Ăn cơm chúa múa tối ngày là câu thành ngữ chỉ những người làm việc quấy quá, cốt cho hết ngày, làm cho xong chuyện, lối làm việc chỉ chú ý đến làm sao cho hết thời gian, còn hiệu quả công việc thì không cần biết, không hiệu quả.

Chúa cho ăn, chúa cho mặc, thì cứ hát, cứ múa cho vui tai thích mắt chúa trọn ngày. Đó là tư tưởng phục vụ và nhận trả công của những người “nghệ sĩ chuyên nghiệp” ngày xưa. Họ được chúa nuôi để đàn hát, nhảy múa làm trò tiêu khiển. Tinh thần đó được phản ánh qua câu thành ngữ ăn cơm chúa múa tối ngày. Chúa trong câu thành ngữ này là ông chủ quyền quý nói chung, mà trước hết là các bậc vua chúa.

Ngày xưa các bậc vua chúa đều có đội ca kĩ, các cung tần mỹ nữ múa hát mua vui. Chúa ở đây cũng là nói chung về những người có tiền, bỏ tiền ra thuê các con hát, gánh hát phục vụ trong một thời gian ngắn, nhân dịp lễ, tết hay nhân các công chuyện lớn trong gia đình, trong họ hàng. Dẫu được hát, được múa trong cung vua, phủ chúa hay trong các điền trang, các nhà quyền quí ở thôn quê, thì bọn họ đều là tôi tớ được họ nuôi nấng, có cơm ăn, áo mặc, do đó cũng có phận sự phục vụ các ông chúa bà chủ.

Tập tin:TDK.png – Wikipedia tiếng Việt
Ăn cơm chúa, múa tối ngày, hình ảnh minh họa đội ca kỹ múa hát thời xưa

Có lẽ ban đầu, thành ngữ ăn cơm chúa múa tối ngày chỉ phản ánh một hiện thực là đội ca kĩ suốt ngày đêm múa hát phục vụ vua chúa, và các gia chủ. Cùng với hiện thực đó còn là tinh thần trách nhiệm, bổn phận của kẻ tôi đòi đối với chủ, và không ngoại trừ tinh thần “yêu ngành yêu nghề” và cảm hứng nghệ thuật với họ. Thế nhưng, trong mắt người đời, những con người này thuộc lớp người bị coi là thấp hèn, là “xướng ca vô loài” (xướng ca vô loài: kẻ làm nghề ca hát là hoàn toàn mất hết nhân phẩm (một quan niệm thành kiến, sai lầm thời trước)).

Thêm nữa, sự múa may quay cuồng suốt ngày, đối với người ngoài cuộc, chẳng có nghĩa lý gì mà chỉ là chuyện tầm phào và vô tích sự. Kẻ đứng ngoài cuộc, hẳn là chẳng ai tin trong lời hát kia, trong điệu múa nọ là kết quả của tinh thần tận tâm, tận lực, là sự say mê, yêu thích với cảm hứng nghệ thuật do bản mệnh ngành nghề đưa đến. Ngược lại, họ dễ dàng gán ghép hoạt động của người nghệ sĩ cũ tính chất chán chường, cố cho xong chuyện, cho hết ngày để khỏi thất thố với đồng tiền, bát cơm, manh áo của chủ bỏ ra. Thực hư thế nào chỉ có bản thân các ca sĩ, các vũ nữ mới biết đích thực, chân xác.

Dẫu vậy, với nhận thức chung của người đời, thì thành ngữ Ăn cơm chúa múa tối ngày biểu thị cho lối việc quấy quá, cốt cho hết ngày, làm cho xong chuyện, lối làm việc chỉ chú ý đến làm sao cho hết thời gian, còn hiệu quả công việc thì không cần biết, không hiệu quả.

Cũng có một câu chuyện về con công như sau:

Tương truyền, ở một phủ chúa nọ, có một quan thái giám dâng cho chúa một con công quý. Con công không những đẹp sặc sỡ mà còn có điệu múa chẳng khác gì kỹ nữ. Từ ngày có con công, chúa quên cả đội kỹ nữ, suốt ngày thả công ra khuê văn để xem công xoè cánh, xoè đuôi, liệng chân, lấy làm mãn nguyện lắm.

Một con vẹt trong vườn thượng uyển ngày ngày nhìn thấy công múa, quanh đi quẩn lại chỉ có mỗi một điệu chán ngắt. Một hôm, vẹt mới bay lại gần công nói:

– Chị công ơi, chị đẹp sặc sỡ là vậy. Nhưng tôi thấy chị chỉ có mỗi điệu xoè cánh, xoè đuôi, liệng chân. Ngày nào cũng vậy sao hả chị công?

Công mới nghển cổ, vênh mỏ lên mà rằng:

– Tôi ăn nhà chúa, ngủ nhà chúa.

Ngày ngày chỉ có việc xoè đuôi, xoè cánh ra. Việc chỉ có vậy. Chẳng mất công luyện rèn học hành gì mà lại được ăn ngon. Còn gì hơn thế nữa.

Vẹt mới nói:

– Thế chị làm mãi vậy, không biết chán à?

Công vẫn dương dương tự đắc:

– Tôi múa cũng quen rồi. Cả ngày chỉ có vậy, từ sáng đến tối. Có gì mà phải phàn nàn. Cứ xem như các cô kỹ nữ trong phủ cũng vậy, ngày nào cũng múa. Hết ngày lại đêm, các cô cóc kêu ca gì đâu.

Phong cách “ăn cơm chúa, múa tối ngày” dành cho những người làm việc quấy quá, không hiệu quả, cốt cho xong việc, giống như:

Ăn nhà chúa, ngủ nhà quan
Ngày ngày vác mặt ra làng rêu rao