“Chiều mưa phố xưa u buồn, có ai mong đợi
Một người biền biệt nơi mô,
Để nhớ với thương một người…”

Bài hát như những giọt mưa ngắn dài là tâm tình của một người Nha Trang viết về Huế, hôm nay cũng là những giọt lệ “để nhớ với thương” một trong những tinh hoa của âm nhạc Miền Nam. Đó là người nhạc sĩ mà Hoàng Oanh đã hát rất nhiều tác phẩm của chú: Nhạc sĩ Minh Kỳ.

Lưu bản nháp tự động

Nhạc sĩ Minh Kỳ sinh tại Nha Trang trong một gia đình Hoàng tộc gốc Huế. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, ngang vai vế với cựu hoàng Bảo Đại (tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy).

Vì sinh trưởng ở Nha Trang, nên những hình ảnh đẹp của miền Trung đã in sâu vào rất nhiều bài hát của chú Minh Kỳ. Chú đã viết Nha Trang, Nhớ Nha Trang,

Nha Trang Chiều Mưa, Người Em Miền Cát Trắng… cho thành phố quê hương của chú. Các bài hát nầy đều do Hoàng Oanh thâu thanh vào băng dĩa nhạc trước 1975.

“Nha Trang là miền quê hương cát trắng
Có những đêm nghe vọng lại
Ầm ầm tiếng sóng xa đưa…”

Quay lại ký ức, Hoàng Oanh thấy là mình có nhiều dịp được hát những ca khúc mới của nhạc sĩ Minh Kỳ khi chú vừa sáng tác xong. Nhớ nhất là bài Mưa Trên Phố Huế, Người Em Vĩ Dạ và một bài về Huế nữa là Mùa Đông Xứ Huế. Cả ba bài hát đều do nhạc sĩ Lê Dinh viết lời, ký dưới bút hiệu Tôn Nữ Thụy Khương.

Lưu bản nháp tự động

Anh Bằng – Minh Kỳ – Lê Dinh

Hoàng Oanh nhớ chú Minh Kỳ – sau khi đưa bài hát cho Hoàng Oanh rồi – chú dặn dò Hoàng Oanh đôi câu cho bài hát mới, rồi thôi! Chú rất nghiêm trang và ít nói. Đặc biệt, Hoàng Oanh nhớ chú có cặp mắt rất to và tròn. Mỗi lần gặp chú, chú chỉ cười, nụ cười rất hiền.

Bìa của bản nhạc rời về Huế, mấy chú có nhờ họa sĩ Kha Thùy Châu vẽ hình minh họa chân dung của Hoàng Oanh nhìn nghiêng.

Theo lời kể của nhạc sĩ Lê Dinh (trong nhóm Lê Minh Bằng) cho biết: Nhạc sĩ Minh Kỳ đặt nhạc rất hay, nhưng lại ít khi đặt lời. Chú thường nhờ đến những nhạc sĩ bạn như nhạc sĩ Lê Dinh, nhạc sĩ Hoài Linh và một nhà thơ cũng rất thân với chú – để đặt lời cho những tác phẩm của chú – đó là thi sĩ Hồ Đình Phương.

Trong khi đó, nhạc sĩ Lê Dinh và Anh Bằng đặt nhạc và lời đều rất hay và nhuần nhuyễn. Lời ca của chú Anh Bằng thì êm ái, trau chuốt. Lời ca của chú Lê Dinh thì đơn sơ, tình cảm.

“Tàn đêm, tôi khóc khi trời mưa buồn hắt hiu
Lòng mình thầm nhớ dĩ vãng
Đau thương từ lúc vừa bước chân vào đường yêu…”

Sầu Lẻ Bóng (Anh Bằng đặt nhạc và lời)

“Tình yêu mang đến niềm đau
Ngày xa xưa ấy còn đâu
Để rồi thương và nhớ mãi, người mình yêu giờ chẳng thấy
Thương nhau không trọn buổi đầu…”

Ngang Trái (Lê Dinh đặt nhạc và lời)

Nhạc sĩ Lê Dinh viết: “Minh Kỳ làm nhạc xuất sắc, nhanh mà hay. Nhưng anh không văn chương, bóng bẩy trong lời ca, không phải anh không làm được nhưng sẽ hay hơn nếu nhờ một người khác làm lời…”

Lưu bản nháp tự động

Nhạc của Minh Kỳ tha thiết, trìu mến. Giai điệu đơn giản, uyển chuyển, dễ đàn và dễ hát. Nét nhạc của ông trong sáng, bình dị. Và một điều mà Hoàng Oanh để ý rằng: Nhạc của Miền Nam, dù là hai người viết chung (một người viết nhạc và một người khác đặt lời) nhưng khi nghe, chúng ta cứ tưởng là chỉ do một người sáng tác mà thôi. Nhạc và lời êm ái hòa quyện vào nhau:

“Đường đời muôn tên, sông hồ lắm bến
Có một niềm tin: Bao la mây chiều
Câu ca muôn điệu, trăng ngàn đời chiếu Chỉ một tình yêu…”

Cánh Buồm Chuyển Bến (Minh Kỳ đặt nhạc & Hoài Linh đặt lời)

“Ngày ấy quen nhau dưới hiên mái trường
Chiều xuống đã lâu sao còn vấn vương
Thầm ước trong màu hoa nắng như đôi bướm vàng…”

Từ Giã Thơ Ngây (Minh Kỳ đặt nhạc & Nguyễn Hiền đặt lời)

Từ bản nhạc đầu tiên Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ, trong suốt 53 năm qua, Hoàng Oanh đã thâu âm rất nhiều ca khúc nổi tiếng của chú Minh Kỳ: Thương Về Xứ Huế, Cánh Buồm Chuyển Bến, Lá Vàng Rơi, Chỉ Có Một Người, Hạnh Phúc Đầu Xuân, Một Chuyến Xe Hoa, Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương, Tình Hậu Phương, Tiếng Hát Hậu Phương, Chuyến Tàu Hoàng Hôn… Và bài hát nào cũng được thính giả yêu thích và thuộc nằm lòng từng câu nhạc của chú. Chỉ nghe qua bốn chữ: “Nuốt lệ làm vui…” là người ta nhớ ngay đến bản nhạc Một Chuyến Xe Hoa của chú Minh Kỳ.

Lưu bản nháp tự động

Biến cố tan tác 1975 chia lìa tất cả, lời ca và tiếng hát đã ra đi, giòng nhạc mãi còn ở lại. Nhạc sĩ Anh Bằng, Hoàng Oanh, chị Thanh Thúy, chị Mai Hương, Quỳnh Giao, nhạc sĩ Lam Phương… rời Việt Nam trong những phút cuối cùng của cuộc chiến. Nhạc sĩ Lê Dinh ở lại và vượt biển vào năm 1978.

Trong khi đó, nhạc sĩ Minh Kỳ phải chịu số phận ngậm ngùi cùng với định mệnh thương đau của thành phố Nha Trang và của cả đất nước, nơi ông đã dành hết tâm tình thương mến qua hàng trăm bản nhạc thiết tha cho cuộc đời.

Khuya ngày 31 tháng 8 năm 1975, chỉ 4 tháng sau ngày mất Miền Nam, một quả lựu đạn ác ý được quăng vào vách tôn Nhà số 3 (Trại tù An Dưỡng, Biên Hòa) làm 3 người chết và 8 người bị thương nặng. Họ là những tù nhân cải tạo (đa số là Sĩ quan Cảnh sát), đau đớn thay trong đó có nhạc sĩ Minh Kỳ của chúng ta.

Đôi dòng tiểu sử

Nhạc sĩ Minh Kỳ ra đời tại Nha Trang, sinh năm 1930, năm 1959 vào định cư tại Sài Gòn. Nhưng nguồn gốc gia tộc thuộc đất Thần Kinh. Theo gia phả của dòng họ thuộc triều Nguyễn tại Huế, nhạc sĩ Minh Kỳ là cháu đời thứ năm của Vua Minh Mạng. Ông có tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, có vai vế ngang hàng với vua Bảo Đại (Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy). Hiện nay tại thôn Vỹ Dạ vẫn còn là nơi ở, mộ phần và Phủ thờ dòng họ bên ông.

Ông là người con duy nhất trong một gia đình hoàng tộc khá giả tại thành phố Nha Trang và sống ở đấy cho đến sau khi ông lập gia đình vào năm 1952. Do đó Nha Trang là nơi để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời của nhạc sĩ Minh Kỳ. Cũng chính là lý do mà từ hơn 40 năm qua, chúng ta đã có dịp thưởng thức những nhạc phẩm tiêu biểu về vùng duyên hải được gọi là `Thùy dương cát trắng” của ông như: “Nha Trang”, “Nhớ Nha Trang”, “Nha Trang Chiều Mưa”…

Năm 1966, Minh Kỳ cùng 2 nhạc sỹ Lê Dinh và Anh Bằng đã phối hợp thành nhóm Lê Minh Bằng, kết tên 3 người lại với nhau. Nhạc phẩm nổi tiếng nhất cuả “Lê Minh Bằng” mà chắc ai cũng đã nghe qua là bài Đêm Nguyện Cầu . Khi sáng tác, ngoài nghệ danh Lê Minh Bằng, nhóm này còn dùng các tên: Vũ Chương, Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Ly Vũ, Dạ Cầm, Giang Minh Sơn, Hoàng Minh, Trần An Thanh, Tây Phố, Trúc Ly, Tôn Nữ Thụy Khương, Phương Trà, Huy Cường, Mặc Vũ…

Khi tình thế đất nước kêu gọi, ông gia nhập vào ngành Cảnh Sát. Mang chức vụ cuối cùng là Đại Úy Cảnh Sát, sau ngày Sài Gòn sụp đổ, ông đã bị bắt đi “học tập cải tạo” ở trại An Dưỡng, Biên Hòa nơi những người bạn tù cùng thời cho biết là ông đã chết một cách bí ẩn vào khuya ngày 31 tháng 8 năm 75, khi vừa bước sang tuổi 45, để lại 1 vợ và 9 người con.