Chiếc quần đùi đã không còn xa lạ gì đối với mỗi chúng ta. Tên gọi của nó bắt nguồn từ đặc điểm ống quần ngắn, chỉ đủ che phần đùi. Tại một số địa phương, đặc biệt là ở Nam Bộ, quần đùi còn được gọi là quần xà lỏn. Vậy “xà lỏn” có nghĩa là gì?
Chữ xà lỏn là bắt nguồn từ chữ sarong trong tiếng Mã Lai. Sarong là dạng váy quần đặc trưng mà nhiều dân tộc Mã Lai thường mặc. Người Cao Miên xưa cũng mặc loại quần này.
(Nghĩa cũ) Quần xoóc, quần ngắn.
Váy quần của người Mã Lai, người Cam pu chia, người Tahiti.
Thực ra, người ta thường đã nhầm lẫn tai hại giữa quần đùi với quần soọc (short, có nghĩa là ngắn, ngoài Bắc gọi là quần soóc). Ngắn, chứ không phải đùi. Đây là loại quần tây, mặc cho gọn gàng, cho mát, nhưng vẫn lịch sự. Không mấy ai chê vận quần short là mất lịch sự. Các công chức thời Pháp, cứ vào mùa hè là mặc quần short, cả đi làm lẫn đi chơi.
Theo tác giả Đặng Hữu (?) thì “xà lỏn” vốn bắt nguồn từ “sarong” trong tiếng Mã Lai (Malaysia). Sarong có nghĩa đen là “vỏ gươm, vỏ dao”, sau được dùng để đặt tên cho một loại trang phục đặc trưng của các dân tộc vùng Đông Nam Á. Có nhiều loại sarong khác nhau, nhưng thường thì đây là một tấm vải có hoa văn sặc sỡ, quấn quanh phần thân dưới (từ thắt lưng trở xuống).
Chắc hẳn vì sarong và quần đùi đều có phong cách đơn giản, thoáng mát nên người ta đã lấy tên của cái này gán vào cái kia. Quần đùi từ đó trở thành quần xà lỏn, còn sarong chính hiệu thì đi vào tiếng Việt theo một lối phiên âm khác là “xà rông”. Ngày nay xà rông vẫn còn được sử dụng phổ biến ở nhiều dân tộc như Chăm, Khơ-me, Mã Lai…
Nói về “xà”, ta còn có quần xà cạp. Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức giảng: “Xà cạp: miếng vải để quấn ống quần vào chân cho gọn…”. Như vậy ban đầu xà cạp dùng để chỉ một miếng vải, sau mới mở rộng để nói về các loại quần dài bó sát chân.