THÔNG BÁO CHO THIÊN HẠ CẦN VƯƠNG (CÁO DỤ CẦN VƯƠNG), LỆNH DỤ THIÊN HẠ CẦN VƯƠNG & CỤM TỪ “TỜ CHIẾU CẦN VƯƠNG CỦA VUA HÀM NGHI”

– Phần I –

Vấn đề “Thông báo cho thiên hạ cần vương” (Cáo dụ Cần vương), “Lệnh dụ Thiên hạ cần vương” và cụm từ “Tờ chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi” thật ra đã rạch ròi, rốt ráo và đạt được sự nhất trí cao, nhưng để tránh trước những vướng mắc còn lại, có thể “tái phát” như trên báo chí trong hơn một tháng gần đây, tưởng cũng cần bàn thêm cho thật rõ ràng, kĩ lưỡng một lần cuối.

Trước hết, để giải toả vướng mắc về vấn đề trên, xin liệt kê những văn bản có nội dung Cần vương mà Hàm Nghi – Tôn Thất Thuyết đã phát đi như sau:

1.”Thông báo cho thiên hạ cần vương”(Cáo dụ Cần vương): “Đại Nam thực lục chính biên” (ĐNTL.CB.), kỉ Kiến Phúc – Hàm Nghi, ghi chép: “Giờ ngọ [:11 – 13 giờ trưa, ngày 23-5 Ất dậu, tức 05-7-1885, xa giá], mới đến xã Văn Xá, nghỉ một chút, [Tôn Thất] Thuyết tức thì kèm vâng mệnh vua, đêm qua tình hình vua phải ra đi thông báo cho thiên hạ cần vương, lần lượt tư cho Nam – Bắc tuân làm”(1). Căn cứ vào nội dung tóm lược ấy, chúng ta có thể định danh thể văn được sử dụng là cáo hay chiếu (thông báo rộng khắp), và cũng có thể tạm gọi “Cáo dụ Thiên hạ Cần vương”, “Bá cáo Thiên hạ Cần vương” hoặc “Chiếu Cần vương”. Nhưng có lẽ dùng từ chiếu là không thích đáng, vì đây chỉ là một thông báo sơ khởi, kịp thời, chứ chưa là văn bản chính thức.

2.”Lệnh dụ Thiên hạ cần vương” (Dụ Cần vương): ĐNTL.CB., sđd., cũng ghi nhận: “Tôn Thất Thuyết còn giữ giá vua còn đóng ở [Sơn] phòng Quảng Trị, đã kèm vua ra Lệnh dụ Thiên hạ cần vương, lại sẽ dụ bảo Nguyễn Văn Tường và yên ủi những người họ mạc ở trong kinh, [mỗi thứ] đều một đạo [đạo: bản văn], do đường dịch lộ chuyển về kinh [đô]. (Khi ấy tự [Sơn] phòng đến kinh [đô] ống trạm còn chuyển đệ được). Đó là việc từ mồng 7 tháng này [tháng 6 Ất dậu] trở về trước” (2). Đây là Dụ Cần vương chính thức (và duy nhất, với nội dung cần vương), ngày tháng viết dụ và ban dụ được ghi trên văn bản mà giới nghiên cứu từ lâu sưu tầm được là 02-6 Ất dậu (13-7-1885).

Ngoài ra, còn thấy ở vài đoạn ĐNTL.CB. khác, có nhắc đến “Lệnh dụ Thiên hạ cần vương” với tên gọi rút gọn là “Dụ Cần vương”:

3a. “Tháng trước thân hào tỉnh ấy [Bình Định] cũng nghe ở hành tại [:nơi vua đóng] có Dụ Cần vương, mưu dấy quân, bèn họp đem những lính kinh [đô] tan về và lính dõng ở dân, đốt phá nhà đạo [:giáo đường Thiên Chúa giáo], dìm chết giáo dân, rồi đem binh dân ước hơn vạn người, quanh tới tỉnh thành, yêu cầu cấp cho khí giới…” (3).

3b. “… nghe có Dụ Cần vương ở hành tại, phần nhiều [quan dân nước ta] bảo quan Pháp bội với lời minh [ước], hòng toan gây việc như ở Quảng Ngãi, Bình Định ấy. Bọn côn đồ nhân đó gá mượn theo bóng thừa cơ cướp của giết người, lương – giáo phục thù, nhờ đó càng thêm ngông ngược…”(4).

4.”Sắc [dụ] cho tỉnh Hà Tĩnh” (về việc vận tải, rước vua): Chép lại theo ĐNTL.CB., sđd.: ” Xe vua đến Hàm Thao ([Tôn Thất]Thuyết gần kèm xe vua đến sách [:buôn làng] Bờ Cạn, vào ngày 20 tháng này [:tháng 7 Ất dậu / 1885] thì nghỉ chân ở xứ này, gần phía bắc sông Khung Giang [:Mê Kông], [từ nơi đó] đến Sơn phòng Hà Tĩnh chừng 7 ngày), sắc cho tỉnh Hà Tĩnh vận lương, mở đường, rước xe vua đến sơn phòng tỉnh ấy“(5). Cũng có thể xem đây là một văn bản có nội dung cần vương (“hết lòng, hết sức với việc của nhà vua” (6)), nhưng bản sắc dụ này không có tính chất quan trọng như bản Dụ Cần vương ở Tân Sở, Quảng Trị, mà chỉ là một thông lệnh với vụ việc vận tải, đón rước bình thường thời kháng chiến như đoạn trích trên đã ghi.

5.”Tờchiếu Cần vương của vua Hàm Nghi”: Cụm từ này thấy xuất hiện trong ĐNTL.CB., kỉ Đồng Khánh:

“Lê Ninh ở Hà Tĩnh (người La Sơn, là con bố chính Lê Kiện) họp quân bức giữ tỉnh thành, bố chính sứ là Lê Đại bị hại [(đây là câu đề của tiểu mục)]:

[(Phần thuyết của đề mục:)] Bấy giờ thân hào hạt ấy nhận được tờ Chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi, nhiều nơi tụ họp dân chúng để [hưởng] ứng mệnh [lệnh]. Tỉnh thần [Lê Đại, Trịnh Văn Bưu] lúc đầu cũng nghe theo, về sau việc làm trái hẳn với nhau [:với thân hào] (mật sức [:bí mật điều động] các nhà đạo [Thiên Chúa] ngầm dồn giáo dân lại, ở tỉnh nếu có triệu đi thì tới ngay để [dự] phòng [cho việc] sai phái; lại uỷ cho quan án [sát] cùng phái viên ở kinh [đô] đi đến thượng du đón chặn xe xuất đế) nên bị mọi người ghét. [Lê] Ninh bèn tự đem quân bản đạo (7), thẳng bức tỉnh thành; quân đóng ở trong thành, thấy quân ngoài đến, mở cửa dẫn vào; [Lê] Ninh vào thẳng trong thành, bắt [Lê] Đại giam chặt, thu lấy tiền lương, súng ống, khí giới, rồi đem Đại thắt cổ giết chết…

Án sát Trịnh Văn Bưu, tháng trước đến thượng du đón xe xuất đế [Hàm Nghi] không được; đến nay trở về cũng bị quân đạo [:đội quân] khác bắt được, rồi nhân bệnh chết. Tỉnh thành đã không giữ được; phủ, huyện đều bỏ thành trốn tránh, toàn hạt đâu cũng khởi binh, ứng tiếp cùng nhau. Dân bên [Thiên Chúa] giáo sợ chúng ức bách, nên chỗ này chỗ khác nổi lên trước, cùng binh dân như là thù hằn; tai ách binh lửa, so với các hạt là hơn cả” (8).

“Tờ chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi” này là cụm từ duy nhất trong “Đại Nam thực lục” (các kỉ liên quan) có 3 chữ “CHIẾU CẦN VƯƠNG”, lại được xác định bằng một định ngữ “của vua Hàm Nghi”. Xin xác định trước, đây không phải là một văn bản khác, mà chính là một trong 2 văn bản ghi trên, hoặc “Thông báo cho thiên hạ cần vương” (Cáo dụ Cần vương) hoặc “Lệnh dụ Thiên hạ cần vương” mà thôi. Người viết bài này (Trần Xuân An) xin phân tích cặn kẽ ở phần sau.

6. Lời kêu gọi sĩ dân Bắc Kỳ hưởng ứng Dụ Cần vương: Trước hết, đề nghị lưu ý về cụm từ “mượn tiếng danh nghĩa, cổ động, mê hoặc sĩ dân”: Vẫn chép lại ĐNTL.CB.: “[Đồng Khánh] lại cho là giặc [Tôn Thất / Lê] Thuyết hiện nay về đến Sơn phòng Hà Tĩnh, mượn tiếng danh nghĩa, cổ động, mê hoặc sĩ dân, mới biết rõ giặc [Tôn Thất / Lê] Thuyết là người như thế nào. [Đồng Khánh] tiếp tục dụ sĩ dân Bắc Kỳ rằng: [… TXA. lược bớt …] …” (9). Từ “mê hoặc”ở câu tóm lược của Quốc sử quán về văn bản mà Tôn Thất Thuyết đã kèm vua Hàm Nghi để ban bố tại Hà Tĩnh (tháng 9 Ất dậu 1885) đã được chính bản dụ của Đồng Khánh làm rõ: “… Ngày tháng 5 [23-5 Ất dậu], đô thống đại thần Đại Pháp [De Courcy] mời đến bàn bạc, [Tôn Thất Thuyết] tự đem lòng nghi sợ, mưu cho thân mình, nguy đến tôn xã, bắt hiếp vua phải đi, mà hiệu lệnh đều do tay hắn. Nay lại nói là khôi phục, để mê hoặc sĩ dân, tuy người có kiến thức cố nhiên không bị hắn mê hoặc được, nhưng chỉ sợ bên ngoài nghe thấy chưa được giống nhau, thì hoặc nói thác là cần vương, hoặc xướng là khởi nghĩa, trong Nam ngoài Bắc ồn ào lên, hại đến dân các địa phương…” (9). Đoạn trích này cũng có thể tiêu biểu cho nội dung của cả bản dụ, chung quy chỉ gồm 2 ý lớn: một là vạch trần bản chất, âm mưu cướp ngôi của Tôn Thất Thuyết; hai là kêu gọi sĩ dân Bắc Kỳ đừng ủng hộ Tôn Thất Thuyết. Tất nhiên khỏi phải nói đến bản chất hèn hạ, trái tình nghịch lí của tên vua bù nhìn Đồng Khánh (mà thực chất là do Nguyễn Hữu Độ và các tên tay sai khác viết), thể hiện ở bản dụ này. Tuy nhiên, xét về mặt văn bản, thì đây chính là văn bản phản hồi, luận chiến với văn bản của Tôn Thất Thuyết – Hàm Nghi ban bố tại Hà Tĩnh. Có một điều cần ghi nhận là bản dụ của Đồng Khánh không có chi tiết luận chiến, phản hồi nào đề cập đến Nguyễn Văn Tường như nhiều người cứ ngỡ. Với các chi tiết phản hồi, luận chiến trên cộng với câu tóm lược của Quốc sử quán về nội dung văn bản, người nghiên cứu có thể xác định tuyệt đối về nội dung Tôn Thất Thuyết – Hàm Nghi đã ban bố qua văn bản này. Nói gọn lại, nội dung văn bản này chính là lời kêu gọi sĩ dân Bắc Kỳ hưởng ứng Dụ Cần vương, vốn đã ban bố tại Tân Sở, Quảng Trị, của Tôn Thất Thuyết – Hàm Nghi, và chỉ như thế mà thôi. Văn bản này cùng được ban hành vào một thời điểm, tại một địa điểm cũng như “Chiếu chỉ triệu thân hào hạt Hà Tĩnh, chia đặt quan lại […], đóng chặn chỗ xung yếu […], làm kế đóng trường kì” dưới đây.

7. “Chiếu chỉ triệu thân hào hạt Hà Tĩnh, chia đặt quan lại […], đóng chặn chỗ xung yếu […], làm kế đóng trường kì” (10): Đây mới đích thực là văn bản được gọi chính xác là “chiếu” (“chiếu chỉ”, trong chiếucó chỉ dụ; hoặc vừa ban chiếu bao quát vừa ban các chỉ dụ cụ thể). Bản chiếu này có nội dung mang tính chất long trọng như chiếu dời đô, ở đây là vừa dời đô vừa thành lập một triều đình mới – triều đình kháng chiến – tại một địa điểm mới, đúng như tên gọi thể văn. Chiếu: văn bản có nội dung long trọng, quan trọng, tầm bao quát rộng lớn, do vua ban bố cho thần dân, quan lại trong toàn vương quốc được rõ việc trọng đại nhà vua sẽ hay đang làm, chứ không phải là một sắc lệnh, lệnh dụ có tính chất vừa bắt buộc vừa khích lệ thần dân, quan lại thực hiện với trong sự tuân thủ, chấp hành, có thưởng phạt nghiêm minh. Xin chép nguyên văn bản tóm lược của Quốc sử quán: “Tháng trước [tức tháng 9 Ất dậu 1885], [Tôn Thất] Thuyết đem Hàm Nghi đế đến Nha Sơn phòng, dùng chiếu chỉtriệu thân hào hạt Hà Tĩnh, chia đặt quan lại (cho: viên ngoại Phan Quang Cư làm bố chính sứ Hà Tĩnh; nguyên tri phủ Phan Khắc Hoà làm án sát; nguyên án sát Lạng Sơn Hoàng Xuân Phong làm sơn phòng sứ; Phan Đình Phùng làm tán lí; Phan Trọng Mưu làm tham biện sơn phòng; còn các người khác, đều lượng trao cho quan chức, sai chia đi triệu mộ quân, nhưng đóng lản tản, tiếp ứng cùng nhau), đóng chặn chỗ xung yếu (đường thuỷ, ở phận xã Trúc Lâm, vào quãng ngã ba sông đi đến sơn phòng; đường bộ, xứ Trung Bát núi Hiệu Sơn, tiếp giáp phận núi về huyện Thạch Hà, Hương Khê, đều phái quân cùng quân mới ứng mộ chia giữ các nơi ấy), làm kế đóng trường kì” (10). Văn bản này, ngay trong mục tháng 9 Ất dậu của biên niên sử ĐNTL.CB., kỉ Đồng Khánh, đã bị Đồng Khánh dùng một bản dụ để luận chiến, đập lại.

Ở phần này của bài viết, tôi đã thống kê thành 6 tiểu mục, nhưng thực sự chỉ có 5 văn bản do Tôn Thất Thuyết – Hàm Nghi ban bố liên quan đến việc cần vương mà thôi. Như đã viết, tiểu mục 4 thực chất chỉ là một cụm từ khác (“Tờ Chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi”) để gọi một trong hai văn bản ở 2 tiểu mục 1 và 2, hoặc “Thông báo cho thiên hạ cần vương” (Cáo dụ Cần vương) hoặc “Lệnh dụ Thiên hạ cần vương” (Dụ Cần vương).

Để rõ ràng hơn, xin liệt kê các nhan đề như sau:

1.Văn bản thứ nhất (tiểu mục 1.): “Thông báo cho thiên hạ cần vương”(Cáo dụ Cần vương), 23-5 Ất dậu (05-7-1885), tại Văn Xá, Thừa Thiên.

2.Văn bản thứ hai (tiểu mục 2.): “Lệnh dụ Thiên hạ cần vương” (Dụ Cần vương), 02-6 Ất dậu (13-7-1885), tại Tân Sở, Cam Lộ, Quảng Trị.

3.Văn bản thứ ba (tiểu mục 3.): “Sắc [dụ] cho tỉnh Hà Tĩnh” (về việc vận lương, mở đường, rước vua), 20-7 Ất dậu (29-8-1885), tại Hàm Thao, Quảng Bình.

4. Văn bản thứ tư (tiểu mục 5.): Lời kêu gọi sĩ dân Bắc Kỳ hưởng ứng Dụ Cần vương (có thể là Dụ hoặc Hịch sĩ dân Bắc Kỳ), không xác định được ngày, vào tháng 9 Ất dậu (08-10 – 06-11-1885), tại Sơn phòng Hà Tĩnh.

5.  Văn bản thứ năm (tiểu mục 6.): “Chiếu chỉ triệu thân hào hạt Hà Tĩnh, chia đặt quan lại, đóng chặn chỗ xung yếu, làm kế đóng trường kì””, không xác định được ngày, vào tháng 9 Ất dậu (08-10 – 06-11-1885), tại Sơn phòng Hà Tĩnh.

Trong 5 văn bản trên, cho đến nay, chúng ta chỉ có duy nhất một văn bản tìm được ở bộ “Trung – Pháp – Việt chiến tranh tư liệu”, theo học giả Hoàng Xuân Hãn, hiện còn lưu trữ tại Bộ Ngoại giao Đài Loan; các nhà nghiên cứu trong Nam ngoài Bắc đều đã biết và đã dịch ra tiếng Việt (bản dịch của Lê Thước, Chu Thiên Hoàng Minh Giám…). Tuy nhiên, qua “Đại Nam thực lục, chính biên”, với những câu tóm lược (theo nguyên tắc và luật pháp bấy giờ, Quốc sử quán không thể xuyên tạc) chúng ta cũng biết được chính xác nội dung của 4 văn bản còn lại.

Vấn đề còn lại và cũng là vấn đề chính của bài viết: Tại sao có cụm từ “Tờ chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi” trong Đại Nam thực lục, chính biên, kỉ Đồng Khánh?

Chú Thích:

1. “Đại Nam thực lục chính biên” (ĐNTL.CB.), tập 36, Nxb. KHXH., 1976, tr. 221.

2. ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 225.

3. ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 241.

4. ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 244.

5. ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 243.

6. ĐNTL.CB., tập 37, Nxb. KHXH., 1977, tr. 67: Chú thích của Viện Sử học.

7. Quân bản đạo: đội quân do chính Lê Ninh chỉ huy; hoặc, dân binh thuộc đạo Hà Tĩnh (Hà Tĩnh là một tỉnh nhỏ, được gọi là đạo Hà Tĩnh).

8. ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 41-42.

9. ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 69-72.

10. ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 75-76.

– Phần II –

Trích đoạn từ “Đại Nam thực lục, chính biên”, kỉ Đồng Khánh, ghi chép về việc khởi binh cần vương của Lê Ninh (1857-1887) và cuộc tấn công của quân binh do ông chỉ huy, chiếm dinh thành tỉnh Hà Tĩnh, về mặt hình thức, có thể nói là một tiểu mục trọn vẹn tiêu biểu cho cách viết sử biên niên của Quốc sử quán triều Nguyễn. Qua đó, chúng ta biết chắc chắn, chính xác là sự kiện ấy diễn ra vào tháng 8 Ất dậu (09-9 – 07-10-1885), vì đơn giản là nó được chép lại, đặt vào mục tháng 8 Ất dậu (11) thuộc đệ lục kỉ của bộ sử:

“Lê Ninh ở Hà Tĩnh (người La Sơn, là con bố chính Lê Kiện) họp quân bức giữ tỉnh thành, bố chính sứ là Lê Đại bị hại:

Bấy giờ thân hào hạt ấy nhận được tờ Chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi, nhiều nơi tụ họp dân chúng để ứng mệnh. Tỉnh thần lúc đầu cũng nghe theo, về sau việc làm trái hẳn với nhau (mật sức các nhà đạo ngầm dồn giáo dân lại, ở tỉnh nếu có triệu đi thì tới ngay để phòng sai phái;lại uỷ cho quan án cùng phái viên ở kinh đi đến thượng du đón chặn xe xuất đế) nên bị mọi người ghét. Ninh bèn tự đem quân bản đạo, thẳng bức tỉnh thành; quân đóng ở trong thành, thấy quân ngoài đến, mở cửa dẫn vào; Ninh vào thẳng trong thành, bắt Đại giam chặt, thu lấy tiền lương, súng ống, khí giới, rồi đem Đại thắt cổ giết chết…

Án sát Trịnh Văn Bưu, tháng trước đến thượng du đón xe xuất đế không được; đến nay trở về cũng bị quân đạo khác bắt được, rồi nhân bệnh chết. Tỉnh thành đã không giữ được; phủ, huyện đều bỏ thành trốn tránh, toàn hạt đâu cũng khởi binh, ứng tiếp cùng nhau. Dân bên giáo sợ chúng ức bách, nên chỗ này chỗ khác nổi lên trước, cùng binh dân như là thù hằn; tai ách binh lửa, so với các hạt là hơn cả”(8).

Tuy nhiên, “tờ Chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi”được vua Hàm Nghi (và Tôn Thất Thuyết) ban bố vào lúc nào, tại đâu, có nội dung gì, và thân hào cũng như quan chức ở hạt Hà Tĩnh nhận được lúc nào?

Người viết cố ý nhấn mạnh, làm đậm nét các từ và các cụm từ để phân tích xoáy sâu vào đó.

“Bấy giờ” là một từ được dùng làm trạng ngữ, chỉ một thời đại hay một thời điểm, thậm chí là một khoảnh khắc thuộc thì quá khứ. Chỉ có thể hiểu cụ thể hơn nhờ những câu kế tiếp.

Chúng ta biết rằng, để làm rõ nội dung đã được diễn đạt là “về sau việc làm trái hẳn với nhau”, “nên bị mọi người ghét”, Quốc sử quán đã liệt kê 2 việc, đồng thời để trong hai ngoặc đơn: “(mật sức các nhà đạo ngầm dồn giáo dân lại, ở tỉnh nếu có triệu đi thì tới ngay để phòng sai phái; lại uỷ cho quan án cùng phái viên ở kinh đi đến thượng du đón chặn xe xuất đế)“. Chính mệnh đề diễn đạt sự việc “lại uỷ cho quan án cùng phái viên ở kinh đi đến thượng du đón chặn xe xuất đế” này, ở đoạn kế tiếp, được xác định thời điểm diễn ra sự việc ấy. Đó là “tháng trước”“Án sát Trịnh Văn Bưu, tháng trướcđến thượng du đón xe xuất đế không được”. Do đó, không nghi ngờ gì nữa, 2 việc “về sau” ấy, đã bắt đầu diễn ra trong tháng 7 Ất dậu (10-8 – 08-9-1885). Và cũng từ đó, chúng ta suy ra một cách rất toán học, “lúc đầu” phải là thời điểm trước tháng 7 Ất dậu. Và “lúc đầu” ấy chính là thời điểm thân hào hạt Hà Tĩnh và tỉnh thần (các kẻ bầy tôi – quan chức – cấp tỉnh) nhận được “tờ Chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi”. Như vậy, đáp số cần tìm là, “tờ Chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi” phải được viết và ban bố vào thời điểm trước tháng 7 Ất dậu 1885 hoặc vào thượng tuần tháng 7 Ất dậu 1885.

Như đã xác định ở phần I của bài viết này, “tờ Chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi” không thể là “Chiếu Cần vương – Gosselin – 19-9-1885”; nó chỉ có thể là một trong 2 văn bản:

  1. Văn bản thứ nhất (tiểu mục 1.): “Thông báo cho thiên hạ cần vương”(Cáo dụ Cần vương), 23-5 Ất dậu (05-7-1885), tại Văn Xá, Thừa Thiên.
  2. Văn bản thứ hai (tiểu mục 2.): “Lệnh dụ Thiên hạ cần vương” (Dụ Cần vương), 02-6 Ất dậu (13-7-1885), tại Tân Sở, Cam Lộ, Quảng Trị.

Nhưng “Lệnh dụ Thiên hạ cần vương” (Dụ Cần vương) cũng đã được cố định từ ngữ cũng như thời điểm viết và ban bố. Vậy, chỉ còn là văn bản thứ nhất. Ngẫm nghĩ cho tận lẽ, “thông báo cho thiên hạ” chính là “chiếu” ( ?) (12), nếu không dùng hai chữ “cáo dụ” ( ? ? ) hoặc “cáo” ( ? ) để thay thế.

Một lẽ khác, đây chỉ là một cụm từ xuất hiện trong tiểu mục khởi binh và chiếm thành Hà Tĩnh của Lê Ninh; ngoài ra, không như quy cách của 5 văn bản mà tôi đã thống kê được, là nó không có các câu chữ tóm lược nội dung văn bản, thời điểm, địa điểm ban bố văn bản. Đây cũng là một lẽ, hay một luận cứ, rất quan trọng, nhằm làm sáng tỏ kết luận vừa viết.

Để góp phần vào việc khảo chứng, xin trích một đoạn trong tập tài liệu “Hà Tĩnh Ất dậu kí” của dòng họ Lê ở Trung Lễ, Đức Thọ, Hà Tĩnh, do cụ Trác Viên cung cấp cho GS.TS. Nguyễn Phan Quang, mặc dù chỉ đọc lướt qua cũng đã thấy trong tập kí sự này việc ghi sai tên người, ngày tháng, cũng như các chi tiết quanh sự kiện là khá nhiều:

“Ông Tôn Thất Thuyết thấy 4 đạo quân của ông Tán Ninh [Lê Ninh] rất chỉnh tề, tướng tá hùng dũng, bèn tâu vua sắc cho ông Lê Ninh đem quân về lấy thành Hà Tĩnh và bắt bố chánh Lê Đại đem lên nạp tại Sơn phòng. Lúc này, quan bố chánh thủ hiến Hà Tĩnh là ông Lê Đại, án sát là ông Dương Thanh [???], thương biện là ông Lê Kính Hạp… (13).

Lúc đó, Tôn Thất Thuyết đang ở Quảng Bình, chưa ra đến Hà Tĩnh.

Ông Lê Đại tiếp được tờ mật tri của Bộ [Lễ – TXA. chua thêm] nói về việc cải Hàm Nghi nguyên niên làm Đồng Khánh nguyên niên, bắt đầu từ tháng 6 Ất dậu [1885] [???] và sức cho tỉnh hẹn khi nào giá vua Hàm Nghi ra Hà Tĩnh thì đem quân ra hiếp giá đem về” (13).

“Hà Tĩnh Ất dậu kí” còn cho biết, lá cờ của đạo quân Lê Ninh có 4 chữ “Cần vương phụng chỉ” (12).

“… Khi đội quân ấy vào trong thành rồi mà quan bố vẫn tưởng là quân mình, cho nên họ đến sát bên cạnh mà ngài không biết, chỉ nghe một tiếng hô như sét, rồi ngài bị trói, tiếp theo là tiếng hô “Hàm Nghi vạn tuế” và “Phụng chỉ Cần vương” dậy một phương trời… [… TXA. lược bớt …] … bèn cho ông được uống thuốc độc tự tử” (13).

Dẫu sao, qua tư liệu tham khảo (và chỉ tham khảo) ghi trên, đặc biệt là qua các cụm từ “bắt đầu từ tháng 6 Ất dậu [1885]”, “Cần vương phụng chỉ”, “Phụng chỉ Cần vương”, chúng ta có thể thấy 2 điều:

Một là, “bắt đầu từ tháng 6 Ất dậu [1885]”, “và sức cho tỉnh hẹn khi nào giá vua Hàm Nghi ra Hà Tĩnh thì đem quân ra hiếp giá đem về”, Lê Đại đã theo lệnh De Champeaux, nên từ đó, phối kiểm với trích đoạn trên từ ĐNTL.CB., sđd., chúng ta thấy “tờ Chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi” mà thân hào và quan tỉnh Hà Tĩnh nhận được chắc chắn phải là “Thông báo cho thiên hạ cần vương” (Cáo dụ Cần vương), 23-5 Ất dậu (05-7-1885), tại Văn Xá, Thừa Thiên (14).

Hai là, cờ của đạo quân Lê Ninh chỉ huy “phụng chỉ Cần vương” chứ không phải “phụng chiếu Cần vương”, mặc dù “chỉ” ( ? ) và “chiếu” (? ) có vài nét nghĩa khác nhau. Có lẽ các từ “chiếu”, “chỉ”, “dụ”, “cáo” thường không được phân biệt cho thật rạch ròi, vì nội hàm của chúng có nhiều nét nghĩa giao thoa với nhau.

Tuy vậy, như đã viết ở đoạn trên của phần II này, luận cứ quan trọng nhất chính là xác định đúng thời điểm cuộc khởi binh do Lê Ninh chỉ huy, đánh chiếm thành Hà Tĩnh. ĐNTL.CB. đã ghi chép, đó là vào tháng 8 Ất dậu (09-9 – 08-10-1885), chứ không phải như trong “Hà Tĩnh Ất dậu kí”. Qua công trình liệt kê sự kiện lịch sử cận đại (mặc dù có những sai lệch), nhà nghiên cứu Dương Kinh Quốc đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt trong việc đối chiếu âm lịch với dương lịch; chính ông cũng xác định thời điểm Lê Ninh tiến hành cuộc tấn công tiêu diệt Lê Đại tại thành Hà Tĩnh ấy là “khoảng tháng 9-1885”, tức làtháng 8 Ất dậu (15), và thời điểm Lê Ninh nhận “tờ Chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi” (ĐNTL.CB. goi là “lúc đầu…”) là tháng 7-1885 (xin lưu ý, cuộc kinh đô quật khởi, bị thất thủ, 05-7-1885, nhằm ngày 23-5 Ất dậu):

“Tháng 7-1885
Hưởng ứng Chiếu Cần vương của Hàm Nghi, Lê Ninh dấy quân khởi nghĩa chống Pháp ở Hà Tĩnh. Khoảng tháng 9-1885, nghĩa quân Lê Ninh đánh chiếm tỉnh thành Hà Tĩnh, giết bố chính Lê Đại.

Lê Ninh (tức Ấm Ninh, hay Bang Ninh), người La Sơn, Hà Tĩnh, con bố chính Lê Kiện. Lê Ninh lập căn cứ chống Pháp tại làng Trung Lễ, xã Cổ Ngu. – Sau khi nghĩa quân đánh chiếm tỉnh thành Hà Tĩnh, giặc Pháp liền đem quân đến khu căn cứ nghĩa quân để đàn áp trả thù… – …” (15).

Như thế, Dương Kinh Quốc đã góp phần xác định thời điểm trong ĐNTL.CB. chúng ta đang khảo chứng là không sai. Do đó, chúng ta có thể khẳng quyết như đã khẳng quyết: Đáp số cần tìm là, “tờ Chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi” phải được viết và ban bố vào thời điểm trước tháng 7 Ất dậu 1885 (10-8 – 09-9-1885) hoặc vào thượng tuần tháng 7 Ất dậu 1885 (sớm nhất là từ ngày 23-5 Ât dậu; và thậm chí, muộn nhất cũng vào khoảng thượng tuần tháng 7 Ất dậu).

Đối chiếu với “Chiếu Cần vương” do Gosselin “công bố”, ta thấy ngày tháng được ghi trong đó là 11-8 Ất dậu (19-9-1885); do đó, “tờ Chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi” không thể là “Chiếu Cần vương – Gosselin”.

Qua đây, cũng xin lưu ý thêm: Cuộc khởi nghĩa của Lê Ninh thuộc vào loại sớm nhất (chỉ sau cuộc khởi binh của Nguyễn Xuân Ôn) và mạnh mẽ nhất, trước cả cuộc khởi nghĩa của Lê Trung Đình ở Quảng Ngãi. Tuy vậy, phụ chính Nguyễn Văn Tường chỉ xem mỗi một, duy nhất cuộc khởi nghĩa của Lê Trung Đình là thuộc vào loại “nổi loạn” (vì Lê Trung Đình toan tôn phù Tuy Lý vương Miên Trinh) (16). Điều đó có nghĩa là ông hoàn toàn đồng tình với Nguyễn Xuân Ôn và nhất là với Lê Ninh, mặc dù có lẽ ông đã bị giặc Pháp lưu đày (06-9-1885) trước khi Lê Ninh tấn công vào thành Hà Tĩnh (khoảng tháng 9-1885).

Tóm lại, cho dẫu gạt đi “Hà Tĩnh Ất dậu kí” ra khỏi bài viết này, vì bản thân tập kí tư liệu ấy không chính xác lắm, chúng ta cũng có thể kết luận như đã kết luận:

“Tờ Chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi” không thể là “Chiếu Cần vương – Gosselin – 19-9-1885”; nó chỉ có thể là “Thông báo cho thiên hạ cần vương”(Cáo dụ Cần vương), 23-5 Ất dậu (05-7-1885), tại Văn Xá, Thừa Thiên. “Chiếu Cần vương – Gosselin – 19-9-1885” vẫn chỉ là một văn bản giả mạo, và “Chiếu Cần vương – D’Argenlieu – 03-7-1889” lại càng giả mạo hơn.

– Kết –

Một lần cuối, xin khẳng định, “Chiếu Cần vương – Gosselin – 19-9-1885” và “Chiếu Cần vương – D’Argenlieu – 03-7-1889” chỉ là 2 văn bản giả mạo, nhằm li gián Nguyễn Văn Tường với phong trào Cần vương, triệt hạ uy tín của ông sau khi đã lưu đày ông, và vì những mục đích xấu xa khác.

Có lần tôi đã viết rõ: Trên cơ sở nhận thức rằng, những lãnh tụ, thủ lĩnh phong trào Cần vương không thể dám vi phạm luật pháp ở mức độ nghiêm trọng như giả mạo sắc dụ, chiếu chỉ của vua, tôi nghĩ đến khả năng chính bọn mật thám Pháp, các linh mục đội lốt tôn giáo khác như giám mục Puginier (tôi không vơ đũa cả nắm!), chúng đã bịa tạo ra các bản chiếu Cần vương giả mạo này để li gián “kẻ ở, người đi” (hoạt động hợp pháp, bán hợp pháp và lên rừng kháng chiến), và càng về sau là để nhử các người yêu nước, ủng hộ phong trào Cần vương, phong trào kháng Pháp, để rồi một khi chúng đã nắm được họ, chúng bắt bớ, tù đày họ. Tôi cho rằng, “Chiếu Cần vương – Gosselin – 19-9-1885” và “Chiếu Cần vương – D’Argenlieu – 1889” và các chỉ dụ giả mạo khác có thể (95%) đều thuộc loại này; một số khác (5%) còn lại là do những kẻ thảo khấu táo tợn khác (nói chung là bọn phỉ) giả mạo, nhằm mục đích kiếm chác tiền vàng, lương thực.

Những tư liệu sau đây mới thực sự là những luận chứng vững chắc để chứng minh kết luận đó:

1. Lệnh dụ Thiên hạ Cần vương (Dụ Cần vương), 02-6 Ất dậu (13-7-1885) ;

2. Dụ Nguyễn Văn Tường, 02-6 Ất dậu (13-7-1885) ;

3. Dụ hoàng tộc (Dụ những người trong họ), 07-6 Ất dậu (18-7-1885);

4. Bản kết án Nguyễn Văn Tường do De Champeaux cáo thị, 27-7 Ất dậu (05-9-1885);

5. Bản kết án chung thẩm 4 người chủ chốt nhóm chủ chiến, trong đó Nguyễn Văn Tường đứng đầu danh sách (khoảng từ 12 đến 14-8 Ất dậu, tức 20 đến 22-9-1885) (19);

6. Cáo thị của ngụy triều Đồng Khánh (do hai khâm sai Phan Liêm, Phạm Phú Lâm hợp soạn, Đồng Khánh tự sửa định), niêm yết khắp các tỉnh từ Quảng Nam trở vào, tháng 02 Bính tuất (06-3 – 03-4-1886) (20):
“… Nay Lê Thuyết [Tôn Thất Thuyết – TXA. ct.], trốn tránh ở rừng gập ghềnh, một thân tuy nhỏ, mà coi đất trời như còn hẹp; Nguyễn Văn Tường thì đã bị đi đày; tức là trời trừ kẻ tật ác (21); huống chi tai ách 10 đời, [mà Quang Vũ trung hưng – VSH. ct.]; con của Tấn công có 9 người, [mà còn được Trùng Nhĩ – VSH. ct.]; xem ý trời cũng có thể biết. Trẫm cùng bọn ngươi, phải nên hết sức lo toan khôi phục lại, để lại thấy được cảnh tượng thái bình như xưa. Không ngờ bọn ngươi [tức là các sĩ phu, nhân dân – TXA. ct.] theo ý làm liều, hoặc bức đuổi quan tỉnh, hoặc đốt phá phủ, huyện, kháng cự mệnh lệnh Triều đình, cam tâm hết lòng trung với kẻ thù [tức là Hàm Nghi, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, nhưng theo mạch văn, thì chỉ nhắm đến hai phụ chính – TXA. ct.], từ Hải Vân trở vào nam, không chỗ nào là không loạn [khởi nghĩa – TXA. ct.], rất đáng quái lạ; sao không xem châu Hoan, châu Diễn, Quảng Bình, Quảng Trị (*), mượn tiếng là xướng nghĩa, cần vương, đều đem thân bón cho đồng cỏ, mười nhà thì chín nhà hết sạch; còn những kẻ lọt lưới, thì bị mưa độc, khí núi, liền hóa làm giống sâu ở cát, tức như tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn là thủ xướng, phải giải quân trốn xa, thám hoa Nguyễn Đức Đạt phải đến tỉnh đầu thú; đã thấy được đại khái …”.

Những dòng trích dẫn này chứng tỏ lòng trung thành của sĩ dân tả kì, hữu kì đối với Nguyễn Văn Tường còn đậm nét, mặc dù ông đã bị giặc Pháp lưu đày vào Gia Định, ra Côn Đảo và sang hòn đảo Tahiti xa xôi, cô quạnh giữa biển lớn, gần Trung – Nam Mỹ, và điều đó cũng đã chứng minh “Chiếu Cần vương – Gosselin – 19-9-1885“, “Chiếu Cần vương – D’Argenlieu – 03-7-1889” chỉ sản phẩm bịa tạo của Pháp, cố đạo thực dân và bọn phỉ.

Chú Thích

11. Xem chú thích (8).

12. Từ điển Hán – Việt trực tuyến: http: // annonymous. online.fr/ HVDic/ onldic.php và các từ điển Hán – Việt in giấy khác (Thiều Chửu, Đào Duy Anh…).

13. Họ Lê (Trung Lễ, Hà Tĩnh), “Hà Tĩnh Ất dậu ký”, tư liệu do cháu chắt của họ Lê, Trung Lễ, Đức Thọ, Hà Tĩnh tự ghi chép bằng chữ quốc ngữ ABC (latin), GS. TS. Nguyễn Phan Quang sưu tầm (do ông Trác Viên cung cấp), in trong cuốn sách: Nhiều tác giả, GS. Đinh Xuân Lâm & PGS. TS. Chương Thâu chủ biên, “Phan Đình Phùng, cuộc đời và sự nghiệp” (PĐP.CĐ. & SN.), Nxb. Nghệ An, 2007, 387-388.

14. Hầu hết các tư liệu tôi đọc được đều ghi nhận Lê Ninh (1857-1887) cùng các nghĩa binh của ông hưởng ứng cần vương sớm nhất tại Hà Tĩnh – Nghệ An, ngay sau khi vua Hàm Nghi ban bố Chiếu Cần vương (23-5-1885, Văn Xá) và Dụ Cần vương (13-7-1885, Tân Sở), chứ không đợi đến khi vua Hàm Nghi đã ra đến Quảng Bình, tháng 7 Ất dậu (10-8 – 09-9-1885), Hà Tĩnh, đầu tháng 9 Ất dậu (08-10 – 06-11-1885). Tuy nhiên, ngày đánh chiếm thành Hà Tĩnh, có một số nhà nghiên cứu có lẽ ảnh hưởng bởi “Hà Tĩnh Ất dậu ký” (chú thích (13)), hoặc nhầm âm lịch với dương lịch, nên ghi muộn mất khoảng một tháng (!). Vui lòng xem 2 trang ĐNTL.CB., tập 37, mục tháng 8 Ất dậu, đã được chụp lại (hình minh hoạ ở phần I) ở dạng phóng lớn, rõ nét chữ, theo đường dẫn nối kết (link) trên trang:

15. Dương Kinh Quốc, “Việt Nam, những sự kiện lịch sử (1858-1945)”, tập I (1858-1896), Nxb.KHXH., 1981, tr. 261. Xem ảnh phóng lớn theo đường dẫn nối kết (link) ở chú thích (14).

16. Xem: Trần Xuân An, “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi (05-7-188)”, đã xuất bản, trong sách in giấy, sách điện tử của tác giả, và trong cuốn “Nguyễn Văn Tường (1824-1886), cuộc đời và lời giải”, nhiều tác giả, PGS. TS. Đỗ Bang chủ biên, Nxb. Thuận Hoá, 2007:

17. ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 225-228.

18. ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 247.

19. ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 35. Theo sđd., ngày đinh sửu, tháng ất dậu, năm Ất dậu (11-8 Ất dậu, nhằm ngày 19-9-1885), Đồng Khánh ban chiếu lên ngôi; ngày tân tị, tháng ất dậu, năm Ất dậu (15-8 Ất dậu, nhằm ngày 23-9-1885), Đồng Khánh bái yết các miếu của triều Nguyễn; giữa hai ngày đó, bản án chung thẩm về 4 vị chủ chốt thuộc nhóm chủ chiến được xét xử và tuyên án.

20. ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 138 – 139.

21. “Vua Hàm Nghi đi theo Thuyết còn phụ chính Tường ở lại, vẫn giữ nguyên chức tước, và sau một thời gian trá hàng, lại tiếp tục có những hành động đối kháng. Chính theo lệnh của y mà khoảng ba chục ngàn (30.000) giáo dân đã bị hại chỉ trong vòng hai tháng và hơn một ngàn (1.000) người [Pháp…] khác cũng chịu chung số phận do các quan lại thi hành mệnh lệnh trên…”  (Dẫn theo tư liệu Hội Truyền giáo Bắc Kỳ (chủ yếu do giám mục Puginier viết, báo cáo mật) trong: Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, bài “Cuộc kháng chiến chống Pháp tiếp tục của nhà nước phong kiến Việt Nam những năm 80 thế kỉ XIX”, tham luận của GS. Nguyễn Văn Kiệm, Kỉ yếu Hội nghị Khoa học lịch sử, ĐHSP. TP. HCM., 20.6.1996, tr. 11, 14).


Ngày 27-7 Ất dậu (05-9-1885), Nguyễn Văn Tường bị giặc Pháp bắt; bản kết án lưu đày Nguyễn Văn Tường do De Champeaux cáo thị.

Ngày đinh sửu, tháng ất dậu, năm Ất dậu (11-8 Ất dậu, nhằm ngày 19-9-1885), Đồng Khánh ban chiếu lên ngôi; ngày tân tị, tháng ất dậu, năm Ất dậu (15-8 Ất dậu, nhằm ngày 23-9-1885), Đồng Khánh bái yết các miếu của triều Nguyễn; giữa hai ngày đó (12-8 Ất dậu [20-9-1885] — 14-8 Ất dậu [23-9-1885], nhằm dịp Rằm Trung Thu), bản án chung thẩm về 4 vị chủ chốt thuộc nhóm chủ chiến được xét xử và tuyên án.

Ngày 11-8 Ất dậu, nhằm ngày 19-9-1885 là ngày được ghi trên cái được gọi là “Chiếu Cần vương – Gosselin – 19-9-1885”.

Tháng 02 Bính tuất (06-3 – 03-4-1886), Cáo thị của ngụy triều Đồng Khánh (do hai khâm sai Phan Liêm, Phạm Phú Lâm hợp soạn, Đồng Khánh tự sửa định), niêm yết khắp các tỉnh từ Quảng Nam trở vào. Qua đó, thấy được lòng trung thành của sĩ dân tả kì, hữu kì đối với Nguyễn Văn Tường còn đậm nét, mặc dù ông đã bị giặc Pháp lưu đày vào Gia Định, ra Côn Đảo và sang hòn đảo Tahiti.

Ngày 06-6 Kỉ sửu (03-7-1889) là ngày ghi trên cái được gọi là “Chiếu Cần vương – D’Argenlieu – 03-7-1889”.

Chưa kể các dữ kiện khác đã được nêu ra trong 2 bài viết của Trần Xuân An và các dữ kiện của các nhà nghiên cứu khác trên 2 trang “Thông báo cập nhật” 6 & 7 (WebTgTXA.) , mà chỉ chừng đó, cũng đủ để suy ra:

“Chiếu Cần vương – Gosselin – 19-9-1885”, “Chiếu Cần vương – D’Argenlieu – 03-7-1889” chỉ sản phẩm bịa tạo của Pháp, cố đạo thực dân và bọn phỉ.