Nằm lặng lẽ cuối làng Luông là nhà cụ giáo Thức. Cụ bà mất sớm, cụ ông vò võ một mình nuôi người con gái duy nhất tên Trúc nên người. Mối quan hệ của cha con họ vốn rất tốt, bỗng chốc trở nên rạn nứt kể từ khi ông giáo cưới bà Lành về làm vợ…
Chuyện bắt đầu từ một buổi chiều. Như thường lệ, ông lặng lẽ ra ngoài cái chõng tre rít thuốc lào sòng sọc. Trên nền đất, cái bã thuốc lào cháy nhăn nhúm trông thật thảm hại. Khói thuốc loang loáng bay như khỏa lấp ngàn tâm tư đang thổn thức trong lòng ông. Ông cụ phiêu diêu về miền ký ức hồi còn là người lính bỗng nghe thấy từ đầu cổng có tiếng ho húng hắng vang lên từng hồi. Ông Thức hấp háy đôi mắt mờ mờ nhìn ra phía phát ra âm thanh thì nhận ra anh Mực đang đi vào. Anh Mực đánh tiếng:
– Chào cụ Thức, cụ vẫn khỏe chứ ạ
Ông Thức từ tốn:
– Cảm ơn anh, nhờ giời phật tôi vẫn khỏe, chẳng hay anh có chuyện gì mà hôm nay rảnh rỗi sang tôi chơi thế này…
Mực cười lên khành khạch:
– Chẳng là cháu dự định mở một quầy tạp hóa buôn bán nhỏ mà cụ lại là người có học nhất cái làng này nên cháu muốn hỏi ý cụ.
Ông Thức móm mém cười, với đôi tay gầy guộc vào không trung, khẽ khàng:
– Tôi hiểu ý anh rồi, lâu mới có dịp anh Mực đến tôi chơi, tôi với anh nhắm vài chén rượu cho vui cửa vui nhà đã.
Ấy vậy là hai người đàn ông một đã thất thập cổ lai hi, một ngoài ba mươi tuổi ngồi say sưa chén chú chén anh đủ chuyện, nào là chuyện mở hiệu tạp hóa, chuyện mụ béo bán giá cắt cổ, chuyện đền bù giải tỏa, chuyện bọn thanh niên làng đua nhau bỏ xứ đi làm kinh tế mới rồi lại đến chuyện anh cu Mực có bà chị quá lứa lỡ thì tên Lành kém sắc nhưng tốt nết… Hơi rượu nghề ngà, anh cu Mực chợt nảy ra ý tưởng:
– Cụ ơi, bà Thức mất cũng lâu rồi kể ra cũng buồn. Hay cụ sang hỏi chị gái cháu về làm vợ. Bà chị cháu tuy cũ người, xấu xí nhưng được cái tốt tính, thật thà lắm.
Anh Mực như nói đúng nỗi lòng của ông cụ. Chẳng là bà Thức cũng đã mất mười mấy năm nên ông cụ cũng cảm thấy cô đơn quạnh quẽ. Ông nghĩ đến cảnh “gà trống nuôi con” rồi bất giác thở dài thườn thượt. Trúc cũng đã lớn, có nhiều điều hai bố con cũng chẳng tiện trò chuyện mà rồi nó cũng phải lấy chồng chứ có sống với thân già này cả đời đâu. Biết bao đêm ông cụ thức trắng vắt tay lên trán suy nghĩ mông lung đủ thứ. Ông nhớ hồi vợ còn sống. Ngày ấy bà đảm đang tháo vát quán xuyến đủ mọi việc trong nhà ngoài ngõ, còn ông chỉ chuyên tâm lo việc nước nhưng rồi cuối cùng vì bệnh tật, bà cũng bỏ ông đi. Khi đến cái tuổi gần đất xa trời ông mới thấm cái sự cô đơn. Căn nhà thiếu vắng sự vun vén của một người đàn bà cũng chẳng thể trọn vẹn, tươm tất được. Mắt người đàn ông đã trải qua bể dâu cuộc đời trở nên nhòe ướt, các nếp nhăn xô lại trên khuôn mặt méo mó.
Ấy vậy là chuyện gì đến cũng đến, nhờ sự “hậu thuẫn” đắc lực của anh Mực mà ông Thức đã cưới được bà Lành. Ở cái tuổi gần đất xa trời mọi thứ trở nên tối giản hết mức. Họ chỉ mời hàng xóm, họ hàng sang uống nước chè, nhấm nháp vài cái kẹo lạc, kẹo vừng, dăm miếng trầu. Họ sống vì nghĩa chứ cần gì câu nệ. Thực tình thì cô Trúc không hề đồng tình về chuyện hôn nhân này nhưng từ bé đến lớn cô không dám cãi lời bố, nên đành cố giữ ấm ức trong lòng. Với cô, hình ảnh người mẹ đã khuất luôn sống mãi trong trái tim và không ai có thể thay thế được. Cô vẫn âm ỉ sự ích kỷ của một người con hết lòng yêu thương mẹ, không muốn bóng dáng của một người phụ nữ khác xuất hiện trong căn nhà. Mọi thứ trở nên càng nặng nề khi mấy đứa thanh niên làng lêu lổng vô công dồi nghề nghĩ ra bài vè xui bọn trẻ con đi quanh làng đọc:
“Ve vẻ vè ve
Là vè ông Thức
Đến tuổi thất thập
Gần đất xa trời
Ngày đêm thổn thức
Rồi lấy bà Lành
Ve vẻ vè ve”
Lại còn thêm mấy bà hàng xóm tiêm nhiễm vào đầu cô gái đang tuổi xuân thì là việc bà Lành lấy cha cô chỉ để chiếm tài sản chứ chẳng có cái tình yêu nào chóng vánh đến thế. Từ ngày về sống chung, bà Lành quán xuyến nhà cửa sạch sẽ, ông cụ Thức thì nhìn có vẻ béo tốt, da dẻ hồng hào hơn trước nhiều. Thỉnh thoảng bà lại rủ Trúc đi chợ huyện để làm thân nhưng chưa bao giờ Trúc đồng ý. Cô không phản đối được bố thì bao nhiêu sự khó chịu, bực bội cô trút hết sang bà Lành. Mặc kệ sự ân cần của bà, cô Trúc tỏ ý khó chịu ra mặt, chẳng thèm nói với bà một câu, thấy bà ở đâu là cô lại lảng ra chỗ khác, căn nhà lúc nào cũng phủ một màu u ám. Ông Thức chứng kiến tình cảnh ấy, cảm thấy nghẹn đắng trong cổ họng: Một đằng là con gái một đằng là người phụ nữ mình vừa lấy về, ông không biết tính sao cho chu toàn. Ông cụ ở thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nói hết nước hết cái cũng chẳng thể xoay chuyển được tình thế, cuối cùng đành tặc lưỡi cho qua bởi cảnh ngộ mẹ ghẻ con chồng muôn đời vẫn thế, có thay đổi được cục diện cũng phải qua thời gian chứ không thể một sớm một chiều.
Mọi thứ ở ngôi nhà nơi cuối xóm vẫn cứ ảm đạm trôi qua như thế cho đến khi biến cố xảy ra. Ngày hôm ấy, trời mưa bão thổi bay mấy tấm ngói trên mái nhà xuống đất vỡ nát tan tành. Cảnh nhà tan hoang không đành, ông cụ cặm cụi trèo thang lên lợp lại ngói nhưng chẳng may bước hụt chân ngã lăn xuống đất. Vậy là ông cụ bị gãy chân nằm viện cả tháng trời. Chao ôi với người già thì cái câu “con chăm cha không bằng bà chăm ông” cấm có sai, ngày ngày bà Lành cơm nước chỉn chu đem vào bệnh viện cho ông cụ. Bà tỉ mẩn lau người, bón cho ông từng thìa cháo loãng. Tối bà lại ngồi trông ông ngủ. Có hôm vào thăm bố, vô tình cô Trúc còn thấy bà Lành rơm rớm nước mắt nắm chặt tay ông Thức thì thầm:
– Tôi chỉ mong ông mau chóng khỏi để về nhà, đến khổ, già rồi còn phải chịu đau đớn.
Nhìn những cảnh tượng ấy, cô Trúc chợt thấy có lỗi. Cô trách bản thân sao lại có thể tưởng tượng ra những suy nghĩ ác độc dành cho người đàn bà đầy lòng nhân ái và cam chịu kia. Nếu con người ta sống với nhau vì tình vì nghĩa thì đã chẳng thể đối xử với nhau tận tâm đến thế, có hoạn nạn mới biết chân tình.
Ngày cụ Thức ra viện, Trúc ở nhà nhanh nhảu làm một mâm cơm thịnh soạn. Khi cụ thức và bà Lành ngồi ở gian nhà ngoài, Trúc lễ phép nói:
– Con mời bố mẹ ăn cơm.
Hai ông bà nhìn nhau, dường như họ không tin vào tai của mình, ánh mắt của họ lộ rõ sự ngỡ ngàng. Bà Lành luống cuống, sâu thẳm trong ánh mắt đã long lanh nước:
– Con… con có thể nói lại được không… từ ngày mẹ về chung sống với bố con chưa bao giờ được nghe con gọi một tiếng mẹ.
Trúc đáp:
– Con vốn mất mẹ từ nhỏ nên từ lâu cũng không cảm nhận được tình mẹ con. Con còn trẻ người non dạ, lại nghe người dân làng đàm tiếu không hay nên con đã có ác cảm với mẹ. Con xin lỗi mẹ! Thời gian qua con chứng kiến mẹ chăm sóc tận tình cho bố con nên con đã hiểu ra rồi. Con chỉ mong gia đình mình sẽ sống hòa thuận, thương yêu, đùm bọc nhau…
Bà Lành nghe những lời chân tình của Trúc như được cởi tấm lòng, bà nghẹn ngào nói trong nước mắt:
– Ban đầu mẹ về làm dâu nhà này là vì thương bố con gà trống nuôi con và cũng thương con mồ côi mẹ từ nhỏ. Mẹ cũng cố làm thân với con nhưng con chỉ tìm cách lảng tránh mẹ, giờ con hiểu được lòng mẹ thì tốt quá rồi, mẹ không còn điều gì trăn trở nữa, đối với mẹ thì đây là điều hạnh phúc nhất trên đời rồi…
Trúc nắm chặt tay bà Lành, ánh nắng chênh chếch chiếu rọi vẻ mặt họ. Trong thời khắc này căn nhà tưởng chừng như sáng lòa lên, trong lòng ai cũng khấp khởi mừng thầm về một mái ấm gia đình an vui, hạnh phúc…
Ông cụ Thức nghe hai người trò chuyện, móm mém cười. Đã lâu rồi ông mới có được nụ cười thảnh thơi như vậy. Ông gật gù cái đầu rồi cảm thấy mãn nguyện. Với nhiều người, hạnh phúc phải là một cái gì đó cao quý, còn đối với người đã gần đất xa trời như ông thì chỉ cần gia đình yên ấm, quây quần thương yêu nhau. Ông tự gọi đó là “Hạnh phúc cuối”…