Trong phim “Bao Thanh Thiên”, khi đến phần xử trảm các phạm nhân, có các loại bàn xắt thuốc, xắt cây có mang hình đầu rồng, đầu cọp và đầu chó (long đầu, hổ đầu và cẩu đầu) mà theo chữ Hán là 鍘 (zhá). Khi thuyết minh thì chữ này thường được dịch là “đao”, “trảm”. Vậy chữ 鍘 (zhá) này đọc theo âm Hán Việt như thế nào mà trong một số từ điển Hán Việt tôi không tìm thấy? Một số bạn bè của tôi cũng thắc mắc như tôi và mong được giải đáp.

Hán-Việt tân từ-điển của Nguyễn Quốc Hùng đã ghi nhận âm trát cho chữ 鍘 và giảng như sau: “Cái liềm cắt cỏ. Ta có người đọc trắc”. Âm của chữ này đúng là trát nhưng nghĩa của nó thực ra không phải là “cái liềm cắt cỏ” như nhà biên soạn này đã giảng. Đó là con dao xắt thuốc, xắt cây cỏ đúng như ông đã viết, một đầu thì cố định còn đầu kia thì có cán, có thể nhấc lên, đè xuống được. Vì con dao để xử trảm tội nhân cũng có hình dạng như thế nên nó cũng được gọi là trát (long đầu trát, hổ đầu trát, cẩu đầu trát: lóngtóuzhá, hutóuzhá, goutóuzhá). Chữ trát 鍘 vốn là một động từ có nghĩa là xắt thành lát mỏng hoặc khúc nhỏ, rồi có nghĩa rộng là chặt. Nó đã được kết hợp với danh từ đạo thành từ tổ danh từ trát đao để chỉ con dao xắt thuốc, từ tổ này về sau lại nói tắt thành trát với tính cách là một danh từ (để chỉ con dao đã nói).

Vậy khi Bao Công hô “kāizhá” (khai trát = mở tấm vải đậy và nhấc lưỡi dao lên) là ông dùng danh từ zhá (trát) còn khi ông ném cái thẻ về phía trước và hô “zhá” (trát, chứ không phải “trảm” = chặt, chém) là ông dùng động từ “zhá” (trát).

Cuối cùng xin nói thêm rằng xét theo từ nguyên thì chữ trát 鍘 này chỉ là một với chữ trát 札 có nghĩa là cái thẻ, là công văn, giấy tờ. Cái nghĩa gốc xa xôi của nó không phải gì khác hơn là cái lát mỏng được “trát” (= xắt) từ một vật dày hơn mà ra (Vậy lát là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 札 mà âm Hán Việt hiện đại đọc là trát).