Triều đại nhà Nguyễn trị vì đất nước ta được 143 năm, từ năm 1802 đến năm 1945, trải qua 13 đời vua. Hoàn cảnh và thời gian ở ngôi của các vị vua nhà Nguyễn không giống nhau. Có vị thăng hà khi đang tại vị, có vị bị phế truất, có vị bị bức tử hay bị lưu đày… do những hoàn cảnh éo le của lịch sử. Có vua ở ngôi đến 36 năm như vua Tự Đức, nhưng có vua chỉ cầm quyền được 3 ngày thì bị buộc phải rời khỏi ngai vàng như vua Dục Đức.

Từ trước tới nay, nhiều nhà nghiên cứu đã lập phổ hệ, thế thứ, niên biểu của các vua triều Nguyễn, hoặc trong một số bài viết về các vua triều Nguyễn thì có đề cập năm sinh, năm mất, thời gian trị vì và tuổi thọ của các vua. Tuy nhiên những thông tin này có những sai biệt đáng kể, trong đó đáng chú ý là năm sinh, năm mất của các vua: Gia Long, Minh Mạng, Hiệp Hòa, Đồng Khánh, Thành Thái và Duy Tân.

Bài viết này sẽ giải thích vì sao có những khác biệt này, đồng thời có những đính chính về năm sinh, năm mất, thời gian trị vì và tuổi thọ của các vua triều Nguyễn, dựa trên những tư liệu và thông tin mà tôi đã cố gắng xác minh, kiểm chứng trong khả năng của mình.

* Những thông tin khác biệt

Ông Richard Orband, phái viên cho bộ Lễ của triều đình Huế, trong bài Những lăng tẩm của dòng họ Nguyễn[1] đăng trên B.F.F.E.O., và học giả Thái Văn Kiểm trong cuốn Cố đô Huế[2] đã viết: vua Gia Long mất vào năm 1820, vua Minh Mạng mất vào năm 1841, vua Đồng Khánh mất vào năm 1889. Trong khi đó, tác giả của các cuốn sách: Niên biểu Việt Nam, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, hay một bài viết trong tập san Huế – Một thuở Kinh đô, lại đưa ra những thông tin khác. Chẳng hạn:

Cuốn Niên biểu Việt Nam đưa ra niên biểu của các vị vua này như sau (Bảng 1):

Tác giả Cao Sơn trong bài Quốc húy và luật lệ kỵ húy của triều Nguyễn đăng trong tập san Huế – Một thuở kinh đô, cũng ghi năm mất của vua Gia Long, Minh Mạng và Đồng Khánh lần lượt là 1819, 1840 và 1888.[5]

Cuốn Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam[6] của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, phần viết về vua Minh Mạng và vua Đồng Khánh cũng đưa ra niên đại của các vị vua trên tương tự cuốn Niên biểu Việt Nam. Riêng phần viết về vua Minh Mạng, ở phần đề mục, các tác giả ghi năm mất của ông là Canh thìn (1840), nhưng ở phần cuối lại ghi: “Năm Canh dần (1840) ông mất, hưởng dương 49 tuổi, ở ngôi 20 năm”.[7]

Về ngày mất của vua Hiệp Hòa, các tác giả cuốn Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam ghi là ngày 18.11.1883[8], trùng với ý kiến của tác giả Hồng Vĩ trong bài Số phận một hoàng đế: Vua Hiệp Hòa[9] đăng trên tạp chí Huế, xưa và nay. Trong khi đó, Richard Orband trong bài viết nói trên lại ghi ngày mất của vua Hiệp Hòa là ngày 29.11.1883.[10]

Cũng trong cuốn Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, các tác giả Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế còn cho biết vua Thành Thái mất ngày 24.3.1954 và vua Duy Tân mất ngày 26.12.1945.[11] Nhưng theo cuốn Những bí ẩn của cựu hoàng Duy Tân của Nguyễn Đắc Xuân, thì ngày mất của vua Duy Tân là ngày 25.12.1945, còn ngày mất của vua Thành Thái theo gia phả của Đệ tứ chánh hệ do ông Nguyễn Phước Bảo Hiền, cháu nội của vua Thành Thái cất giữ, thì ngày mất của vua Thành Thái là ngày 6 tháng 2 năm Giáp ngọ, tức là ngày 10.3.1954.

Về ngày mất của vua Gia Long, quyển 124 trong bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ do Nội các triều Nguyễn biên soạn, ghi: “Gia Long năm thứ 18, tháng Chạp, ngày 19, giờ Tị, Thế Tổ Cao hoàng đế cưỡi long chầu trời”.[12]

Bộ biên niên sử Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, chép: “Hoàng Thái tử (tức vua Minh Mạng sau này – T.Đ.A.S.) xuống lệnh chỉ bá cáo trong ngoài rằng: tháng 11 năm nay (năm Gia Long thứ 18 – T.Đ.A.S.), Đại Hành hoàng đế (tức vua Gia Long – T.Đ.A.S.) không được khỏe, ngày 11 tháng Chạp ốm nặng. Ngày 19, Đại Hành hoàng đế bỏ cả thiên hạ, ta thương xót như xé ruột gan”.[13] Gia Long năm thứ 18 là năm Kỷ mão; ngày 19 tháng Chạp năm Kỷ mão triều Gia Long đổi sang dương lịch nhằm vào ngày 3.2.1820, chứ không phải là năm 1819 như các dẫn chứng đã nêu trên.

Về ngày mất của vua Minh Mạng, quyển 125 trong bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, chép: “Minh Mạng năm thứ 21, ngày 28 giờ Hợi, Thánh Tổ Nhân hoàng đế cưỡi rồng đi chầu trời ở điện Quang Minh”.[14] Văn bia Thánh đức thần công bi ký ở lăng Minh Mạng do vua Thiệu Trị soạn, có đoạn viết: “…Tháng Tư, năm Minh Mạng thứ 21, gặp tiết Đại Khánh Ngũ Tuần của Hoàng khảo. Ngày 19 tháng Chạp năm ấy, Hoàng khảo đến điện Phụng Tiên lễ kỵ. Vài ngày sau, Hoàng khảo se mình. Ngày 29 tháng ấy, giờ Ất hợi, Hoàng khảo bỏ thiên hạ…”.[15] “Minh Mạng năm thứ 21” là năm Canh tí, “ngày 28 tháng 12 năm ấy” là ngày 20.1.1841, có nghĩa là niên hiệu Minh Mạng phải kéo dài tới đầu năm 1841.

Tôi cũng căn cứ vào đoạn văn ghi trong sách Đại Nam thực lục như sau: “Mậu tí, Đồng Khánh năm thứ 3, tháng Chạp. Vua không được khỏe. Ngày 25 là ngày Nhâm dần, bệnh hại nguy kịch. Ngày Giáp thìn, giờ Giáp tuất, mất ở chính điện Càn Thành, thọ 25 tuổi”[16], để tính ra ngày mất của vua Đồng Khánh là ngày 28.01.1889 theo dương lịch. Tôi cũng cho rằng niên hiệu Đồng Khánh phải bắt đầu từ năm 1885, bởi lẽ Đại Nam thực lục cho biết: “Năm Ất dậu (1885), Hàm Nghi nguyên niên, mùa thu tháng 8, tháng ấy và tháng 9 sau vẫn chép niên hiệu Hàm Nghi. Từ mồng 1 tháng 10 trở về sau, đổi thành năm Đồng Khánh Ất dậu”[17] mặc dù vua Đồng Khánh lấy năm sau là “năm Bính tuất (1886) là Đồng Khánh nguyên niên”.[18]

Về ngày mất của vua Hiệp Hòa, căn cứ vào hai đoạn văn sau trong Đại Nam thực lục: “Ngày Đinh sửu, 30 tháng 10 năm Quý mùi, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lại bàn bỏ Lãng Quốc Công, bèn họp các đình thần rước nhà vua về bái yết ở điện Tịch điền quan canh và tâu trình về ý nghĩa nghênh lập”[19] và “Ngày Đinh sửu, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phế vua (tức Hiệp Hòa – T.Đ.A.S.) và giết đi, lập hoàng tử thứ ba lên làm vua”,[20] tôi tính ra ngày mất của vua Hiệp Hòa là ngày 29.11.1883 chứ không phải là ngày 18.11.1883 như ý kiến của ông Hồng Vĩ và các tác giả cuốn Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Ý kiến của tôi cũng trùng hợp với ghi chép trong gia phả của dòng Hiệp Hòa hiện do ông Vĩnh Biên ở Huế đang lưu giữ. Tôi cũng căn cứ vào ngày giỗ, ngày mất của hai vị vua Thành Thái, Duy Tân do ông Bảo Hiền, đại diện cho Đệ tứ chánh hệ (dòng Dục Đức – Thành Thái – Duy Tân) cung cấp, để tính ra ngày mất của vua Thành Thái là ngày 9.3.1954[21] và ngày mất của vua Duy Tân là ngày 26.12.1945.[22]

* Vì sao khác biệt?

Tôi cho rằng sở dĩ có những sai biệt trên đây là do các tác giả của các biên khảo đã dẫn trên đây chỉ chuyển đổi năm âm lịch sang năm dương lịch tương ứng, mà không chú ý đến việc những ngày cuối của năm âm lịch lại rơi vào những ngày đầu của năm dương lịch kế tiếp chứ không phải là vào tháng cuối của năm dương lịch tương ứng. Ví dụ, năm Minh Mạng Canh tí ứng với năm 1840, nhưng từ ngày 8 tháng 12 âm lịch năm này trở đi thì đã bắt đầu sang năm mới (1.1.1841). Sai sót đối với niên đại của các vua Gia Long và Đồng Khánh cũng vì lý do tương tự. Còn sai sót về ngày mất của các vua: Hiệp Hòa, Thành Thái và Duy Tân, đơn thuần, chỉ là việc đổi từ ngày âm lịch sang ngày dương lịch thiếu chính xác mà thôi.

Để thuận tiện cho việc tra cứu về năm sinh, năm mất, tước hiệu, thời gian trị vì, miếu hiệu… của các vua triều Nguyễn, tôi lập bảng Niên biểu các vua triều Nguyễn (xem Bảng 2) trên cơ sở phối hợp với những thông tin đã dẫn chứng trên đây với thông tin trong sách Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc biên soạn và xuất bản[23] để đính kèm bài viết này.

Với bảng niên biểu này, hy vọng độc giả sẽ có được những thông tin có hệ thống và chính xác hơn về niên đại các vị vua nhà Nguyễn để tra cứu.

Trên đây là vài đính chính nhỏ nhằm góp phần tìm hiểu triều đại nhà Nguyễn. Nếu ai thấy có điểm nào còn thiếu sót thì mời bổ khuyết. Tôi trân trọng cám ơn và xin lĩnh giáo.

Chú thích

[1], [10] Richard Orband, “Những lăng tẩm của dòng họ Nguyễn”, B.E.F.E.O, 1944, tr. 13.
[2] Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Văn học tùng thư xuất bản, Sài Gòn, 1960.
[3] Vụ Bảo tồn Bảo tàng, Niên biểu Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984, tr. 31.
[4] Vua Đồng Khánh có các tên: Nguyễn Phúc Ưng Thị, Ưng Đường, Biện. Không có tên nào là Ưng Xụy như sách Niên biểu Việt Nam đưa ra, có lẽ do đánh máy nhầm.
[5] Cao Sơn, “Quốc húy và luật lệ kỵ húy của triều Nguyễn”, Huế – Một thuở kinh đô, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, Huế, 1992, tr. 5.
[6], [7], [8], [11] Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, tr. 584-586, 581, 602.
[9] Hồng Vĩ, “Số phận một hoàng đế: Vua Hiệp Hòa”, Huế Xưa và Nay, Số 4/1994, tr. 76.
[12], [14] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (Tập 8), Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 217, 223.
[13] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Tập 4), Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Sử học, Hà Nội, 1963, tr. 398.
[15] Lê Phục Thiện (dịch), “Văn bia lăng Minh Mạng”, Việt Nam khảo cổ tập san, Số 2, 1962, tr. 148.
[16] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Tập 38), Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr. 157.
[17], [18] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Tập 37), Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 23; tr. 101.
[19] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Tập 36), Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr. 19.
[20] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Tập 35), Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975, tr. 255.
[21] Về ngày mất của vua Thành Thái, Từ điển bách khoa mở (Wikipedia) ghi giống như trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, là ngày 24.3.1954, trong sách Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc biên soạn (Nxb Thuận Hóa, Huế 1995), thì ngày mất của vua Thành Thái được ghi là 09.3.1955.
Theo tính toán của tôi dựa trên thông tin do ông Bảo Hiền, cháu nội vua Thành Thái cung cấp, thì ngày mất của vua Thành Thái là ngày 09.3.1954.
[22] Thông tin về ngày mất của vua Duy Tân do ông Bảo Hiền cung cấp, trùng với thông tin đăng trên Từ điển bách khoa mở (Wikipedia) về vua Duy Tân như sau: “Ngày 24.12.1945, Duy Tân lấy phi cơ Lockheed C-60 của Pháp cất cánh từ Bourget, Paris để trở về La Réunion thăm gia đình trước khi thi hành sứ mạng mới. Lúc 13 giờ 50, phi cơ rời Fort Lami để bay đến Bangui, trạm kế tiếp. Ngày 26.12.1945, khoảng 18 giờ 30 GMT, máy bay rớt gần làng Bassako, thuộc phân khu M’Baiki, Cộng hòa Trung Phi. Tất cả phi hành đoàn đều thiệt mạng, gồm có một thiếu tá hoa tiêu, hai trung uý phụ tá, hai quân nhân trong đó có cựu hoàng Vĩnh San và bốn thường dân”. Tuy nhiên, trong sách Nguyễn Phúc tộc thế phả, thì ngày mất của vua Duy Tân được ghi là 25.12.1945. Tôi dựa trên những tư liệu đã kiểm chứng cho rằng ngày mất của vua Duy Tân là ngày 26.12.1945.