Khi người con gái đi lấy chồng, ta nói người ấy “xuất giá”. Khi người con gái ở vậy không kết hôn, ta nói họ “ở giá”. Tại sao cùng là “giá” mà nghĩa lại trái ngược nhau đến vậy?
Trước hết xin nói về “giá” trong “xuất giá”. Đây là một từ gốc Hán viết bằng chữ 嫁 có nghĩa là “lấy chồng”. Ghép chữ này với “xuất” (出 – đi ra, ra ngoài), ta có “xuất giá” (出嫁) là “đi lấy chồng”. Đây cũng là “giá” trong “tái giá” (再嫁), tức “lấy chồng lần nữa” và “giá thú” (嫁娶) tức “việc lấy vợ lấy chồng; việc kết hôn” (từ điển Nguyễn Quốc Hùng). Lưu ý chữ “thú” (娶) ở đây không liên quan gì đến “cầm thú”, hay “thú tội”, mà chỉ có nghĩa là “lấy vợ”, để tương ứng với “giá” (嫁) là “lấy chồng”.
Còn “giá” trong “ở giá” thì sao? Học giả An Chi đã chỉ ra một sự thật thú vị rằng: từ chính xác vốn phải là “ở vá”. “Vá” ở đây là một từ cổ đã được sử dụng rộng rãi ở Nam Bộ, sau do cách phát âm lẫn lộn “v”, “d”, “gi” của người nơi đây nên dần chuyển thành “giá” rồi phổ biến sang các vùng miền khác. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng: “Vá: 1. Lẻ loi, không vào bọn với ai cả: Con hát vá. 2. Độc thân, một mình, không có vợ hoặc chồng hay cặp vợ chồng chưa có con: Còn son vá. 3. Goá hoặc hoá, chết chồng hay chết vợ: Đàn bà vá, anh vá vợ”.
Như vậy “giá” (vốn là “vá”) trong “ở giá” không có liên quan gì đến “giá” trong “xuất giá” cả, và việc hai từ khác nhau mang nghĩa trái ngược cũng là chuyện thường tình.
(Tham khảo từ điển Hán Nôm, Chuyện đông chuyện tây)