Trong thời buổi kinh tế khó khăn, việc sang tiệm nail có thể là giải pháp tốt hơn việc gầy dựng lại tiệm mới vì vốn đầu tư có thể thấp hơn, hoặc đã có sẵn một lượng khách để bắt đầu. Ngoài những giá trị bề nổi mà bạn đã biết khi sang tiệm như tiệm bao lớn, tiền thuê, thời hạn hợp đồng, số lượng khách hàng, thu nhập hiện tại… thì còn các giá trị đặc biệt bạn không thể bỏ qua. Nếu đánh giá được mức độ quan trọng của những giá trị này thì bạn sẽ hạn chế được nhiều rủi ro.
Địa điểm của tiệm
Cần lưu ý tiệm nằm ở địa điểm nào, có khách vãng lai nhiều hay không. Nơi tiệm tọa lạc có thuận tiện cho giao thông và có bãi đậu xe không. Một cửa tiệm nằm ở vị trí tốt sẽ giúp khách hàng dễ dàng tìm thấy tiệm của bạn.
Hợp đồng thuê nhà
Nên quan tâm đến hợp đồng còn thời hạn không? Ý định của chủ phố đối với vấn đề ký hợp đồng mới là như thế nào? Nếu họ dự định nâng cấp, sửa chữa làm mới thì có thể sẽ giúp thu hút được lượng khách mới đến đây, như vậy cửa tiệm cũng đạt lợi thế tốt hơn.
Giấy phép hoạt động
Tiệm bạn có giấy phép hoạt động không? Nếu tiệm xây dựng không có giấy phép thì bạn có thể gặp nhiều rủi ro trong quá trình sang nhượng tiệm, nếu có tai nạn bảo hiểm sẽ từ chối bồi thường.
Giải quyết công nợ
Tiệm của bạn có đang bị thiếu nợ không, nếu có thì thiếu bao nhiêu? Hãy xem xét và giải quyết hợp lý vì khi sang tiệm, nếu bạn không cẩn thận sẽ phải gánh nợ vào người.
Danh sách khách hàng
Xem xét lại số lượng khách hàng trong tiệm, đã thống kê đầy đủ hay chưa, bao gồm cả họ tên, email, điện thoại, địa chỉ… để khi sang tiệm, bạn vẫn giữ lại những đối tượng khách hàng cũ thân quen.
Website, Facebook Page và App
Lưu ý tiệm có trang web và facebook hay không, facebook có bao nhiêu người theo dõi và truy cập cũng như có bao nhiêu người đã download app của tiệm? Đây chính là số khách hàng tiềm năng bạn cần biết và phải biết cách giữ họ lại cho bạn sau khi sang tiệm nail.
Bạn cũng đừng quên kiểm tra những trang nhận xét công cộng như Yelp, Google, Facebook. Những trang này đem lại cho bạn nhiều tin tức quý giá như chất lượng dịch vụ của tiệm đạt tiêu chuẩn thế nào và có bao nhiêu người bình luận về tiệm.
Hợp đồng quy định chi tiết
Cần có một hợp đồng quy định chi tiết về giá mua bán, danh sách những dụng cụ, máy móc bao gồm trong giá bán (để định tiền thuế bán tiệm), việc huấn luyện, thời hạn xem xét sổ sách, sự đồng ý của chủ phố, tên hiệu, khách hàng và nhân viên, việc mở tiệm cạnh tranh ở gần kề, trách nhiệm về những món nợ và điều kiện trả tiền… Và hợp đồng này tốt nhất là do một luật sư biên soạn cho bạn.
Trách nhiệm khi sang tiệm
Đối với người bán, cần phải check credit của người mua. Việc này rất quan trọng vì sau khi sang nhượng cửa tiệm, mặc dù chủ phố có đồng ý cho việc sang nhượng, người bán vẫn còn phải chịu trách nhiệm đối với chủ phố nếu người mua không trả nổi tiền nhà hàng tháng. Người bán chỉ hết trách nhiệm nếu chủ phố chịu ký với người mua một hợp đồng sang nhượng hoàn toàn mới. Điều này trong thực tế ít xảy ra, vì đa phần chủ phố chỉ bằng lòng ký giấy cho sang nhượng với điều kiện người thuê cũ vẫn phải chịu trách nhiệm nếu người thuê mới không trả tiền phố.
Trong khi đó, với người mua, cần nhờ những cơ quan sưu tầm xem chủ cũ có mắc nợ gì không hoặc có đang vướng vào kiện tụng tranh chấp hay không. Vì nếu có, chủ mới cũng có thể sẽ bị liên hệ trả tiền bồi thường do những vụ kiện mà chủ tiệm cũ gây ra.
Đó là một số điều mà người mua cũng như người bán phải làm để tránh những hậu quả về sau, giúp cả hai được an tâm hơn trong việc mua bán tiệm. Thực tế, một người khi sang tiệm có rất nhiều lý do như muốn dọn đi chỗ khác cho gần gia đình; ly dị nên phải sang tiệm; muốn về hưu nên đổi nghề… nhưng tất cả các lý do thực chất là xoay quanh việc tiệm không thể kiếm lời thêm nữa. Cho nên khi bạn sang tiệm nail, bạn nên sáng suốt tìm hiểu thực hư tình trạng của tiệm hiện tại để đưa ra quyết định kịp thời và chính xác nhất.
Thepronails.com