Ông là vị quan nước Việt nổi tiếng nghiêm khắc, từng ban thưởng cho người tố cáo mình và không cất nhắc người thân.

Trần Thủ Độ (1194-1264) nổi tiếng nghiêm khắc, ngay cả với chính bản thân và người nhà. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, bấy giờ có kẻ vào gặp Trần Thái Tông khóc mà tố rằng: Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao? Thái Tông lập tức lệnh xe ngự đến dinh Thủ Độ, bắt người ấy đem theo và nói hết những lời này cho Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời đúng như lời hắn nói, rồi lấy ngay tiền lụa thưởng cho người ấy.

Dưới thời nhà Lý, Trần Thủ Độ từng giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ. Nắm quyền lực trong tay vào giai đoạn nhà Lý đã suy kiệt, Trần Thủ Độ giành quyền lực về cho dòng họ mình. Sau khi nhà Trần thành lập, ông là thái sư đứng đầu triều chính.

Trần Thái Tông (1218-1277) là vị vua đầu tiên của nhà Trần. Ông và Trần Thủ Độ có mối quan hệ chú cháu họ. Trần Thừa – cha Trần Thái Tông – vốn là anh họ Trần Thủ Độ.

Khi cháu bên vợ muốn xin làm Câu Đương (chức quan nhỏ ở xã), Trần Thủ Độ đòi chặt một ngón chân người này để phân biệt với những Câu Đương khác, khiến người thân hoảng sợ không dám xin ông nữa.

Trong kháng chiến Mông – Nguyên lần thứ nhất (1258), trước thế giặc rất mạnh, vua Trần Thái Tông hỏi ý kiến Trần Thủ Độ về đánh hay hàng. Trần Thủ Độ đáp: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”. Câu nói khảng khái, thể hiện ý chí quyết tâm chống giặc giữ nước của Trần Thủ Độ được người đời ca tụng.

Trần Thị Dung là vợ chính thất của Trần Thủ Độ. Sinh thời, Trần Thị Dung được suy tôn là Linh từ quốc mẫu.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, có lần vợ ông ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại. Bà về dinh khóc bảo Trần Thủ Độ rằng: “Ta làm vợ của ông mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế”. Trần Thủ Độ tức giận, sai đi bắt, người quân hiệu ấy cứ thành thực trả lời. Nghe xong, Trần Thủ Độ nói: “Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa, bèn lấy lụa thưởng rồi cho về”.

Theo Đại Việt sử ký, có lần, vua Trần Thái Tông đề xuất phong người anh của Trần Thủ Độ làm tể tướng. Ông trả lời: “An Quốc là anh thần, nếu cho giỏi hơn thần thì thần xin nghỉ việc. Nếu thần giỏi hơn An Quốc thì không nên cử An Quốc. Anh em đều làm tể tướng, việc triều đình sẽ ra sao”.