Chữ trường có ba nghĩa :

a – “Trường” trỏ vào cái trường thi tức là một khu đất có rào xung quanh, bên trong có chỗ cho học trò thi và có nhà bằng tre nứa hay gạch ngói cho quan trường ở. Thí dụ : trường Nghệ-an, trường Nam-định. Nguyễn Triệu Luật viết : “Trường là khoảng đất lộ thiên dùng vào việc ganh đua : văn trường là chỗ học trò đua văn, chiến trường là chỗ để chiến sĩ đua nhau chết” (1).

b – “Trường” trỏ vào sĩ tử. Thí dụ : Trường Hà-nam gồm sĩ tử của hai trường Hà-nội và Nam-định hợp thí ở trường thi Nam-định.

c – “Trường” trỏ vào những kỳ thi của mỗi khoa. Thí dụ : Năm 1807 định phép thi Hương bốn trường / kỳ : trường thi kinh nghĩa, trường thi chiếu biểu chế, trường3 thi thi thơ phú, trường thi văn sách.

Bài này dành nói riêng về các trường thi, nơi sĩ tử đến thi thố tài năng.

Bản đồ Thăng-long (1490)

Bản đồ Thăng-long (1490)

Vì thi Hương là kỳ thi đầu tiên để kén người ra làm quan nên số sĩ tử rất đông (năm 1462 cả nước đã có tới 60 000 người), phải chia ra nhiều trường, mỗi địa phương đều có một trường để tiện cho học trò đỡ phải đi xa. Số trường thi nuớc ta thay đổi tùy thời.

Dù ở xa quê, đến kỳ thi sĩ tử cũng bắt buộc phải trở về thi ở trường thuộc địa phận quê hương mình, vì thế gọi là Thi Hương.

I – CÁC TRƯỜNG THI

A – SỐ TRƯỜNG THI

1 – Thời Hậu Lê

Thời Lý chưa có thi Hương. Thời Trần, sử sách không chép nhiều về thi Hương, chỉ biết năm 1370 đã có thi Hương, nước chia làm 12 lộ. Nếu mỗi lộ đặt một trường thì ta có 12 trường. Sang thời Lê mới ghi chép tương đối rõ, song Khoa Mục Chí cũng chỉ chép năm 1438 có “Thi Hương ở các đạo“.

Cương Mục cho biết trước kia nước chia làm 12 đạo, từ 1490 mới đem đất cũ của Chiêm-thành đặt ba Ty Ðô, Thừa, Hiến ở Quảng-nam, chia làm 13 xứ ; năm 1678 cũng còn 13 xứ : Thanh-hoa, Nghệ-an, Sơn-nam, Sơn-tây, Kinh-bắc, Hải-dương, phủ Phụng-thiên, Thái-nguyên, Hưng hóa, Lạng-sơn, Yên-quảng, Quảng-nam, Thuận-hóa nhưng “học trò Thuận-hóa, Quảng-nam nên cho đi thi ở trường Phụng-thiên hoặc trường Nghệ-an”, tức là chỉ còn 11 xứ/trường. Về trường thi thì chỉ kể rõ tên 6 trường : Thanh-hoa, Nghệ-an, Sơn-nam, Sơn-tây, Kinh-bắc, phủ Phụng-thiên và các trường ở phiên trấn. “Thời cố Lê bốn trấn (Sơn-nam, Sơn-tây, Kinh-bắc, Hải-dương), hai xứ (Thanh, Nghệ), phủ Phụng-thiên, các xứ ở ngoại trấn : Tuyên-quang, Hưng-hóa, Thái-nguyên, Lạng-sơn, Yên quảng, mỗi khoa thi mỗi xứ đều mở trường thi Hương, sau các xứ ở ngoại trấn thi phụ vào trường thi bốn trấn”.

Phạm văn Sơn thì viết rằng năm 1462, với 60 000 sĩ tử, ta có 12 trường : Sơn-nam, Phụng-thiên, Hải-dương, Kinh-bắc, Sơn-tây, Thanh-hóa, Nghệ-an, Tuyên-quang, Hưng-hóa, Thái-nguyên, Lạng-sơn, An-bang (2).

Theo Trần văn Giáp (Lược truyện các tác gia) thì Phan Huy Ôn trong Thiên Nam Lịch Triều Liệt Huyện Ðăng Khoa Bị Khảo cho biết nước ta có 11 trường : Hải-dương, Thái-nguyên, Tuyên-quang, Hưng-hóa, Thuận-hóa, An-quảng, phủ Phụng-thiên, Sơn-tây, Sơn-nam, Nghệ-an, Kinh-bắc.

Còn chính Trần văn Giáp thì viết thời Lê Thánh Tông (1460-97) là thời cực thịnh của Khoa cử, mới đặt các trường, tỉnh to mỗi tỉnh một trường, tỉnh nhỏ thì 2, 3 tỉnh một trường, cả nước chỉ có 9 trường.

Trong Bốn con yêu và hai ông Ðồ, Nguyễn Triệu Luật cho biết năm 1779 có Hương Hội Thịnh khoa (thi Hương, thi Hội cùng một năm), sĩ tử tử bốn trấn cùng vùng Thanh, Nghệ, Bố chính đều về thi ở trường Thăng-long, nhưng đây là một trường hợp đặc biệt.

2- Thời nhà Nguyễn

Số trường thi thời Nguyễn thay đổi tùy thời, nhiều nhất là 7 trường. Những năm có biến có khi chỉ có một hay hai, ba trường thi được, các trường khác phải đình hoãn. Theo Hương Khoa Lục :

– 1807 Khoa thi đầu tiên, mở từ Nghệ-an ra Bắc, có 6 trường : Thanh-hoa (thi chung với Thanh-bình), Kinh-bắc (sau đổi là Bắc-ninh, thi chung với Thái-nguyên, Lạng-sơn, Cao-bằng), Sơn-tây (thi chung với Hoài-đức, Tuyên-quang, Hưng-hóa), Sơn-nam-thượng (thi với Sơn-nam-hạ), Hải-dương (thi với Yên-quảng), Nghệ-an.

– 1813, có 7 trường : Thăng-long (Hà-nội), Sơn-nam-thượng, Thanh-hoa, Nghệ-an, Quảng-đức (Thừa-thiên), Gia-định, Bình-định.

– 1834 Nam kỳ có biến (Lê văn Khôi), trường Gia định phải triển hoãn, những người muốn thi cho phụ thí ở trường Thừa-thiên, trường Thanh-hoa thi chung với trường Hà-nội, tất cả còn lại 4 trường.

– 1849 Vì bệnh dịch, phải hoãn đến năm sau, chỉ có một trường Gia-định thi.

– 1861 Gia-định có biến (Pháp), học trò thi chung với trường Thừa-thiên, trường Thanh-hóa thi chung với trường Hà-nội, còn 4 trường.

– 1873 cũng như 1882, Bắc kỳ có biến, chỉ có 4 trường : Thừa-thiên, Nghệ-an, Bình-định, Thanh-hóa, còn hai trường Hà-nội và Nam-định phải hoãn.

– 1879 Khoa thi cuối cùng của trường Hà-nội.

– 1884 Pháp chiếm trường Hà-nội, trường Nam-định đang sửa chữa nên sĩ tử hai trường này phải vào Thanh-hóa hợp thí, gọi là Khóa Thanh. Khoa này có 5 trường.

– 1885 Kinh thành có biến, Trung Bắc đều có biến (Pháp), các trường đều hoãn, chỉ có trường Bình định có kết quả nhưng chưa thi xong nên đổi làm một trường.

– 1886, trường Nam-định đã sửa xong, sĩ tử hai trường Hà-nội và Nam-định hợp thí ở Nam-định, gọi là trường Hà-Nam, tức là có 5 trường.

– 1909 Khoa cải cách đầu tiên, còn 4 trường : Thừa-thiên, Thanh, Nghệ và Hà-nam.

– 1912 Thêm trường Bình-định thành 5 trường.

– 1915 Khoa thi Hương cuối cùng ở Bắc (trường Hà-nam).

– 1918 Khoa cuối cùng của toàn quốc. Bỏ trường Hà-nam, còn 4 trường : Bịnh-định, Thừa-thiên thi chung, Thanh-hóa, Nghệ-an thi chung.

– DẤU TÍCH

Về hai trường Hà-nội và Nam-định sẽ viết riêng ở cuối chương này, trường Thừa-thiên sẽ đề cập trong Tập Hạ (Thi Hội và Thi Ðình), ở đây tôi cố ghi lại những chi tiết hiếm hoi tìm thấy về những trường khác :

1 – Trường Thanh-hoa (sau gọi là Thanh-hóa) : Sử Ký Toàn Thư cho biết năm 1562 mở trường thi Hương ở cửa Nam Tây đô. Tục Biên chép năm 1774 học trò đốt phá trướng thi ; năm 1777 người Thanh-hoa dâng thư nhận tội khóa trước phá trường thi, xin tha. Triều đình lại cho học trò trấn ấy được thi Hương (3).

Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí thì thời Nguyễn trường dựng năm 1852 ở xã Thọ-hạc, huyện Ðông-sơn, phía Ðông Bắc tỉnh thành. Chu vi 193 trượng, cao 6 thước, các nhà, các viện đều lợp bằng ngói.

2 – Trường Nghệ-an : Khoa 1743, Kỳ 3 trường bị những kẻ càn rỡ đốt, đứa thủ mưu bị giết, đem bêu. Lại cho thi tiếp Kỳ 4. Năm 1774, mở trường thi ở xã An-tràng, huyện Chân-phúc, Nghệ-an. Nội trường, Ngoại trường ngăn cách bằng cửa có khóa, có viên quan kiêm nhiệm việc khóa cửa. Năm 1778, tháng 6, chúa Tĩnh vương ban chỉ mở khoa gián (bất thường), xây trường ở bãi phù sa xã Lương-trường, nhưng đến tháng 8 có giặc biển kéo thẳng đến sông Vị-hoàng cướp bóc, người trấn đạo Sơn-nam náo loạn, lại gỡ bỏ trường thi (3).

Thời Nguyễn, tháng 7 năm 1867, bão to vào kỳ đệ nhất, tường đổ, đè chết 9 người (1 Tú-tài và 8 học trò), đều cấp tiền tuất, hoãn ngày vào thi. Khi ra đầu bài, học trò làm huyên náo vì đầu bài ra trước, không chịu làm bài, nhổ lều ra khỏi trường. Vua sai xét những người thủ xướng : Tú-tài Ngô Ðắc Tuân viết giấy niêm yết, đánh 100 trượng, tội đồ ba năm, cách chân Tú-tài ; học trò Trương Ðình Du nhẹ dạ theo làm hỗn loạn, đánh 100 trượng rồi tha ; học trò Ðỗ Quang Vinh nông nổi, đánh 80 trượng rồi tha (4).

3 – Trường Hải-dương :Ðại Nam Nhất Thống Chí không chép gì về trường này, duy Chí-linh Phong Thổ Ký của Văn Phạm Bá ghi :”Bên sông có chốn trị Thừa Ty, dưới núi có trường thi Hương. Phía Nam thành Hải-dương là lỵ sở Thừa Ty triều đại trước. Thời Hồng-đức, Lã Ðường tiên sinh nhậm chức Thanh chánh sứ Hải-dương chép trong Hải-dương Tức Sự là ở chân núi còn dấu tích trường thi”.

4 – Trường Bình-định.Ðịa Chí TP Hồ Chí Minh không chép. Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí thì năm 1852, xây trường bằng đá ong, ở huyện Tùy-viên, phía Tây Nam tỉnh Bình-định. Chu vi 193 trượng, cao 4 thước 5 tấc.

Hiệp ước Nhâm Tuất (5/6/1862) nhường cho Pháp ba tỉnh Biên-hòa, Gia-định, Ðịnh-tường và Côn đảo, đã ký tại trường thi Bình-định. Cầm đầu phái đoàn là Phan Thanh Giản và Lâm duy Thiếp, đi thuyền mành do tầu Forbin kéo, đến Saigon ngày 26/5. Cuộc thương thuyết bắt đầu ngày 28/5, chấm dứt ngày 3/6, đến ngày 7/6 phái bộ lên đường về Huế.

B – QUY MÔ – KIẾN TRÚC

1 – Thời nhà Lê

a – Kiến trúc

– Năm 1499 sắc dụ : Trường thi phải rộng rãi, chia đều làm bốn khu, ngăn bằng rào thưa. Bốn góc tường đều có chòi canh. Ngày thi, các Nội thần, Hiệu úy, mỗi người một chòi đứng coi (5).

– Năm 1688, Chu Xán, Thị lang bộ Lễ nhà Thanh, sang sứ nước ta, đã ghi trong Sứ Giao Kỷ Sự :”Trường thi nước ấy không có nhà làm sẵn, sĩ tử phải ngồi trong lều phục xuống đất mà viết” (6).

– Theo Kiến Văn Tiểu Lục và Lê Quý Dật Sử thì trường thi mỗi khoa làm một lần, chung quanh ngoài trường trồng rào tre dầy, trong chia ra bốn từng : từng trong cùng là nơi ở của quan Ðồng khảo, Phúc khảo và Giám khảo ; từng giữa là nơi ở của quan Ðề điệu, Giám thí và các người chấp sự, đều trồng rào dầy, hai từng bên ngoài là nơi sĩ tử làm bài thi, trong hai từng này chỉ trồng rào thưa. Nơi Thập đạo (chỗ hai con đường hình chữ thập gập nhau chia khu đất thành bốn phần) dựng một nhà tranh để tiện việc thu quyển của sĩ tử (7).

– Tuyết Huy thì viết rằng trường chia làm năm khu : bốn khu chung quanh là bốn vi, khu giữa là khu quan trường ở và làm việc, chính giữa khu này là nhà Thập đạo, các ngả đi thông tới được cả. Hai ông Ngự sử ngồi hai chòi giữa các vi để canh cả học trò lẫn quan trường (8).

– Nguyễn Triệu Luật tả (Bốn con yêu và hai ông Ðồ) :”Ðời Lê, ba năm một khoa mới dựng trường thi, nhà tranh rào nứa. Sau mỗi khoa phá đi lấy đất trồng trọt. Ðất ấy là đất công, mỗi người chia nhau làm một năm, không ai chịu tro phân, thỉnh thoảng lại phải nghỉ một vụ để thi nên không ai thiết trồng trọt ở khu ấy (…) kém mầu, kém chăm nom, cây cối leo heo, xơ xác. Giữa vụ cây đang vươn lên thì khu ấy lờ mờ in thành một hình vuông những cây kém mầu cằn cỗi ở giữa một cánh đồng xanh tốt”.

b – Tiền khoán

– Năm 1660, định lệ thu tiền làm trường thi Hương : xã lớn nộp cổ tiền 1 quan 6 tiền và 30 bát gạo ; xã vừa nộp cổ tiền 1 quan 2 tiền và 20 bát gạo ; xã nhỏ nộp 8 tiền và 10 bát gạo. Nếu có dân xã nào khinh nhờn không nộp, quan Huyện nào trái lệnh thu lạm đều được tố cáo ở Hiến Ty, tra xét rồi làm tờ khai đệ lên, dân sẽ bị tội phạt tiền, quan sẽ bị biếm chức.

– Lệ tiền khoán làm trường thi :

Nhà công đường Thí viện : 1 cái 7 gian, cổ tiền 42 quan ;

Nhà quan Ðề điệu : 1 cái 3 gian, 5 quan 4 tiền ;

Nhà quan Giám Thí : 1 cái 3 gian, 5 quan 4 tiền ;

Nhà các quan Giám khảo và Tỏa viện (trong có 2 phòng) : 1 cái 5 gian, 9 quan 5 tiền ;

Nhà quan Phúc khảo : 1 cái 7 gian, 12 quan 6 tiền ;

Nhà quan Ðồng khảo : 2 cái 14 gìan, 25 quan 2 tiền ;

Rào thưa, phên nhặt và cột ở Nội, Ngoại trường : 3 quan vv. (9)

– Lệ cung đốn đồ vật :

– Về Thí viện : Giường 6 cái, chiếu nứa 6 cái, chiếu cói tốt 6 đôi, chiếu cói thường 5 đôi, hòm 6 cái, bàn 6 cái, dầu mỗi đêm 2 chĩnh 5 bát, cây đèn, đĩa đèn 10 cái, bấc đủ dùng, son 1 sọt, giấy rộng 1 000 tờ, biển gỗ 5 cái, chiêng 1 cái, nồi nấu hồ 5 cái vv. cộng 18 quan tiền quý.

– Về quan Ðề điệu, quan Giám thí và quan Giám khảo : Giường, chiếu nứa, cây đèn, dao quai, dao to, rổ rá, mâm và chậu gỗ sơn vẽ, mỗi thứ 1 cái, chiếu tốt 1 đôi, chiếu thường 1 đôi, dầu 2 chĩnh, bấc đèn 1 bó, nồi đất 3 cái, chum lớn chum nhỏ mỗi thứ 3 cái, bát đĩa mỗi thứ 15 cái, cho giá tiền là 2 quan tiền quý.

– Về 3 viên Phúc khảo : Giường, phên nứa, bàn, cây đèn, dao quai, dao to, rổ rá, mâm chậu, mỗi thứ 3 cái, son đủ dùng, chiếu tốt chiếu thường mỗi thứ 3 đôi, dầu 6 chĩnh, nồi đất 9 cái, chum lớn chum nhỏ mỗi thứ 6 cái, bát đĩa mỗi thứ 40 cái, cộng cho giá tiền là 5 quan 5 tiền quý vv.

– Năm 1678 : Ðể chi công việc làm trường thi và cung đốn đồ vật, hai Ty phải tư xuống phủ huyện chiếu thu tiền gạo từng hạng : các xứ Thanh, Nghệ và bốn trấn, tùy xã phường lớn nhỏ, từ 1 quan tiền quý, 35 bát gạo đến 2 quan tiền quý, 65 bát gạo, các xã ở phiên trấn từ 6 tiền gián, 10 bát gạo đến 1 quan, 20 bát gạo.

Không được khoán cho nha lại hai Ty việc thu tiền, chi tiền công việc làm trường thi, phòng lạm thu. Làm trái thì cho dân xã phường kêu ở các đạo hay Hiến Ty.

Trường chia làm 4 khu (10).

2 – Thời nhà Nguyễn

Năm 1825, định lệ đặt sảnh và phòng : phàm thể chế chung quanh ngoài trường thì tính làm cho rộng rãi. Dưới phòng quan Chánh và Phó Chủ khảo đặt thêm phòng quan Phân khảo, mỗi nơi 2 phòng. Phía sau Thí viện đường, đặt thêm một nhà công đường Ðề điệu, bên tả đặt phòng Chánh Ðề điệu, bên hữu phòng Phó Ðề điệu. Sau công đường ấy đặt chỗ ở của các lại phòng (11).

Năm 1843, vua Thiệu-Trị sai cất trường Ninh-bắc ở Thừa-thiên, gồm 21 toà nhà bằng gạch ngói cho quan trường. Mỗi vi lại có 7 dẫy nhà cũng bằng gạch cho học trò thi Hương, thi Hội ngồi thi, thi Hương mỗi gian ngăn làm 4, thi Hội thì 2, 3 gian ngăn làm một. Lấy đấy làm mẫu, bắt các trường khác xây theo, chỉ trừ chỗ cho học trò ngồi thi thì vẫn để trống lộ thiên, dựng lều như cũ. Khu này chia làm 4 hay 8 vi. Cổng chính của trường ngoảnh về hướng Nam vì hướng Nam thuộc Hỏa = sáng suốt.

Chu Thiên tả : Cổng trường có hai miếu Ân Oán quét vôi trắng. Trên cổng có biển Phụng Chỉ Cầu Hiền hay Tân Hưng Thịnh Ðiển, lấy tích ở Trung quốc, xưa quan địa phương kén người có tài đức cử lên triều đình, trước khi sĩ tử đi, quan địa phương đặt tiệc đãi như khách quý, vì thế gọi là “Tân hưng”, hai chữ này sau trỏ vào những khoa thi để kén người tài giỏi (12).

C-CANH PHÒNG

1 – Thời nhà Lê Theo Khoa Mục Chí :

– Năm 1501 sắc định khi học trò vào thi, các quan Ðề điệu, Giám thí phải xét cử. Các giám quan công đồng tìm xét trong trường xem có dấu vết chôn sách vở. Khi học trò vào trường, phải tự kiểm soát kỹ càng ở ngoài cửa. Ai đem theo những bản sao chép văn chương, sách vở hoặc đi thi hộ người khác thì bắt xét, phạm tội phải sung quân ở bản phủ ba năm, suốt đời không được đi thi. Những chức di phong giám mà không minh chính thì bị tội biếm giáng. Hai Ty Thừa Hiến đều phải công đồng khám xét rồi mới cho vào thi. Quan Thừa Hiến mà dung túng làm bậy thì quan Khoa đài phụ trách sai tra hỏi, trị tội.

– Năm 1678 định lệ ngày thi sai các quan võ làm Tuần xước đốc xuất lính canh gác ngày đêm tại các trường Thanh-hoa, Nghệ-an, Sơn-nam, Sơn-tây, Kinh-bắc và Phủ Phụng-thiên. Những trường ở phiên trấn do các quan Ðô ty bắt dân thủ lệ trong hạt canh gác ngoài trường, trong ngoài không được thông đồng. Ngày vào trường, các quan Thí viện công đồng gọi tên từng người ở cửa trường. Các quan Huyện, Châu dẫn những hạng quan viên, Nho sinh, Tam trường, Tứ trường và các Hiệu quan dẫn hạng Năng văn, để các xã, phường trưởng nhận diện rồi mới cho vào trường thi. Ai ở khu nào cứ ở khu ấy làm bài.

– Công Dư Tiệp Ký kể chuyện :”Ở làng Mộ-trạch, Hải-dương, đời Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh-thọ khoa thi Hương nào cũng nhiều người đỗ. Nguyễn văn Phong ngờ vực, xin làm Ðề-điệu trường Hải-dương khoa Bính Ngọ để kiểm soát. Kỳ đệ tứ sai đào riêng từng hố rồi dựng nhà lên trên cho nho sĩ ngồi dưới hố, trên miệng lỗ chụp chiếc lồng thưa, phòng thủ rất nghiêm. Chọn lọc kỹ được sáu người đỗ, thì ba người ở làng Mộ-trạch, kể cả Thủ khoa”.

Nhưng niên hiệu Vĩnh-thọ (1658-62) lại không có năm Bính Ngọ, chỉ có các năm từ Mậu Tuất (1658) đến Nhâm Dần (1662). Tuy nhiên, Trần Tiến viết rằng khoa Tiến sĩ năm Kỷ Hợi (1659), Chủ khảo ngờ họ Vũ gian lận mới có nhiều người đỗ nên bắt đào hố cho Cống sĩ ngồi dưới hố, căng lều phủ lên hố để ngừa gian, nhưng thi xong họ Vũ vẫn có tới ba người đỗ Tiến sĩ, chưa kể một người nữa cũng làng Mộ-trạch (13). Ðiều này có chỗ đáng ngờ vì thi Tiến sĩ phải trải qua một kỳ thi Ðiện, dù là thi ở sân điện hay ở cửa điện thì chỗ nào cũng lát gạch, đào hố thế nào được ?

2 – Thời nhà Nguyễn

– Năm 1807 chế ấn Thí trường và ấn triện nhỏ Văn Hành Công Khí (= cái cân văn chương là của chung) của các trấn để đóng vào quyển thi.

– 1825 Ðịnh lệ : chung quanh nhà Ðề điệu (Ðề tuyển) rào phên kín, đằng trước dựng một cửa, khóa và chià do biền binh ở Thí viện đường giữ. Trước kia những vật liệu trong trường thi, mỗi khi việc trường xong được tùy tiện lấy dùng, xin từ nay có dùng vào việc công phải trình trước, còn thừa đem bán nộp kho. Duy trường Thừa-thiên không bán, để dùng vào việc thi Hội.

– Học trò Quảng-trị Nguyễn Thiên Ðiều kỳ đệ nhất thấy đầu bài khó, xướng xuất học trò vi Tả nổi dậy làm ầm lên, muốn nhổ vi đi ra. Ba vi Giáp, Ất, Hữu cũng náo động. Quan binh đàn áp mới yên. Vua cả giận :”Nhà nước vẫn sẵn lòng đãi học trò, nay gập thịnh điển kén chọn nhân tài, bọn nó đáng phải ganh nhau đem sở học giãi bầy, sao lại có kẻ tối tăm, hung ác, luông tuồng, càn bậy như thế ? Nếu không xét trị thì sao thay đổi được thói kiêu bạc ấy ?”. Hạ lệnh bắt cả học trò vi Tả xét hỏi. Lại dụ :”Việc náo động trường thi tội ở kẻ thủ xướng, trẫm quyết không vì một vài người ngu tối mà giận lây sang người vô tội. Bọn ngươi nên nói ra người thủ xướng, sớm định tội được thì khỏi lỡ kỳ thi”. Thiên Ðiều thú tội, xử “giảo giam hậu” (giam lại đợi ngày hành quyết), ngoài ra đều tha (14).

– 1834 Trường Nghệ-an trước đây phái 7- 800 biền binh đi trấn áp (tuần tiễu bên ngoài trường) để tăng phần nghiêm trọng, định từ năm 1834 giảm xuống :

3-400 biền binh nếu sĩ số từ 1-2000 người ;

4-500 biền binh nếu sĩ số từ 4-5000 người.

– 1840 Lệ trước, các trường thi có lính và voi đi trấn áp. Vua nói voi để dùng việc chiến trận, đi thi chỉ phái lính tuần phòng cũng đủ. Từ 1840 không phái voi đi nữa.

Ngoài cổng trường và trước mỗi cửa thông Nội với Ngoại trường đều có lính canh suốt ngày đêm.

– Năm 1883 định lệ ai được vào kỳ Phúc hạch (kỳ thi cuối) phải nộp quyển và lều chõng từ hôm trước, có lính đóng lều hộ, đặt cách nhau khoảng 10 trượng, hình chữ công (một nằm ngang, một nằm dọc), trước cửa lều có biển cót đề sẵn tên họ. Ngày thi, lính khám xét xong dẫn đến tận lều, không được phép ra khỏi lều, đầu bài sẽ do lính phân phát (15).

II – TRƯỜNG THĂNG-LONG / HÀ-NỘI

Thời Lý tuy chưa có thi Hương nhưng đã mở 7 khoa thi Ðại tỷ, Thái Học Sinh…, tất phải có chỗ để thi nhưng sử sách không ghi chép. Theo Nguyễn Triệu Luật (Ngược Ðường Trường Thi) thì trường thi ở bên hữu nhà Giám.

Ðời Trần, năm 1370 đã có thi Hương, song không rõ có trường thi Hương riêng không và trường nằm ở đâu ?

Sang thời Lê có lẽ trường ở phủ Phụng-thiên (gồm huyện Thọ-xương và huyện Quảng-đức) và to nhất, vì Nguyễn Triệu Luật cho biết kỳ thi đặc biệt Hương Hội Thịnh Khoa năm 1779, hàng vạn sĩ tử từ bốn trấn cùng vùng Thanh, Nghệ, Bố chính đều về thi trường Thăng-long.

1 – Thời nhà Lê

Nguyễn Triệu Luật (dòng dõi vua nhà Lý, bị nhà Trần bắt đổi ra họ Nguyễn) chắc dựa vào gia phả để viết Ngược Ðường Trường Thi, tả sự thăng trầm của chi họ Nguyễn ở Bắc-ninh (quê hương nhà Lý) qua những người đỗ đạt kể từ thời Lê Trung Hưng (Lê Thế Tông, Trịnh Tùng), cho thấy khá tỉ mỉ trường Thăng-long thời Lê đã thay đổi chỗ nhiều lần :

a -Bến Thảo tân / Bến Cỏ : Ðời Trần có con đường đằng sau nhà Giám chạy đến Cầu Giấy, đời Lê nối con đường ấy đi sát phía Nam hồ Hoàn-kiếm ra tận bờ sông Nhị. Nhân có con đường ấy, chỗ ấy thành Bến Cỏ. Ðời Lê Trung Hưng, năm 1595, mở khoa thi Hội đầu tiên ở đấy vì các nơi thi cũ bị tàn phá, muốn lấy cái bến chỗ xưa kia Lý Thái Tổ khi dời đô ra Thăng-long đậu thuyền rồng làm trường thi, đặt tên chữ là Bến Thảo Tân, mở một thời bình trị âu ca mới (16).

Sau đây là trường thi khoa 1595, dưới ngòi bút của Nguyễn Triệu Luật :”Chỗ bồn trồng hoa trước cửa Nhà Hát Tây, nhìn thẳng vào rạp hát ngay bực hè lên là một cái cổng to mới dựng bằng gỗ lá, trên nóc kết rơm thành hai con rồng chầu mặt trời. Trước cổng, một bức gấm vàng đề ngang mấy chữ Thiên Hạ Văn Minh. Hai cột đồng trụ giả hai bên dán đôi câu đối tán dương cái vẻ sáng sủa của một triều đại mới trùng hưng và cái võ-công văn-trị của một họ mới phá thiên hoang trên lịch sử. Bốn chữ trên do chính tay Vua Lê Thế Tông ngự thư, câu đối dưới chính Chúa Trịnh Tùng nghĩ và viết (…) Cái nhà Truyền lô tức là nhà quan Khâm mệnh vua ra đứng xướng tên các ông Tân khoa phỏng chừng đứng vào khu giữa Nhà Hát Tây (17).

b – Nhà Giám :Các khoa thứ 2, 3 và 4 thi ở trường thi cũ của nhà Lý, gần Giám.

c – Trường Dịch vọng : Khoa thứ 5 và 6 thi ở gần Cầu Giấy, chỗ góc hai con đường từ Ô Cầu Rền đi Hà-nội và Ô Cầu Giấy đi Ngã tư Khâm-thiên, đối lập với trường thi ở Bến Cỏ, gần bờ sông (18).

Nguyên Chúa Trịnh Căn (1682-1709) phái người sang Trung quốc học nghề làm giấy về dậy làng An-thái chế giấy. Làng An-thái ở cạnh làng Liễu-chàng có nghề in sách, Liễu-chàng ở sát cạnh con đường đi từ An-thái đến Dịch-vọng, vì thế Chúa cho mở trường thi ở Dịch vọng.

d – Bãi Trung sa : Khoa 1718 thi ở Bãi Trung sa, giáp với Bãi Cỏ trước, phía Nam sông Nhị (19).

e – Lầu Ngũ long : Khoa 1720 thi ở Lầu Ngũ long, gần hồ Hoàn-kiếm, chỗ Thư Viện Trung Ương và Trại Hiến Binh thời Pháp (Gendarmerie).

Dường như Nguyễn Triệu Luật còn bỏ sót:

– Trường Quảng báTây Hồ chí chép trường thi thời Lê ở phường Quảng bá, gần Hồ Tây.

– Ðàn Nam giao :TrongBóng Nước Hồ Gươm, Chu Thiên viết thời Lê trường thi ở đàn Nam giao.

Tuy nhiên, bản đồ Thăng-long năm 1490 cho thấy trường thi nằm trong đất liền chứ không ở bờ sông và ở phía đông, cách đàn Nam giao (phía nam) và hồ Tây (phía tây bắc) khá xa.

2 – Thời nhà Nguyễn

– 1807 Khoa đầu dùng trường thi cũ của nhà Lê, chỗ Trung ương Thư Viện và trại Hiến Binh thời Pháp (20).

– 1831 Lấy tên là trường Thăng-long.

– 1834 Ðổi gọi là trường Hà-nội.

– 1845, vua Thiệu-Trị sai dựng trường bằng gạch ngói theo mẫu trường Thừa-thiên, ở phía Tây Nam thành : xung quanh xây tường gạch, chu vi 182 trượng 1 thước (564 thước tây), bên trong gồm 21 toà đường viện.

– 1879 là khoa cuối của trường Hà.

– 1882 khoa này trường Hà bị hoãn vì có biến (Pháp chiếm trường thi).

– 1884 Trường chưa kịp tu bổ, sĩ tử phải vào Thanh-hóa thi, gọi là Khóa Thanh.

– 1886 Sĩ tử Hà-nội phải thi chung với sĩ tử Nam-định ở trường Nam (trường Hà-nam).

– 1915 là khoa cuối cùng của trường Hà-nam ở Nam-định.

– Vị trí trường thi – Chu Thiên (Bút Nghiên) viết rằng thời Minh-Mệnh cho xây trường thi ở thôn Cổ-tân, ngoài bờ sông. Thời Thiệu-Trị, trường ở phía Tây Nam thành, có lẽ sau đó trường đổi chỗ đến nhà Giám vì, vẫn theo Chu Thiên : “Phía Bắc trường là phố Tràng thi, phía Nam con đường từ trường Bách nghệ đến hết Tòa án, phía Tây là phố Lambert (phố Dã Tượng), phía Ðông là phố Jauréguiberry (phố Quang Trung), bây giờ là sở Lưu Trữ Văn Thư, Thư Viện Pasquier, sở Thanh Tra Nông Vụ, sở Sen-đầm và trường Kỹ nghệ. Phòng đọc sách của Thư Viện chính là chỗ nhà Thập đạo”, tức là không còn ở gần bờ sông mà ở phía Ðông Nam, rất phù hợp với vị trí Kergaredec ghi và trong các bản đồ vẽ những năm 1866, 1882, 1900 và 1940.

Theo Ðường Phố Hà-nội : trường thuộc huyện Thọ-xương, ở khoảng giữa phố Tràng thi, Thư Viện Quốc Gia, cục Lưu trữ, bộ Công nghiệp nặng và nhà máy điện cơ.

3 – Những chứng nhân, chứng tích :

– Francis Garnier. Ngày 20/11/1873 F. Garnier đánh Hà-nội rồi đóng ở điện Kính-thiên, không chịu ở “công quán” chê chật hẹp (có lẽ hiểu lầm vì thông ngôn dịch “công quán” là “auberge” ?), Nguyễn Tri Phương phải đề nghị dùng tạm Trường thi, F. Garnier phái người tùy tùng đi xem rồi mới ưng thuận bởi thấy trường rào bốn phía, dễ kiểm soát canh phòng. Thế là trường bị quân Pháp chiếm (21).

– Trương Vĩnh Ký. Năm 1874 (Giáp Tuất) triều đình phải nhường khu đất ở gần bờ sông, rộng hai mẫu rưỡi, để làm chỗ ở cho quân đội Pháp. Trong thì giờ chờ đợi xây cất công dinh, Pháp vẫn đóng ở Trường thi. Bởi thế, ngày 25/8/1874, lẽ ra viên Lãnh sự Kergaradec từ Pháp đến thẳng khu nhượng địa, nhưng vì chưa xây cất xong nên phải tạm lưu lại Trường thi. Trong Chuyến đi ra Bắc kỳ năm Ất Hợi (1875-6), Trương Vĩnh Ký kể đã đến thăm viên Lãnh sự Pháp mấy lần ở Trường thi.

– Lãnh sự Kergaradec (1875-9), người đã chứng kiến khoa cuối của trường Hà (1879), viết : “Trường xây ở phía Ðông Nam thành, khoảng 150 thước chiều ngang và 200 thước chiều dài. Phía Bắc là phố Borgnis Desbordes (Tràng thi) phía Tây là phố Jauréguiberry (Quang Trung), phía Nam là đường đi từ Trường Bách nghệ đến Tòa án, bao gồm cả khu Thư Viện Trung Ương của Ðông-dương, Trụ sở phòng Thương Mại và Canh Nông Bắc kỳ, sở Sen-đầm.

Khu học trò thi thông với 9 cổng ra bên ngoài. Ngày thi có hai người lính canh trước mỗi cổng. Ðể tránh những vụ say sưa, sinh sự ẩu đả, nhà nước ra lệnh cấm bán rượu suốt thời gian có khoa thi”.

– Viên sĩ quan chỉ huy Chapotot chê trường thiếu vệ sinh : những trận mưa lụt tháng 9 biến trường thi thành bãi đầm lầy mênh mông, lính tráng giặt rũ ngay ở trước cổng, phải làm việc ngâm chân trong nước, bị thương ở chân, ở đùi, bị muỗi đốt (…) đến ngày 10/10/1875 có tới một phần tư ngã bệnh.

Lại thêm lúc ấy giặc Cờ đen đang hoành hành tại các làng xóm lân cận nên Chapotot ra lệnh củng cố Trường thi. Ngày 13/9 vẽ xong đồ án : mặt Tây xây mỗi đầu hai toà nhà cho quân canh phòng.

Lãnh sự Kergaradec điều đình với các quan ta nhường cho một khu đất rộng khoảng 17 mẫu, thì sẽ trả lại Trường thi sớm hơn thời điểm ghi trong hiệp ước. Vì khoa thi năm ấy vào tháng 11 nên Pháp hứa sẽ dọn đi ngày 16/10. Thực sự thì dọn đến khu Nhượng địa (Khu Ðồn thủy) ngoài bờ sông Nhị ngay từ ngày 15.

Năm 1880, trường dùng làm nơi phát chẩn. Cứ 5 ngày một lần, đàn bà, trẻ con, những người già yếu, tàn tật (đàn ông thì bị lính canh gạt ra) theo các cổng đổ vào trường thi, lĩnh mỗi người một bát gạo (độ nửa cân tây) rồi lại theo 9 cổng trường mà ra. Ngày 30/4/1880 có tới 22 000 người được phát chẩn lần cuối.

Năm 1882, Pháp đánh Hà-nội lần thứ hai. Henri Rivière chê trường thi lầy lội, lại có Trại Hủi gần đấy, tính đóng ở Khu Nhượng địa nhưng vì quân số quá đông nên phải trở lại Trường thi, xây tạm thêm 32 ngôi nhà bằng gạch Bát-tràng mỗi chíếc 6 th X 20 th, 8 ngôi nhà mỗi chiếc 6th X 12th, 2 nhà 11th X 69th (22). Vì trường thi bị Pháp chiếm đóng, năm 1884 sĩ tử trường Hà-nội phải vào Thanh-hóa thi.

– Bác sĩ quân y Hocquard : Trong Une campagne au Tonkin, Hocquard kể chuyện năm 1884 đã đi xem trường thi Hà-nội : “Trường ở một khu đất vuông vắn, mỗi bề khoảng 500 thước, đắp nền cao giữa những ruộng lúa, chung quanh có tường vây khá cao. Tường đục hai khuôn cửa đối nhau, một ở giữa mặt Ðông, một ở giữa mặt Tây. Bên trong có những dẫy nhà nhỏ một từng, vách nhồi rơm rạ, sắp thành hàng lối đều đặn, song song. Những căn nhà này chia ra thành nhiều gian phòng, gian nào cũng có một cửa ra vào và một cửa sổ trông ra hành lang. Mỗi thí sinh (thực ra là quan trường) bị giam trong một gian, có đủ giấy, bút, mực mài sẵn, dụng cụ để viết. Thí sinh vào phòng, được giao cho một thẻ gỗ trên có đầu đề. Các giám sát đi kiểm soát trên lối đi giữa các căn nhà. Cẩn thận hơn, người ta dán một mảnh giấy bên ngoài cửa mỗi phòng, niêm phong bằng con dấu của viên Chủ khảo. Chính mắt tôi (Hocquard) trông thấy những mảnh giấy niêm phong ấy còn dính phất phơ trên một vài khung cửa, in rành rành vết dấu ấn đỏ và to.

Từ khi bị quân ta chiếm đóng thì các thí sinh trường này phải vào Huế thi (thực ra là thi ở Thanh-hóa, rồi Nam-định) nên trường thi hoàn toàn bỏ không, các gian nhà rơi vào cảnh điêu tàn, mái ngói sập, cỏ hoang mọc tràn lan trên lối đi và ngay cả bên trong những ngôi nhà nữa” (23).

– Halais. Năm 1886, trường Hà-nội bị đóng cửa, Pháp cho Kinh lược sứ Nguyễn Hữu Ðộ xây Nha Kinh lược ngay trên chỗ học trò thi. Năm 1887, Nha xây xong Nguyễn Hữu Ðộ cho mượn để tổ chức kỳ Ðấu xảo đầu tiên ở Hà-nội, có tới hơn 300 người từ Pháp sang dự, trú ngụ ở ngay trong Trường thi (24). Năm 1896, cho xây lại Nha Kinh lược hơi lùi về phía sau so với lúc đầu.

– Piétralba viết rằng khoảng 1890, trường ở cuối đường Paul Bert (Tràng tiền – Hàng Khay) là một khu đất vuông, rộng mênh mông, bên ngoài có tường thành nhỏ, trong san sát những nhà. Tại một tòa nhà đã bị phá hủy, trước kia là chỗ ở của các lại phòng, nay là Nha Kinh lược, kiến trúc không lấy gì làm thanh nhã nhưng được cái rộng rãi (…) chiếm hết một nửa diện tích Trường thi, nửa kia, tổ chức Ðấu xảo năm 1887, nay dành cho ban Trị sự Thủy quân (25).

Năm 1893, Trại Hiến binh chiếm một phần khu đất dành cho Khảo quan.

Năm 1897, Nha Kinh lược bị bãi, biến thành Trụ sở phòng Thương Mại và Canh Nông Bắc kỳ.

Năm 1898-1900, phía Nam xây trường Bách Nghệ.

Năm 1908, xây trường Viễn Ðông Bác Cổ, nay là Bảo Tàng Viện.

Năm 1919, phòng Thương Mại và Canh Nông Bắc kỳ thuyên chuyển đi nơi khác, Pháp lập tại đây Thư Viện Trung Ương của Ðông-dương, đến 1957, đổi gọi là Thư Viện Quốc Gia (26).

III – TRƯỜNG SƠN-NAM / NAM-ĐỊNH

Theo Trần văn Giáp thì trường Sơn-nam ở làng Hoa-dương, huyện Kim-động, gọi là trường Hiến-nam. Năm 1820, Gia-Long cho xây ngôi trường đầu tiên ở Vị-hoàng, gọi là trường Vị-hoàng, đến 1826, Minh-Mệnh mới đổi là trường Nam-định. Lúc đầu trường xây cất sơ sài, nhà tranh rào nứa.

Năm 1845, Thiệu-Trị bắt xây trường ở xã Năng-tĩnh, phủ Thiên-trường, tổng Mỹ-trọng, huyện Mỹ-lộc, ở chân thành phía Tây, theo mẫu mực trường Thừa-thiên, chu vi 214 trượng, cao 5 thước, gồm 21 toà nhà bằng gạch ngói cho quan trường, song chỗ cho học trò thi thì vẫn để đất trống cắm lều. Trường có 7 chòi canh : 4 cái nằm ở 4 góc, 3 cái nằm trong khu học trò thi, chòi chính giữa ở cạnh nhà Thập đạo dành cho quan Ngự sử Ngoại trường ngồi canh ngày thi. Ngoài cổng trường cũng như trước những cửa thông giữa Nội trường và Ngoại trường đều có lính canh gác ngày đêm trong suốt thời gian có khoa thi kể từ ngày quan tiến trường.

Trường chia làm 2 phần chính :

1 – Khu học trò : Phía ngoài cùng là khu dành cho học trò cắm lều, có hai con đường hướng Nam-Bắc, Ðông-Tây cắt nhau thành hình chữ thập, chia khu đất thành 4 vi (Giáp, Ất, Tả, Hữu), có rào nứa ngăn cách. Giữa chỗ hai con đường gập nhau người ta xây nhà Thập đạo là nơi quan trường họp để ra đề thi và cũng là nơi học trò lấy dấu Nhật trung và nộp quyển.

Con đường dẫn từ nhà Thập đạo ra cổng chính, tức cổng Tiền môn, là lối đi ra của thí sinh sau khi nộp quyển, cũng là nơi Khảo quan chia nhau ngồi hai bên chứng kiến lễ Xướng danh các Tân khoa. Cổng Tiền môn bao giờ cũng ngoảnh về hướng Nam (Nam thuộc Hỏa = sáng suốt).

2 – Khu Khảo quan : Phía trong lại chia làm hai khu chính :

– Nội trường, ở trong cùng, là chỗ ở và làm việc của các ông Sơ khảo, Phúc khảo, Giám khảo, Giám sát Ngự sử Nội trường cùng lại viên. Khi có việc cần thương nghị thì họp ở Giám viện.

– Ngoại trường, ở bên ngoài, chỗ giáp với khu học trò cắm lều, dành cho các ông Chánh, Phó Chủ khảo, Phân khảo cùng Giám sát Ngự sử Ngoại trường và lại phòng. Hội đồng họp ở Thí viện.

– Khu Ðề tuyển bé nhỏ, nằm lọt ở giữa Ngoại trường và Nội trường, rào kín chỉ chừa một lối thông ra Ngoại trường, là nơi dành cho các ông Ðề tuyển (cũng gọi là Ðề điệu, xin đừng lẫn với Ðề điệu là Chủ khảo thời Lê và Nguyễn sơ) cùng lại phòng. Công việc của các ông Ðề tuyển là rọc phách, kháp phách, lập danh sách những người đỗ vv. Ðể phòng chuyện gian lận, quyển thi phải rọc phách (chỗ có tên học trò ở mặt quyển) cất đi trước khi giao quyển cho các quan chấm, chấm xong kháp phách mới biết tên tác giả quyển thi. Vì chỉ các ông Ðề tuyển giữ việc kháp phách mới biết tên tác giả những quyển thi, nên người ta cố ý chọn những người ít chữ làm Ðề tuyển để không thể sửa bài hộ. Khu này nghiêm cấm không cho ai bén mảng đến để tránh chuyện tư túi.

– 1883 trường Nam bị Tây đốt, năm sau chưa sửa xong, học trò phải vào Thanh-hóa thi, cùng với học trò trường Hà-nội.

– 1886 trường Nam đã sửa xong mà trường Hà bị đóng cửa hẳn nên học trò trường Hà-nội phải đến Nam-định hợp thí, gọi là trường Hà-nam.

– 1912 Khoa này ngay kỳ thi đầu trời mưa to, lạnh buốt khiến một số sĩ tử bị chết trong lều.

– 1915 là khoa cuối của trường Hà-nam, cũng là khoa cuối ở Bắc.

– Những chứng nhân

– J. Boissière viết năm 1894 :”Trường cách thành phố khoảng 1 000 thước, hình chữ nhật, tường cao bằng gạch, bốn góc có bốn chòi canh. Trường có 9 cổng : 3 cổng quay ra hướng Nam, 3 cổng quay sang hướng Tây và hướng Ðông ; 8 cổng dành cho học trò vào trường, cổng chính là lối học trò thi xong đi ra. Quanh trường có lính canh gác, bên trong có lính tuần phòng chung quanh bốn vi và trên các lối đi” (27).

– P. Doumer. Năm 1897 Doumer được cử sang làm Toàn quyền, đã cùng Công sứ Darles dự lễ Khai mạc và lễ Xướng danh trường Hà-nam. Tuy lúc ấy Kỳ Ðồng bị giam giữ nhưng ảnh hưởng còn mạnh, Công sứ và Tổng đốc Nam-định ngại thí sinh nhân dịp tụ hội đông đảo, tuyên truyền nổi loạn, muốn hoãn thi, Doumer không hoãn, đưa binh lính cùng hai pháo thuyền Avalanche và Le Jacquin thị uy ở bờ sông Nam-định, chĩa súng đại bác vào trường thi để trấn áp (28).

– Tản Ðà. Khoa 1912 trời mưa to, bão lụt, buốt giá đến nỗi có thí sinh chết cóng trong trường thi tay còn khư khư cầm bút. Thi sĩ Tản Ðà cũng dự khoa này đã làm một bài thơ kỷ niệm :

(…) Văn hay chẳng đỗ thì đừng,
Gió mưa khỏi chết, nửa mừng anh lại nửa thương.
Cái nghiệp bút nghiên cay đắng đủ trăm đường… (29).

Trần văn Giáp có lẽ là người cuối cùng lưu ý đến số phận trường Nam, năm 1941 viết (Khai Trí Tiến Ðức) :”Thời Thế chiến I, trường làm nơi tạm trú cho lính chào mào (lính mộ), sau làm sân máy bay. Cách mấy năm nay chúng tôi qua chơi thành Nam có đến thăm nơi cũ, trông thấy khác hẳn, chỉ còn chơ vơ cái nhà Thập đạo mà hiện giờ thì nhà ấy cũng không còn, thành ra nơi nghĩa địa của một hội thiện. Hồi tưởng cảnh cũ, xưa sao rộn rịp, giờ tịch liêu, khiến du khách ai không động lòng hoài cổ ?”.

CHÚ THÍCH

1 – N.T. Luật, Bốn con yêu và hai ông đồ, tr. 107.

2 – Cương Mục, XI I, tr. 43-4 ; XIV, 41-2 – Phạm văn Sơn, Việt Sử Toàn Thư, tr. 412.

3 – SKTT, IV, tr. 147 – Tục Biên, tr. 374, 429, 193 – Lê Quý Dật Sử, tr. 31-2, 38.

4 – Thực Lục, XXXI, tr. 141.

5 – Sử Ký Toàn Thư, IV, tr. 13.

6 – Khai Trí Tiến Ðức, tr. 58 – Kiến Văn Tiểu Lục, tr. 97.

7 – Kiến Văn Tiểu Lục, tr. 97 – Lê Quý Dật Sử, tr. 32.

8 – Tuyết Huy, Nam Phong, số 23, 5/1919. Tuyết Huy không viết rõ trường thi thời nào, có lẽ là thời Lê vì không giống hình vẽ trường thi thời Nguyễn.

9 – Lê triều chiếu lịnh thiện chính, tr. 179-83.

10 – Khoa Mục Chí, tr. 24 -27.

11 – Thực Lục, VII, tr. 203.

12 – Chu Thiên, Bóng Nước Hồ Gươm, tr. 336 – Cương Mục, XVI I, tr. 31 – Cao Viên Trai, Lê triều lịch khoa Tiến sĩ, III, tr. 35 – Trần Ngọc,Văn Bia Hà-Nội, I, tr. 91.

13 – Vũ Phương Ðề, Công Dư Tiệp Ký, I, tr. 136-7 – Trần Tiến, Ðăng Khoa Lục Sưu Giảng, tr. 55.

14 – Thực Lục, VII, tr. 203, 236, 180-1.

15 – ÐN Ðiển Lệ, tr. 363.

16 – Ngược Ðường Trường Thi, tr. 56, 21-2. Theo N.T. Luật thì trường thi thời Lý là cái “bãi cỏ, con đường Saint Antoine và khu nhà nuôi trẻ mồ côi bên cạnh Giám.

– Cương Mục, XV, tr. 11 : có lẽ ở bờ phía Nam sông Nhị.

17 – Ng. Ðg. Trường Thi, tr. 56-7.

18 – Ng. Ðg. Trường Thi, tr. 68-9, chép là “từ ô Cầu Giấy đi Hà-nội và ô Cầu Giấy đi ngã tư Khâm-thiên”, song trong Bốn con yêu và hai ông đồ, tr. 106, lại chép “từ ô Cầu Rền đi Hà-nội”.

19 – Cương Mục, XVIII, tr. 95.

20 – Ng Ðg Trường Thi, tr. 106-7.

21 – Masson, Période héroique, tr. 15, 31-5. F. Garnier đóng ở Tràng thi, J. Dupuis ở phố Hàng Chiếu, Nguyễn Tri Phương ở trong thành. F. Garnier bị giết ngày 21/12/1873.

22 – Masson, tr. 39-49, 198-9.

23 – Hocquard, Une campagne au Tonkin, tr. 251.

24 – Halais, Hanoi et ses environs, tr. 545.

25 – Piétralba, Dix mois à Hanoi, tr. 59.

26 – T.H. Bá, Ðường Phố Hà-nội, tr. 452-4.

27 – J. Boissière, Examens triennaux à Nam-định, tr. 420-1.

28- P. Doumer, L’Indo-Chine, tr. 150 – Ng. Tuân, Chuyện Nghề, tr. 195-7 – Làng Hành-thiện…, tr. 174.

Ng. K. Ngữ, Kỳ Ðồng, tr. 30-5 : Tên là Nguyễn văn Cẩm (1875-1929), người Thái-bình, nổi tiếng thông minh, học giỏi nên gọi là Kỳ Ðồng. Năm 12 tuổi phát động cuộc nổi dậy chống Pháp nhưng không thành công. Bị bắt, đưa sang Alger (Algérie) học, đến 1896 đỗ hai bằng Tú-tài văn chương và khoa học, tháng 9 về nước làm công chức một thời gian. Mùa thu năm 1897, bỏ lên Bắc-giang mở đồn điền, thực sự để mưu đồ khởi nghĩa chống Pháp. Bị đầy đi Tahiti rồi mất ở Papeete (Polynésie). Là tác giả một kịch thơ trào lộng bằng tiếng Pháp và là bạn của Gauguin.

29 – Ng. Tuân, Chuyện Nghề, tr. 192 – Bốn con yêu…, tr. 108.

Lệ đi thi không được mặc áo kép, sợ giấu bài làm sẵn giữa hai lần áo.

BÃO LỤT TRONG TRƯỜNG THI

Hột mưa lớn bằng quả ổi lác đác sa xuống mặt đất, xuống nón học trò và lộp bộp rơi xuống đôi lọng xanh của ông phân khảo đương chễm chện ngồi trên ghế tréo với áo thụng xanh, mũ cánh chuồn và cây hốt ngà voi.

Công việc lúc này có vẻ cấp bách.

Người lính cầm loa luôn luôn thét không dứt miệng. Mỗi tên một người học trò chỉ được gọi đến hai lần. Nếu ở dưới không có tiếng thưa, tức thì người ta gọi luôn tên khác. Bọn lính thể sát làm việc cũng rất lạo thảo. Với các đồ đạc của học trò, họ chỉ nhòm ghé qua, thấy không có vẻ khả nghi thì thôi.

Trời cũng dọa chứ chưa làm thật. Sau khi học trò, quan trường, lính tráng vào hết trong trường, gió vẫn ào ào, sấm vẫn ù ù, chớp vẫn nhấp nhoáng, nhưng cơn mưa vẫn không lớn thêm. Người ta đoán rằng trời mưa để làm hoa rét, chứ cái tiết mùa đông tháng giá, ít khi thấy có mưa to. Mà thật vậy, chỉ có cái rét là đáng ghê sợ. Ðược có mưa giúp sức, cái khí hậu tai ác đó mỗi lúc mỗi tai ác thêm, nó làm cho nhiều người học trò chân tay run lẩy bẩy, mặt mũi không còn sắc máu, hai môi xám nhợt như kẻ ngã ao. Nhất là mấy ông hàn sĩ áo đơn quần mỏng lại càng bị nó hành hạ cực khổ, lắm người cóng đờ cả mười ngón tay, không thể cắm được bộ gọng lều.

Vân Hạc cũng không khỏe mạnh hơn ai, chàng cũng lập cập hai hàm răng làm một, tuy trong mình đã quấn mấy lần áo bông áo kép. Lóng ngóng bằng đến nấu chín nồi cơm, chàng vẫn chưa lợp được kín cái lều. Bởi vì ngọn gió quái ác thúc vào đùng đùng, cái áo lều buộc được bên nọ, thì bên kia lại bật ra rồi, có khi nó còn nhổ cả gọng lều lên nữa. May quá, hôm nay chàng vẫn đem theo bốn chiếc cọc nhỏ và một chiếc dùi đục, chàng dùng dùi đục đóng chặt bốn cái cọc ấy cho đầu nó xuống sát mặt đất rồi mới buộc chằng vào bốn góc lều. Nhờ vậy, cái lều mới khỏi lung lay.

Hai bên đầu lều đã được che kín bằng hai chiếc áo tơi, chàng đem cái chõng đặt vào trong lều, rồi toan tháo bít tất bỏ đi. – Nhưng lát nữa còn phải đi lấy đầu bài, nếu bỏ bít tất thì chân lại lấm, lấy gì mà lau ? – Nghĩ thế, chàng lại cứ để cả đôi bít tất ngồi thõng hai chân xuống đất và giở đá lửa đánh lửa hút thuốc. Ðôi tất lúc ấy đất nhão bết vào đã thành một đôi ủng đất, nó làm cho chàng hai chân nặng trĩu, hơi rét tê dại da thịt.

Cái chòi gần nhà Thập đạo thong thả điểm một hồi trống cái. Quan trường phân phát những mảnh giấy viết đầu bài cho hai ông Chánh, Phó Ðề điệu và các lại phòng đem dán ở bảng các vi. Theo như thí pháp mới định, kỳ đệ nhị có một bài thơ và một bài phú.

Thơ là :”Bang gia chi quang ” thể thất ngôn, vần thập tứ diêm.

Phú là :”Sĩ nguyện lập ư triều ” thể luật phú, vần “nhân chính khả duyệt thiên hạ chi sĩ “, tất cả tám chữ, theo lối thuận áp (1).

Vân Hạc coi qua đầu bài rồi trở về lều. Chàng tháo bít tất quăng xuống xó lều và giở ống quyển lấy quyển nắn nót viết năm chữ lớn “Bang gia chi quang thi ” và tám chữ con “dụng thất ngôn luật, thập tứ diêm vận“, chàng lại bỏ quyển vào ống, bó gối ngồi nghĩ thế cục của tám câu thơ.

Gió lại thổi dữ. Sấm sét lại nổi ầm ầm. Nước mưa ở đâu đổ xuống sùng sục. Cái lều của chàng tuy đã có cọc buộc ghì xuống đất, nó vẫn vẹo vọ rung rinh mỗi khi gập một cơn gió giật. Chốc chốc chàng lại cứ phải nắm lấy gọng lều và ấn xuống đất cho lều khỏi bung.

Càng về gần trưa, mưa càng dữ dội. Các rãnh trong vi đều thành luồng nước trắng xóa. Bong bóng nổi trên mặt nước lềnh bềnh. Một lát sau, nước dềnh lên khỏi mặt rãnh, nó tràn vào lều và lênh láng chẩy qua gầm chõng.

Vân Hạc đương ngồi trên chõng, gục đầu vào chiếc yên gỗ (2), hý hoáy viết mấy câu thơ, chợt thấy cái chõng tự nhiên thấp xuống dần dần, rồi nó lún xuống đến sát mặt đất, bùn nước theo khe nan chõng phòi cả lên trên mặt chõng.

Cái gì mà lạ thế nhỉ ?

Thì ra khu đất trường thi mấy tháng trước đây chỉ là những ruộng lúa mùa. Kỳ thi sắp tới, lúa cũng vừa chín. Sau khi lúa cắt hết rồi, người ta đem trâu cầy lên và đập qua loa cho vỡ những tảng đất lớn. Rồi họ đánh thành từng luống như luống khoai sọ để cho học trò cắm lều lên trên. Kỳ trước được trời nắng ráo, xéo vào luống đất lổn nhổn tuy có đau chân nhưng còn sạch sẽ một chút. Bây giờ gập hôm mưa to, luống đất bị ngấm nước vào, nó đã thành ra luống bùn, không đủ sức để đỡ cái chõng và một người ngồi. Vì vậy cái chõng mới phải thụt xuống, thụt cho đến khi bốn chân ngập hết như bốn cái cọc mới thôi.

Vân Hạc cũng như hết thẩy mọi người, tuy ngồi trên chõng vẫn không khác gì ngồi dưới đáy ao, đít áo, đũng quần, nước bùn thấm vào bê bết. Gió bấc như có thù riêng, luôn luôn quạt cho giọt mưa hắt vào các khe lều. Vì sợ nước bắn vào, quyển thi sẽ bị tì ố, chàng phải quay lưng ra phía ngọn gió để lấy lưng làm cái bình phong chắn cho hạt nước tàn ác khỏi bay vào đến quyển văn. Nhưng cái lưng chàng không phải là vật kỵ gió, kỵ mưa, nước mưa theo gió hắt vào, nó đã thấm qua mấy lần áo bông áo kép, lọt tới da thịt. Cái nước lúc ấy mới độc làm sao, nó vào đến đâu, chàng thấy ở đấy cứ buốt thon thót như bị tên độc bắn phải ; miệng thít tha, tay run lẩy bẩy, chàng không thể nào cầm bút mà viết, tuy chàng đã nghĩ được xong bài thơ, một vần “lung” (3), một vần “nhập đề” và một vần “thực” (4) của bài phú. Cái làm cho chàng phải lo hơn nữa là việc lấy dấu “nhật trung”. Quyển của chàng đã viết được ba dòng rưỡi ở trang đầu, nghĩa là đến chỗ đóng dấu nhật trung rồi đấy, nhưng mà dấu ấy chưa có thì còn cứ phải để đó không được viết tiếp xuống dưới. Lúc tạnh ráo, công việc ấy cũng còn phải chờ, phải đợi, phải chầu chực mất nhiều thì giờ, huống chi bây giờ mưa gió ầm ầm, đi bằng cách nào cho đến được nhà Thập đạo mà không bị ướt ?

“Thà bỏ mẹ nó mà ra cho rảnh. Thi với cử thế này thật là nhục hơn con chó. Dù có đỗ đến ông gì, làm đến ông gì, cũng không bõ công.”

Chàng vớ lấy quyển văn, đã toan xé toạc làm đôi. Thình lình lại nhớ ra rằng : dù không thi nữa cũng phải đem nộp quyển trắng thì mới ra được. Nếu không có quyển, bọn lính canh cửa tưởng mình vào làm gà, chúng sẽ bắt bớ lôi thôi. Rồi chàng lại nghĩ : nếu nộp cái quyển có vài dòng chữ tất nhiên sẽ bị liệt vào hạng “duệ bạch”, rồi nó đem tên tuổi mình yết ra bảng con thì mình sẽ bị mang tiếng viết không nổi quyển…

Liều tình với trời, chàng lại cắn răng ngồi mà nghĩ nốt mấy vần phú nữa.

Gió đã yếu dần, mưa cũng nhỏ dần. Thẳng trên đỉnh đầu, mặt trời đã nhỏn nhoẻn ngó xuống nhân gian bằng bộ mặt tẻ bẽ như bị xấu hổ.

Vân Hạc vội vàng cầm ống quyển đi thẳng đến nhà Thập đạo.

Trong vi bắt đầu nhốn nháo. Kẻ ở phía tả chạy sang, kẻ ở phía hữu chạy lại, quang cảnh không khác một đám trốn loạn. Hết thẩy mấy trăm con người, ai cũng như ai, mặt tái mét, môi thâm xì, quần áo lấm bê lấm bết, như người đào dưới đất lên.

Trên các luống bùn ũng ĩnh, và các rãnh nước lênh đênh, gọng lều, áo lều, áo tơi, chiếu cói, giấy bút, lổng chổng, ngổn ngang, không khác khu chợ sau một cơn giông bão.

Té ra trong lúc mưa gió dữ dội, đã nhiều cái lều không thể đứng vững, bị gió cuốn đi, và cũng lắm ông học trò rét quá không thể ngồi mà viết văn đành nộp quyển trắng để tháo lấy thân.

Trong nhà Thập đạo, người đông như một buồng trò. Ngoài bọn quan trường, lại phòng và lính canh gác lại thêm những ông cụ già vì lều trốc, lều dột, xin vào làm văn tại đó.

Vân Hạc mới chìa ống quyển qua bức rào nứa, một người lính tức thì chạy ra đón lấy và đưa vào nhà Thập đạo cho người lại phòng. Mưa rét cũng có cái lợi, nó lợi cho cái ống quyển không phải nằm chờ phút nào, người lại phòng nhanh nhẩu mở ống lấy quyển đóng dấu, rồi lại chuyển cho người lính đưa ra trả chàng.

Thế là xong cái nạn lấy dấu nhật trung.

Bây giờ trong trường có rất nhiều nước, nước ở các vũng, các rãnh dềnh lên, lênh láng khắp chung quanh lều. Bì bõm trao chân vào cái vũng nước cạnh lều, chàng sẽ kiễng chân bước vào mặt chõng. Cái chõng tuy bị dìm dưới bùn nhưng quần áo chàng lau mãi từ sáng đến giờ, nó cũng không lấm lắm nữa. Chĩnh chện ngồi xếp bằng tròn trên chõng, chàng mở tráp lấy cuộn giấy bản để chùi mặt tráp cho khỏi ẩm ướt. Trong bụng đã thấy hơi đói, chàng bèn giở các quà bánh, ăn chập ăn chuội vài miếng, rồi mới cắm đầu vào viết. Lúc đầu tay hãy còn cóng, nét chữ hãy còn hơi run nhưng chàng viết độ vài dòng thì tay lại thuần, chữ lại hoạt bát như trước.

Mải miết viết luôn một mạch, chừng nửa buổi chiều thì đến vần “chi”. Trời lại tự nhiên sầm tối, rồi lại mưa gió sấm sét ầm ầm. Bây giờ lại càng rét hơn sáng ngày. Quần áo tuy đã khô ráo mà chàng luôn luôn thấy như nước đổ vào lưng, da thịt cứ buốt thon thót. Bấm gan viết nốt vần “sĩ”, chàng đọc lại quyển từ đầu đến cuối để đếm những chỗ xóa, sót, móc, chữa và biên vào dưới chữ “cộng quyển nội”. Thoát nạn.

Thôi, còn tiếc gì của nữa, chàng bỏ tất cả lều chõng đồ đạc, chỉ cởi lấy đôi áo tơi để khoác vào mình cho khỏi mưa ướt, rồi chàng đội nón và cầm ống quyển đi ra.

Ngô Tất Tố (5), Lều Chõng

CHÚ THÍCH

1 – Thuận áp là theo thứ tự những chữ ra làm vần mà áp vận. Ðảo ngược lại gọi là nghịch áp.

2 – Yên là cái bàn gỗ nhỏ và thấp, đặt lên giường hay chõng để ngồi mà viết.

3 – Lung là đoạn mở bài nói bao quát cả ý nghĩa đầu bài.

4 – Thích thực là giải thích rõ ý nghĩa đầu bài.

5 – Ngô Tất Tố (1894-1954), người Bắc-ninh, thi Hạch đỗ Ðầu xứ. Ðã tham gia kháng chiến lên Việt Bắc. Sự nghiệp trước tác khá đa dạng : tiểu thuyết (Lều Chõng, 1939 – Tắt Ðèn ,1939 –Việc Làng, 1940) ; khảo cứu (Văn Học Ðời Lý – Văn Học Ðời Trần, 1942) ; dịch (Hoàng Lê Nhất Thống Chí, 1942 – Ðường Thi, 1940)…

NỖI KHỔ CỰC CỦA QUAN CHẤM TRƯỜNG

“Tiếng được 20 quan tiền thật đó, nhưng khi ở trường có được tiêu đồng nào. Là vì trong lúc làm trường, người ta đã tính đủ số quan trường, dựng cho mỗi ông một gian nhà lá, trong có nhà bếp, có chuồng xí, có vại chứa nước, có nồi nấu cơm, đủ các đồ lề của một gia đình, bốn bên đều có phên nứa che kín, gian nọ không được thông với gian kia. Sau khi tiến trường, người ta tống hết các ông Sơ khảo, Phúc khảo, Giám khảo cho mỗi ông vào một gian rồi khóa trái cánh cửa ra ngoài, giao chìa khóa cho ông Ðề điệu, bao giờ thi xong, ông Ðề điệu mới mở cửa cho các ông này ra. Như thế dù có tiền cũng không mua bán gì được”.

Ðốc Cung hỏi :

“Vậy thì những thức ăn uống hàng ngày lấy ở đâu ra ?”

Tiêm Hồng vội đón :

“Hình như do ông Tổng đốc sở tại cung đốn phải không ?”

Ðoàn Bằng gật đầu :

“Phải ! Bao nhiêu đồ ăn thức dùng của các quan trường, do ông Tổng đốc sở tại trích tiền công khố chi cấp tất cả. Sự cung đốn của mấy ông trên thế nào tôi không rõ chứ đến những ông Sơ khảo, Phúc khảo, thì ôi thôi, cực kỳ bần tiện. Mỗi ông một ngày chỉ được hai lạng thịt lợn hay là hai con tôm he, có thịt đừng tôm, có tôm đừng thịt ; ba ngày mới được một lọ nước mắm và ít muối trắng. Anh tính mỗi ngày hai bữa, một thầy, một tớ, ăn uống chỉ có bấy nhiêu thì kham khổ biết chừng nào ? Thầy tôi ngày xưa tuy là Hương cống tại quán nhưng cũng có bị cử đi làm Phúc khảo một lần. Khi đi người rất béo tốt. Lúc về mặt mũi xanh xao, chẳng khác gì người bị ngã nước. Thì trong hơn một tháng trời nhịn đói nhịn khát, gỗ cũng phải gầy nữa người !”

Ðốc Cung nhành mồm tắc lưỡi. Ðoàn Bằng đương ngậm hớp rượu trong miệng vội cong bàn tay giơ lên tỏ ý ngăn cản lời Ðốc Cung, rồi thêm :”Thế cũng chưa thấm !”

(Bị kiểm duyệt thời Pháp thuộc)

Ðoàn Bằng quay lại vớ chiếc điếu đàn, đặt thuốc, châm lửa hút một hơi thuốc, câu chuyện nói dở tiếp theo khói thuốc đưa ra :

“Bởi vì nhà của mấy ông Sơ khảo, Phúc khảo trừ khi hé ra một lúc cho phu đổ nước vào vại, còn thì phải khóa kín suốt ngày suốt đêm. Cho nên trong bức phên nứa chắn ở chung quanh nhà, người ta đã có để sẵn một cái lỗ thủng nho nhỏ. Mỗi một buổi sáng, người lại phòng của quan Ðề điệu phân phát đồ ăn cho các quan trường, thì tuôn qua mấy lỗ thủng ấy rồi gọi thằng bếp ra đó mà đón.”

Tiêm Hồng nói xen :

“Kẻ nào hà lạm đến những món ấy thì tù mọt gông. Tôi nhớ Thầy tôi có nói lại rằng cái năm thầy tôi đi làm Phúc khảo, có người lại phòng chia tôm cho các quan trường, lúc cuối cùng còn thừa một con, hắn không biết là phần ông nào đem về ăn mất. Thế mà khi việc đó phát giác, anh ta bị phạt đủ ba chục trượng. Cực chưa !”

Ðến lượt Ðoàn Bằng :

“Tội nghiệp hơn nữa là cái tình cảnh của mấy ông ấy trong khoảng từ kỳ đệ tam đến kỳ Phúc hạch. Những kỳ đệ nhất, đệ nhị tuy rằng ăn uống kham khổ nhưng còn không đến nỗi buồn. Là vì trong hai kỳ ấy học trò còn đông, các ông Sơ khảo, Phúc khảo còn phải chấm nhiều, cả ngày không lúc nào rỗi. Ðến kỳ đệ tam và kỳ Phúc hạch, học trò vắng lắm, phần việc của mấy ông ấy chỉ làm độ một hai giờ là xong. Thế mà cứ phải nằm đó chờ đợi cho đến kỳ sau (…) Có ông buồn quá không biết làm cách nào cho qua thì giờ đành phải đánh đáo với thằng đầy tớ.”

Vân Hạc đương bưng chén rượu vội đặt xuống mâm :

“Nếu tôi mà bị đi làm quan trường thì quyết phải bắt… vợ tôi ăn mặc giả làm đầy tớ để cùng vào trường.”

Ðoàn Bằng nối lời :

“Ấy cái năm Thầy đi Phúc khảo, đã có một ông cũng làm như thế đó. Ông ấy thuê người cô đào ăn bận quần áo đàn ông và bắt xách điếu cắp tráp theo vào. Vậy mà việc cũng bại lộ. Không biết ông ta sau bị tội gì ? Có lẽ người ta buộc cho cái tội “khi quân” cũng nên.”

Ngô Tất Tố, Lều Chõng

Bản đồ Hà-nội (1882)

Bản đồ Hà-nội (1882)

Ðường ra cổng Tiền môn

Ðường ra cổng Tiền môn

Bản đồ trường Nam-định (R. de la Susse)

Bản đồ trường Nam-định (R. de la Susse)

Bản đồ trường Nam-định (Trần văn Giáp)

Bản đồ trường Nam-định (Trần văn Giáp)

Chòi canh

Chòi canh

Nhà Ðấu Xảo (1887)

Nhà Ðấu Xảo (1887)

Nha Kinh Lược (1896)

Nha Kinh Lược (1896)

Sơ đồ củng cố trường thi Hà-nội của Pháp (1875)

Sơ đồ củng cố trường thi Hà-nội của Pháp (1875)