Phong trào tân nhạc tại miền Nam vào thập niên 50 – 60 ở thế kỷ trước có hiện tượng khá đặc biệt. Đó là sự xuất hiện của nhiều cặp vợ chồng đều là những ca-nhạc sĩ, họ cùng sinh hoạt chung với nhau trong lĩnh cực sáng tác và ca hát, tiêu biểu là những cặp đôi nổi tiếng như Châu Kỳ – Mộc Lan, Mạnh Phát – Minh Diệu, và đặc biệt nhất là Nguyễn Hữu Thiết – Ngọc Cẩm thường được gọi là Đôi song ca miền Thùy dương.  Cặp đôi Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết không những được khán giả yêu mến vì họ song ca rất ăn ý trong nhiều ca khúc bất hủ, mà còn ở tài năng, đức độ và tình nghĩa chung thủy vợ chồng.

Nguyễn Hữu Thiết – Ngọc Cẩm dìu nhau đến cuối đường trần (Hà Đình Nguyên) | Thanh Thúy

Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết sinh năm 1928 tại Phan Thiết; quê gốc của ông tại Triệu Phong, Quảng Trị. Từ nhỏ đã có năng khiếu ca hát, nên khi theo học bậc trung học ở Huế và được một giáo sư âm nhạc người Pháp tận tình dạy bảo, ông rất vững về nhạc lý.

Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, Nguyễn Hữu Thiết đang theo học ban Tú tài, ông bỏ học ôm đàn cùng bạn bè như Nguyễn Hữu Ba, Phạm Duy, Bùi Công Kỳ… tham gia phong trào văn nghệ yêu nước ở Huế.

Lúc chiến tranh lan rộng đến Huế, ông đã cùng nhóm bạn bè văn nghệ này kéo nhau lên chiến khu Tuyên Hóa ở Quảng Bình tiếp tục tham gia phục vụ kháng chiến. Chính tại đây, ông gặp lại cô ca sĩ Ngọc Cẩm (sinh năm 1931, quê Phú Vang, Huế) mà trước đây, họ đã từng mến mộ nhau trong những ngày tháng sinh hoạt văn nghệ ở Huế. Cả hai chính thức kết hôn vào năm 1948, lễ cưới diễn ra ngay trong chiến khu.

Cuối năm đó, đôi uyên ương còn theo đoàn quân tình nguyện ra tận các chiến khu ở Tuyên Quang, Thái Nguyên… Tuy nhiên, đến cuối năm 1953 do sức khỏe của Ngọc Cẩm không cho phép theo đuổi cuộc kháng chiến trường kỳ, cấp trên đã cho phép vợ chồng họ được trở về hoạt động ở Liên khu 4.

Năm 1953, cả hai về Huế cùng hoạt động âm nhạc, họ thường  xuất hiện trên Đài phát thanh Huế. Tại đất Cố đô, đôi uyên ương lao vào khổ luyện, quyết tâm tạo cho mình một phong cách song ca thật độc đáo. “Gia tài” quý hiếm của họ chính là những ca khúc yêu nước mà trước đó đã từng theo họ rong ruổi trên bước đường phục vụ chiến đấu. Các ca khúc này được họ thổi vào thanh niên Huế như một luồng gió mới và nhanh chóng được đón nhận. Tuy nhiên, mảnh đất Thần kinh vốn chật hẹp, hầu như không đủ chỗ để đôi uyên ương này vẫy vùng, múa hát, và vì thế cả hai quyết định vào Sài Gòn.

Đến Sài Gòn năm 1955, họ trở thành đôi song ca rất ăn khách. Tại đây Nguyễn Hữu Thiết thành lập Ban dân ca Nguyễn Hữu Thiết quy tụ nhiều ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng. Ông cũng phát hành 4 băng nhạc Nguyễn Hữu Thiết; những băng nhạc này có lối hòa âm rất đặc trưng, đa số là những bài hát ca ngợi quê hương và tình yêu đôi lứa. Thời bấy giờ, sản phẩm ca nhạc  được sản xuất bằng loại đĩa nhựa 45 vòng/phút, đến băng nhựa Akai và Cassette, đây là những “nhịp cầu” giúp tiếng hát Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết đến với đông đảo công chúng hơn.

Với dáng người dong dỏng cao, giọng trầm ấm, ông thường lên sân khấu với cây đàn guitar thùng bên cạnh vợ là Ngọc Cẩm có tiếng hát cao vút. Giọng Huế của nữ ca sĩ khi nói hơi khó nghe đối với người miền Nam, nhưng khi giọng của cô cất lên thì rất thánh thót và truyền cảm. Những người lứa tuổi U60 trở lên chắc không thể quên được phong cách biểu diễn của đôi song ca một trầm, một bổng hòa quyện vào nhau, và dường như không thể tách rời, bởi cả hai người đều từng thu âm riêng từng người, nhưng dấu ấn để lại không thể nào đậm nét như khi hát song ca, đặc biệt là với những ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ như Gạo Trắng Trăng Thanh, Trăng Rụng Xuống Cầu, Múc Ánh Trăng Vàng… và nhiều bài hát đã gắn liền với tên tuổi của họ như Bến Duyên Lành, Đường Về Hai Thôn, Tình Lúa Duyên Trăng, Trăng Về Thôn Dã, Tình Mùa Hoa Nở… Đặc biệt nhất là ca khúc Gạo Trắng Trăng Thanh rất được đông đảo công chúng đón nhận:

“Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm trường mênh mang

Ai đang say, chày buông rơi, nghe tiếng vơi tiếng đầy

Ai đang đi, trên đường đê, tai lắng nghe muôn câu hò đê mê

Vô đây em, dù trời khuya anh nhớ đưa em về…”

Bản nhạc phổ biến đến độ mà có ai đó ở Sài Gòn đã “chế” thành câu hát vui:

“Ai đang đi trên cầu Bông, rớt  xuống sông ướt cái quần ni-lông

Vô đây em, dù đường khuya anh vẫn đưa em về”.

Về sau, khi phát hành tờ nhạc ca khúc này, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ghi lời đề tựa: “Riêng tặng hai bạn Nguyễn Hữu Thiết – Ngọc Cẩm, đôi giọng Nam Thương đã gieo trên dđất đầy chim chóc nầy vô vàn âm thanh, đậm lòng như những bát cơm quê hai màu khoai sắn.”

Không chỉ là ca sĩ, Nguyễn Hữu Thiết còn là nhạc sĩ với nhiều ca khúc bất hủ như  Ai Đi Ngoài Sương Gió, Chàng Là Ai,  Tìm Mãi Thương Yêu…Ca khúc được nhiều người yêu thích là Ai Đi Ngoài Sương Gió. Đây là một nhạc phẩm buồn, như là một lời tâm tình cho chính bản thân mình. Có người cho rằng khi vẽ nên hình ảnh người đi ngoài sương gió trong nhạc phẩm này, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết đã ngầm ví đó là chính mình – người đang bươn chải trên con đường cầm ca, bị gió mưa vùi dập… Tuy nhiên, kết thúc bài hát vẫn là một niềm tin hy vọng vào một mai ngày mưa thôi rơi:

“Dù trời còn mưa rơi đừng buồn lòng ai ơi

Ta vẫn tươi cười rồi ngày trời thôi mưa

Đời lại đẹp như thơ quyến luyến trong mơ

Ấm êm tâm hồn hát câu yêu đời.”

Được biết 2 ca khúc Gạo Trắng Trăng Thanh Trăng Rụng Xuống Cầu do hãng đĩa Asia phát hành trên khắp Đông dương thời đó đã bán được hàng triệu đĩa, con số đó vẫn chiếm kỷ lục cho đến ngày nay.

Sau năm 1975, Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết thành lập Đoàn ca múa nhạc tổng hợp Hương Miền Nam để đi diễn ở khắp các miền quê với sự cộng tác của nhiều ca sĩ tài danh.

Nguyễn Hữu Thiết

Hoạt động âm nhạc của Nguyễn Hữu Thiết – Ngọc Cẩm không chỉ có “bề nổi” làm người ta chú ý mà chính sự chung thủy, chung vai sát cánh bên nhau của hai ông bà khiến cho công chúng quý trọng, nể phục. Tiếng hát của họ quyện vào nhau từ thời còn son trẻ cho đến lúc ông bước qua ngưỡng “cổ lai hy”, được người khác dìu lên sân khấu, ngồi vào chiếc ghế gỗ. Bà vẫn đứng hát bên cạnh ông nhưng giờ đây, không chỉ có hai giọng hát mà hòa vào làn hơi ấy còn có tiếng hát của nữ ca sĩ Hồng Hạnh – cô con gái yêu của họ.

Với khoảng 200 ca khúc, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết đã để lại cho đời những giai điệu đậm đà tình dân tộc, những lời ca chan chứa thương yêu. Ông đã qua đời vì bạo bệnh vào lúc 20 giờ ngày 31-10-2002.Ca sĩ Ngọc Cẩm cũng vừa mới qua đời ngày 2/11/2020, hưởng thọ 91 tuổi. Ca sĩ Hồng Hạnh là con gái thứ hai của họ tiếp nối “nghiệp cầm ca” của bố mẹ và rất nổi danh trên sân khấu ca nhạc Sài Gòn từ thập niên 80-90 của thế kỷ trước.