1. Sư Vạn Hạnh

Tiểu sử của sư Vạn Hạnh được nhiều sử sách ghi lại, ngoài quốc sử thì Thiền uyển tập anh là một cứ liệu khá đầy đủ và đáng tin cậy. Theo Thiền uyển tập anh, Sư tu học tại chùa Lục Tổ, làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức, xuất thân người làng Cổ Pháp. Thuở nhỏ Sư đã khác thường, thông thạo không chỉ triết lý nhà Phật mà cả các lĩnh vực thế học khác, nhưng là người coi thường công danh. Năm 21 tuổi xuất gia tôn thờ Thiền Ông ở chùa Lục Tổ làm thầy. Ngoài những công việc thông thường của một người mới xuất gia, Sư chuyên tâm tu hành và học tập không biết mệt mỏi. Sư nổi tiếng với những dự báo về đại cuộc của đất nước. Những lời nói ra của Sư thường ứng nghiệm, thiên hạ cho là phù sấm. Vua Lê Đại Hành (ở ngôi 980-1005) đã từng hỏi ý kiến của Sư về việc thắng bại của quân ta trong cuộc chiến đẩy lùi quân Tống xâm lược năm 980. Kết quả thắng lợi trong thời gian đúng như dự báo của Sư. Vua vốn đã kính trọng lại càng tôn quý Sư hơn.

Gặp lúc Lê Ngọa Triều bạo ngược, trời người oán ghét, khắp nơi trong nước xuất hiện những điềm lạ, như có con chó trắng lông kết thành chữ “Quốc” trên lưng; sét đánh cây gạo để lại dấu chữ; ngôi mộ Hiển Khánh Đại vương đêm đến nghe tiếng đọc tụng; cây đa chùa Song Lâm sâu ăn vỏ thành nét chữ “Quốc”… Tùy những việc tai nghe mắt thấy Sư xét bàn, thì mỗi mỗi nơi đều phù hợp với điềm nhà Lê đã đến thời sụp đổ, nhà Lý sẽ lên nắm quyền lãnh đạo đất nước. Ngày Lý Công Uẩn lên ngôi, Sư ở tại chùa Lục Tổ đã biết trước bèn bảo với chú bác (2) của Lý Công Uẩn về sự việc vua Lê Ngọa Triều băng hà, Lý Công Uẩn (lúc đó đang ở chức Tả thân vệ tiền chỉ huy sứ) sẽ lên ngôi. Mọi người sợ hãi không dám tin, sai người đi nghe ngóng thì quả đúng như vậy.

Đại Việt sử ký toàn thư, Nội các quan bản, khắc năm1697 (ĐVSKTT) (3) thống nhất về những lời dự báo của sư Vạn Hạnh trước các điềm trên. Một số sử liệu khác thì ghi thêm rằng, sau khi Vạn Hạnh nói với Lý Công Uẩn về dự báo ấy, Lý Công Uẩn sợ Sư bị giết nên đã nhờ người đem giấu Sư ở chùa Tiêu Sơn (4). Đại Việt sử lược có chép lời của sư Vạn Hạnh nói với Lý Công Uẩn tại quyển 2, tờ 1: “Vạn Hạnh bèn gọi vua bảo: “Tôi gần đây thấy sự lạ của sấm, biết được nhà Lê đang mất, nhà Nguyễn đang lên. Họ Nguyễn không ai có sự nhân từ, khoan thứ rất được lòng người như ông. Tôi tuổi bảy mươi rồi, chỉ sợ không kịp thấy sự thịnh trị mà lấy làm hận”. Lời này cũng được Đại Việt sử ký toàn thư ghi, cũng như Việt sử tiêu án chép nhưng giản lược hơn.

Sư Vạn Hạnh mất năm 1025, năm sinh không thấy sử liệu nào ghi rõ, thọ ngoài 80 tuổi.

2. Vua Lý Thái Tổ và mối quan hệ với sư Vạn Hạnh

Về tiểu sử vua Lý Thái Tổ, tức Lý Công Uẩn, được ghi khá rõ trong quốc sử. ĐVSKTT viết : Vua họ Lý, húy Công Uẩn, người châu Cổ Pháp (5). Mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa. Vua Lý Công Uẩn sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974). Năm lên ba, mẹ ẵm đến nhà Lý Khánh Văn, Khánh Văn bèn nhận làm con nuôi. Lúc nhỏ đã tỏ ra thông minh và có dung mạo khác thường. “Lúc còn nhỏ đi học, nhà sư ở chùa Lục Tổ là Vạn Hạnh thấy, khen rằng : Đứa bé này không phải là người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ…” (6)

Theo ĐVSKTT và Thiền uyển tập anh thì Lý Công Uẩn có cha mẹ, chú, anh em. ĐVSKTT, quyển 1, tờ 34a6, viết : [năm Kỷ Dậu (1009) vua] “Truy phong cha là Hiển Khánh Đại vương, mẹ là Minh Đức Thái hậu”. Và lúc đó sư Vạn Hạnh còn sống (Sư mất năm 1025 nếu theo Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt sử lược, hay năm1018 nếu theo Phật giáo Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ XIII của Trần Văn Giáp (7)). Điều này còn được sử thần Lê Văn Hưu khẳng định bằng lời phê phán rằng các lễ quan thời bấy giờ không biết cải chính, bởi phong như thế là “tự ty” vậy (ĐVSKTT, quyển 1, tờ 34b1). Cũng ĐVSKTT, quyển 1, tại tờ 34b5 ghi : “…phong anh làmVũ Uy Vương, chú làm Vũ Đạo Vương“. Đại Việt sử lược, quyển 2, tại tờ 2b3 cũng đã chép “Tháng 11 nguyên niên vua lên ngôi (…) lấy anh Mỗ làm Vũ Uy Vương, em vua là Dực Thánh Vương…”. Như vậy, ở đây có sự thống nhất với Thiền uyển tập anh khi ở trong tiểu truyện về Thiền sư Vạn Hạnh chép là vua Lý Công Uẩn có cha mẹ, anh em và chú. Với những tài liệu quốc sử và Thiền uyển tập anh, một bộ sử sớm nhất của Phật giáo Việt Nam hiện biết được, thì quan hệ giữa sư Vạn Hạnh và vua Lý Công Uẩn là quan hệ thầy-trò. Điều này được bổ sung bằng các tài liệu lịch sử viết bằng chữ Nôm như Việt sử diễn âm, Thiên Nam ngữ lục vốn quen thuộc đối với những ai nghiên cứu hoặc yêu thích tìm hiểu nền sử học nước nhà.

(1) Số 378, ra ngày thứ Hai, 20.3.2000.

(2) Nguyên bản chép “thúc bá” (Sư tại Lục Tổ tự tiên tri chi vị thúc bá nhị vương viết…), chữ này có nghĩa là anh em và còn có nghĩa thông thường là chú bác.

(3) Bản Nxb Khoa học xã hội, HN, 1998.

(4) Nay thuộc xã Tương Giang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

(5) Nay là đất huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

(6) Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, HN, 1998, quyển II, trang 240.

(7) Viện Sử học, Nhà sử học Trần Văn Giáp, Nxb. Khoa học xã hội, HN, 1996, trang 124. Về năm mất của sư Vạn Hạnh theo Trần Văn Giáp (1018) thực chất là một sự sửa không chính xác nếu so với sự chép thống nhất và rõ ràng của ĐVSKTT và Đại Việt sử lược.

(8) Có truyền thuyết rằng, thân sinh của Lý Công Uẩn vốn nhà nghèo đi làm ruộng thuê ở chùa Tiên Sơn, phải lòng một thiếu nữ rồi làm nàng có thai. Nhà sư thấy thế bèn đuổi đi nơi khác. Hai vợ chồng dắt nhau đi, nhân người chồng vì khát nước đến một cái giếng để uống chẳng may sẩy chân mà chết. Người vợ bất hạnh bơ vơ đến xin trú chân ở chùa Ứng Tâm. Vị sư trú trì đêm trước nằm mộng thấy Long thần báo sắp có Hoàng đế đến chùa. Vài tháng sau người đàn bà ấy sinh một bé trai với nhiều hiện tượng lạ. Mẹ chú bé chết sau khi sinh con và chú bé được chùa nuôi dưỡng. Khi tuổi lên 8-9, chú được vị sư nuôi nấng mang đến gởi cho sư Vạn Hạnh ở chùa Tiên Sơn dạy dỗ…(xem Quỳnh Cư- Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, Nxb. Thanh niên, HN, 1999, trang79-80); Thiên Nam ngữ lục kể rằng, người đã bước qua mình và sau đó người đàn bà họ Phạm có chửa là một nhà sư già…