Tôi đến Huế vào giữa khuya một ngày tháng Tư năm 2004. Sương mờ ảo như khói loang dưới ánh đèn đường vàng vọt. Tôi đã lang thang từ cầu Bạch Hổ về Tràng Tiền, bước từng bước lặng lẽ bên dòng Hương lững lờ, chờ cho trời sáng. Tôi đã rời nhà ra đi để tìm lại năng lượng sống cho mình, để đi qua khúc buồn tuổi trẻ, để mình không gục ngã sau một vài biến cố của cuộc sống. Dưới chân cầu Tràng Tiền, tôi đã gặp một ông chủ khai thác cát, và ông dẫn tôi về khu tái định cư Kim Long để tôi thuê trọ. Đó là duyên cớ để tôi được gặp má.
Ngôi nhà mà người đàn ông ấy dẫn tôi tới là nhà má. Lý do ông giới thiệu cho tôi tới nhà má rất đơn giản, vì trong số những người ông quen thì nhà má là đông con gái nhất nên có thể thích hợp cho một đứa con gái như tôi. Sáng đầu tiên gặp gỡ, một đứa con gái sinh ra và lớn lên ở miền Bắc như tôi đã không nghe, không hiểu được hết những lời mọi người nói, và mọi người cũng không hiểu hết những gì tôi đang gắng diễn đạt. Nhưng tôi cảm nhận được ngay tình yêu thương, sự từ tâm của họ dành cho một cô gái trẻ lạc lõng xa quê. Ngôn ngữ của yêu thương thì ai cũng cảm nhận được dù không cùng văn hóa, dù chưa hiểu tiếng nói của nhau. Má bắt đầu cho tôi ở chung chỉ với một lời: Nhà má chẳng có chi đâu, con ở đây có chi ăn nấy, có chi dùng nấy thì ở. Nếu được thì dạy bọn trẻ học. Nhưng đến khi tôi hỏi lại những điều tôi cần đáp ứng, chi phí ở trọ thì má cười: Con bé hỏi tôi có lấy tiền trọ không à, trời ơi, ở thì ở lại, mắc chi mà lấy tiền nó, nó lại vừa mới xa quê…
Má lớn lên ở xóm vạn đò, lấy chồng, sinh con cũng ở những con đò bồng bềnh trên sông Hương. Khi có khu tái định cư Kim Long, thì ba má đưa các con chuyển lên bờ. Má ngày ngày đi bán bánh canh, bánh lọc, lạc rang, khoai luộc. Còn ba ngày ngày chạy xích lô chở hàng cho thương lái quang chợ Đông Ba và chở khách du lịch.
Mùa hè gió Lào tạt ngả nghiêng những hàng cây mang theo hơi nóng ngột ngạt và nắng chang chang từ sớm tới tối không muốn dịu một giây phút nào. Xóm định cư lợp mái tôn, tường xây bằng gạch đơn nên cái nóng đuổi vào tận giường, ở trong nhà mà vẫn như ở cạnh lò đốt gạch. Sàn nhà lúc đó chưa lát gạch bông mà đổ xi măng. Tối nào mấy má con cũng xách nước vào tưới trên sàn nhà cho nhanh dịu hơi nóng. Tôi vẫn nhớ cảm giác được má phe phẩy chiếc quạt tay và xoa lưng cho ngủ trong những khi mất điện. Ấu thơ, tôi chưa từng biết nũng nịu, chưa từng biết cảm giác sà vào lòng bố mẹ, chưa từng cảm nhận sự ngọt ngào của mẹ bởi mẹ tôi mất quá sớm. Đến khi đã sang tuổi đôi mươi, dưới mái nhà của má, tôi lại được nựng nịu như một đứa trẻ nít, bởi một người không sinh ra tôi, không chung quan hệ máu huyết họ hàng . Tôi cứ nằm im như thế, giả vờ như mình đang ngủ, không dám quay lại ôm má, sợ phút giây ấy vụt mất.
Má không đọc được toàn bộ các chữ trong một quyển sách tiếng Việt của học sinh cấp hai. Để viết được một trang giấy, má cần mất vài tiếng vì có nhiều từ không biết dùng chữ cái nào ghép lại. Má bảo ngày trước, má đi học cũng chỉ buổi được buổi không vì cuộc sống lênh đênh trên đò, sau đó thì lại mải mê với cuộc mưu sinh, chẳng bao giờ đọc báo, đọc sách nên nhiều chữ cũng đã quên. Nhưng má chưa bao giờ quên việc phải chăm lo cho chồng con, cho tôi – một đứa con gái mới lớn lạ hoắc lạ huơ nhưng vì má đã cho tôi ở cùng thì nhất định má phải bảo bọc như con.
Nhiều đêm thấy má không ngủ được nhưng sáng hôm sau vẫn dậy rất sớm để chất củi luộc khoai, rang lạc để chuẩn bị đi bán. Nhiều lần vô tình lướt qua phòng thấy má đau nhưng má bảo tôi không được cho mọi người biết. Má nằm nghỉ một lúc rồi lại dắt xe đạp ra để đi bán hàng. Vì sao thế? Má nói rằng: Kêu lên, không có tiền đi chữa bệnh thì càng tủi. Ba và tụi nhỏ biết thì áy náy lắm.
Một lần má rủ tôi về quê, phải đi đò qua sông, rồi lại phải đi qua mấy cánh đồng. Trên đường đi, thấy má bỗng dưng dừng lại rồi cứ nhìn vào một ngôi nhà ngói đỏ. Bỗng dưng má cười “Nhà bồ cũ của má đó”. Hóa ra má đã từ bỏ một anh chàng “trên bờ” để lấy người đàn ông mình yêu, và suốt năm tháng sau đó má lại tìm cách để được lên bờ. Tôi hỏi má có khi nào nuối tiếc ân hận không. Má bảo không, chúng ta thường hay nuối tiếc người mình bỏ hơn người chồng của mình hiện tại, nhưng má không cho phép mình tiếc. Nuối tiếc cũng không làm chúng ta có lại được mà còn để mất cái chúng ta đang có.
Bỗng dưng má liên tưởng chuyện vợ chồng với những món bánh mà má bán mỗi ngày. Má nói rằng ở với nhau lâu hẳn sẽ có lúc mâu thuẫn, cảm thấy chán nản về nửa kia của mình. Cũng như người ta ăn mãi một món thì cũng sẽ chán. Nhưng lỗi đâu phải tại món ăn đó không ngon nữa, chỉ tại người ăn không còn thích nữa thôi. Má bảo khi không ăn được cơm nữa, mà lại chỉ có gạo, chưa có điều kiện mua phở, mua bún, thì má xay gạo ra mà chế thành các món khác thôi. Má nói như vậy mắc công lắm, chẳng như gạo cho vào nồi điện, bật nút là thành cơm. Nhưng cũng chính vì ngày nào cũng vo gạo, cho gạo vô nồi, bật nút để tự nấu nên mới chán đó. Bây giờ xay gạo ra, vẫn là gạo mà nấu cháo, nấu bánh đúc ngọt, bánh đúc mặn, hay nhào lên thành sợi nấu bánh canh thì ăn khác ngay. Cũng là từ gạo, mà có người thích ăn bún, có người thích sợi phở, bởi cách chế khác nhau đó. Mắc công thì mới đổi vị, mới lạ mà. Người ta ra ngoài hàng ăn thì kẻ ở nhà ghen ghét là phải. Mình không muốn thế, thì mình bỏ công ra mà xay gạo, mà tự nhào bột, đôi khi cùng nhào bột với nhau mà bỏ qua nhiều ấm ức. Không muốn làm, không biết cách làm thì đi học để làm, còn vẫn không biết nữa nên có nhiều người ra ngoài ăn. Ăn ngoài chẳng mệt khi dọn nhưng ai gánh nỗi đau chất bảo quản, tiền dịch vụ…??? Má nói mệt lắm, có hôm mệt ghê mà phải xay gạo nấu bánh thì ngại. Nhưng “mọi thứ trong cuộc đời luôn có giá con ạ”. Má liên tưởng hay quá!
Lúc trên đường về, chúng tôi lại đi qua ngôi nhà ấy. Ngôi nhà đó đẹp hơn nhà của má nhiều. Hẳn là người đàn ông đó cũng giàu hơn ba má. Tôi lại hỏi má “Bây giờ nếu ông ấy xuất hiện, má có dừng lại nói chuyện không?”. Má bảo “Có chi mô, chuyện đã qua rồi, với lại bây chừ má có ba và các chị con, họ quan trọng với má và má quan trọng với họ nên người đàn ông ni chỉ là kỷ niệm thôi. Má đang ở thực tại nè”.
Tối đó khi tôi và má đã về tới nhà với hai bao tải lạc thì ba hỏi “Má có chỉ cho con cái nhà trên đường đi không”. Hóa ra ba biết rất rõ về điều đó, rồi ba bảo “Kỷ niệm của má bay đó”. Còn má không nói gì liên quan tới chuyện đó nữa, vừa hát vừa đổ lạc vào bể ngâm. Tối đó má hát rất nhiều. Trong bao nhiêu khốn khó của cuộc đời, tôi vẫn nghe tiếng hát của má. Sau này tôi rời nhà của má đến một nơi xa. Trước khi tiễn tôi đi, má bảo “Có những thứ con muốn nhưng không có được mô, có thể nhớ về nó nhưng nhớ đừng để quên mất những cái con đang có”.
Trong hành trình sống của mình, tôi luôn giữ bài học từ má, một người đàn bà đã quên nhiều ký tự trong bảng chữ cái, nhưng không quên yêu thương, không quên tha thiết, và luôn biết nhận ra cái giá của cuộc đời để tận hưởng cuộc đời ấy một cách an yên nhất.