Hiểu mệnh, cải mệnh, xu cát tị hung là một trong những tác dụng trọng yếu của mệnh lý học truyền thống. Đồng thời đây cũng là nguyên tắc cơ bản trong mệnh lý học phù hợp với mong muốn của con người.

chu dịch
(Hình minh họa: Qua pinterest)

Trong cuộc sống hàng ngày, hay trong công tác, làm việc cũng vậy chúng ta vận dụng mệnh lý học, phong thủy học truyền thống để hóa giải tai ương là việc mà xưa nay nhiều người làm.

Đặc biệt vào thời cổ đại, khi con người rất tin và am hiểu về Chu dịch, toán quái thì việc này diễn ra rất phổ biến. Vậy khi gặp vận không thông thuận, cổ nhân làm gì để hóa giải? Dưới đây xin đưa ra 4 nguyên tắc được cổ nhân sử dụng rộng rãi như sau:

1. Nguyên tắc chính tín

Nguyên tắc chính tín nghĩa là khi một người gặp phải vận xui, gặp phải tai ương thì phải có niềm tin vượt qua được hoàn cảnh đó. Điều này thể hiện qua việc người ấy phải có ý niệm hướng thiện mãnh liệt trong tâm, không phó mặc để bản thân sống theo kiểu “nước chảy bèo trôi”, phó mặc cho số phận. Người ấy cần phải xem lại và thay đổi lý niệm sống, cách đối nhân xử thế của mình, đối xử tốt với mọi người, với chính bản thân mình.

Ngoài ra, người này còn phải kiên trì không làm những việc vi phạm đạo đức, trái với luân thường đạo lý, phóng túng bản thân, không mưu toan hại người. Đây chính là điều mà cổ nhân gọi là: “Thiên cứu tự cứu chi nhân, đắc đạo đa trợ, thất đạo quả trợ”, ý nói chính nghĩa, chính đạo thì được ủng hộ, được Trời giúp còn đánh mất đạo thì không được Trời trợ giúp.

2. Nguyên tắc dựa vào thuật toán quái

vận mệnh
(Hình minh họa: Qua pinterest)

Thời xưa, người Trung Hoa rất thông hiểu về Chu dịch, thuật toán quái đoán mệnh. Người ta có thể dựa vào những dự đoán trước để tránh được hung tai.

Ví dụ, khi một người biết trước bản thân mình vào thời khắc đó có thể gặp phải tai ương, người ấy cần phải “nhiều tĩnh ít động”, làm người hay làm việc đều nên “hạ mình”, không nên kiêu căng, ngạo mạn, tức giận, không xen vào việc của người khác vào thời điểm đó để tránh được hung tai.

Người ta cũng có thể dựa vào toán quái để biết được phương hướng, địa điểm mà mình có thể gặp tai ương. Như vậy, người này cần tránh đi đến địa điểm, phương hướng mà mình có thể gặp hung hiểm, từ đó miễn trừ được tai họa.

3. Nguyên tắc mượn lực

Trong vũ trụ bao la này, con người bất quá chỉ nhỏ bé như một hạt cát hạt bụi. Đứng trước thiên nhiên, mỗi người chúng ta đều nhỏ bé và dường như bất lực. Nhưng dù với năng lực hữu hạn, chúng ta vẫn có thể xoay chuyển được một số tình huống không thông thuận dựa vào cách “mượn lực”. Chúng ta có thể mượn lực của quý nhân, người có đức hạnh cao trong mệnh của mình có thể gặp, hay dựa vào tín ngưỡng tôn giáo để trợ giúp bản thân mình, vượt qua vận suy, nghênh đón vận may.

Vì sao có thể mượn lực trợ giúp của quý nhân, người có đức hạnh cao thượng và tín ngưỡng để hóa giải vận xui? Cổ ngữ nói: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý nói đạo trời không phân biệt người thân thích, đối xử công bằng với chúng sinh, nhưng làm việc thiện hướng thiện là phù hợp với đạo trời, cho nên đạo trời đối với những người hành thiện đều có sự quan tâm chiếu cố, giúp đỡ người thiện lương, khiến cho quá trình làm việc của họ giống như có thần trợ giúp. Cho nên, những người đức hạnh cao thượng luôn gặp điều thông thuận trong cuộc đời, dựa vào họ, nghe theo lời khuyên bảo đúng đắn của họ, bản thân chúng ta có thể hóa giải được vận xui.

4. Nguyên tắc kiên định tín ngưỡng

phật thích ca mâu ni
Cảnh tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khai ngộ (Hình minh họa: Qua pictagra.com)

Thật tâm suy xét, chúng ta sẽ nhận thấy rằng, đối với mỗi một người trong chúng ta, bất kể là có tin Phật hay không tin Phật thì đều biết rõ rằng Phật là lương thiện, là từ bi và luôn bảo hộ chúng sinh. Ý chỉ của Phật là giáo huấn con người sống lương thiện, chân thành và khoan dung. Mọi người khi gặp nạn đều khẩn cầu Đức Phật phù hộ.

Người có lòng tin vào Phật thường là người lương thiện, trong tâm họ luôn chứa đựng những lời dạy bảo và ý chỉ của Phật. Họ luôn luôn vui vẻ, bao dung và biết ơn. Họ tin rằng thiện ác hữu báo nên họ không làm điều ác, tôn sùng điều thiện và hòa ái, chân thành, như vậy cuộc sống của họ thường là thông thuận.

Từ thực tế mà xét, nếu một thế giới không có đức tin đúng đắn, người ta sẽ không còn phân biệt được thiện – ác và đúng – sai. Chân thành, lương thiện, nhẫn nhịn, những người có những đức tính này là những người tốt nhất. Còn những người bị tiền bạc thay thế thiện niệm, bái lạy Phật chỉ vì danh lợi, họ đã bị mất đi phương hướng, tìm không thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống này.

Xét về bản tính thì bản tính của con người là thiện ác đồng thời tồn tại. Vậy nên, hạt giống lương thiện ở trong tâm hồn mỗi chúng ta, hãy tưới lên nó đức tin đúng đắn, nếu như vậy chúng ta sẽ tuyệt đối không mất gì mà còn có được một cuộc sống hạnh phúc tròn đầy, bình an và thuận lợi.

An Hòa (dịch và t/h)