Chúng ta thường dùng câu “Bắt cá hai tay” để chỉ những người bội bạc, không chung thuỷ, đã có nhân tình này lại đèo thêm nhân tình khác. Có người cắt nghĩa rằng câu này bắt nguồn từ nghề chài lưới. Khi gặp ụ cá lớn, người nông dân sẽ dùng cả hai tay, mỗi tay bắt một con cá. Từ hình ảnh trên mà ta có nghĩa bóng là không chung tình, phản bội. Tuy nhiên, nếu ngẫm kĩ ta sẽ thấy cách giải thích này không đúng lắm.
Trong cách dùng từ của người Việt Nam, cấu trúc “hành động + hai tay” được hiểu là dùng cả hai tay phối hợp để làm chung một hành động. “Giã gạo hai tay” là dùng hai tay cầm một cái chày mà giã gạo. “Ném bóng hai tay” là dùng hai tay ném một quả bóng. “Nhận hai tay”, “đưa hai tay” là dùng cả hai tay để nhận, đưa cùng một món đồ. Cứ như đó mà suy, thì “bắt cá hai tay” phải là dùng hai tay bắt chung một con cá chứ không thể nào là hai tay hai cá được. Nếu là mỗi tay một con cá, người ta đã dùng là “hai tay hai cá” rồi. Vậy rõ ràng cách lý giải trên là không hợp lý.
Nhưng như vậy phải phân tích thế nào cho ổn? Vì nếu “bắt cá hai tay” là hai tay cùng bắt một con cá, thì đâu có liên quan gì đến chuyện lăng nhăng, bội bạc? Thực tế, đây là một trường hợp rất thú vị do hiện tượng đồng âm khác nghĩa gây nên. “Cá” ở đây không phải là con vật bơi dưới nước mà chính là “cá độ”, “cá cược”. Còn “hai tay” cũng không phải để chỉ hai cánh tay mà là hai bên tham gia. Thông thường khi đánh cược, người chơi chỉ chọn đặt cược (bắt cá) một bên, kèo trên hoặc kèo dưới. Ở đây lại có người “bắt cá hai tay”, tức đặt cược cả hai bên để bảo đảm cỡ nào mình cũng không thiệt. Từ hành động đó mới có nghĩa bóng là lăng nhăng, không chung thuỷ.
Nói về sự tham lam, đa tình, ta còn có các câu nói như “chân đạp hai thuyền”, “đồ con dơi”. Riêng câu “đồ con dơi” không chỉ nói về chuyện tình cảm, mà để ai những ai hay phản bội. Truyện kể khi chim và thú đánh nhau, lần đầu chim thắng, dơi nói: “Tôi là chim vì tôi có cánh”. Lần sau thú thắng, dơi lại phân trần: “Tôi là thú vì tôi có vú”. Chim và thú nghe vậy biết dơi là tên bội bạc, nên cùng nhau xúm lại đánh dơi. Câu “đồ con dơi” có từ ngày đó.