Hầu hết các Quốc gia trên Thế giới đều có tục lệ tổ chức lễ lạt trọng thể, hội hè tưng bừng và tiệc tùng linh đình vào ngày Mồng Một tháng Giêng mỗi năm, mà chúng ta gọi là Tết Nguyên Đán.Tết do chữ Tiết (chỉ thời tiết) mà ra, ở đây có nghĩa là Lễ Hội hàng năm. Nguyên là bắt đầu và Đán là buổi sáng mai. Như thế, Tết Nguyên Đán chính là ngày Lễ Hội mở đầu cho một mùa xuân mới, một năm mới. Bởi vậy ta mới có câu ‘Cung Chúc Tân Xuân’, đồng nghĩa với câu ‘Cung Chúc Tân Niên‘.

Tuy nhiên thời điểm và cung cách ăn Tết Nguyên Đán mỗi nơi mỗi khác.

duahau

Riêng tại Việt Nam, tục lệ ăn Tết Nguyên Đán đã thực sự trở thành ngày hội lớn của dân tộc mà chúng ta gọi nôm na, thân mật là Tết Ta hay Tết Âm Lịch,* để đối lại với Tết Tây, là Tết Dương Lịch của người phương Tây.

Chúng ta đều biết, một năm có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, luân lưu trôi chảy… Đông hết Xuân sang, năm hết Tết đến. Tết Nguyên Đán của ta diễn ra khoảng từ 21 tháng Giêng đến 19 tháng Hai Dương Lịch. Căn cứ theo khí hậu miền Bắc ở nước ta, đây thật là khoảng thời gian thuận lợi đủ đường, được cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Chẳng thế sao? Này nhé, vạn vật thiên nhiên theo thời tiết bốn mùa mà thay đổi. Những ngày đông xám rét mướt qua đi; xuân về, bầu trời trở lại trong xanh, thời tiết ấm áp, nắng mới xôn xao, cây cỏ đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua nở thắm xinh, yến oanh líu lo ca hát, ong bướm dập dìu bay lượn, và theo với gió Xuân, hương phấn hoa đồng cỏ nội tỏa bay thơm ngát không gian.

Trước cảnh vạn vật đang tưng bừng reo vui đổi mới ấy, lòng người cũng thấy rộn ràng, hòa theo mạch sống đang tràn dâng của thiên nhiên mà mừng vui đón mùa Xuân mới.

Đã vậy, Tết Nguyên Đán lại rất phù hợp với đời sống nông nghiệp ở xứ ta. Xuân về, Tết đến cũng là lúc mùa màng vừa hoàn tất:

– Khéo thay công việc nhà quê.
Quanh năm khó nhọc, dám bề khoan thai.

Tháng Năm gặt hái vừa rồi.
Bước sang tháng Sáu nước trôi đầy đồng.

Tháng Tám lúa trổ đã đành.
Tháng Mười cắt hái cho nhanh kịp người.
Khó khăn làm mấy tháng trời.
Lại còn mưa nắng bất thời chờ trông.
Cắt rồi nộp thuế nhà nông.
Từ rày mới được yên lòng ấm no.

Dân quê quanh năm làm lụng vất vả chân lấm tay bùn, hai sương một nắng, lại thêm bao nỗi lo lắng vì thời tiết bất thường, thuế má, nợ nần phải trang trải. Nay nông vụ tháng năm đã thành công, nông vụ tháng mười cũng đã được hoàn tất tốt đẹp, mọi chuyện đều đâu vào đấy. Vừa lúc được nghỉ ngơi, rảnh rỗi thì đúng dịp Xuân về, Tết đến bảo sao nhà nông không hoan hỉ ăn Tết mừng Xuân, vui chơi hội hè đình đám kéo dài cả tháng cho bỏ những lúc đầu tắt mặt tối, ăn nhịn để dành:

– Tháng Giêng là tháng ăn chơi.

– Tháng Giêng ăn Tết ở nhà
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè.

Không chỉ nhà nông ta mới ăn Tết thưởng Xuân mà mọi giới, mọi ngành nghề trong xã hội: Sĩ, Nông, Công, Thương, hết thảy đều nao nức, say sưa nhiệt tình đón Tết, vui Xuân:

– Tết chẳng riêng ai, Tết mọi nhà.

– Vui Xuân, vui cả một trời.

Quả thật, hiếm có một dân tộc nào trên thế giới này lại ăn Tết kỹ và điệu như dân Việt mình.

Ai đã từng sống ở quê hương những năm thanh bình, có hòa mình vào lòng dân tộc mới mong thấy (bằng cả tình cảm lẫn lý trí) được hết cái nao nức, cái trang trọng, cái thi vị, cái thâm thúy của người dân Việt trong diễn trình sửa soạn đón Tết, lễ Tết, ăn Tết và thưởng Xuân. Và đây chính là lúc bản sắc dân tộc biểu lộ rõ nét nhất.

Để sửa soạn đón Tết, các bà nội trợ ngay từ đầu tháng Chạp đã lo sắm sửa giày dép, áo quần mới cho gia đình; mua sẵn một số thực phẩm khô như nấm hương, măng khô, bóng, miến, mực cùng vài sóc tôm he… để dành nấu cỗ.

Giữa tháng Chạp, các bà lo muối vại dưa hành, ngâm hũ củ cải dầm hay lọ dưa món. Những ngày giáp Tết thì ngoài nồi cá kho riềng, nồi thịt bò hầm gừng, gói vài đòn giò thủ…; các bà còn làm mứt: mứt sen, mứt bí, mứt gừng, mứt dừa… đủ cả. Cuối cùng là nồi bánh chưng. Nồi bánh chưng vất vả nhất nên mấy cô con gái đều phải xúm vào giúp mẹ; mỗi người một tay, kẻ rửa lá, tước lạt, kẻ đãi đậu, ướp thịt, gói bánh… cuối cùng thì mấy chục thệp bánh cũng xong.

Đêm 29 Tết, cả nhà ngồi quây quần bên nồi luộc bánh, chuyện nổ như pháo ran, quên cả buồn ngủ. Sáng 30 Tết, vừa vớt và nén bánh xong (cho ráo và rền), các bà đã bắt sang chuyện sửa soạn cỗ bàn cho kịp buổi chiều cúng gia tiên.

Các ông bố và đám con trai thì từ cả tuần lễ trước đã lo đi mua pháo và dọn dẹp, sơn phết nhà cửa cho được khang trang. Gần Tết thì mấy cái chân nến cùng lư hương, đỉnh trầm bằng đồng được đánh bóng loáng; bàn thờ ông vải được lau chùi cẩn thận. Những bài vị ghi tên tuổi, chức phận và ngày sinh ngày mất của tổ tiên cùng thân quyến quá cố được bày ra, đặt trên ngai.

Tết đến, bàn thờ còn được trang hoàng lộng lẫy thêm bằng hai bình hoa đặt hai bên góc và một mâm bồng ở chính giữa, chưng đầy ngũ quả như cam sành, quít đường, phật thủ và một chùm sung cùng nải chuối cau. Ngũ quả tượng trưng cho ngũ phúc: Phú – Quí – Thọ – Khang – Ninh. Trong khi đó người miền Nam lại ưa chưng theo truyền thống: Mãng cầu, sung, dừa xiêm, đu đủ, xoài với ngụ ý – Cầu xin vừa đủ xài –, ngoài ra, nhất thiết phải có quả dưa hấu đỏ; còn cam, quít, vú sữa, mận (roi)… thì tùy hỉ.

Xưa ở xứ ta vào dịp Tết có tục lệ trang hoàng nhà cửa bằng những câu đối, viết chữ đại tự đen trên nền giấy đỏ thẫm, thường do chính gia chủ sáng tác, hoặc xin chữ nơi các vị khoa bảng đã về hưu (mỗi chữ thường phải trả một lạng bạc, nếu là chữ đại tự để khắc hoành phi phải trả tới một lạng vàng). Chỉ có người bình dân mới mua câu đối do các ông đồ, thầy khóa viết sẵn, bán ngoài chợ Tết.

Những câu đối chữ Hán như:

– Niên niên tăng phú quý
Nhật nhật hưởng vinh hoa.

hoặc:

– Xuất môn nghênh bá phúc.
Nhập hộ chúc tam đa. (Phúc – Lộc – Thọ)

hay câu đối chữ Nôm như:

– Oanh ca yến múa, mừng Xuân trẻ
Nước thịnh dân giàu, hưởng phước chung. v.v…

Dân ta còn thích treo tranh dân gian Đông Hồ, vẽ trên giấy điệp, in theo lối mộc bản với đủ màu sắc tươi thắm mà vẫn dịu mát, vì tranh xưa in bằng mầu lấy từ thảo mộc và khoáng sản ra. Tranh Tết đề tài rất phong phú. Ngoài những tranh vẽ giai cảnh như: Mai – Lan – Cúc – Trúc, hay Mai – Hạc, Phù Dung – Trĩ… để chỉ bốn mùa; hoặc tranh thờ như: Tranh Phật, Bạch Hổ, Quan Công…; tranh lịch sử như: Bà Trưng, Bà Triệu, Hưng Ðạo, Quang Trung…; tranh khôi hài, châm biếm như: Thầy đồ cóc, đám cưới chuột, hứng dừa v.v… Còn có các loại tranh chúc tụng như: Gà trống giương oai (tiếng gà phát âm Hán Việt là kê, nghe như tiếng cát, nghĩa là may mắn, tốt đẹp); gà trống còn tượng trưng cho năm đức tính: Văn – võ – dũng – nhân – tín (Văn: Gà trống có mào, giống mũ triều phục của các quan văn; Võ: Gà trống ưa đá lộn; Dũng: Khi chọi nhau không bao giờ bỏ cuộc; Nhân: Kiếm được mồi bao giờ cũng gọi chia phần cho gà mái và đàn gà con; Tín: Sáng nào cũng gáy đúng giờ, như cái đồng hồ báo thức, nhắc mọi người trở dậy làm việc); tranh Gà, Lợn đủ mẹ và bầy con (tượng trưng cho sự no đủ, hạnh phúc); tranh thằng bé ôm quả đào tiên (mong trường thọ) v.v… tất cả đều ngụ ý cầu chúc đem lại điềm lành cho gia đình. Có nhà lại treo tranh hai ông tướng Thần Ðồ, Uất Lũy tay cầm khí giới, dán hai bên cửa ngõ để trấn nhà, trừ ma quỷ quấy phá.

Muốn tăng thêm vẻ rực rỡ và ý nghĩa cho ngày Tết, dân ta còn ưa chưng nơi phòng khách một bình Mai vàng thiệt lớn (ở miền Bắc là cành Đào), trên cài những cánh thiệp chúc Tết; và đôi chậu Cúc Vạn Thọ ở hai bên thềm cửa ra vào; vì hoa mai, hoa đào có màu sắc lộng lẫy, màu của hỷ tín, tượng trưng cho sự may mắn; còn vạn thọ, tiêu biểu cho sự sống lâu.

Các cụ ông thì từ hai, ba tuần lễ trước Tết đã lăng xăng chăm sóc mấy chậu Lan đất hay mấy giỏ Phong Lan, cùng lo tước bỏ hết lá trên cây Mai già ngoài vườn để cho hoa kịp nở rộ vào đầu năm mới. Các cụ bà thì lo gọt tỉa mấy giò Thủy Tiên dành để lễ Giao Thừa.

Trong nhà đã nhộn nhịp như thế, ngoài đường phố, nhất là chợ Tết còn sầm uất, huyên náo đến đâu, vì gia đình ai mà chả phải sắm Tết. Khu chợ Tết nào cũng kẻ mua người bán tấp nập suốt ngày. Nhưng ồn ào nhất phải kể là khu chợ gà lợn và rực rỡ, thanh lịch nhất phải kể là khu chợ hoa.

Thôi thì đủ loại hoa, đủ màu sắc, mặc sức chọn lựa, nào Hồng, nào Huệ, nào Glaieul, Thược Dược… nào những giò Thủy Tiên, những chậu Cúc, Phật Thủ, Quất… Riêng những cành Đào (miền Bắc) hay những cành Mai vàng (miền Trung và Nam) tuy được bán rất nhiều song lại rất mắc, vì đây là hai loại hoa Tết truyền thống của dân tộc, gia đình nào cũng muốn mua ít nhất một hai cành để bày trong nhà vào những ngày đầu năm.

Những nhà buôn bán lớn thì cố kén cho được một hai chậu quất thật lớn, màu vàng hực, trĩu trít những quả. Cây nào có đủ cả quả to, quả nhỡ, quả nhỏ, điểm thêm một ít nụ hoa nữa mới là quý, vì chúng đang mỗi ngày một tăng trưởng, một kết tụ, tượng trưng cho sự làm ăn mỗi ngày một phát tài sai lộc.

Trong Nam còn có tục lệ mở chợ Tết tới khuya, đông nhất vẫn là khu chợ hoa. Giờ này không khí mát mẻ, dưới ánh đèn muôn màu, trai thanh gái tú áo quần chưng diện, dập dìu đi lại, nói cười lẫn trong hoa, tạo nên một hoạt cảnh vô cùng thơ mộng, tình tứ. Quả thực lúc này người đi sắm Tết thì ít mà người đi ngắm hoa thiên nhiên, nhất là những bông hoa biết nói thì nhiều.

Hết chuyện mua sắm, đi chợ Tết đến chuyện biếu xén. Người Việt ta cứ đến những ngày giáp Tết lại có lệ biếu Tết. Người ta không chỉ biếu Tết những vị trưởng thượng trong gia tộc như ông bà, cha mẹ, cô bác; những người ơn nghĩa như thầy thuốc, thầy giáo, cùng những nơi làm ăn hay những chàng rể tương lai phải sêu Tết nhà vị hôn thê; mà người ta còn biếu Tết cả các bạn bè thân cùng bà con lối xóm. Nhiều người gọi đùa đây là tục trao đổi văn hóa. Cũng vì có sự biếu qua, biếu lại này mà đôi khi vật hoàn cố chủ. Thật là vui!

Thế là cả một Dân tộc đang say sưa sửa soạn đón Tết, dẫu có phải bận rộn đến mấy người ta vẫn tươi cười vui vẻ, vì trong lòng ai giờ này cũng đang xốn xang, nao nức chờ đón năm mới sắp đến.

Thật đúng là:

– Vui từ trong cửa vui ra
Vui từ ngã bảy, ngã ba vui về.

(Chữ buồn trong câu ca dao thứ hai được đổi ra vui cho hợp tình hợp cảnh).

Tết ta không chỉ bắt đầu từ ngày Mồng Một tháng Giêng năm mới mà thực sự không khí Tết nhất đã ngự trị trên đất Việt ngay từ ngày 23 tháng Chạp là ngày Tết Táo Quân rồi.

Cứ đến ngày 23 tháng Chạp, nhà nào cũng cúng ông Táo tức Vua Bếp. Người xưa tin rằng tới ngày này, Vua Bếp gồm hai ông một bà sẽ lên chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế để báo cáo mọi chuyện tốt, xấu trong năm của những người trong gia đình. Ðể tiễn đưa và lấy lòng các vị, người ta cúng cỗ và một bộ vàng mã gồm áo, mão cho hai ông một bà, cùng ba con cá chép, vì theo người xưa, cá chép sẽ hóa long đưa các vị về trời. Cũng vì đó mới có câu:

– Thế gian một vợ, một chồng
Chẳng như vua bếp hai ông một bà.

Ở nước ta, tờ báo Xuân đầu tiên ra đời là tờ Phụ Nữ Tân Văn Xuân Canh Ngọ (1930) do bà Nguyễn Đức Nhuận chủ trương tại Sài Gòn. Từ đó các báo mới bắt chước, dần dần trở thành thông lệ. Hễ Xuân sang Tết đến là báo Xuân xuất hiện. Đặc biệt hầu hết các báo đều dựa vào chuyện Táo Quân lập bô để đẻ ra mục sớ Táo Quân mà tổng kết mọi chuyện trong nước hay trên khắp thế giới; đôi khi nhân đó mà ngụ ý mỉa mai, châm biếm hay hài hước mua vui.

Sau Tết Táo Quân, bà con từ Bắc chí Nam đều lo đi tảo mộ. Người Việt không đi tảo mộ vào Tết Thanh Minh tháng Ba như người Trung Hoa mà đi tảo mộ vào cuối năm. Từ ngày 25 tháng Chạp trở đi, ngày nào tốt trời, bà con trong mỗi gia tộc lại họp nhau đi tảo mộ, tức đi quét dọn, sửa sang lại mộ phần của tổ tiên cùng các thân nhân quá cố. Xong đâu đấy họ thắp hương, dâng lễ và khấn khứa cung thỉnh vong linh các vị về ăn Tết.

Cũng từ ngày 23 tháng Chạp trở đi, bà con thôn quê còn có tục dựng cây nêu ở trước sân nhà. Cây nêu làm bằng thân tre hay bương, chặt gốc rồi còn cao khoảng 4,5 thước tây. Gần ngọn cây nêu người ta thường treo lủng lẳng một cái vòng lục lạc, có những chiếc chuông, chiếc khánh bằng đất nung và một dải lụa màu làm phướn. Theo tín ngưỡng bình dân, bọn ma quỉ thừa cơ các vị giám sát việc thế gian vắng mặt vì phải đi chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế, bèn lẻn lên toan quấy phá. Nhờ có phướn, có tiếng leng keng của chuông khánh va chạm nhau, ma quỷ tưởng nơi đó có Phật che chở vội vàng rút êm.

Cũng do sự tích trồng cây nêu có liên quan đến tín ngưỡng Phật Giáo nên lễ dựng nêu người ta không cúng mặn mà chỉ cúng hoa quả, xôi chè. Bởi vậy ca dao có câu:

– Cu kêu ba tiếng cu kêu.
Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè.

Người ta trồng cây nêu còn vì tục lệ đón rước vong linh tổ phụ về ăn Tết với con cháu.

Ai cũng biết những đêm Ba Mươi, nhất là đêm Ba Mươi cuối năm, không trăng không sao, trời tối mò, thành ngữ chẳng có câu: – Tối như đêm Ba Mươi Tết -? Bởi thế, trên cây nêu, ngoài bộ lục lạc, người ta còn treo thêm một ngọn đèn dầu, được thắp sáng mỗi đêm để hướng dẫn linh hồn ông bà, ông vải biết đường tìm về nhà.

Chiều Ba Mươi Tết, nhà nào cũng cỗ bàn thịnh soạn, trước là để cúng gia tiên, cung thỉnh vong linh các vị về ăn Tết cùng con cháu; sau để con cháu thừa hưởng lộc các cụ trong cảnh đoàn viên. Vì tới chiều Ba Mươi Tết, dù ai đi buôn bán, làm ăn xa cũng đã trở về đoàn tụ dưới mái nhà tổ phụ.

Mâm cỗ Tết không bao giờ thiếu món bánh chưng, giò thủ hay thịt đông cùng món dưa hành theo đúng cổ truyền:

– Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ.
Cây nêu tràng pháo, bánh chưng xanh.

Sau nữa, phải có thêm đĩa cá kho riềng, đĩa thịt bò hầm gừng… cùng các món xào, nấu như măng khô hầm gà nhồi (ngày Tết dân ta không ăn thịt vịt sợ xúi quẩy), su hào thả bóng, măng tươi xào mực khô, nem rán… Cả gia đình ông bà, cha mẹ, con cái ăn uống, chuyện trò say sưa. Tiệc vừa tàn thì quay ra đánh tam cúc, chơi rút bất…. chờ đón Giao Thừa.

Khoảng trước năm 1930, ở ngoài Bắc, từ thành thị đến thôn quê, nhất là những vùng dân cư khá giả, cứ đến đêm Ba Mươi Tết, trong giờ phút mọi người đang sum họp vui chơi dưới mái ấm gia đình, chờ đón Giao Thừa, thì người ta lại nghe thấy vang lên từ ngoài cửa những tiếng lắc ống tre trong đựng những đồng tiền đồng, tiền kẽm… tạo nên một âm thanh rộn rã vui tai, xen lẫn với tiếng hát chúc Tết ‘Xúc xắc xúc xẻ’ của đám trẻ nghèo.

Mỗi khi nhận được tiền thưởng chúng lại bỏ chung vào ống rồi tiếp tục đến cửa nhà khác, vừa đi vừa lắc ống vừa hát lại những điệp khúc cũ:

– Xúc xắc xúc xẻ.
Nhà nào còn đèn còn lửa.
Mở cửa cho chúng anh em tôi vào.
Bước lên giường cao.
Thấy con rồng ấp.
Bước xuống giường thấp.
Thấy con rồng chầu.
Bước ra đằng sau.
Thấy nhà ngói lợp.
Voi ông còn buộc.
Ngựa ông còn nằm.
Ông sống một trăm.
Linh năm tuổi lẻ.
Vợ ông sinh đẻ.
Những con tốt lành.
Những con như tranh.
Những con như rối.
Tôi ngồi xó tối.

Tôi đối một câu:

– Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ.
Cây nêu tràng pháo, bánh chưng xanh.

Thế rồi giây phút Giao Thừa đến, tiếng chuông chùa đổ hồi xen lẫn tiếng pháo nổ vang trời chào mừng năm mới.

Giao Thừa là giây phút giao tiếp giữa năm cũ và năm mới. Theo tín ngưỡng bình dân, mỗi năm trên thiên đình lại cho thay đổi vị hành khiển nơi hạ giới. Sự bàn giao diễn ra giữa đêm Giao Thừa nên lễ này còn gọi là lễ Trừ Tịch (Trừ là giao lại chức quan, Tịch là ban đêm), hay lễ Tống Cựu Nghinh Tân, để tiễn đưa quan quân nhà Trời năm cũ trở về và đón tiếp phái đoàn năm mới đến, người ta thiết lễ ở ngoài trời đủ cả xôi gà, hoa quả, bánh mứt vì sợ có nhiều vị đi, về vội vã chưa kịp ăn uống.

Lễ thiên thần ngoài trời xong, người ta đốt pháo mừng năm mới rồi quay vào nhà lễ Thần Chủ và Gia Tiên. Tiếng pháo vẫn tiếp tục nổ rền khắp đây đó.

Trên bàn thờ Gia Tiên đèn nến sáng trưng, trầm hương ngào ngạt. Những lễ vật như vàng mã, hoa quả, bánh chưng, kẹo mứt đã được bày sẵn từ chiều; gia chủ chỉ còn phải thay cơi trầu mới, châm tuần rượu và tuần trà mới, đoạn thắp thêm hương và bắt đầu hành lễ. Không khí lễ gia tiên lúc này thật nghiêm trang và cảm động. Cả nhà đều hiện diện, áo quần chỉnh tề, người gia trưởng trịnh trọng khấn vái trước bàn thờ tổ tiên và cầu xin các vị phù hộ cho đàn con cháu một năm mới được an khang, thịnh vượng.

Con cháu tuần tự theo thứ bậc tiến lên lễ rồi quay ra chúc Tết ông bà, cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo và biết ơn đối với các đấng sinh thành, theo đúng tinh thần đạo thờ Ông Bà của người Việt ta:

– Cây có gốc mới nẩy cành, xanh ngọn.
Nước có nguồn mới bể rộng, sông sâu.
Người ta nguồn gốc ở đâu.
Có tổ tiên trước rồi sau có mình.

Sau đó, con cháu cũng được ông bà, cha mẹ chúc lại và cho tiền mừng tuổi, đựng trong những chiếc phong bao đỏ ối. Cả gia đình đều vui vẻ chuyện trò, nói cười hỉ hả; ăn mứt uống rượu hay uống trà để mừng năm mới. Nhiều nhà có trẻ nhỏ thì tổ chức chúc Tết ông bà, cha mẹ và mừng tuổi con cháu vào sáng mồng một Tết.

Ở thôn quê, người ta lễ Giao Thừa nơi đình làng, dưới hình thức tế lễ Thành Hoàng, tức vị thần bảo hộ của dân làng, giữa tiếng chiêng, tiếng pháo nổ vang trời. Sân đình đèn đuốc sáng rực, cờ xí phất phới, nào cờ ngũ hành: Xanh – đỏ – trắng – vàng – đen, nào cờ Tứ linh: Long – Ly – Quy – Phượng… đủ cả. Tục tế lễ Thành Hoàng trong ngày đầu năm để tỏ lòng tri ân và tưởng niệm tiền nhân, người đã có công xây dựng làng xã, là một tục lệ thuần túy Việt Nam, phát xuất từ đạo thờ cúng Ông Bà của dân ta mà ra (người Trung Hoa không hề có lệ này).

Sau lễ Thành Hoàng ở đình, bà con đi hái lộc. Lộc thánh được đem về cắm trên bàn thờ để lấy phước. Cành lộc phải là cành bẻ từ những loại cây sống lâu năm để mong được trường thọ.

Sáng mồng một, gian nhà khách trông tưng bừng hẳn lên vì hoa Đào, hoa Mai nở rộ, tỏa hương thơm ngát khiến người ta có cảm tưởng chúa Xuân đang ngự trị nơi này.

Trên bàn thờ Gia Tiên đèn nến lúc nào cũng được thắp sáng, trầm hương nghi ngút. Sau khi thay trầu, rượu và nước trà mới, người gia chủ lễ Gia Tiên rồi cùng con cháu ra vườn thăm hoa mai để bói hên xui. Nếu không có hoa trên cây ngoài vườn thì người ta bói hoa cắm trong bình. Hoa Mai đơn thường chỉ có năm cánh, nếu thấy hoa nở rộ và có nhiều bông nở đến bảy, tám cánh là một điềm tốt – Hoa khai phú quý -, thời vận gia chủ trong năm mới sẽ lên, con cháu đi làm, đi học đều được tấn phát.

Bói hoa, ngắm cảnh ngoài vườn rồi ông cháu, cha con theo nhau vào nhà chờ người khách đầu tiên đến xông đất.

Và cũng vì tin dị đoan, người ta cho rằng những gì xảy ra trong mấy ngày đầu năm đều có ảnh hưởng tốt, xấu cho cả năm. Bởi thế, nhiều người đã cẩn thận tự xông đất lấy hay mời sẵn một vị tính tình vui vẻ, mau mắn lại có chức phận trong xã hội, sáng Mồng Một đến xông đất cho để lấy hên, với hy vọng suốt năm mới nhà họ mọi việc đều hanh thông, tốt đẹp. Người khách quý ấy đã được đón mừng trịnh trọng bằng một tràng pháo nổ tưng bừng.

Khách đến xông đất ra về, gia chủ mới tính chuyện xuất hành. Có người còn đợi giờ tốt và xem đi hướng nào thì thuận lợi mới xuất hành. Vì là năm mới, lần đầu tiên bước chân ra khỏi cửa nên người ta thường thích đi lễ chùa hay đền miếu để cầu phước cầu duyên và xin lộc, hoặc tự đi hái lộc lấy. Sau đó cứ theo tục lệ mà đi lễ Tết, chúc Tết và ăn Tết:

– Mồng Một thì ở nhà Cha
Mồng Hai nhà vợ, Mồng Ba nhà Thầy.

Ngoài ra, người ta còn đi chúc Tết chỗ bạn bè thân và bà con lối xóm.

Thế là suốt ba ngày Tết, người lớn thì ăn mặc chải chuốt bảnh bao, trẻ em thì quần áo mới xúng xính đi theo cha mẹ. Nhà này đi chúc Tết nhà kia, tạo nên một không khí thật vui vẻ, thật nhộn nhịp. Đúng là – vui như Tết!

Con người ta mỗi năm thêm một tuổi, năm mới đến, người già tăng tuổi thọ, người trẻ thêm tuổi xuân, ai ai cũng hoan hỉ đón nhận:

– Gặp nhau mừng tuổi cho nhau.
Mừng câu hạnh ngộ, mừng câu tính tình.
Mừng tuổi, tuổi lại thêm xinh.
Tuổi ta phú quý, tuổi mình vinh hoa.

Và để chúc Tết nhau, người ta thường xử dụng những lời hay ý đẹp, nhiều khi có sẵn trong kho tàng thành ngữ nước nhà. Chính nhờ giá trị về ý nghĩa và sự phù hợp của chúng nên dù có được lập đi lập lại nhiều lần, người chúc vẫn giữ được vẻ trang trọng, chân tình và người nhận chúc vẫn cảm thấy sung sướng mãn ý. Như:

Chúc các vị cao niên:

– Tăng phúc, tăng thọ.
– Sống lâu trăm tuổi.
– Thân tâm thường lạc.

Chúc nhà nông:

– Mùa màng thịnh vượng.
– Phong đăng hòa cốc.

Chúc người công tư chức:

– Thăng quan tiến chức.
– Vinh hoa phú quý.

Chúc người buôn bán:

– Buôn may bán đắt.
– Nhất bản vạn lợi.

Chúc người làm công nghệ:

– Ăn nên làm ra.
– Phát tài sai lộc.

Chúc người mới đến ngụ cư:

– An cư lạc nghiệp.

Chúc cô cậu thư sinh, đang sửa soạn thi cử:

– Thi đâu đậu đấy.
– Công thành danh toại.

Chúc trẻ em:

– Hay ăn chóng lớn.
– Thông minh học giỏi…

Những người đi chúc Tết bao giờ cũng được gia chủ mời thưởng thức đủ thứ, nào rượu ngon trà thơm, nào hạt dưa bánh mứt, nhất là thứ bánh mứt đặc sắc do chính bà chủ nhà tự tay làm lấy. Gần đến bữa ăn thì được giữ lại xơi cỗ. Người ta ăn cỗ Tết vì tình vì nghĩa, lấy thơm lấy thảo, chứ ngày Tết có ai đói bao giờ!

Cỗ Tết nhà nào cũng thịnh soạn. Nhà giàu cỗ bàn thịnh soạn đã đành, nhà nghèo cũng cố lo mâm cỗ Tết cho được tươm tất. Giỗ cha, bát cơm quả trứng cũng xong, nhưng những ngày Tết nhất, từ tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất, đến người sống: vợ chồng con cháu…, phải được no đủ, nếu không sợ bị giông, sẽ bị đói quanh năm. Câu tục ngữ:

– Đói giỗ cha.
No ba ngày Tết.

Đã diễn tả được hết cảnh ngộ và tâm lý của những người dân nghèo xứ ta trong ba ngày Tết. Và cũng vì sợ giông, tức sợ gặp sự không may tái diễn đi, tái diễn lại quanh năm suốt tháng nên từ phút Giao Thừa trở đi cho đến hết ba ngày đầu năm mới, người ta kiêng đủ thứ, nào là kiêng đổ rác (sợ thần tài ra khỏi nhà), kiêng đánh vỡ chén bát (sợ điềm gia đình ly tán), kiêng bị đòi nợ, kiêng nói tiếng xui xẻo, thô tục, kiêng gắt gỏng, giận hờn, cãi cọ…

– Có thờ có thiêng.
– Có kiêng có lành.

Các cụ ta chẳng đã dạy thế sao?

Và càng kiêng làm những điều xấu bao nhiêu, người ta càng cố gắng trở thành người hoàn thiện, hoàn mỹ bấy nhiêu:

– Nét mặt thì lúc nào cũng tươi tỉnh, vui vẻ.
– Cử chỉ thì dịu dàng, lịch sự.
– Lời nói thì hòa nhã, ngọt ngào.
– Tấm lòng thì cởi mở, độ lượng.

Thế nên vô tình gặp kẻ thù oán, người ta cũng sẵn lòng hỉ xả tha thứ, đổi giận làm vui để giữ hòa khí trong ngày Tết.

Ðúng là:

– Giận đến chết ngày Tết cũng vui.

Trong mấy ngày đầu năm người ta còn có lệ chọn một ngày tốt, hợp với bổn mạng mỗi người để:

– Người văn nhân, khách thi phú thì làm lễ khai bút, thường là sáng tác một câu đối hay một bài thơ mừng Xuân.
– Người buôn bán thì làm lễ khai trương, mở cửa hàng đầu năm.
– Người làm công nghệ, kể cả người theo nghề hát xướng thì làm lễ tổ sư, tức vị tổ trong nghề.
– Người nhà nông thì làm lễ động thổ…

Người ta làm lễ cốt lấy ngày nên sau đó có thể lại tiếp tục nghỉ ngơi để vui chơi ăn Tết.

Kể từ chiều 30 Tết, người ta làm lễ cung thỉnh và đón mừng tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu cho đến ngày tiễn ông bà, ông vải… Ở thôn quê xưa kia thường tổ chức vào ngày lễ hạ nêu, tức ngày Mồng Bảy Tết; ở thành thị vì bận làm ăn sớm, người ta tổ chức vào ngày Mồng Ba hay Mồng Bốn Tết. Trong suốt thời gian này, trên bàn thờ gia tiên hương khói không bao giờ để tắt, và phẩm vật của các con cháu gửi lễ Tết dâng lên đầy ắp. Chẳng những thế, con cháu mỗi ngày lại mỗi dâng lên trà rượu, trầu cau, cỗ bàn mới y như khi các vị còn tại thế. Vì theo tín ngưỡng thờ cúng Ông Bà của dân ta thì vong linh tổ phụ cùng thân quyến quá cố đang hiện diện tại đó, để phù hộ và chứng minh cho lòng thành kính biết ơn của con cháu.

Trong tất cả các lễ vật cúng gia tiên ngày Tết thì bánh chưng là quan trọng nhất, đã trở thành loại bánh Tết truyền thống.

Theo sự tích Lang Liêu, bánh chưng (bánh dầy) bắt nguồn từ lòng hiếu thảo, từ đạo thờ Ông Bà của tổ tiên ta đã có từ rất xa xưa, từ thời các vua Hùng mới lập quốc.

Ngày tiễn ông vải còn gọi là ngày hóa vàng, vì hôm đó bao nhiêu vàng mã bầy cúng trên bàn thờ trong suốt mấy ngày Tết đều được hạ xuống đốt, người ta tin rằng những thứ đốt đi sẽ trở thành thực để tổ tiên ông bà đem theo về miền âm cảnh. Sau ngày hóa vàng, ngày Tết trong gia đình mới thực sự chấm dứt; mọi người lại trở về nếp sống thường nhật.

Tết đến Xuân về, ngoài những tục lệ cúng lễ tại tư gia và tế lễ thần linh nơi làng xã, dân tộc ta còn có tục lệ mở Hội Xuân khắp nơi với các trò chơi (đánh vật, bắt chạch, đánh bài… lấy giải.) gọi chung là bách hí cho dân chúng vui chơi:

– Thái bình mở hội Xuân.
Nô nức khắp xa gần.
Nhạc dâng ca trong điện.
Trò thưởng cuộc ngoài sân.**

và:

– Tháng Giêng là tháng ăn chơi.
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè.

Thật ra thì hội hè nhiều nơi đã mở ra từ đầu tháng Giêng rồi, và chỉ thực sự kết thúc vào ngày 10 tháng 3, là ngày Hội Ðền Hùng.

Như:

– Hội chùa Ðồng Quan, còn gọi là ngày Giỗ Trận Ðống Ða (giáp giới Hà Nội), vào mùng Năm tháng Giêng. Có lập đàn chay cầu nguyện cho người chết trận; đồng thời mừng chiến thắng vua Quang Trung đại phá quân Thanh, với các trò vui như: Cờ bỏi, đánh vật…

– Hội chùa Keo (Thái Bình) vào Mùng Bốn Tết, có trò ném pháo thi, thổi cơm thi…
– Hội chùa Hương (Hà Ðông) từ Mùng Sáu tháng Giêng đến hết tháng Hai, du khách ngoạn cảnh và thăm viếng các chùa trong khu vực Hương Sơn.
– Hội Lim (Bắc Ninh) với tục hát Quan Họ, vào ngày 13 tháng Giêng.
– Hội đền Hạ Lôi, thờ Hai Bà (tỉnh Phúc Yên tức Mê Linh xưa), vào ngày Rằm tháng Giêng, có nhiều trò vui như : Đánh cờ người, đánh đu, đám rước, tập trận. v.v…

Người nào không chơi, không dự thi thì cũng nô nức đi xem hội, tạo nên một hoạt cảnh náo nhiệt, tưng bừng:

– Năm cũ thì đã qua rồi
Bước sang năm mới muôn người chơi Xuân.
Một năm chơi có một lần.
Trai tài, gái sắc chơi xuân dập dìu.

Đã có biết bao nhiêu nam thanh nữ tú nhờ dịp Hội Xuân này mà quen biết nhau, yêu nhau rồi đẹp duyên giai ngẫu.

Tóm lại, qua cung cách sửa soạn đón Tết, qua những lễ nghi, phong tục ngày Tết và qua thái độ thưởng Xuân ăn Tết của người Việt như vừa được trình bày ở trên đã chứng tỏ, Tết Nguyên Đán đối với Dân tộc ta quả là một Lễ Hội lớn nhất, mang nhiều ý nghĩa thâm thúy và thiêng liêng.

Nhưng nổi bật hơn hết vẫn là đạo thờ cúng các bậc tiền nhân có công với làng với nước, và tổ tiên, ông bà, cha mẹ… của dân ta. Lòng hiếu thảo, sự biết ơn cộng với niềm tin tưởng có sự sum họp, cảm thông và gắn bó giữa các đấng sinh thành quá cố với con cháu tại thế, đã trở nên một tín ngưỡng, nó đã thực sự hiện hữu và chi phối mọi sinh hoạt của con người trong những ngày Tết Nguyên Đán.

Ðồng thời là sự thể hiện một quan niệm nhân sinh lạc quan, đặc thù của người Việt. Trong những ngày Tết, người ta không chỉ cầu chúc hay khấn nguyện các ơn trên phù hộ ban cho hạnh phúc; mà người ta còn tin tưởng ở sự đổi mới, gạt bỏ mọi buồn phiền, thất bại của năm cũ để đón chào năm mới (tống cựu nghinh tân) với niềm hy vọng mới, sẽ đạt được thành công trong tương lai. Hơn thế nữa, người ta còn cố gắng tự cải thiện để tạo dựng hạnh phúc cho bản thân và những người xung quanh ngay trong hiện tại: Ăn ngon, mặc đẹp; ngắm nhìn cảnh trí rực rỡ, nên thơ của thiên nhiên và do chính mình sáng tạo, đặt bày. Trong gia đình thì được sống trong yêu thương, đoàn tụ (đoàn tụ không chỉ với người sống mà cả với những người thân đã qua đời). Ngoài xã hội thì được sống trong không khí hòa ái, thân thiện và độ lượng.

Theo thiển ý, đây chính là những nét đặc sắc nhất trong đời sống văn minh và văn hóa của dân tộc Việt Nam chúng ta vậy.
______

* Đúng ra phải gọi là Âm Dương Lịch, sau người ta gọi tắt là Âm Lịch: Một tháng gồm 29 hoặc 30 ngày, tương đương với một chu kỳ của mặt trăng (âm) quay quanh trái đất. Một năm có 12 tháng, bốn năm một lần lại có 13 tháng. Tháng dư (tháng nhuận) đó để bù đắp cho (gần) đúng với chu kỳ thời tiết một năm, dựa vào vị trí của trái đất quay một vòng quanh mặt trời (dương).

Ở Á Châu, người ta quan niệm cái gì cũng phải vừa có âm, vừa có dương mới quân bình. Vả lại, nếu thuần túy theo Âm Lịch, nghĩa là chỉ căn cứ vào sự chuyển vận của mặt trăng thôi thì dựa vào đâu để tính năm (1 năm có bao nhiêu tháng)? Đây là lý do vì sao phải chấp nhận rắc rối khi thì một năm 12 tháng, khi lại 13 tháng.

** “Trò thưởng cuộc ngoài sân” là trò chơi từng cặp trai gái quàng vai bắt chạch. Đây không những là trò chơi có giải thưởng (bánh pháo treo đầu nhà), mà còn là dịp cho dân làng đánh cuộc với nhau xem cặp trai gái nào thắng.

_________________
Tài liệu tham khảo:

– Bửu Kính, Hoài Niệm Những Mỹ Tục Về Tết Nguyên Ðán, đặc san Tiếng Sông Hương…
– Hà Y, Tết Và Bàn Thờ Ông Bà, Viên Giác (Ðức), Xuân Tân Mùi 1991.
– Hoàng Tân Nhân, Ý Nghĩa Và Phong Tục Ngày Tết, Phụ Nữ diễn Ðàn số 131, giai phẩm Xuân Ất Hợi 1995.
– Huỳnh Hữu Ủy, Mấy Cổ Tục Và Trò Chơi Ngày Tết Qua Mỹ Thuật Dân Gian, Thế Kỷ số 83, tháng 3, 1986.
– Nguyễn Bá Lăng, Tranh Tết, Viên Giác Xuân Tân Mùi 1991.
– Nguyễn Thu, Các Ngày Tết Cổ Truyền Việt Nam, Viên Giác, Xuân Tân Mùi 1991.
– Phạm Quỳnh, Tâm Lý Ngày Tết, Nam Phong Tạp Chí số 149, tháng 4, 1930.
– Toan Ánh, Hội Hè Ðình Ðám, quyển I và II, Nam Chi Tùng Thư Sài Gòn 1969, 1974.