Nằm dọc theo bờ kênh Tàu Hủ, chạy dài từ cầu Chà Và đến cầu Lò Gốm, bến Bình Đông nằm gọn thuộc khu vực quận 8, nơi có nhiều kho bãi, nhà xưởng, nhà máy, dãy nhà phố cổ đậm nét kiến trúc Đông – Tây kết hợp. Khu vực này trước đây từng là trung tâm kinh tế quan trọng của vùng Chợ Lớn. Ngày nay, dưới tốc độ phát triển của đô thị hóa, bến Bình Đông có từng bước dịch chuyển mạnh mẽ để phù hợp với thời đại. Song, sự thích nghi cũng chính là nguy cơ làm thu hẹp đi những nét đẹp văn hóa của đô thị cổ.
Nhắc đến bến Bình Đông, mọi người sẽ nhớ ngay đến hình ảnh những chiếc thuyền đầy ắp hoa tấp nập vào bến những ngày giáp Tết. Nơi đây giống như cầu nối giữa thương lái miền Tây và khách vào mỗi dịp xuân về. Và xưa kia, bến Bình Đông cũng nhộn nhịp như thế. Theo con nước, xuồng ghe tấp nập trao đổi hàng hóa ngày lẫn đêm. Nhiều gia đình quây quần trên chiếc ghe, vừa là phương tiện di chuyển, vừa là nơi cư ngụ, tạo nên nét văn hóa sông nước hao hao người miền Tây Nam Bộ. Một chiếc xuồng tam bản, chuồi êm rơ trên dòng kênh, với tiếng rao hàng ngọt ngào hay những màn hò đối đáp của cô gái chánh gốc Nam Bộ, đủ làm người mua tê tái cõi lòng. Phải chăng chính tiếng rao ấy, lối hò ấy là nguồn cảm hứng góp phần xây dựng nên bộ môn cải lương truyền thống của dân tộc?
Dọc bờ phía hướng về quận 8, bến Bình Đông là nơi quy tụ nhiều thương hiệu nổi tiếng miền Nam một thời như: tàu vị yểu Con Mèo Đen, bột cà ri Ông Chà Và, bột mì Bình Đông, gốm Hoa Mai…Sự phát triển của các thương hiệu nổi tiếng kéo theo các nhà xưởng, nhà máy xay xát, chành ( tức là chỗ chứa hàng theo cách gọi người Hoa) mọc lên sầm uất. Nằm ở vị trí đắc địa, bến Bình Đông trở thành nút giao thương đường thủy, phía trên có dòng nước Bến Nghé, phía dưới có Rạch Cát, Phú Định thuận lợi vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Tây lên Chợ Lớn. Các thương lái, đa phần là người Hoa tập kết hàng hóa, rồi đem bỏ mối cho các tiểu thương trong thành phố. Cảnh mua bán ” trên bến dưới thuyền” nhộn nhịp muôn màu muôn sắc.
Với cái tính ” ăn chắc mặc bền”, nhiều dãy nhà phố nằm ngay mặt tiền mọc lên, có diện tích bề ngang hẹp. Phía dưới là cơ sở kinh doanh hoặc làm chành, cửa hiệu. Phía trên dùng để ở, và hầu như các dãy nhà này đều do người Hoa làm chủ. Những dãy nhà mang đậm nét kiến trúc của người Hoa tại Việt Nam, với những cây cột được xây dựng bằng gạch, có lan can sắt, cửa lớn và cửa sổ có diện tích rộng, làm bằng gỗ, gờ chỉ làm bằng thạch cao, mang hơi thở kiến trúc Tây Phương. Sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông Tây kết hợp làm nên vẻ đẹp độc đáo của bến Bình Đông.
Ngày nay, dưới tốc độ phát triển đô thị hóa và nhu cầu nhà ở của người dân mỗi lúc một nhiều, những dãy nhà được giải tỏa để xây dựng chung cư kiểu mới, cao tầng và có trang thiết bị hiện đại. Hiện chỉ còn một dãy phố đoạn từ chợ Bình Đông đến chùa Lâm Quang, gần như còn nguyên vẹn dù bạc thếch màu theo thời gian. Dần dà lại trở thành địa điểm cuốn hút của những tay thợ săn ảnh chuyên nghiệp. Dù bình minh hay hoàng hôn, dãy phố vẫn trầm mình dưới nét đẹp cổ kính giữa đô thành Sài Gòn náo nhiệt.
Góp phần làm nên giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử của một vùng Chợ Lớn nói chung và Sài Gòn nói riêng, nhưng hiện giờ bến Bình Đông đang dần nhường chỗ cho những công trình nhà ở đô thị. Tuy nhiên, với những ai gắn bó chốn này hàng chục năm, họ vẫn ao ước có thể bảo tồn một phần nào giá trị hiện hữu của lịch sử, hướng đến hòa nhập để phát triển chứ không hoà tan. Có nhiều ý kiến bày tỏ muốn hiện đại hóa nhưng vẫn phải biết cân nhắc và giữ gìn cái đẹp cổ kính của mảnh đất này.