rồi cử quan văn võ ở kinh đến mỗi nơi một viên để điều khiển tướng sĩ, lập đồn ở dinh Phiên Trấn thành Gia Định. Cuộc binh biến năm Giáp Ngọ (1774), Hiếu Định Hoàng Đế (Nguyễn Phúc Thuần) chạy vào đây, vài năm sau Huệ Vương (Nguyễn Phúc Dương tức Tân Chính Vương) nhận mệnh ở đây và cũng dùng chỗ này làm nơi hành tại để chống lại nhà Tây Sơn. Trong chừng mươi năm đây là vùng tranh chấp. Năm Đinh Mùi (1787), quân ta từ Xiêm La kéo về đánh đuổi quân Tây Sơn, bắt được tướng Tây Sơn là Thái bảo Tham và thu phục được toàn cõi; nhân đó dùng đồn cũ này làm nơi trú tất. Mùa hè năm Canh Tuất (1790) mới cho mở rộng thành này ra cái thành ngày nay. Thành này được làm như hình hoa sen, chu vi… có 8 cửa đều xây bằng đá tổ ong”.[36]

Lê Quang Định nói về năm 1698, khi Nguyễn Hữu Kính đi kinh lược và tổ chức hành chánh, theo ông thời đó đã có 5 dinh, chắc ông lầm, đến Nguyễn Cư Trinh (thời Nguyễn Phước Khoát) mới có 4 dinh. Nhưng điều quan trọng là ông xác định hai điểm:

1- Dinh Phiên Trấn xây vào năm 1698, như Trịnh Hoài Đức.

2- Và ông coi tất cả mọi biến cố đều xẩy ra ở cùng một chỗ: Nguyễn Phước Thuần chạy vào Gia Định cũng “dùng chỗ này làm nơi hành tại“. Nguyễn Phước Dương được phong ngôi chúa là Tân Chính Vương cũng ở chỗ này. Nguyễn Ánhchiếm lại Gia Định cũng”dùng đồn cũ này làm nơi trú tất”. Và cuối cùng, “mùa hè năm Canh Tuất (1790) cho mở rộng thành này ra cái thành ngày nay“.

Tóm lại, theo Lê Quang Định:

– Tất cả mọi biến cố quan trọng đều xẩy ra ở chỗ này. Nhìn lại câu trước đó: lập đồn ở dinh Phiên Trấn thành Gia Định,thì có thể đoán chỗ này là dinh Phiên Trấn hay là khu dinh Phiên Trấn, tức là khu thành cổ của người Chân Lạp.

– Năm 1790,Nguyễn Ánh không xây thành mới mà chỉ mở rộng thành cũ ra.

Điều này củng cố thêm giả thuyết chúng tôi đưa ra ở trên: đồn Tân Khai không chỉ là một cái đồn mà chính là cung điện cũ củacác vua Chân Lạp tại Sài Gòn. Riêng đồn dinh Phiên Trấn, ở lân Tân Thuận, không biết mới xây năm 1698, hay chính là “Thành cũ Tân Lân: Tân Lân tức là Bàn Lân xưa, ở lỵ sở tỉnh, dấu vết vẫn còn; có thuyết nói do người Chân Lạp xây”, được kể trong Nhất Thống Chí, tức là dùng lại đồn cũ của Chân Lạpnhưng không nói ra.

Nhìn lại tên thôn, xóm trong Tổng Bình Trị, tức Sài Gòn, được Trịnh Hoài Đức ghi lại trong Gia Định Thành Thông Chí (t. 87-88), ta thấy các tên lân Tân Thuận, lân Tân Hội, lân Tân Mỹ, được ông xếp liền nhau, vậy có thể hiểu đó là ba xóm gần nhau, và Tân Mỹ, Tân Thuận là nơi có dinh Điều Khiển và dinh Phiên Trấn, cách nhau một xóm là lân Tân Hội.

Nguyễn Đình Đầu xác định vị trí các dinh thự

Nguyễn Đình Đầu đưa ra lập luận sau đây:

Hai tài liệu Nhất Thống Chí và Gia Định Thành Thông Chí bổ túc cho nhau: “Đồn dinh ở Tân Mỹ” chắc không xa chợ Điều Khiển lắm. Chưa biết Tân Mỹ ở đâu, nhưng vị trí của chợ Điều Khiển và lân Tân Thuận thì đã phỏng định được rồi. Chợ Điều Khiển ở ngã ba đường Nguyễn Trãi với đường Nam Quốc Cang [Đặng Đức Siêu cũ][37]Lân Tân Thuận cũng ở trên đường Nguyễn Trãi khoảng xóm Chợ Đũi nay. Như vậy, các cơ quan tổng tham mưu, quân sự, hành chánh, vv… trong thời chưa chính thức đó đã thiết lập gần đường quan lộ trên một diện tích khá lớn (sau này Pháp lập thành Ô Ma -Camp des mares [Đồn Ao]- trên một phần diện tích đó)”[38].

Ở một đoạn sau, ông xác định vị trí dinh Điều Khiển:

“Dinh Điều Khiển, một vị trí được xác nhận tương đối chắc chắn nhờ có Chợ Điều Khiển. Chợ Điều Khiển nằm gần đường quan lộ (Nguyễn Trãi nay), giữa Ngã Sáu với chợ Thái Bình (cách trấn thành hai dặm rưỡi), tức khoảng gần nhà thờ Chợ Đũi bây giờ. Cụ thể, chợ Điều Khiển nằm trên đường Nam Quốc Cang nay. Đầu đường này nhìn sang dinh Điều Khiển (nằm ở góc đường Nguyễn Trãi với Phạm Ngũ Lão). Đầu kia tới đường xe lửa đi Mỹ Tho cũ, nơi có đường Bùi Thị Xuân cắt ngang. Dinh Điều Khiển đương thời toạ lạc tại một vị trí trung tâm vừa thuận tiện giao thông thuỷ bộ. Trước dinh Điều Khiển là quan lộ chính [đường Nguyễn Trãi] ngang qua. Phiá bắc quan lộ là đường thiên lý đi ra Thuận Hoá và Thăng Long. Phiá nam quan lộ là đường thiên lý đi miền Tây và Hậu giang.”[39].

Tóm lại, Nguyễn Đình Đầu xác định rằng:

– Chợ Điều Khiển nằm suốt dọc đường Nam Quốc Cang (tức Đặng Đức Siêu cũ).

– Dinh Điều Khiển ở góc Nguyễn Trãi-Phạm Ngũ Lão.

– Dinh Phiên Trấn ở trên đường Nguyễn Trãi khoảng xóm Chợ Đũi.

Khu đồn dinh cũ ở chỗ sau này Pháp đặt thành Ô Ma, tức là ở ngoài thành Gia Định. (Xem bản đồ Trần Văn Học, 1815).

Và theo trích dẫn Trịnh Hoài Đức ở trên: Lỵ sở trấn Phiên An, [tức dinh Phiên Trấn] trước đặt ở lân Tân Thuận tổng Bình Trị, sau vẫn để ở đấy”. Mãi đến năm Gia Long thứ sáu (1807), mới đổi ra thôn Hoà Mỹ, sát quách của thành Gia Định, sau lưng là sông Thị Nghè.

Vị trí thành Gia Định

Lê Quang Định cho biết, thời Nguyễn Phước Chu “lập đồn ở dinh Phiên Trấn thành Gia Định”. Ôngkhông nói rõ dinh Phiên Trấn ở đâu, chỉ ngụ ý dinh Phiên Trấn ở trong thành Gia Định, nhưng thành phố hay thành trì? Riêng Trịnh Hoài Đức, xác định dinh Phiên Trấn ở lân Tân Thuận và thành bát quái ở thôn Tân Khai.

Thực Lục viết: “dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định ngày nay)”, cũng mơ hồ, có lẽ viết theo Lê Quang Định.

Đại NamNhất Thống Chí viết: “Năm Mậu Dần (1698)… dựng dinh Phiên Trấn…năm Kỷ Hợi (1779) định điạ đồ, định địa giới dinh Phiên Trấn, năm Canh Tuất (1790) mới đắp thành Bát Quái ở trên gò cao thuộc điạ phận thôn Tân Khai, tổng Bình Dương, gọi là kinh Gia Định”.

Nhất Thống Chí cũng không nói dinh Phiên Trấn ở đâu, nhưng cho biết: năm 1779, định địa đồ và địa giới tỉnh Gia Định và 1790, đắp thành bát quái trên gò Tân Khai, gọi là kinh Gia Định.

Nguyễn Đình Đầu dựa vào chứng của Malleret, và sự tìm thấy vết tường thành cũ, xác định thành bát quái nằm trong hình vuông của bốn con đường: Lê Thánh Tôn – Đinh Tiên Hoàng – Nguyễn Đình Chiểu (Phan Đình Phùng cũ) và Nam Kỳ Khởi Nghiã (Công Lý cũ)[40].

Theo Nguyễn Đình Đầu thì lân Tân Thuận ở trên đường Nguyễn Trãi, khoảng chợ Đũi. Và đồn đất cũ Tân Khai ở nơi còn giữ chữ Đồn Đất, khoảng bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày nay[41].

Chúng tôi không chắc như thế, bởi vì, nếu, đồn Tân Khai ở khu Đồn Đất, tức là ở ngoài thành bát quái, điều này vô lý.

Đọc kỹ lại các tư liệu một lần nữa:

Trịnh Hoài Đức viết: “Ngày 4/2/ Canh Tuất [tức 19/3/1790] tại chỗ gò cao thôn Tân Khai thuộc đất Bình Dương, ngài mới cho đắp thành bát quáinhư hình hoa sen, mở ra tám cửa”. Tức là ông chỉ nói: ngày 19/3/1790, đắp thành Bát quái ở gò Tân Khai.

Lê Quang Định viết: Mùa hè năm Canh Tuất (1790) mới cho mở rộng thành này ra cái thành ngày nay. Lê Quang Định bổ túc lời Trịnh Hoài Đức:Ở Tân Khai đã có thành cũ rồi, chỉ mở rộng thêm ra thôi.

Thực Lục viết: “Ngày Kỷ Sửu [9/3 Canh Tuất, tức 22/4/1790] đắp thành đất Gia Định. Vua thấy thành cũ ở thôn Tân Khai chật hẹp, bàn mở rộng thêm“. Thực Lục viết rõ: vua thấy thành cũ nhỏ, bàn mở rộng thêm.

Quốc Triều Chánh Biên của Cao Xuân Dục, viết sau, cũng chép: “Xây thành đất trấn Gia Định. Ngài nghĩ đồn cũ ở làng Tân Khai còn hẹp, bàn đắp rộng thêm[42].

Tóm lại, không ai nói Gia Long san bằng thành cũ Tân Khai để xây thành mới, như lời xác định của Nguyễn Đình Đầu: “thành mới đắp bao phủ cả lên đồn cũ” (t. 178), mà hầu như các sách đều nói Gia Long chỉ sửa sang, mở rộng thành cũ và đắp thành đất bát quái bao quanh. Vì vậy mới nhanh: chỉ 10 ngày xong.

Còn cái được gọi là đồn cũ Tân Khai ở trên gò cao, như chúng tôi đã đưa ra giả thuyết ở trên, có lẽ chính là cung điện của vua Chân Lạp (theo lối kiến trúc cung điện ở U Đông, cũng làm trên đồi cao) được sửa sang lại thành cung điện của Nguyễn Vương, điều này phù hợp với sự mô tả hoàng cung ở trên đồi của Shihõken Seishi ở dưới.

Nhìn vào bản đồ thành bát quái do Nguyễn Đình Đầu vẽ lại, thấy cung điện ở giữa thành bát quái, tức là ngã tư Hai Bà Trưng và Lê Duẩn (Thống Nhất cũ), khoảng Vương Cung Thánh Đường.

Tóm lại, công việc xây thành Gia Định, có lẽ chỉ là: Nguyễn Vương cho đắp thành đất bát quái chung quanh khu cung điện cũ của vua Chân Lạp, và trùng tu hoặc xây thêm các dinh thự mới trong khu được gọi là Tân Khai này.

Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định đều không nói rõ, có lẽ vì không muốn đời sau nhắc đến quá khứ của nước Chân Lạp và di tích cung điện của vua Chân Lạp.

Những sai lầm của Nguyễn Đình Đầu

Bài Địa lý lịch sử thành phố Hồ Chí Minh[43] của Nguyễn Đình Đầu là một bài nghiên cứu giá trị, có những tìm tòi mới. Dựa vào Trịnh Hoài Đức, ông tìm ra người đầu tiên quy hoạch thành phố Gia Định là Nguyễn Cửu Đàm, năm 1772, sau khi đánh thắng quân Xiêm, về xây luỹ Bán Bích để bảo vệ địa phương Sài Gòn. Nhưng khi viết về các tác giả xây thành Gia Định, ông phạm khá nhiều sai lầm vì lệ thuộc vào những điều Trương Vĩnh Ký và các tác giả Pháp viết, nên đã xác định thành bát quái là thành Vauban, mà không minh chứng.

Khi ta đã chắc chắn rằng vua Gia Long không xây thành Gia Định mới mà chỉ sửa sang lại khu cung điện cũ của vua Chân Lạp, và đắp thành bát quái bao quanh, thì mọi sự sáng tỏ hơn nhiều.

Điểm thứ nhất, trong những cái sai của Nguyễn Đình Đầu, là ông cũng thấy thành Bát quái “mang mầu sắc Á Đông” nhưng rồi ông vẫn bị rơi vào cái bẫy của Taboulet và những xác định vô bằng của Trương Vĩnh Ký, khi ông viết:

“Sài Gòn được bố phòng kiên cố, đặc biệt với thành Bát quái khá rộng lớn. Tên gọi cũng như các định hướng và những chi tiết kiến trúc, thành này mang mầu sắc Á Đông. Nhưng về bố cục và cấu tạo cơ bản, thì thành lại được xây đắp theo kiểu Vauban tây phương. Những ai trực tiếp xây dựng thành Bát quái? Chính sử ta không thấy kể tên, song nhiều nguồn sử khác cho rằng: “Tháng 2 trong năm (1790) vua dạy ông Olivier với ông Lebrun coi xây thành Gia Định tại làng Tân Khai, xây thành Bát quái có 8 cửa, xây vách thành bằng đá ong Biên Hoà” (chú thích NĐĐ: Trương Vĩnh Ký, Biên tích đức thầy, Pinho Quận Công, Sài Gòn, 1897, t.33). Cụ thể có lẽ Lebrun (còn gọi Brun) “ra họa đồ thành Gia Định” và được mệnh danh là “kiến trúc sư quy hoạch đầu tiên của Sài Gòn” (chú thích NĐĐ: “le premier architecte-urbaniste de Sài Gòn” trong G. Taboulet, La Geste française en Indochine, t;I, t.244. Về tiểu sử Théodore Lebrun, Olivier de Puymanel, Jean-Marie Dayot, vv… coi trong sách này, các trang 243-263). Còn Olivier (cũng là Victor Olivier de Puymanel hay Puymanel) là kỹ sư đôn đốc xây dựng thành. Nhưng chắc thế nào cũng có người Việt tham dự trong công tác hoạ đồ và thực hiện: Trần Văn Học là điển hình rõ nét nhất. (…)

Nguyễn Ánh đã phải huy động tới 30.000 dân phu thầy thợ đắp thành Bát quái, đã phải triệt hạ một số nhà cửa làng mạc để lấy mặt bằng. Dân chúng cực khổ. Mầm bất mãn có cơ nguy biến thành nổi loạn vào mùa mưa, lúc ruộng vườn đòi hỏi khẩn cấp nhân công trở về canh tác. Ánh nhượng bộ, giải tán đa số dân phu: đến tháng chạp mới gọi lại để tiếp tục công trình. Hình như thành Bát quái chỉ “tạm xong”, chứ chưa bao giờ hoàn thành đúng y đồ bản thiết kế buổi đầu (khoảng 200 thần công đại bác vẫn còn nằm trong kho, chưa được đặt trên các ụ súng ở góc trường thành cho tới lúc thành bị phá) (…) Có nhà sử học cho rằng một trong những nguyên nhân khiến thành bát Quái không được hoàn thành là vì 30.000 nhân công của Nguyễn Ánh tập hợp để xây thành đã có lần nổi dậy tìm các kỹ sư đốc công của người Pháp mà giết, còn nhân dân bị buộc phải góp công của nhiều quá trong lúc chiến tranh vẫn tiếp diễn, nên nỗi bất bình chồng chất, Nguyễn Ánh bị buộc phải tạm ngưng việc xây dựng thành Bát quái là vì vậy.”[44]

Đoạn văn này có những sai lầm sau đây:

1- Không có chứng gì xác định: về bố cục và cấu tạo cơ bản, thì thành lại được xây đắp theo kiểu Vauban tây phương. Thực ra, bố cục và cấu tạo cơ bản của thành, dựa trên chủ đề bát quái, tám quẻ trong kinh Dịch. Tất cả đều là số tám, tên các cửa thành, mở ra tám hướng, vọng đẩu hình bát giác, vv… Chỉ có một câu của Trịnh Hoài Đức: thành bát quái như hình hoa sen, mở ra tám cửa, câu này cũng như câu: luỹ bán bích hình mặt trăng xếp, không cho phép ta xác định thành bát quái làm theo kiểu Vauban. Tóm lại, cấu trúc cơ bản của thành bát quái theo triết học Đông phương.

2- Khi đặt câu hỏi: Những ai trực tiếp xây dựng thành Bát quái? Chính sử ta không thấy kể tên, Nguyễn Đình Đầu đã không đọc kỹ Liệt Truyện, nên không thấy tên Tôn Thất Hội và Trần Văn Học.

3- Câu Tháng 2 trong năm (1790) vua dạy ông Olivier với ông Lebrun coi xây thành Gia Định ông chépcủa Trương Vĩnh Ký, hoàn toàn sai, vì ngày 13/1/1790, Le Brun mới tới Macao, rồi đào ngũ và tìm cách sang Việt Nam, làm sao tháng 2/1790, Lebrun đã coi xây thành Gia Định được? (xem chương 18, Le Brun).

4- Câu: xây vách thành bằng đá ong Biên Hoà, cũng của Trương Vĩnh Ký, sai nốt, vì thành bát quái đắp đất, đến năm 1829, Lê Văn Duyệt mới xin vua Minh Mạng cho xây thêm đá ong.

5- Những câu: Lebrun “ra họa đồ thành Gia Định” và được mệnh danh là “kiến trúc sư quy hoạch đầu tiên của Sài Gòn, của Taboulet, chúng tôi đã chứng minh trong chương 12, chỉ là sự xuyên tạc lịch sử.

6- Đoạn “30.000 dân phu nổi loạn”, chép từ de Guignes, chúng tôi đã chứng minh trong chương 12, là bịa đặt. Chỉ cần đặt câu hỏi: tại sao một cuộc loạn to như vậy, mà từ sử chính thống như Thực Lục, Liệt Truyện, đến thư từ của các vị thừa sai, thư từ của những lính Pháp, hoặc những cuốn sử ngoài luồng như Sử Ký Đại Nam Việt, Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực, vv… đều không thấy ai nói gì cả?

7- Việc mùa xuân năm trước đắp xong thành bát quái, đến đầu năm sau sửa lại, không có nghiã là là vì có loạn mà phải ngừng, thành Diên Khành cũng đắp và sửa lại như thế. Chuyện tạm ngừng việc xây thành là do Tạ Chí Đại Trường suy ra từ chi tiết: vì thành xây mùa xuân mà đến đầu năm sau sửa, tức là phải ngừng việc xây, mà không nói rõ lý do, vậy là có loạn, như chúng tôi đã trình bầy trong chương 12.

8- Câu thành Bát quái chỉ “tạm xong”, vì các khẩu đại bác chưa được đặt trên các ụ súng ở góc trường thành cũng do một ông giáo sĩ đặt ra. Shihõken Seishi đến đây năm 1795, viết rất rõ: Ở bốn góc của tường thành, có 12 khẩu đại bác bắn đạn đá” (Xem ở dưới). Điều này chứng tỏ thành bát quái trang bị súng kiểu cổ.

9- Cả Trịnh Hoài Đức lẫn Shihõken Seishi, đều không nói là thành Bát quái đắp dở dang.

Điểm thứ nhì, chúng tôi chú ý đến chú thích ở trang 183, Nguyễn Đình Đầu viết:

“Plan de la ville de Sai Gòn fortifiée en 1790 par le Colonel Victor Olivier, réduit du grand plan levé par ordre du Roi en 1795, par Brun, ingénieur de Sa Majesté. Par JM Dayot, 1799. Tạm dịch:Bản đồ thành phố Sài Gòn, do đại tá Victor Olivier bố phòng năm 1790, được ông Brun, kỹ sư của Hoàng thượng vẽ lên bản đồ lớn theo lệnh Vua năm 1795, nay JM Dayot vẽ nhỏ lại. 1799. Tiếc rằng chưa tìm lại được bản đồ lớn vẽ năm 1795. Nếu có, có lẽ còn biết thêm nhiều chi tiết bổ ích về Sài Gòn xưa”[45].

Nguyễn Đình Đầu không cho biết câu này ông trích ở đâu. Có thể đã được rút ra từ câu: “Có một bản đồ thành Sài Gòn do đại tá Olivier vẽ. Rút nhỏ bản đồ lớn do kỹ sư Le Brun vẽ theo lệnh Vua nước Nam”[46]mà Cadière trích dẫn trong bài diễn văn đọc trước Thống Chế Joffre (xem chương 15, Cadière) để làm chứng cho việc Le Brun có vẽ “bản đồ lớn”, nhưng Cadière còn viết thêm: Rủi thay chúng tôi không có bản đồ này trong thư viện”[47].

Nhưng ta có thể đoán câu này được in ở trong một bộ sách vẽ các bản đồ Sài Gòn do Tây in. Mặc dù ở trang sau (t. 185) Nguyễn Đình Đầu có nghi ngờ con số 1795, vì ông biết Le Brun đã bỏ đi từ 1791. Nhưng tất cả những sai lầm tích tụ trong đoạn văn này, tại sao ông không phản bác: ngoài việc Puymanel xây thành Sài Gòn năm 1790, mà chúng tôi đã chứng minh là không thể. Rồi đến năm 1795, vua sai Le Brun vẽ tấm bản đồ lớn. Bản đồ nào? Le Brun đã bỏ đi từ năm 1791, thì sao năm 1795, vua lại có thể sai y vẽ bản đồ lớn? Rồi Dayot lại vẽ nhỏ lại năm 1799? Dayot bị án tử hình đã trốn biệt từ năm 1795, làm sao năm 1799 y còn ở đó mà vẽ lại cái “bản đồ lớn” của Le Brun?

Điểm thứ ba, Nguyễn Đình Đầu viết:

“Thành Bát quái có 3 lớp bảo vệ:

1- Lớp trong cùng xây bằng đá Biên Hoà cao 13 thước, chân tường dầy 7 trượng 5 thước.

2- Lớp giữa là hào rộng 15 trượng 5 thước, sâu 14 thước.

3- Lớp ngoài là “luỹ bằng đất” với chu vi 794 trượng”[48].

Câu trên đây của Nguyễn Đình Đầu gây hiểu lầm: người đọc sẽ tưởng ba lớp ông vừa kể là để bảo vệ hay bao bọc thành bát quái. Thực ra, toàn bộ ba lớp này thuộc vào thành bát quái. Nói cách khác: lớp trong cùng là thành bát quái, lớp thứ nhì là hào, và lớp thứ ba là luỹ.

Về lớp trong cùng hay thành bát quái, ông chép theo Trương Vĩnh Ký “xây bằng đá ong Biên Hoà[49] là sai, bởi vì Trương Vĩnh Ký không biết thành bát quái là thành đất, lại đinh ninh do các ông Tây Olivier và Lebrun xây, rồi ông lộn với thành đá ong, do Lê Văn Duyệt xây sau. Thực Lục ghi rất rõ: thành bát quái bằng đất, chỉ có tám cửa bằng đá ong.

Còn thành đá ong, do Lê Văn Duyệt thực hiện năm 1829, chắc xây lớp đá ong lên trên lớp đất, và xây cao hơn, dưới thời Minh Mạng. Liệt Truyện viết: “Duyệt lại nghĩ Gia Định là trọng khẩn Nam kỳ, bèn tâu xin thuê dân đánh đá ong, cấp thêm tiền gạo, cả lấy dân dinh xây đắp thành hào cao rộng thêm lên để phòng thủ cho nghiêm. Vua nghe cho làm[50]. Nhất Thống Chí viết:“Tổng trấn Lê Văn Duyệt nhân thành cũ làm cao thêm 1 thước năm tấc, xây đá”[51].

Thành đá ong của Lê Văn Duyệt chỉ tồn tại từ năm 1829 đến năm 1836, bị Minh Mạng phá xây thành mới, sẽ nói ở dưới.

Trong chương này chúng tôi in lại hai bản đồ do Nguyễn Đình Đầu sưu tầm và vẽ:

1- Bản bản đồ của Trần Văn Học vẽ phủ Tân Bình (tức Sài Gòn-Chợ Lớn) năm 1815, đã được Nguyễn Đình Đầu ghi thêm các địa danh có sau 1815 và vị trí thành Bát quái (thành Qui) do Gia Long đắp năm 1790 và thành Phụng do Minh Mạng xây năm 1836.

2- Bản đồ thành bát quái do Nguyễn Đình Đầu vẽ, theo tư liệu của Gia Định Thành Thông Chí, Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Nhất Thống Chí, Trương Vĩnh Ký, bản đồ Le Brun 1795, bản đồ Trần Văn Học 1815 và bản đồ Malleret 1935.

Trên cả hai bản đồ này, thành bát quái đều được Nguyễn Đình Đầu vẽ theo kiểu Vauban, vì ông tin rằng thành bát quái do người Pháp xây qua lời Trương Vĩnh Ký và các tác giả thuộc điạ. Hoặc vì ông chép lại bản đồ được coi là của Lebrun vẽ năm 1795 (mà có lẽ do một người Pháp nào vẽ sau này theo kiểu thành Vauban, rồi đề tên Lebrun). Rất tiếc là ông đã không cho in lại bản đồ “Lebrun 1795” mà ông mô tả ở trang 183.

Do đó chúng tôi rất hồ nghi sự Nguyễn Đình Đầu vẽ thành bát quái theo kiểu Vauban. Nếu so sánh với bản đồ Shihõken Seishi vẽ Gia Định kinh năm 1795, cũng in ở dưới, sẽ thấy hình thái thành bát quái của Shihõken Seishi không có gì giống thành Vauban cả.

Kiến trúc thành luỹ Âu và Á

Vì không biết rõ về kiến trúc, nên chúng tôi phải tìm hiểu đại lược kiến trúc thành luỹ Tây và Đông, khác nhau như thế nào, may mắn kiếm được một luận văn cử nhân lịch sử tại Đại học Nice Sophia-Antipolis, Pháp, 1999; tựa đề: Les citadelles dans le ViêtNam du XIXe siècle (Những thành quách của Việt Nam trong thế kỷ XIX) của Nicolas Micalef (net4war.com), xin trích dịch một đoạn sau đây:

Chúng ta bàn đến những thành trì ở Việt Nam thế kỷ XIX, nhưng tại sao lại chọn đề tài này, nếu ta chỉ coi đó là những sự vá víu gạch vữa, trong cái nhìn thô thiển?

Đề tài này tương đối quan trọng bởi vì thành trì hay chiến luỹ, là nòng cốt của chính sách phòng thủ đất nước của Gia Long, lập ra ngay từ 1790 (Olivier de Puymanel, kỹ sư Pháp, đã xây thành Sài Gòn) [nguồn tin thất thiệt này đã trở thành “lịch sử” ở khắp nơi!] khi ông đánh nhau với Quang Trung.

Một mặt khác, các chiến luỹ ở Việt Nam, ít ra trong thế kỷ XIX, đã đổi mới đối với thế kỷ XVI-XVIII, bởi vì, về thời gian này, Samuel Baron xác định: “Người Bắc Kỳ không có thành lũy (châteaux-forts), không cả pháo đài (forteresses) và thành quách (citadelles), chẳng biết gì về nghệ thuật kiến trúc đồn ải, vụng về trong việc xây dựng như chúng tôi vừa nêu ra”[52].

Bằng cách xác định trên đây, Samuel Baron đưa ra một sự thật không phải là sự thật. Bởi tất cả đều tuỳ thuộc nếu ta đứng ở quan điểm Âu hay Á.

Từ thế kỷ XVI đến XVIII, người Việt cũng như người Châu Á, không biết lối xây thành lũy của người Âu, nghiã là xây thành bằng đá, nhưng không thể nói là họ không biết xây thành. Họ học bên Tầu, từ thời Tam Quốc, đã có lối xây: thành là một cái sân vuông lớn có bốn bức tường cao làm bằng đất trộn rơm (torchis) bao quanh, mỗi mặt tường đều đục một lỗ nhỏ, mỗi góc có đặt lầu canh hai tầng, trên đục nhiều lỗ đặt súng để bắn ra ngoài (meutrières). Người ta thêm vào lối xây sơ sài này, ba đồn nhỏ dựng sát đất, ở phiá trước, làm đợt chống cự đầu tiên. Hệ thống phòng thủ này được dùng đến thế kỷ XVIII, trên toàn thể Á Châu và sau họ làm thêm các hàng rào tre hoặc cọc tre cắm xuống đất, phủ giấu đi, làm hệ thống tiền đồn.

Dù sao chăng nữa, ta không thể nói như Baron rằng người Việt thấp kém hơn người Âu, nhưng ta có thể xác định rằng châu Á đã có lối phát triển khác châu Âu về mặt binh bị, tức là về lối đánh nhau, ngay từ khi người Tầu khám phá ra ra bột đen [thuốc súng] ở những thế kỷ đầu tiên trước Thiên Chúa. Thoạt tiên, họ chỉ dùng để đốt pháo bông, rồi sang thế kỷ X sau Thiên Chúa, họ dùng để bắn tên lửa. Tính chất hiện đại của chiến tranh Âu Châu sẽ được người Ả Rập khai sáng ở thế kỷ XIII với hệ thống bắn đạn đầu tiên: Pháo binh ra đời.”

Sự phân biệt của Nicolas Micalef về lối xây thành Âu, Á, rất đáng chú ý, và câu “thành là một cái sân vuông lớn có bốn bức tường cao làm bằng đất trộn rơm (torchis) bao quanh, mỗi mặt tường đều đục một lỗ nhỏ, mỗi góc có đặt lầu canh hai tầng, trên đục nhiều lỗ đặt súng để bắn ra ngoài” hoàn toàn thích hợp với sự mô tả thành Gia Định của các tác giả đương thời.

Nhất là câu: “mỗi góc có đặt lầu canh hai tầng, trên đục nhiều lỗ đặt súng để bắn ra ngoài” chứng tỏ thành trì ở Á Châu cũng có những yếu tố giống như những yếu tố mà người ta coi là đặc tính của thành Vauban.

Sự tìm hiểu kiến trúc thành Gia Định, vì thế, nên quay về hướng những kiến trúc xưa của Việt Nam như Thành Hồ Quý Ly, lũy Đào Duy Từ, Vĩnh Thành ở Vinh, lũy Trấn Ninh, vv… hay các thành lũy Tây Sơn như thành Quy Nhơn của Thái Đức Nguyễn Nhạc, Phượng Hoàng Trung Đô của Quang Trung Nguyễn Huệ, vv… Quy Nhơn cũng là một kiến trúc cực kỳ kiên cố khiến Võ Tánh Ngô Tòng Châu đã cầm cự được gần hai năm với Trần Quang Diệu Võ Văn Dũng. Gia Long đã tham khảo các sách thành trì của Tây phương và áp dụng như thế nào vào thành Gia Định và Diên Khánh, là điều người Việt sẽ phải khảo sát sau này. Hy vọng một ngày nào đó, các kiến trúc sư Việt Nam sẽ giải thích cho chúng ta một cách rõ ràng hơn, đồng thời cho biết, về việc đắp lũy của các tướng Việt, phiá Nguyễn cũng như phiá Tây Sơn và sự đổi mới trong kiến trúc thành quách, nếu có, của Gia Long, so với những thời trước như thế nào?

Nguyễn Cửu Đàm quy hoạch Gia Định

Nguyễn Đình Đầu phát hiện Nguyễn Cửu Đàm là người đắp những thành luỹ đầu tiên để bảo vệ và quy hoạch thành Gia Định, ông viết: “Bán bích Nguyễn Cửu Đàm đã khép kín địa bàn Sài Gòn với ba mặt sông, gồm thâu hầu hết các phố, chợ và các kiến trúc của chính quyền, tạo nên một tổng thể thống nhất về điạ lý, kinh tế, xã hội và bố phòng”[53]

Nguyễn Đàm họ Nguyễn, Minh Mạng, năm thứ nhất (1820) ban cho chữ Cửu, thành Nguyễn Cửu, gốc Thanh Hoá, nhiều đời làm quan nhà Lê. Nguyễn Cửu Kiều vào Nam theo chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635). Cửu Đàm là cháu ba đời của Cửu Kiều, làm quan đến chức Hữu Quân Phó Tiết Chế, lập nhiều công lớn. Năm Nhâm Thìn [1772], sau khi dẹp tan quân Xiêm xâm lấn Nam Vang và Hà Tiên “Đàm rút quân về, đắp luỹ Tân Hoa[54] dài 15 dặm, hình như vành trăng khuyết, bao bọc quanh Đồn dinh (tức dinh Điều Khiển ở huyện Bình Dương thuộc Gia Định), chặn ngang đường bộ để đề phòng chuyện bất trắc”[55].

Năm 1775, Nguyễn Phước Thuần chạy vào Nam, Đàm đem quân ra đón, được thăng chức Ngoại tả. Năm 1777, Nguyễn Huệ vào đánh, Cửu Đàm và Cửu Tuấn (cháu 5 đời Cửu Kiều) tham dự chiến dịch sông Ký ở Biên Hoà, chặn quân Nguyễn Huệ, cả hai đều tử trận[56].

Theo Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Cửu Đàm, đắp 2 luỹ và đào 1 kinh:

– “Lũy Tân Hoa, ở thôn Tân Hoa, tổng Chánh Mỹ [Biên Hoà]. Năm Tân Mão [1771], trấn Hà Tiên thất thủ, đốc chiến Nguyễn Đàm đắp lũy để phòng ngự đường tiến của sơn man Thuỷ Vọt, nền cũ nay vẫn còn“.

– “Lũy Bán Bích, đốc chiến Nguyễn Đàm đắp hình bán nguyệt, có hình nửa ngọc bích; ở chỗ giáp giới hai huyện Bình Dương [Sài Gòn] Tân Long, nền cũ vẫn còn”.

– “Năm Nhâm Thìn [1772] đốc chiến Đàm nhân sau khi dẹp Cao Miên rồi, đào làm kênh cừ, thẳng như ruột ngựa, bèn lấy đó mà đặt tên[57].

Nguyễn Đình Đầu viết:

“[Sau khi thắng quân Xiêm năm 1772], Nguyễn Cửu Đàm đem đại quân về Gia Định, “đắp luỹ đất, phiá nam từ Cát Ngang, phiá tây đến cầu Lão Huệ, phiá bắc giáp thượng khẩu Nghi Giang, dài 15 dặm, bao quanh đồn dinh, cắt ngang đường bộ, để ngăn ngừa sự bất trắc” (Trịnh Hoài Đức, GĐTTC, tập trung, t. 90). Câu trích được nhấn mạnh này có một ý nghiã rất quan trọng: nó cho ta thấy vị trí chiến lược của thành phố và địa phận chính yếu của thành phố xưa (mà nay cũng vậy).

Trên bản đồ Trần Văn Học vẽ năm 1815 có ghi dấu Cựu lũy tức “Bán Bích cổ luỹ” này, chi tiết đúng như Trịnh Hoài Đức đã tả (…). Nguyễn Cửu Đàm vừa là nhà quân sự có tài vừa là nhà quy hoạch thành phố có tầm nhìn lớn. Hai đầu luỹ nối vào hai đầu rạch Bến Nghé và Thị Nghè, tạo cho thành phố biệt lập như một hòn đảo. Nhìn tổng thể, bán đảo (ba mặt sông) với phần luỹ ở phiá Tây, coi như hình con cá lớn, đã có một diện tích gần một trăm dặm vuông (tức trên 50 km2), tới năm 1931 khi nhập Sài Gòn với Chợ Lớn làm đơn vị chung, vẫn chưa đô thị hoá hết diện tích đó”[58].

Xem bản đồ Trần Văn Học vẽ phủ Tân Bình (tức Sài Gòn-Chợ Lớn) dưới đây, chúng ta thấy rõ công trình quy hoạch của Nguyễn Cửu Đàm:

Bản đồ Trần Văn Học vẽ phủ Tân Bình, gồm Sài Gòn (huyện Bình Dương) và Chợ Lớn (huyện Tân Long) năm 1815, được Nguyễn Đình Đầu ghi thêm các địa danh có sau và vị trí thành Qui (Bát quái) do Gia Long đắp năm 1790 và thành Phụng do Minh Mạng xây năm 1836, in trong Địa Chí Văn Hóa tpHCM, t. 229.

Cổ luỹ Bán Bích do Đốc Chiến Nguyễn Cửu Đàm xây năm 1772, luỹ dài 15 dặm (8km640), bắt đầu từ rạch Bến Ngé (chùa Cây Mai) trong Chợ Lớn bao vòng lên trên Hoà Hưng, Tân Định, chạy đến rạch Thị Nghè, vừa là quy hoạch đầu tiên của vùng Sài Gòn Chợ Lớn ngày nay, vừa là thành luỹ ngăn quân Xiêm từ miền Tây sang quấy nhiễu.

Vậy luỹ Bán Bích là vòng thành lớn bao vòng tất cả vùng Hoà Hưng, Tân Định, Sài Gòn, Chợ Lớn, với toàn bộ “đồn dinh” của hệ thống cai trị đương thời, Nguyễn Đình Đầu viết:

“Nếu tìm được vị trí phân bố các “Đồn dinh” quan trọng đó nằm giữa các sông rạch thiên nhiên và luỹ Bán Bích, ta có thể phác hoạ lại đại cương tấm bản đồ Sài Gòn 1772, một thành phố đã có tầm cỡ về mọi mặt từ trên 200 năm nay”[59].

Cùng năm ấy, Nguyễn Cửu Đàm đào kinh Ruột Ngựa: “Nguyên xưa từ cửa Rạch Cát ra phiá bắc đến Lò Gốm thì có một đường nước đọng móng trâu, ghe thuyền không đi lại được… Nguyễn Cửu Đàm… có đào con kinh thẳng như ruột ngựa, nên mới đặt ra tên ấy (Mã Trường Giang (Trịnh Hoài Đức, GĐTTC, tập thựợng, t. 42). Kinh này giúp cho sự đi lại giữa Sài Gòn với miền Tây thêm thuận lợi” [60].

Sự hình thành Gia Định kinh, 1790

Thành bát quái là gì? Bát quái, theo từ điển Hán Việt của Nguyễn Văn Khôn có nghiã là: Tám quẻ: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, và đó cũng là tên tám cửa bằng đá ong, mở ra tám hướng của thành Gia Định.

Năm 1790 Nguyễn Ánh sửa lại thành cũ ở thôn Tân Khai làm Gia Định kinh:

– Lê Quang Định viết: Mùa hè năm Canh Tuất (1790) mới cho mở rộng thành này ra cái thành ngày nay.

– Thực Lục ghi:

“Ngày Kỷ Sửu (tháng 3 Canh Tuất) [22/4/1790], đắp thành đất Gia Định. Vua thấy thành cũ ở thôn Tân Khai chật hẹp, bàn mở rộng thêm. Dụ rằng: “Vương công giữ nước, tất phải đặt nơi hiểm yếu trước. Nay đất Gia Định mới thu phục, cần sửa thành trì cho bền vững để chỗ ở được vững mạnh”. Bấy giờ mới huy động quân dân để khởi đắp, hẹn mười ngày đắp xong. Thành đắp theo kiểu bát quái, mở tám cửa, ở giữa là cung điện, bên tả dựng nhà Thái Miếu, phiá sau miếu là kho tàng, bên hữu đặt cục chế tạo, chung quanh là nhà tranh cho quân túc vệ ở. Giữa sân dựng kỳ đài ba tầng, trên làm toà vọng đẩu bát giác, ban ngày kéo cờ, ban đêm thì kéo đèn làm hiệu cho các quân. Thành xong gọi tên là kinh thành Gia Định. Thưởng cho quân dân hơn 7.000 quan tiền (Tám cửa thành đều xây bằng đá ong, phiá nam là cửa Càn nguyên và cửa Ly minh, phiá bắc là cửa Khôn hậu và cửa Khảm hiểm, phiá đông là cửa Chấn hanh và cửa Cấn chỉ, phiá tây là cửa Tốn thuận và cửa Đoài nguyệt” [61].

– “Tháng 12 ÂL (tháng 1/1791): “Sửa đắp thành đất Gia Định. Đường quan ở bốn bôn thành có mở cửa vào nhà dân thì phát tiền công cấp cho”[62].

Thực Lực, đưa ra những điểm chính sau đây: Thành bát quái đắp bằng đất. Vua thấy thành cũ chật hẹp, bàn mở rộng thêm, và ra dụ: cần sửa thành trì cho bền vững. Cung điện ở giữa. Dựng thêm Thái Miếu. Có toà vọng đẩu (thám thính) hình bát giác. Thành cótám cửa: Càn, Ly, Khôn, Khảm, Chấn, Cấn, Tốn, Đoài, bằng đá ong.

Qua những lời trên đây, ta thấy Thực Lục xác định việc mở rộng thành cũ của Lê Văn Định, bằng lời của vua Gia Long: “sửa thành trì”; và lập lại hai lần câu đắp thành đất”Hầu như tất cả các tác giả đều dùng chữ “đắp” đối với thành trì do Gia Long làm như Gia Định, Diên Khánh, thành Huế lúc đầu. Những thành làm dưới thời Minh Mạng, dùng chữ xây, bởi vì Minh Mạng xây thành bằng gạch hoặc đá. Thành Gia Định hay thành Phụng của Minh Mạng xây năm 1836, bằng đá và gạch, ở góc đông bắc thành bát quái, gọi là thành Qui, sẽ bị quân Pháp giật mìn phá tan.

Về vị trí của cung điện, Trịnh Hoài Đức viết:

Trong thành, phiá trước bên tả dựng Thái miếu, giữa làm sở hành tại“.

Thực Lục cũng viết: Thành đắp theo kiểu bát quái, mở tám cửa, ở giữa là cung điện.

Hai câu này xác định sở hành tại hay cung điện ở giữa, có thể hiểu: cung điện đã có sẵn ở giữa, chỉ có Thái Miếu là mới dựng.

Tóm lại, thành Gia Định là một thành đấtđắp kiểu bát quái, khoảng 10 ngày xong. Thành đất trộn rơm; sự bền vững không kém gì thành đá của Tây phương. Và bề dầy của thành đã khiến John White, một lính Mỹ đến đây năm 1819, phải giật mình.

Thành đất thì người Tây phương không biết đắp. Hệ thống thành đất này là sản phẩm Á Đông, Trần Quang Diệu đã đắp rất nhanh khi đánh các trận Diên Khánh và Quy Nhơn. Và Nguyễn Tri Phương với các đại đồn Liên Trì và Kỳ Hoà đã làm cho quân Pháp khốn đốn.

Tóm lại, Nguyễn Vương thấy thành Tân Khai chật hẹp mới mở rộng ra, vậy ta có thể chắc chắn rằng vua vẫn giữ thành cũ Tân Khai hay cung điện ở giữa, nằm trên gò cao, sửa sang và đắp thành bát quái bằng đất bao quanh khu cung điện, gọi là kinh Gia Định, đào hào bên ngoài và đắp luỹ đất ở ngoài cùng, bao quanh.

Thành bát quái hình vuông, theo Trịnh Hoài Đức, mỗi bề dài 131 trượng 2 thước (638m944). Chu vi 2km555, cao 10 thước (4m87), chân dầy 36m525.

Ngoài thành là lớp hào rộng 51m135, sâu 6m818, có đặt cầu treo.

Lớp ngoài cùng là lũy đất, chu vi794 trượng (3km866).

Lời Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí ăn khớp với sự mô tả cung điện của Shihõken Seishi, thủy thủ Nhật, đến Sài Gòn đầu năm 1795, mà ta sẽ thấy ở dưới.

Việc đắp thành trong 10 ngày, chỉ vào việc đắp thành đất bát quái, còn sự sửa sang cung điện và xây thêm cơ ngơi dinh thự bên trong, đắp luỹ đất ngoài cùng, có lẽ lâu hơn. Sự sai lệch về ngày khởi công, giữa Gia Định Thành Thông Chí và Thực Lục có thể đến từ đó: Trịnh Hoài Đức coi ngày bắt đầu là 19/3/1790, có thể là ngày bắt đầu việc trùng tu, sửa sang cung điện, nhà cửa bên trong thành, còn Thực Lục lấy ngày 22/4/1790 có lẽ là ngày bắt đầu đắp thành Bát quái.

Bản đồ thành Bát quái do Nguyễn Đình Đầu vẽ theo kiểu Vauban, cho thấy vị trí của thành đối với phố xá ngày nay. Tuy nhiên, trừ những tư liệu và bản đồ do người Pháp viết hoặc vẽ, không có gì chứng tỏ thành Bát quái có hình dạng Vauban như Nguyễn Đình Đầu vẽ trên đây.

Bản đồ thành Bát quái do Nguyễn Đình Đầu vẽ theo kiểu Vauban, cho thấy thành bát quái  hay thành Qui, nằm trong khung vuông, mặt tiền, giới hạn bởi các đường Lê Thánh Tôn và Nguyễn Đình Chiểu (Phan Đình Phùng) và mặt hậu, Nam Kỳ Khởi Nghiã (Công Lý) và Đinh Tiên Hoàng.

Hai cửa Tiền trên đường Lê Thánh Tôn: Cửa Càn Nguyên trông ra đường Đồng Khởi (Tự Do) và cửa Ly Minh trông ra đường Ngô Văn Năm (Thuỷ Quân).

Hai cửa Hậu ở trên đường Nguyễn Đình Chiểu: Cửa Khảm Hiểm mở ra đường Phạm Ngọc Thạch (Duy Tân) và cửa Khôn Hậu mở ra đường Mạc Đĩnh Chi.

Hai cửa Tả trên đường Đinh Tiên Hoàng: Cửa Chấn Hưng mở ra đường Nguyễn Trung Ngạn và Cấn Chỉ mở ra sân banh Hào Thành.

Hai cửa Hữu trên đường Nam Kỳ Khởi Nghiã (Công Lý): Cửa Tốn Thuận mở ra đường Lý Tự Trọng (Gia Long) và cửa Đoài Nguyệt mở ra đường Võ Văn Tần (Trần Quý Cáp)[63].

Trên bản đồ của Trần Văn Học, và của Shihõken Seishi, chợ Bến Thành nằm bên bờ sông, chỗ gặp nhau của hai sông Bình Dương và Bến Nghé [nay đều gọi là sông Sài Gòn]. Những người ngoại quốc đến đây, cập bến chợ đầu tiên, nên có cảm tưởng như vào một thành phố cảng sầm uất.

Xin nhấn mạnh một lần nữa Thành Bát quái hay thành Qui là thành đất, theo Trịnh Hoài Đức đắp ngày 4/2 Canh Tuất[19/3/1790]. Thực Lục ghi ngày 9/3 Canh Tuất [22/4/1790]. Đầu năm 1791 sửa lại[64]. Năm 1829, Lê Văn Duyệt xây thêm lớp đá ong cao hơn và đào hào sâu hơn.

Năm 1833, Lê Văn Khôi, bộ hạ cũ của Lê Văn Duyệt nổi loạn, giết bố chính Bạch Xuân Nguyên tham tàn, chiếm thành Gia Định (lúc đó vua Minh Mạng đã đặt lại tên cũ là Phiên An), đánh phá các tỉnh miền Nam. Quân triều đình vây Phiên An gần ba năm không hạ được. Vì sự kiên cố ấy, mà Lê Văn Duyệt bị buộc tội “xây thành cao, đào hào sâu” có ý tự trị một cõi. Năm 1835, khi hạ được, Minh Mạng ra lệnh phá thành cũ và xây thành mới, nhỏ hơn, gọi là thành Phụng. Quyết định này có do hai lý do: thành Qui có lẽ đã bị hư hại nặng nề sau gần ba năm bị tấn công và vua Minh Mạng muốn phá một biểu tượng nội loạn.

“Thành Phụng nằm trong khung bốn con đường: Nguyễn Du, mặt tiền, Nguyễn Đình Chiểu, mặt hậu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, mặt tả và Mạc Đĩnh Chi, mặt hữu”[65].Thành Phụng sẽ bị liên quân Pháp Y Pha Nho đánh chiếm (sau khi thất bại ở Đà Nẵng, không thể vượt đèo Hải Vân để đánh Huế, bèn xuống chiếm Sài Gòn), Rigault de Genouilly đã cho nổ mìn phá sập tháng 2/1859.

Thành Gia Định, theo Trịnh Hoài Đức

Theo Trịnh Hoài Đức, đất Gia Định trước có nhiều rừng chàm rậm rạp, khi chúa Nguyễn cho đặt dinh Phiên Trấn, rồi dinh Điều Khiển để cai trị, vùng dinh đồn được bảo vể bằng trại quân và ngăn hàng rào, còn bên ngoài “cho dân trưng chiếm, chia đặt làng xóm, phố chợ, nhà dân lộn xộn, đường đi cong thẳng, tuỳ tiện”. Các quan tướng đến cai trị sau cũng cứ để yên như thế, tới thời Nguyễn Ánh mới nghĩ đến việc lập kinh thành.

Trịnh Hoài Đức mô tả kinh thành như sau:

“Ngày 4/2/ mùa xuân năm Canh Tuất [19/3/1790] mới đắp thành bát quái ở gò cao thôn Tân Khai đất huyện Bình Dương, thành như hình hoa sen, mở tám cửa, tám đường đi ngang dọc; bề đông tây 131 trượng 2 thước [638m944][66] bề nam bắc cũng như thế, cao 10 thước [4m87] chân dày 7 trượng 5 thước [36m525] đắp làm ba cấp. Ngồi ngôi kiểu trông hướng Tốn. Trong thành, đằng trước bên tả dựng Thái miếu, giữa làm sở hành tại, bên tả là kho trữ tích, bên hữu là Cục Chế tạo, xung quanh là các dẫy nhà cho quân túc vệ ở. Trước sân dựng cây cờ ba tầng, cao 12 trượng năm thước [58m44] trên có chòi canh, có toà bàn bát giác, treo dây thang để chằng buộc. Ngồi trên chòi canh trông mà cảnh báo. Ngày treo cờ hiệu, đêm treo đèn hiệu canh gác, các quân coi đấy mà nghe theo điều động. Hào rộng 10 trượng năm thước [51m135], sâu 14 thước [6m818] đặt cầu treo, ngoài đắp lũy đấtchu vi 794 trượng [3km866] hiểm trở, kiên cố, tráng lệ. Thành đặt xong, ngoài thành, đường sá phố chợ bày hàng ngang, đều có thứ tự. Đường quan lộ bên tả từ của Chấn hanh qua cầu Hoà Mỹ, qua sông Bình Đồng là đến trấn Biên Hoà. Đường quan lộ bên hữu gặp chỗ quanh co đều chăng dây làm cho thẳng, từ cửa Tốn Thuận qua chùa Kim Chương, qua phố Sài Gòn đến cầu Bình An qua gò Tuyên tự là đến sông Thuận An. Bến đò Thủ Đoàn sang sông Hưng Hoà, qua giồng Trấn Định đi giồng Triệu. Đường rộng 6 tầm, hai bên đều trồng các cây thổ nghi như mù u, mít. Cầu cống thuyền đò sở tại thời thường sửa chữa, đường phẳng như đá mài, gọi là đường thiên lý phiá nam. Tân Dậu năm thứ 24(1801) thu phục kinh thành Phú Xuân, dụ cho triệt hạ Thái Miếu trong thành. Kỷ Tỵ năm Gia Long thứ 8 (1809), tổng trấn thần là Nguyễn Văn Nhân và Trịnh Hoài Đức khâm mạng dựng vọng cung ở sân giữa thành, khi gặp các tiết Chính đán, Đoan ngọ, Sóc vọng đem văn võ thuộc thành cùng trấn Phiên An chiếu theo nghi tiết mà làm lễ. Bên tả bên hữu dựng lầu bát giác để chuông trống.” [67]

Và sau đây, là những cơ quan chính ở trong và ngoài thành Gia Định:

Cục Chế tạo ở trong thành, đằng sau đường Cấn Chỉ, Đoài Duyệt, nhà ngói ba dẫy trước mặt chỗ đối diện với đường Cấn Đoài làm một dẫy ngói bên tả làm sở chữa súng, một dẫy trại ngói bên hữu làm sở tạo tác thợ rèn. Trước kia, buổi đầu trung hưng, các thợ chế tạo đều hội ở đây, cùng là thu chứa hoá vật thổ sản …

Kho tiền bạc ở trong thành, bên hữu đường Kiền Khảm, lúc trước dựng kho nội, thu chứa vàng bạc vóc nhiễu vải lụa, những hàng quý, sau bãi kho nội, đổi gọi là kho Kiên Tín, năm gian nhà ngói, chứa tiền thuế biệt thu của thành cùng tiền bạc của năm trấn hội nộp, có lính đội Kiên Tín phòng giữ.

Kho đồn điền ở trong thành, bên tả đường Càn Khảm trong thành, nguyên là kho trữ tích. Năm Gia Long thứ 5 (1806) làm hai dẫy kho bằng ngói, mỗi kho 10 gian dãy mười gian, thu chứa thóc thuế đồn điền làm số lư trủ, còn thóc thuế khác thì chứa ở kho Năm Trấn. Có lính hội An Hoà phòng giữ.

Trại súng ở trong thành, bên tả phiá trước Cục Chế tạo, nhà ngói 15 gian, tầng trên lát ván để các đồ phụ tùng súng. Giữa trại bầy các hạng súng đồng, súng sắt, súng hoả xa, đều có giá súng, sơn son, son đen, hàng năm tô điểm cho đẹp thân súng, lau dầu một lần cho khỏi rỉ sét.

Kho thuốc súng 12 gian ở đàng sau trong thành, nhà ngói xây tường, thùng gỗ chứa thuốc, đặt ở trên sàn, cấm tuyệt đuốc lửa, người ngoài không được ra vào.

Xưởng chu sư ở phiá đông thành, cách 1 dặm [576m], theo bờ sông Tân Bình [sông Bến Nghé nay là sông Sài Gòn], quanh sông Bình Trị [sông Thị Nghè], gác và che các đồ thuyền hải đạo (là nghề giỏi thủy chiến của nước Nam), chiến hạm (cách thức như tàu buôn, không có mui, mà nhỏ, tục gọi là thuyền), ghe đen, ghe đỏ (thuyền tục gọi là ghe, ghe chiến cụ thì thân to mà dài, dày, chắc, nhiều dầm chèo, sơn đen gọi là ghe đen, sơn son gọi là ghe đỏ), ghe lê (đầu thuyền đuôi thuyền có chạm vẽ). Xưởng dài đến 3 dặm [1km728].

Xưởng voi ở ngoài trại đất cửa Khảm Hiểm của thành, đây là chỗ thường trú. Có khi chọn để trong thành, có khi cho đi ăn uống ở Biên Hoà, tuỳ thời không nhất định. Ngày đầu xuân có lễ Kỳ Yên, voi ốm thì quan cấp thuốc chữa. Tắm và uống nước có bến riêng, chăn cỏ có chỗ nhất định; không cho tự tiện cưỡi voi ở phố chợ đông người, nghiêm cấm không được vào vườn lấy các thứ chuối tre dưa quả.

Trường thuốc súng ở ngoài cửa Khôn Trinh của thành cách 2 dặm [1km152] trường rộng một dặm [576m], bốn chung quanh rào bằng cây gai, đồ dùng như chày cối đủ cả. Khi chế thuốc súng thì cẩn thận đuốc lửa, cấm người ngoài không cho lẫn lộn vào.

Khám đường, nhà ngục, ở chân ngoài trại đất cửa Khôn Trinh. Năm Gia Long 13 (1814) Giáp Tuất, tháng trọng hạ dựng một toà nhà ngói, đằng trước làm Khám Đường, đằng sau là toà làm nhà ngục, chia giam tù nặng tù nhẹ, tù trai tù gái, bốn chung quanh rào bằng cây có gai, đào hào, cắm chông, phòng thủ nghiêm mật.

Sứ quán ở bên hữu phiá trước cửa Ly Minh, cách thành 1 dặm [576m] trước sau nhà ngói hai toà, mỗi toà 5 gian, 20 lính lệ. Đằng trước, về bên hữu dựng thêm trường Hải quan, trưng thu thuế thuyền buôn các nước.

Học đường năm Gia Long thứ tư (1805), mới đặt Đốc học một viên; phó giáp, ất đều một viên; bắt đầu đặt học đường ở bên hữu trại, ngoài thành. Năm thứ 12 (1813), đổi dựng ở nền cũ dinh đồn Điều Khiển.

Kho bốn trấn ở nền cũ kho giản thảo cách phiá nam thành 4 dặm rưỡi [2km942].[Buổi đầu chứa thuế đinh, thuế điền và chi cấp lương bổng của bốn trấn: Phiên An, Biên Hoà, Vĩnh Thanh, Định Tường, trấn Hà Tiên loạn lạc được miễn thuế]…

Trường Diễn võ ở phiá tây nam thành cách 10 dặm [5km76], chỗ đất ấy bằng phẳng rộng 50 dặm [28km800] hàng năm tháng giêng chọn ngày tốt tế mã (tế cầu đảo cho quân đội), tế cờ cùng thao diễn trận pháp, đều ở chỗ ấy.

Đồn Giốc Ngư, ở bờ bắc sông Tân Bình [sông Bến Nghé, nay là sông Sài Gòn] về địa giới trấn Biên Hoà, cách thành 7 dặm [4km032]. Ngày 2/4/Kỷ Dậu [26/4/1789] khởi công đắp, chung quanh trồng cây mù u, đối với đồn Thảo Câu ở bờ nam, làm thế chống đỡ với nhau.

Đồn Thảo Câu, ở bờ nam sông Tân Bình, cách thành 6 dặm, thuộc địa giới trấn Phiên An, tháng năm dựng đồn này và thể thế cũng giống như đồn Giốc Ngư.

Luỹ Bán Bích do đốc chiến Nguyễn Đàm xây đắp hình bán nguyệt, có hình nửa ngọc bích; ở chỗ giáp giới hai huyện Bình Dương và Tân Long, nền cũ vẫn còn.

Luỹ Hoa Phong ở đất huyện Bình Dương, cách trấn thự về phía tây 62 dặm rưỡi [36km]. Năm Canh Thìn Hiển Tông [Nguyễn Phước Chu] thứ 10 [1700], Thống suất Chưởng cơ Nguyễn Lễ dẹp yên Cao Miên, đắp lũy này, dấu cũ vẫn còn[68].

Chợ phố Bến Thành nhà cửa trù mật, theo ven sông họp chợ. Ở đầu bến, lệ cứ tháng đầu xuân, ngày tế Mã, thì diễn duyệt thủy binh. Bến có đò ngang tiếp chở khách ngoại quốc lên bờ. Đầu bắc có ngòi Sa Ngư bắc cầu ván ngang ngòi, hai bên cầu có phố ngói bách hoá tụ họp. Ven sông thì thuyền buôn lớn nhỏ đi lại nườm nượp[69].

Chợ Điều Khiển. Cách trấn thự về phiá nam hai dặm rưỡi[1km240]. Xưa ở trước nhà Điều Khiển cho nên gọi tên như thế. (Đại loại như chợ Cai bạ, cầu Khâm sai, chợ Cai đội, do người bấy giờ không dám gọi thẳng tên người quan trường, bèn lấy quan chức mà gọi, lâu về sau họ tên thất truyền, đấy là tục làm theo nhau). Ngày nay nha môn thay đổi mà tên chợ vẫn theo cũ, phố xá trù mật[70].

Gia Định kinh 1795, theo Shihõken Seishi

Tác phẩm Nampyõki (Đắm tầu ở Nam Hải) của Shihõken Seishi do Muramatsu Gaspardone dịch sang tiếng Pháp, giới thiệu và chú giải[71] mà chúng tôi đã nói đến trong chương 6, Chân Dung vua Gia Long, kể lại hành trình một chiếc tầu Nhật bị bão, thuỷ thủ đoàn phiêu bạt đến Gia Định, được Nguyễn Vương giúp đỡ. Shihõken Seishi đến và ở lại Sài Gòn từ tháng 2 đến tháng 5/1795, và ông đã mô tả lại đời sống Sài Gòn thời đó.

Ông tả Gia Định kinh, như sau:

“Phiá tây và phiá nam kinh thành là núi cao. Phiá bắc và phiá đông thành phố là một con sông lớn chẩy ra biển, chảy qua Tây Sơn tiểu thôn [ông còn gọi là đảo Saisan, nơi tầu Nhật được cứu cấp]. Cách một trăm ri [392km7][72] là đến đất của nhà Tây Sơn, không phải Tây Sơn tiểu thôn đâu, phải đi ba ngày tầu mới tới[73].

Ở bốn góc của tường thành, có 12 khẩu đại bác bắn đạn đá; phiá đông là con sông chẩy ra biển; trong thành, đất cao dần lên từng cấp; có một cái tháp rất đẹp, 5 tầng, cao chừng 200 pieds [64m80]”[74].

“Ngày 20 tháng 12 năm Cảnh Hưng thứ 55 [tức ngày 9/2/1795], chúng tôi từ tiểu thôn Tây Sơn được đưa về bến sông [Tân Bình hay Bến Nghé nay là sông Sài Gòn] bằng thuyền. Từ bến sông về đến kinh thành cách độ một chõ [109,10m]. Vào thành có cửa. Đường phố không trải sỏi mà trải cát. Cách khoảng 100 mét lại có một cửa. (Cách từng quãng xa, lại có cửa trên có đài quan sát và canh phòng cẩn mật). Nhà không lợp ngói, tất cả đều lợp lá cau hay cỏ gianh. Cột nhà làm bằng những thân gỗ to, cao một jõ [?]. Tường cũng làm bằng cỏ gianh bện lại (mà không trộn đất); các cửa hiệu xếp hàng hai bên phố, giống như bên ta [Nhật]. Thành phố cũng rộng như Edo [Tokyo], vuông, mỗi chiều 2 ri [7km854]”[75].

Và sau đây là hoàng thành, dưới mắt Shihõken Seishi:

“… Chẳng bao lâu đã đến cửa chính của hoàng thành, chúng tôi xuống kiệu đi bộ, tới vòng thành thứ nhì [thành bát quái] có hai lớp toà thành kiên cố cho đám cận thần ở [có lẽ là nhà cho quân túc vệ ở, theo Trịnh Hoài Đức]. Trên mỗi cửa, có một loại bảng hiệu hình bán nguyệt (cái đó gọi là dahaimot. Người ta dùng để chỉ định ngôi thứ của mỗi nhà). Từ cửa chính, chúng tôi đã đi khoảng gần 3 chõ [330m] rồi ngoẹo khi đất cao lên độ 1 chõ [109m10]. Ở cửa vào vòng thành thứ nhì, có một đài thám thính cao 40 ken [72m80, toà vọng đẩu bát giác]. Một viên quan võ thường lên quan sát về phiá biển, đó là bộ phận phòng vệ. Các quan thay phiên nhau trực mỗi người nửa ngày. Phía tay phải có ba cái nhà vuông. Đó là phòng bào chế y dược, trong có nhiều người đang cắt, giã thuốc nam. Cái cối thì cũng y như cối của ta [Nhật]. Xa hơn chút nữa có cửa hàng bán thuốc và sân rộng để phơi thuốc. Tất cả các loại dược phòng đều được cắt miếng to tròn hoặc chữ nhật.

Đi khỏi nơi này, chúng tôi thấy cung điện chính hiện ra ở đằng xa. Nền lát đá đẽo và trần rất cao. Có hai hàng ghế, nằm dọc theo chiều dài gần một chõ [109 m10]. Trần và tường sơn đỏ, có chỗ nạm vàng hoặc bạc. Kỳ quan nầy đập vào mắt chúng tôi. Các ghế ngồi đều tay bành và tạc tượng với những hình khắc mầu, cũng khảm vàng, bạc. Người ta bảo đây là ghế của các quan trấn thủ ở các miền. Ở miền Nam, từ quan lớn đến dân đen, tất cả mọi người đều ngồi ghế nói chuyện, hoặc ăn cơm. Theo đúng nghi lễ, người ta đứng, hoặc đi đi lại lại từ người này đến người khác, chào thì nghiêng mình ba lần, không cúi rạp thõng tay [như người Nhật]. Hành lang này dài độ 50 ken [91m]. Đất lại cao lên nữa. Ba ken [5m46] trước cửa cung, có 14 ông quan.”[76]

Bản đồ Gia Định kinh do Shihõken Seishi vẽ năm 1795, với bến cảng Sài Gòn, chợ Bến Thành, thành Gia Định gồm ba lớp: luỹ đất, hào và thành Bát quái, đều hình vuông, rõ ràng không có kiến trúc Vauban. John White cũng mô tả thành Bát quái hình vuông.

Nhìn bản đồ của Shihõken Seishi, tuy không đúng lắm về tỷ lệ, nhưng ta cũng phân biệt được:

Sông Tân Bình hay sông Bến Nghé nay là sông Sài Gòn, đi từ biển vào, chia hai, bọc quanh thành phố, bên phải là Thủ Thiêm, bên trái là Khánh Hội. Đằng trước là Bến cảng Sài Gòn. Chợ Bến Thành nằm sát hai bên bờ sông. Từ bến cảng, đi độ hơn 100m, đến cửa thành Gia Định, vòng ngoài là luỹ đất, rồi tới hào và vòng thứ nhì là thành bát quái, mở vào kinh thành.

Nhìn bản đồ này, ta cũng hình dung được cảnh Barrow mô tả một ngày làm việc của Gia Long trong chương 6: Sáng dậy 6 giờ, tắm nước lạnh, 7 giờ tiếp các quan, mở công văn và giải quyết các vấn đề rồi lái thuyền ra xưởng Chu sư, duyệt công việc đóng tầu, kiểm soát các chiến hạm, trở lại lò đúc súng và Cục Chế tạo ở trong thành để xem xét công việc. Ăn trưa ở xưởng Chu sư, rồi về cung ngủ trưa, từ 2 giờ đến 4, 5 giờ chiều, dậy, tiếp các quan võ thuỷ bộ và quan cai trị, định việc triều chính đến nửa đêm, mới về phòng riêng làm việc tiếp, rồi ăn tối và gặp gia đình, đến 2, 3 giờ sáng mới đi ngủ.

Xin nhắc lại: Cả Trịnh Hoài Đức lẫn Shihõken Seishi đều không hề nói thành làm dở dang, điều mà người ta đồn đại để phụ họa cho giả thuyết có “một bản đồ lớn” gồm 40 đại lộ của Le Brun vẽ, chưa thực hiện mà chúng tôi đã nói trong chương trước.

Họa đồ trận liên quân Pháp Y Pha Nho tấn công thành Gia Định, ngày 17/2/1859 do M.L. Roux, bí thư của Rigault de Genouilly vẽ, in trong Les Grands Dossiers de L’Illustration, nxb Livre de Paris, 1987, t.18-19. Ta thấy rõ thành Gia Định do Minh Mạng xây năm 1836.

Thành Gia Định dưới mắt John White

John White, một người lính thủy Mỹ đến Nam Hà khoảng 1819-1820, là tác giả cuốn Chuyến đi Nam Hà (bản tiếng Pháp: Voyage en Cochinchine), in lần đầu năm 1823, ở Boston. Cuốn sách của John Whiteđược dịch và in toàn bộ trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ (BAVH, 1937, II), có thể coi là một loại Ký sự Bissachère được BAVH phổ biến.

John Whitechê bai Việt Nam tột bực, đại để: nước này chẳng có gì đáng chú ý, không sản xuất ra gì cả, dân chúng mọi rợ, bất lương, nhà cầm quyền tồi tệ, y viết: “Nhà vua [Gia Long] là bạo chúa, hiếu chiến, bo bo giữ quyền, hà tiện và gian tham, nắm một quyền lực vô hạn. Hậu quả tự nhiên: quý tộc bán mình, phản trắc, chuyên quyền, hung bạo và dân chúng ngu muội, dâm dãng, không có một chút ngay thật và yêu thích làm việc gì cả” [77].

P. Midan, dịch giả, trong bài tựa, cho rằng: sau khi cuốn sách này in ra, không có một tầu Mỹ nào ghé bến Sài Gòn từ 1820 đến 1860; từ những điều “man rợ” của John White trong cuốn sách này, Midan khai thác để “chứng minh” công lao “khai hoá” của Bá Đa Lộc, như sau:

“Chuyến đi của John White đã xẩy ra trong khoảng 1819-1820, một thời gian sau cái chết của Đức Giám Mục Adran [thực ra Bá Đa Lộc mất năm 1799]. John White nhấn mạnh đến tình trạng dã man mà nước này rơi vào sau cái chết của vị sáng tạo hoà bình nổi tiếng ở Nam Hà. Tất cả những cơ chế mà ngài lập ra đã biến mất. Sự thịnh vượng mà ngài phát sinh chỉ còn là kỷ niệm. Nhân chứng này lại càng có giá trị bởi nó đến từ một người ngoại quốc. Tác giả tuyên bố rằng cái chết của Đức Giám Mục là một thảm họa cho xứ này và sự kiện này chưa bao giờ được thẩm định bằng những lời lẽ xác đáng đến thế.

Ngoài ra, John White còn làm sống lại một thành phố đã mất: Sài Gòn (chương 14). Thành đài cổ kính do Đại tá Pháp Olivier xây nay không còn nữa; nó đã bị nhà vua phá huỷ sau cuộc nổi loạn của Khôi năm 1835. John White đã mô tả chi tiết mà ta không thể tìm thấy bất cứ ở đâu (…) Sự phục sinh thành đài bất hủ này có một lợi ích chủ yếu về phương diện lịch sử”[78].

Chúng ta chẳng cần để ý đến sự thổi phồng những sách tồi tệ như thế về Việt Nam của những tác giả thực dân, vì đây không phải là lần đầu. Đáng chú ý là đoạn John Whiteviết về thành Gia Định năm 1819, ở chương XIV sau đây:

“Chúng tôi lên bờ, đúng vào chỗ có một loạt hàng tạp hoá lớn hay là chợ, có nhiều hoa quả và đồ ăn, do những người đàn bà bầy bán vô trật tự [chợ Bến Thành, thời đó ở sát bờ sông, theo Trịnh Hoài Đức ](…) Khó nhọc lắm chúng tôi mới tiến bước được, dọc theo con phố treo đủ loại đồ bẩn thỉu dơ dáy, dưới ánh nắng gay gắt, bị hàng ngàn con chó ghẻ bao vây mà những tiếng sủa của chúng làm cho chúng tôi đờ người cộng thêm những tiếng la lối om xòm của bọn bản xứ ngạc nhiên, hiếu kỳ, sờ mó quần áo, vỗ má và nắn tay, khiến chúng tôi phải lấy gậy đập để đuổi”[79]Nhữnghàng này đủ cho ta thấy “tinh thần” của tác giả. Nhưng đáng chú hơn, là những dòng viết về thành bát quái và về cung điện trong thành:

“Chúng tôi đến một con đường dài khoảng một phần tư mille [402m][80] ngoằn ngèo giữa hai bức tường gạch và hơi lên dốc đầy cây lá. Bọn mất dạy (canaille) bản xứ, đi hai chân hay bò lê bò càng [chắc y muốn nói đến người ăn xin], đã bỏ rơi chúng tôi và chẳng bao lâu chúng tôi tới một cái cầu đẹp bằng đất và đá bắc ngang qua hào rộng và sâu, dẫn tới cửa Đông Nam của thành, hay, nói đúng hơn, thành trì quân sự, bởi vì những bức tường của nó cao tới 20 pieds [6,096m][81] và dầy kinh khủng, bao vòng nền đất trong thành hình tứ giác gần ba phần tư mille [1,206km] mỗi bề. Ông Tổng trấn và những quan chức nhà binh ngự ở đó. Có những trại lính đầy đủ tiện nghi cho năm mươi ngàn binh. Cung điện trổi lên giữa một thảm cỏ tráng lệ, trong một mảnh đất rộng tám acres [34000m2][82] được bao bọc bởi một hàng rào cao. Đó là một dinh thự hình chữ nhật dài lối 100 pieds [30,48m], rộng 60 pieds [18,28m], chủ yếu xây bằng gạch, với những hàng hiên được che kín bằng những bức mành chiếu. Toà nhà toạ lạc trên một thềm gạch cao 6 pieds [1,828m]có bậc thang gỗ nặng để đi lên.

Ở mỗi bên, cách khoảng 100 pieds [30,48m] mặt tiền, có một cái đài canh hình vuông cao độ khoảng 30 pieds [9,14m], có một cái chuông lớn. Đằng sau, cách cung vua độ 150 pieds [45,72m] có một dinh thự nữa cũng gần lớn như cung vua đó là nơi ở của các bà [phi] và các [nhân viên] trực thuộc khác.”[83]

Là một người lính, việc đầu tiên đập vào mắt John White, là sự kiên cố của thành bát quái. Điều đó càng làm cho chúng ta hiểu hơn: tại sao Trịnh Hoài Đức và Thực Lục nhấn mạnh đến quan niệm triết học theo kinh Dịch của thành Bát quái, nói một cách dễ hiểu, chủ đề của thành Gia Định dựa trên số Tám. Bởi đó là dấu ấn của Gia Long và là sự thành công về kiến trúc thành trì phương Đông.

IV- Thành Diên Khánh

Đại Nam Nhất Thống Chí viết: “Thành Diên Khánh trước là thủ sở Nha Trang, năm Quý Sửu (1793) quân nhà vua tiến đánh Qui Nhơn, lúc trở về, xa giá dừng ở Diên Khánh, xem xét thế đất, sau nhân có bảo cũ Hoa Bông đắp thành bằng đất, thành mở 6 cửa, đều có nhà lầu, 4 góc thành có núi đất, ngoài thành đào hào, ngoài hào có trại; các cửa đều có cầu treo để qua hào, trước sau có núi sông bao bọc, thật là nơi thiên hiểm, nay bỏ bớt hai cửa. Pháo đài và núi đất vẫn còn.” [84]

Tháng 10/1793 (tháng 9 ÂL), Thực Lục ghi:

“Ngự giá về Diên Khánh. Thấy thành đất Hoa Bông địa thế tốt, đánh hay giữ đều tiện, bèn sai các quân và phát 3000 dân Bình Thuận, 1000 dân Thuận Thành khởi đắp trọn một tháng thì thành xong, gọi là Diên Khánh (tức tỉnh lỵ Khánh Hoà ngày nay. Thành cao 1 trượng [4,87m] chu vi hơn 510 trượng [2,483km] mở sáu cửa, đông và nam đều một cửa, tây và bắc đều hai cửa, trên cửa có lầu, bốn góc có cồn đất”[85].

Mọi việc khá rõ ràng: Diên Khánh cũng như Gia Định, Gia Long không xây thành mới mà chỉ đắp thành đất vây quanh đồn đất cũ là Hoa Bông. Diên Khánh đắp mùa hè năm 1793, một tháng xong. Vắn tắt là như vậy.

Theo hai sự mô tả này thì, thành Diên Khánh có cùng một lối kiến trúc với thành Gia Định, và không có gì là một thành phố theo lối Tây phương cả. Thành Diên Khánh phải đắp một tháng mới xong, chứng tỏ việc đắp thành Diên Khánh, hoặc vì vị trí hiểm trở, hoặc vì phải xây thêm những toà nhà cho vua ở. Thành cũng được sửa chữa nhiều đợt, mỗi khi Gia Long đến Diên Khánh.

Thực Lục tháng 8/1794 (tháng 7 ÂL) ghi: “Sửa đắp thành Diên Khánh, xong việc cho các quan ăn yến”. Và tháng 9-10/1795 (tháng 8 ÂL) ghi: “Sửa lại thành Diên Khánh, làm thêm kho tàng[86]. Để Tôn Thất Hội ở lại trấn giữ.

Thành Diên Khánh, theo Lê Quang Định

Diên Khánh được Lê Quang Định mô tả trong Hoàng Việt Nhất Thống Điạ Dư Chí như sau:

“Thành này ở mặt trước xã Phú Mỹ, tổng Trung, huyện Phước Điền, thành cao hai tầm [4,25m][87] chu vi là 1.019 tầm [2,165km], chia làm 6 cửa: phiá nam một cửa, phiá tây 2 cửa, phiá đông một cửa và phiá bắc 2 cửa, trên cửa có lầu. Thành hình tứ giác, bên trong có núi đất. Ngoài thành có hào, ngoài hào có cửa trại, phiá trước có cầu treo bắc ngang trên hào.

Xét thêm về thành Diên Khánh: Thời trước đó là thủ sở Nha Trang. Năm Quý Sửu (1793) Vương sư đẩy lui quân Tây Sơn, thu phục dinh Bình Hoà, ngự giá đến đây thấy vùng đất tốt nên mới lập ra đồn này. Sai Tiền quân Bình Tây đại tướng quân Thành Quận Công (Nguyễn Văn Thành) cầm binh trấn giữ. Đến mùa đông năm ấy lại sai Đông Cung đổng lãnh đại quân đến thay giữ trấn, lại cho đắp thêm thành bằng đất. [88]

Tóm tắt những thông tin của Hoàng Việt Nhất Thống Điạ Dư Chí, Thực Lục, Liệt Truyện và Đại Nam Nhất Thống Chí, ta có thể hiểu, thành Diên Khánh được đắp và sửa làm ba đợt:

– Đợt đầu tiên vào mùa hè năm 1793, khi bỏ vây Qui Nhơn về, Nguyễn Ánh sai Tôn Thất Hội đắp thành đất Diên Khánh, ở đồn Hoa Bông, thủ phủ cũ của Nha Trang.

– Tháng 8/1794, Nguyễn Ánh lại sai sửa sang Diên Khánh và lần này có lẽ sửa to, vì sau đó ăn mừng, cho tướng sĩ ăn yến. Lần này được Lê Quang Định ghi lại cho đắp thêm thành bằng đất, tức là mở rộng thêm thành đất (hoặc làm kiên cố thành đất) đã đắp từ năm trước, và có lẽ đặt thêm đại bác trên tường thành, nên sau đó quân Trần Quang Diệu không làm cách nào trèo vào được.

– Đến tháng 9-10/1795 (tháng 8 ÂL) Sửa lại thành Diên Khánh, làm thêm kho tàng. Để Tôn Thất Hội ở lại trấn giữ. Lần này Gia Long không những sửa mà còn làm thêm “kho tàng”, tức là cấp cho Diên Khánh một địa vị hành chánh, điạ đầu, quan trọng thứ nhì sau Gia Định.

Lê Quang Định tóm tắt các trận đánh khốc liệt ở Diên Khánh như sau:

“Đến tháng ba mùa xuân năm Giáp Dần [4/1794] tướng Tây Sơn là Điện tiền Huấn (Nguyễn Văn Huấn) và Tổng quản Diệu (Trần Quang Diệu) kéo quân thủy bộ vây thành ngoài hơn 20 ngày, không thể cầu viện được nên Hoàng thượng phải thân chinh, Huấn và Diệu thua bỏ chạy. Tháng tám đại binh khải hoàn, lại sai Hậu quân Bình tây tham thừa Đại tướng quân Tánh Quốc Công (Võ Tánh) đến thay thế. Tháng 11 nhuận [12/1794-1/1795] tướng Tây Sơn là Tổng quản Diệu, Nội hầu Tứ đem hết quân thủy bộ đến hãm ngoài thành, hàng ngày đánh vào thành làm cho tướng sĩ chết rất nhiều, tướng Tây Sơn cho đắp lũy cao, đào rạch sâu quanh cả bốn mặt thành. Không thể khắc phục được, Tánh Quận công tự đem quân ra đánh, bắt sống được tướng Tây Sơn là Đô đốc Định, quân giặc tan tác đầu hàng rất nhiều. Tuy nhiều gạo mà thiếu mắm, tướng sĩ trong thành ăn uống rất kham khổ nhưng vẫn một lòng trung nghiã, người đều vui vẻ và cố gắng hết sức giữ thành. Tháng tư năm Ất Mão [5-6/1795] ngự giá thân chính thống suất quân thủy bộ đến cứu viện, quân giặc đại bại, Hoàng thượng tiên đoán chúng tất rút lui bèn chia quân đến chận đường rút của chúng, đến tháng bẩy [8-9/1795] quả nhiên tướng Tây Sơn là Diệu và Tứ bỏ vòng vây tháo chạy, đại quân đuổi theo sau thu được rất nhiều voi ngựa và khí giới, tướng sĩ của Tây Sơn đầu hàng và chết vô kể. Nay thành ấy lập làm lỵ sở của dinh Bình Hoà, ở đó có kho lương và nhà cửa quân dân nhưng hãy còn thưa thớt. [89]

Qua giọng văn đề cao những chiến thắng của quân Nguyễn, ta vẫn thấy những khó khăn của quân Nguyễn trước sự tấn công mãnh liệt của Tây Sơn do Trần Quang Diệu chủ trì. Chú ý đến đoạn cuối: Sở dĩ Trần Quang Diệu bỏ Diên Khánh, không phải vì Nguyễn Ánh thân chinh mà vì trong triều Phú Xuân có loạn, Quang Toản giết hại đình thần, nên phải về, nếu không có biến cố ấy, chưa chắc Trần Quang Diệu đã bỏ cuộc.

Nhưng câu cuối cùng mới thực là quan trọng, Lê Quang Định viết về Diên Khánh: ở đó có kho lương và nhà cửa quân dân nhưng hãy còn thưa thớt. Câu này xác định: Diên Khánh chỉ là thành trì quân sự, người dân không ở nhiều cho nên nhà cửa hãy còn thưa thớt, Diên Khánh không phải là một thành phố xây theo kiểu Tây phương, như các sử gia thuộc địa cố bám vào câu của linh mục Lavoué để nhận thành Diên Khánh là Pháp xây.

Kết luận

Thành Gia Định hay Gia Định kinh, kinh đô đầu tiên của nhà Nguyễn trung hưng, và là kinh đô thứ ba của Việt Nam sau Thăng Long và Phú Xuân, trong 12 năm, từ 1790 đến 1801, khi Nguyễn Ánh thu phục được Phú Xuân, đã có một quá trình lịch sử lâu dài, gắn bó với cuộc Nam tiến của chúa Nguyễn. Hiện tại vẫn là thành đô của miền Nam.

Quá trình lịch sử này có thể tóm tắt như sau:

1658 chúa Nguyễn Phước Tần sai phó tướng Tôn Thất Yến vào chinh phạt Chân Lạp lần đầu.

1674 Nguyễn Dương Lâm đi kinh lược, đưa Nạc Nộn trở lại làm vua, đóng đô ở Sài Gòn.

1679 cho người Minh vào khai khẩn vùng Biên Hoà và Gia Định.

1698 Nguyễn Hữu Kính chinh phục, lập dinh Phiên Trấn.

1753 Nguyễn Cư Trinh bình định, lập dinh Điều Khiển.

1772 Nguyễn Cửu Đàm đắp luỹ Bán Bích, quy hoạch và bảo vệ Gia Định.

1779 Định địa đồ và điạ giới tỉnh Gia Định.

1790 Gia Long cho đắp thành Bát quái, dựng Gia Định kinh.

Gia Định kinh, theo giả thuyết của chúng tôi được đắp xung quanh cung điện cũ của vua Chân Lạp, thuộc khu Vương Cung Thánh Đường ngày nay.

Tướng Tôn Thất Hội được chỉ định điều khiển việc đắp thành bát quái, nhưng chắc chắn Gia Long chủ trì, vì thế những người trọng sự chính xác như Trịnh Hoài Đức và các tác giả Thực Lục, đã không viết rõ tên ai đắp thành. Cho nên người Pháp mới có thể nhận vơ các thành Gia Định và Diên Khánh do Puymanel xây, khiến chúng ta phải khốn đốn trong việc xác định lại sự thực.

Để kết luận, chúng tôi xin nhấn mạnh lại mấy điểm sau đây:

1- Điểm thứ nhất: Hầu như tất cả các thành trì của ta, làm từ thời Gia Long trở về trước, đều đắp bằng đất. Có thể Gia Long đưa thêm một vài chi tiết đổi mới mà ông thấy trong các sách về thành trì của Tây phương, ở mức độ nào, cần phải nghiên cứu thêm mới biết được. Tuy nhiên, về đại thể, Gia Long vẫn đắp thành đất theo quan niệm Đông phương mà người Pháp không biết làm. Theo sự mô tả các thành trì miền Nam thực hiện dưới thời Gia Long của Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí, các thành này thường làm theo hình bát giác, lục giác hoặc tứ giác. Vì thế, Aubaret khi dịch Gia Định Thành Thông Chí đã bỏ hẳn chương quan trọng nhất là Thành Trì Chí, không dịch. Ngay cả đến kinh thành Huế, đắp sau Gia Định hơn 10 năm, Gia Long vẫn dùng nguyên tắc ấy: “Kinh thành năm Gia Long thứ 4 đắp đất; năm thứ 17 xây gạch mặt trước và mặt hữu, năm Minh Mệnh thứ 3, xây gạch mặt sau và mặt tả” [90].

Về thành Huế, Thực Lục viết rõ hơn: “Vua thân định cách thức xây thành”[91].

2- Điểm thứ nhì: Gia Long trực tiếp cai quản mọi việc, đắp luỹ với tướng sĩ, nhiều nhân chứng đều đồng quy về việc này:

– Sử Ký Đại Nam Việt viết: “vua chẳng nghỉ yên bao giờ: khi thì đốc suất các thợ, khi thì đi biên các kho, hoặc coi tập binh hay là đắp lũy”.[92]

– Thực Lục cũng ghi: việc sửa đắp đồn luỹ thì [vua] cùng làm với các tướng sĩ[93].

– Barrow viết: “chính ông quản đốc các hải cảng và các công binh xưởng, chính ông là giám đốc xây dựng những xưởng đóng tầu, chính ông chỉ huy các kỹ sư trong tất cả mọi công việc, không có gì thực hiện không có gì chấp hành mà không hỏi ý kiến và nhận lệnh của ông”[94].

Để kết thúc chương này, chúng tôi có thể xác định chắc chắn rằng: Gia Long là tác giả thành Gia Định và Diên Khánh, cũng như kinh thành Huế sau này. Dưới quyền ông có Tôn Thất Hội, Trần Văn Học, Vũ Viết Bảo… Đến đây có lẽ độc giả sẽ hỏi: Tại sao chúng ta phải khổ công tìm kiếm lại ai là tác giả thành Gia Định, một thành trì đã bị tàn phá 2, 3 lần, nay không còn dấu vết? Xin trả lời: Ngoài vấn đề cốt lõi phải tìm lại sự thực lịch sử đã bị chôn vùi, còn có vấn đề tự hào dân tộc. Chúng ta đã mất nước về tay Pháp; thất bại đó ta phải chịu trách nhiệm, nhưng không thể để cho dĩ vãng lịch sử của dân tộc bị cướp trắng, mà không có một lời phản bác, không có một sự nghiên cứu lại, để chứng tỏ những gì các sử gia thuộc địa đưa ra không thể chấp nhận là sự thực lịch sử.

Chú thích

[1] Liệt Truyện II, Tôn Thất Hội, t. 77.

[2] LT, II, Trần Văn Học, t. 282.

[3] LT, II, Tôn Thất Hội, t. 78.

[4] LT, II, Vũ Viết Bảo, t. 321.

[5] LT, II, t. 78, 79, 80.

[6] LT, II, t. 78.

[7] Cuối tháng 2/1785, phái đoàn đến Pondichéry (Ấn Độ), viên trấn mục Pháp lấy cớ nội loạn từ chối không giúp, bọn Nhơn bảo Bá Đa Lộc cầu viện Anh, Bá nói: Người Hồng Mao dữ tợn, không bằng Bút-Tu-Kê (Bồ Đào Nha), bèn viết thư sang thành Cô A [Goa, thuộc Bồ] cầu viện. Bồ hứa giúp, bọn Nhơn chờ mấy tháng không thấy gì. Nước Anh cũng sai người đến Pondichéry nói với Pháp: nếu các ông không giúp, chúng tôi sẽ giúp. Tháng 7/1786, đầu mục Pháp ở Pondichéry phái 2 chiếc thuyền, một để đưa hoàng tử Cảnh và Bá Đa Lộc sang Pháp và một để đưa Trần Văn Học cùng Phạm Văn Nhơn, Nguyễn Văn Liêm… về Vọng Các. Tháng 3/1787, Bồ sai tướng An-Tôn-Nui đến Xiêm, biếu quà vua Xiêm và mời Nguyễn Ánh sang Goa, nói đã có sẵn 56 chiến thuyền đậu ở Goa sẵn sàng sang giúp. Vua Xiêm không bằng lòng, Nguyễn Ánh phải từ chối và sai Trần Phước Đại sang thành Goa đáp lễ (Theo TL, I, t. 223, 226, 227 và LT, II, Trần Văn Học, t. 280-281).

[8] LT, II, t. 282.

[9] Nguyễn Đình Đầu, Điạ lý lịch sử tpHCM, in trong tập Điạ chí văn hoá tpHCM, tpHCM, 1987, t. 190, tham khảo các bài: Nguyễn Văn Học hay TrầnVăn Học của Nghiêm Thẩm (VHNS Sài Gòn 1961, số 61, t.532, và bài Qui était Trần Văn Học của Thái Văn Kiểm BSEI, số 4, 1962, t. 441).

[10] Về việc Đỗ Thanh Nhơn đóng tầu chiến trường đà xin xem chương 7, Montyon và chương 19, Dayot.

[11] TL, II, t. 233.

[12] LT, II, Vũ Viết Bảo, t. 320-321.

[13] Theo LT, II, Trịnh Hoài Đức, t.198-205.

[14] Trấn Biên tức trấn biên thuỳ, lúc đó là Phú Yên, vì chúa Hiền mới chiếm đất Chân Thành đến Phú Yên.

[15] TL, I, t.72, tóm lược Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành Thông Chí, t. 74-75.

[16] Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, KHXH, 1977, t. 58-59.

[17] Khi còn là thế tử Dũng Lễ Hầu, năm 1644, Nguyễn Phước Tần đã tấn công tầu Hoà Lan thua chạy ở cửa Eo. Năm 1648, lên ngôi chúa, ông chặn đứng cuộc tấn công của chúa Trịnh Tráng (1623-1657), và năm 1655, ông đem quân Bắc tiến, nhưng vì hai tướng Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật bất hoà nên không thành. Năm 1661, Trịnh Tạc (1657-1682) sai con là Trịnh Căn đem quân vào đánh, đại bại. Năm 1672, Trịnh Tạc thân chinh cùng Trịnh Căn, rước vua Lê Gia Tông theo, trận thứ tám, đại chiến ở Trấn Ninh, quân Trịnh thua to phải chạy về Bắc ngày 20/1/1672. Sau đó, Nam Bắc đình chiến hơn 100 năm.

[18] TL, I, t. 89.

[19] Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 5, t. 62-63.

[20] U Đông, kinh đô Chân Lạp từ 1601đến 1866, cách Nam Vang 40km về phiá bắc. Khi Pháp chiếm Cao Mên, vua Norodom bỏ U Đông năm 1866, Nam Vang trở lại thành kinh đô. Sau này, U Đông bị Khmer đỏ tàn phá.

[21] Nguyễn Hữu Hào, tác giả truyện Song Tinh Bất Dạ, là con trưởng của Nguyễn Hữu Dật. Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến là hai đại tướng của chúa Nguyễn, thời kỳ đánh nhau với chúa Trịnh.

[22] Còn gọi là luỹ cổ Lão Cầm, do đốc đồng Lão Cầm đắp, có hai đoạn, một đoạn tên là Tây Hoa, một đoạn tên là Hoa Phong (ĐNNTCH, tập 5, t. 222).

[23] Gia Định Thành Thông Chí, bản dịch của Đỗ Mộng Khương và Nguyễn Ngọc Tỉnh, t. 77.

[24] Khi nhà Thanh lên ngôi (1644), nhiều người Minh ở Trung Hoa chạy xuống miền Nam, trong số đó có Mạc Cửu (1706-1785, cha Mạc Thiên Tứ) người phủ Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, chạy xuống Sài Mạt (Bon Taymia, Chân Lạp) thấy có người Việt, Hoa, Chân Lạp và Đồ Bà (Java) sống tụ họp đông đảo, bèn mở sòng bạc ở Phương Thành (thuộc Hà Tiên), chiêu tập lưu dân, lập bẩy xã thôn ở các nơi: Phú Quốc, Cần Vọt (Kampot), Rạch Giá, Trũng Kè, Vũng Thơm (Kongpong Som) và Cà Mau (Kha Mao). Vua Xiêm dụ Cửu theo, nhưng Cửu thấy không thể theo vua Xiêm lâu dài được, nên năm 1708, Cửu và thuộc hạ xin dâng Quốc chúa Nguyễn Phước Chu đất Hà Tiên (Sở dĩ có tên Hà Tiên, vì tương truyền vùng này hay có người tiên ra vào trên sông) và xin làm Hà Tiên Trưởng (Liệt Truyện Tiền Biên, t. 240-242). Vùng Hà Tiên trở thành đất Việt và họ Mạc trở thành công thần nhà Nguyễn từ đó.

[25] Đoạn này viết theo LT, I, Nguyễn Cư Trinh, t. 148-154.

[26] Gia Định Thành Thông Chí, t. 74, 75, 76, 77, 78; TL, I, t. 72, 89, 91, 111, và LT, I, t. 116-119, 148-154.

[27] Gia Định Thành Thông Chí, t. 85.

[28] Những đơn vị hành chánh như dinh hay trấn xưa tương dương với tỉnh do Minh Mạng đặt ra, còn giữ tới ngày nay.

[29] Lê Quý Đôn,Phủ Biên Tạp Lục, nxb KHXH, Hà Nội,1977, t. 62.

[30] Gia Định Thành Thông Chí, t. 86.

[31] Trịnh Hoài Đức lấy năm 1777, năm Nguyễn Ánh dấy binh ở Long Xuyên là Thế Tổ năm thứ nhất.

[32] Gia Định Thành Thông Chí, t. 175-176.

[33] Tầm, đơn vị đo chiều dài xưa, tương đương với 2m125.

[34] Gia Định Thành Thông Chí, t. 179.

[35] Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhơn Tĩnh (học trò Võ Trường Toản) lập ra thi xã Bình Dương và cùng dạy học. Khi Nguyễn Ánh chiếm được Gia Định, Đức và Định thi đỗ, được bổ Hàn lâm viện chế cáo, sau làm Điền tuấn, rồi sung chức thị giảng Đông Cung. 1802, thăng tham tri bộ Binh, đi sứ Thanh cùng với Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhơn Tĩnh (gốc Quảng Đông, làm tới chức Hàn lâm viện thị học). Năm 1806, Lê Quang Định “phụng sắc làm sách Đại Việt Nhất Thống Điạ Dư Chí. Định bèn khảo cứ đồ bản, sổ sách suốt cả nước, từ kinh sư trở vào Nam đến Hà Tiên, trở ra Bắc đến Lạng Sơn, phàm núi sông hiểm trở hay dễ, đường sá xa hay gần, giới hạn bờ cõi, nguyên uỷ các sông; và cầu cống, chợ, điếm, phong tục, thổ sản, ghi chép tất cả, dọn làm 10 quyển. Sách làm xong, đem dâng lên, vua khen ngợi” (LT, II, t. 197).

[36] Lê Quang Định, Hoàng Việt Nhất Thống Địa Dư Chí, Quyển 2, t. 88-89, bản điện tử.

[37] Quận 1, một đầu gặp Nguyễn Trãi, đầu kia gặp Bùi Thị Xuân, thời Pháp thuộc tên Lucien Lacouture. VNCH đổi thành Đặng Đức Siêu ngày 19/10/1955. VNDCCH đổi là Nam Quốc Cang ngày 4/4/1985.

[38] Nguyễn Đình Đầu, bđd, t.153, tham khảo Trương Vĩnh Ký, Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs (Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng lân cận).

[39] Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 163-164.

[40] Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 179-180.

[41] Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 178.

[42] Quốc Triều Chánh Biên toát yếu, bản điện tử, t. 13.

[43] Nguyễn Đình Đầu, Địa lý lịch sử tpHCM (in trong Địa chí văn hoá tpHCM, nxbtpHCM, 1987, t. 127-231).

[44] Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 183, 185.

[45] Nguyễn Đình Đầu, bđd, chú thích 4, t. 183.

[46] Schreiner, Abrégé de l’Histoire d’Annam (Lược sử nước Nam), note 1, t. 104.

[47] Cadière, BAVH, 1921, t. 283-288.

[48] Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 178.

[49] Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 185.

[50] LT, II, t. 426.

[51] Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 5, t.222.

[52] Micalef dẫn theo Samuel Baron, Description du royaume du Tonquin, Revue Indochinoise, 2e série, 1914, t. 201.

[53] Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 168.

[54] Liệt Truyện viết nhầm, thực ra là luỹ Bán Bích, luỹ Tân Hoa cũng do Cửu Đàm đắp, nhưng ở Biên Hoà.

[55] Liệt TruyệnTiền Biên, t. 179.

[56] Theo Liệt Truyện Tiền Biên, nhưng Trịnh Hoài Đức không nói Cửu Đàm tham dự chiến dịch này.

[57] Gia Định Thành Thông Chí, t. 189, 178, 35.

[58] Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 163.

[59] Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 163.

[60] Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 165.

[61] TL, I, t. 257.

[62] TL, I, t. 257, 268.

[63] Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 180-181.

[64] TL, I, t. 257, 268.

[65] Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 212.

[66] 1 trượng =4m87; 1 thước mộc=1 thước ta=0,m487, tính theo Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 179.

[67] Gia Định Thành Thông Chí, t. 175-176.

[68] Trích Gia Định Thành Thông Chí, t. 175-179.

[69] Gia Định Thành Thông Chí, t. 183.

[70] Gia Định Thành Thông Chí, t. 183.

[71] in trong Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême-Orient (BEFEO), 1933, t. 35-120.

[72] 1ri tương đương 3km927; 1 chõ= 109m10 và 1 ken=1m82, chú thích của Muramatsu Gaspardone.

[73] Một tàu lớn chạy 6 ri [23km582] một giờ, và 36 ri [141km272] một ngày, chú thích Muramatsu Gaspardone.

[74] 1 pied=0m324. BEFEO, 1933, t. 58.

[75] Trích Nampyõki [Đắm tầu ở Nam Hải] của Shihõken Seishi, BEFEO, 1933, t. 59.

[76] Trích Nampyõki [Đắm tầu ở Nam Hải] của Shihõken Seishi, BEFEO, 1933, t. 60-62.

[77] John White, Voyage en Cochinchine (Chuyến đi Nam Hà) BAVH, 1937, II, t. 258.

[78] P. Midan, Avant-Propos (Tựa), BAVH, 1937, II, t. 94-95.

[79] John White, Voyage en Cochinchine, BAVH, 1937, II, t. 232.

[80] Tính theo chuẩn: 1mille (dặm Anh)=1,609km.

[81] Tính theo chuẩn: 1 pied Anh=0,3048m.

[82] Tính theo chuẩn: 1 acre Anh (1 mẫu Anh)= 42 ares rưỡi; 1 are= 100m2.

[83] John White, Voyage en Cochinchine (Chuyến đi Nam Hà) BAVH, 1937, II, t. 232.

[84] Đại Nam Nhất Thống Chí, III, t. 93.

[85] TL, I, t. 299.

[86] TL, I, t. 310, 326.

[87] Tầm, đơn vị chiều dài xưa = 2m125.

[88] Lê Văn Định, Hoàng Việt Nhất Thống Điạ Dư Chí, Quyển 2, t. 52-53.

[89] Lê Quang Định, Hoàng Việt Nhất Thống Điạ Dư Chí, Quyển 2, t. 52-53.

[90] Đại Nam Nhất Thống Chí, I, Kinh sư, t. 18.

[91] TL, I, t. 552.

[92] Sử Ký Đại NamViệt, t. 57.

[93] TL, I, t. 233.

[94] Barrow II, t. 224-238.