“Tam sao thất bản”, điều này đặc biệt đúng đối với câu thành ngữ “Diệp Công hiếu long”. Ngày nay, “Diệp Công hiếu long” là một câu thành ngữ dùng để chỉ người bề ngoài thì tỏ ra rất say mê một sự vật nào đó, nhưng thực tế lại không thực lòng, cũng là để chỉ người chỉ biết lý thuyết mà không biết thực tế. Tuy nhiên hoàn cảnh mà nó xuất hiện và ý nghĩa thật sự của nó lại hoàn toàn khác.
Nghĩa hiện tại của câu thành ngữ “Diệp Công hiếu long” xuất hiện trong cuốn “Thân Tử” của tể tướng nước Hàn thời Chiến Quốc. Cuốn sách kể rằng Diệp Công yêu chuộng rồng đến si mê. Ông vẽ rồng trên tường nhà, thêu rồng trên quần áo và chạm khắc rồng lên cột nhà. Một ngày nọ, một con rồng thật từ trên trời bay xuống nhà Diệp Công. Diệp Công sợ hãi xoay người bỏ chạy. Điều này có nghĩa là Diệp Công không thật lòng yêu thích rồng, mà chỉ thích những thứ “có hơi hướng” rồng mà thôi.
Kỳ thực, Diệp Công là một vị quan rất giỏi, có công khai phá thủy lợi, phát triển nông nghiệp, và còn là một nhân tài kinh bang tế thế. Năm 479 trước Công nguyên, Bạch Công Thắng, người trong vương tộc nước Sở đã nổi loạn, bắt giam Sở vương. Trong lúc nguy nan, Diệp Công đã thống lĩnh binh lính và dân chúng tới kinh đô nước Sở, dẹp yên quân phản loạn. Suốt chặng đường, ông được bách tính nước Sở hết mực yêu mến và ủng hộ, tôn xưng ông là “Bách tính trông ngóng ngài như thể trông ngóng phụ mẫu”.
Diệp Công thành công dẹp loạn, Bạch Công Thắng tự sát. Sau đó Diệp Công được phong là quan Sở Lệnh Doãn (chức quan cao nhất lúc bấy giờ) kiêm quan Tư Mã. Ông chỉnh đốn triều chính, giúp Sở quốc đại thịnh. Nhưng Diệp Công không ham thích quyền vị, nên lần lượt nhường lại chức Lệnh Doãn và Tư Mã cho người khác. Bản thân ông lui về đất Diệp, hưởng những năm thư nhàn cuối đời.
Vậy thì câu nói “Diệp Công hiếu long” xuất phát từ đâu?
Diệp Công tên thật là Thẩm Chư Lương, một hậu duệ trong hoàng tộc nước Sở, được Sở Chiêu Vương bổ nhiệm tới Diệp Ấp vào năm 24 tuổi, vậy nên người dân địa phương gọi ông là Diệp Công.
Diệp Ấp có từ 2000 năm trước đây, nay là thành cổ phía Nam huyện Diệp Ấp, Hà Nam. Địa hình của Diệp Ấp cao ở phía Nam và thấp ở phía Bắc. Vào mùa mưa, nước trong 5 con mương trên núi Nam Sơn chảy xiết, đổ xuống dưới, chỗ trũng ở phía Bắc bị ngập. Sau mùa mưa, đất đồi phía Nam cao, không trữ được nước, lại biến thành đất khô cằn. Lũ lụt ở miền Bắc, hạn hán ở miền Nam, khiến dân chúng vô cùng khốn khổ.
Diệp Công là một bậc thầy thủy lợi bẩm sinh. Ông đã tổ chức cho người dân địa phương sửa sang lại các công trình thuỷ lợi quy mô lớn ở sườn Đông và sườn Tây. Bờ Đông được sử dụng để phòng lũ, bờ Tây được sử dụng để chứa nước. Khi đó, giấy chưa được phát minh, nên đều viết trên những thẻ tre. Diệp Công bèn vẽ bản đồ thi công thủy lợi lên tường, xà nhà, cột nhà và quần áo của mình. Ông vẽ đầu rồng ở đầu ra của mỗi con kênh và gọi nó là “vòi rồng”, để cầu mưa thuận gió hòa.
Diệp Công chỉ vào bản đồ trong nhà và giải thích cho người dân cách thi công. Có người nói: “Con rồng ông vẽ không giống, không có mây mù, rồng là phải cưỡi mây cưỡi gió”. Diệp Công nói: “Tôi không vẽ rồng vì tôi thích, mà chỉ để dẫn nước. Khi hạn hán xảy ra, thì mở vòi rồng, dẫn nước từ mương nước tưới cho đồng ruộng. Tưới xong thì đóng vòi rồng lại, hoa màu sẽ không bị ngập úng.”
Con kênh do Diệp Công xây dựng có thể tưới hàng chục vạn mẫu ruộng, sớm hơn 200 năm so với đập Đô Giang do Lý Băng xây dựng ở nước Thục. Huyện Diệp tới nay vẫn còn lại di tích Diệp Công trị thủy.
Mọi người thời đó vì thế mà truyền tai nhau rằng: “Diệp Công vẽ rồng khắp nhà, nhưng ông ấy không thực sự thích rồng”.
Sau này, Tử Trương, một đệ tử rất giỏi của Khổng Tử, người cùng thời với Diệp Công, đến bái kiến Lỗ Ai Công. Ông đợi 7 ngày vẫn không được tiếp kiến. Trước khi rời đi, Tử Trương đã nhờ người chuyển lời cho Lỗ Ai Công rằng: “Tôi nghĩ rằng thứ gọi là yêu mến nhân tài của ngài, chẳng qua cũng chỉ giống như Diệp Công. Diệp Công thích những thứ giống rồng nhưng không phải rồng, và ngài cũng thích những nhân tài mà không phải là nhân tài vậy!”
Đến thời Chiến Quốc, tể tướng nước Hàn đã tạo ra câu chuyện ngụ ngôn trong cuốn “Thân Tử” mà chúng ta nhắc tới ở trên. Từ đó làm vững chắc hơn hàm nghĩa mà Tử Trương tạo ra.
Đến thời nhà Hán, Lưu Hướng đã chép lại câu chuyện này vào cuốn “Tạp Sự – Tân Tự”, câu chuyện được lưu truyền càng rộng hơn nữa. Từ đó Diệp Công được miêu tả thành hình mẫu cho kiểu người “nói một đằng, làm một nẻo, tâm khẩu bất nhất; chỉ giảng lý luận suông, không thực tế”.
Theo SecretChina.com
Tác giả: Du Nguyên
Thiên Cầm biên tập