Nói về “tứ tung”, từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên định nghĩa: “Tứ tung: 1. Ở bất cứ chỗ nào, khắp mọi nơi. Nhà dột tứ tung… 2. Lộn xộn, bừa bãi, chỗ nào cũng thấy có, không theo một trật tự nào cả (thường nói về đồ đạc)”.

Nếu chỉ dừng lại ở định nghĩa trên thì hầu như mọi người đều sẽ hiểu “tứ tung” là một từ láy để chỉ sự vung vãi, tràn khắp. Chính vì thế mà người ta còn ghép nó với “lung tung” tạo thành “tứ lung tung” (!).

Sau tiếng nổ, container lật như phim, bia văng tứ tung

Thực chất, “tứ tung” là một từ gốc Hán, xuất phát từ câu “tứ tung ngũ hoành” (bốn đường dọc, năm đường ngang), vốn để chỉ một phương cách cầu an. Theo tác giả Hoàng Tuấn Công thì khi phải đi ra đường mà không chọn được ngày giờ cũng như hướng xuất phát, người ta sẽ đứng trang nghiêm trước cổng, tặc lưỡi ba mươi sáu lần rồi vạch lên không trung bốn đường dọc (tứ tung) cùng năm đường ngang (ngũ hoành); sau đó niệm chú cầu thần linh che chở và đi thẳng, không quay đầu lại. Dân gian tin vậy sẽ tránh được tai hoạ dọc đường.

Vậy tại sao từ “một phương cách cầu an”, “tứ tung” lại trở thành từ để chỉ sự lộn xộn? Đó có lẽ do “tứ tung ngũ hoành”, tức bốn đường dọc và năm đường ngang đan vào nhau như một tấm lưới đã tạo ra cảm giác bao phủ, rộng khắp, đâu cũng có, rồi từ đó hình thành nên sắc thái “bừa bộn khắp nơi”.

Cũng nói thêm, “tung” ở đây vốn viết bằng chữ Hán 縦, có nghĩa gốc là “dọc”, cũng đã xuất hiện trong nhiều từ khác như “trục tung”, “tung hoành”, “nổ tung”, “tung lên”, “tung bay”,.. và cả “lung tung”. Đặc biệt, “lung tung” vốn là từ Hán Việt viết bằng hai chữ 巃嵷, với nghĩa gốc là “thế núi cao hiểm trở”. Còn “hoành” vốn viết bằng chữ Hán 横, có nghĩa gốc là “ngang” cũng xuất hiện trong nhiều từ như “trục hoành”, “cơ hoành”, “hoành hành”,…

(Tham khảo bài viết của Thạc sĩ Phạm Tuấn Vũ và từ điển Hán Nôm)