Xin giải thích giúp nguồn gốc, ý nghĩa của “ông xã”, và “bà xã” trong phương ngữ Nam Bộ.

Vợ chồng thời xưa xưng hô với nhau như thế nào?

Từ điển tiếng Việt 1992 giảng “ông xã” là từ dùng để gọi đùa và thân mật người chồng còn “bà xã” là từ dùng để gọi đùa và thân mật người vợ. Nhưng trên đây chỉ là cái nghĩa của mấy tiếng đó trong khẩu ngữ của tiếng Việt hiện đại, vì nếu truy nguyên thì ông xã lại là người xã trưởng còn bà xã thì là người vợ của ông xã trưởng (cũng như bà lý là vợ của ông lý trưởng).

Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng rằng xã là “xã trưởng gọi tắt” và cho ví dụ: ông xã, thầy xã. Còn xã-trưởng thì đã được quyển từ điển đó giảng như sau: Người đứng đầu hội đồng hương chính một xã ở Trung và Bắc-Việt – Cũng gọi thôn-trưởng, một hương chức ban hội tề xưa ở Nam-Việt, cùng với Hương-thân và Hương-hào làm ban Hương chức đương-niên hành-sự: Riêng Xã-trưởng giữ mộc-ký của làng cùng những công-văn, hiểu-dụ của Nhà-nước và chuyên lo thâu thuế cùng nộp thuế cho nhà-nước”. Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên ghi và giảng “Xã (…) người đàn ông trong làng có chút chức vị cao hơn người dân thường (cũ): Bác xã”. Còn Từ điển tiếng Việt 1992 thì: “Xã (…) chức vị ở làng xã thời phong kiến, có thể bỏ tiền ra mua, lớn hơn nhiều”.

Tóm lại, xã là một chức dịch trong làng, xã thời trước và trong các cấu trúc ông xã, thầy xã, bác xã, cụ xã, thậm chí thẳng xã (thí dụ: thằng xã Xem là một tên gian tham)… thì xã là danh từ chỉ tổng loại làm phần phụ thêm nghĩa cho phần chính đứng trước nó là danh từ chỉ cá thể ông, thầy, bác, cụ, thẳng, v.v.. Trong các cấu trúc trên thì ông xã vừa trung hoà về thái độ và tình cảm vừa thích hợp với tuyệt đại đa số các trường hợp cần xưng hô cho nên thông dụng và phổ biến hơn các cấu trúc còn lại mà dễ trở thành một từ tổ cố định để đi vào vốn từ vựng chung như đã thấy hiện nay.

Ông xã nhà tôi, ông xã nhà em, v.v., là những cách gọi mà những bà vợ của các ông xã thường dùng để chỉ chồng mình khi nói chuyện với người khác, giống như những bà vợ của các ông lý đã gọi chồng mình là ông lý nhà tôi, ông lý nhà em v.v.. Đó là những lối nói rất phổ biến và có tần số xuất hiện cao trong lời ăn tiếng nói ở nông thôn Việt Nam trước đây. Một số bà ở Hà Nội và một vài thành phố lớn miền Bắc (Hải Phòng, Nam Định) – lối nói này xuất phát từ miền Bắc – có lẽ đã mượn cách nói này mà chỉ chồng mình một cách thân mật. Đến khi hai nhân vật Lý Toét và Xã Xệ xuất hiện trên mặt báo ở Hà Nội thì hình ảnh của ông Lý, ông Xã cũng đã bị ảnh hưởng mà mang thêm tính hài hước và lối nói ông xã nhà tôi, ông xã nhà em của một số bà, ngoài tính chất thân mật còn mang thêm sắc thái đùa cợt. Khi lối nói này dần dần phổ biến thì nó cũng không còn là riêng của các bà để chỉ các ông nữa mà trở thành một lối nói chung của mọi người vì ai cũng có thể dùng hai tiếng ông xã để chỉ chồng của một người đàn bà. Và khi ông xã đã là chồng thì đối lại, bà xã phải là vợ.

Lối nói trên đây, theo chúng tôi phát sinh ở miền Bắc rồi về sau (từ năm 1954?) mới du nhập vào Nam chứ vốn không phải là lối nói riêng của phương ngữ Nam Bộ.