Nhiều bà mẹ, khi nghe trẻ khóc, không cần dỗ dành, vỗ về, nựng nịu gì cả mà lập tức dùng bầu vú sữa sẵn có trên mình để lấp miệng đứa bé. Nhờ được bú tí mẹ, đứa trẻ không còn khóc nữa. Mới hay là, với đứa bé, bầu vú của mẹ có thế mạnh và ứng nghiệm trông thấy. Cái hiện tượng bình thường mà chúng ta vẫn gặp, vẫn thấy hàng ngày được dân gian khai thác và khái quát thành câu cả vú lấp miệng em để chỉ hiện tượng dùng quyền lực, thế mạnh của mình để chèn ép, lấn át kẻ khác.
Về xuất xứ và ý nghĩa chung của thành ngữ cả vú lấp miệng em như thế là đã rõ. Tuy nhiên, ở thành ngữ này, chúng ta cần quan tâm đến một số điểm khá lý thú về mặt chữ và nghĩa. Vú ở đây là bầu sữa mẹ, được dùng để biểu trưng cho thế mạnh, cho sự lợi thế, trong khi đó em vừa là từ xưng gọi em bé, vừa là từ biểu trưng cho người cấp dưới, người yếu thế hơn. Miệng trong thành ngữ đang xét không chỉ là miệng ăn, miệng bú mà còn là miệng nói. Vì thế, miệng được biểu trưng cho lời nói, cho ý kiến, đề nghị, phê bình phản đối của người khác đối với người trên. Còn lấp là hành động che, bịt lại, không cho lộ ra, không cho phát ngôn, không cho nói. Ở trong thành ngữ này, riêng từ cả là ít giá trị biểu trưng nhất, nhưng lại hơi khó hiểu. Nhiều người đã hiểu cả trong cả vú lấp miệng em có chức năng chỉ gộp, chỉ tổng thể với nghĩa là “tất cả, toàn bộ”, như trong cả nhà, cả bản, cả con gà,… Nhưng cách hiểu này là không chính xác. Thực ra, cả trong thành ngữ này có ý nghĩa là “to, lớn”, như nghĩa của cả trong đũa cả, cả lưng rộng háng, cả hơi lớn tiếng,… Sự giao kết nghĩa của các yếu tố, nhất là nghĩa biểu trưng của chúng đã tạo thành câu cả vú lấp miệng em nhằm hàm chỉ một thói xấu của người đời là hay ỷ vào thế lực, sức mạnh để chèn ép, lấn át người kém mình về thế lực và địa vị trong cuộc sống.