Đồng hồ là một dụng cụ đo khoảng thời gian dưới một ngày; khác với lịch, là một dụng cụ đo thời gian một ngày trở lên. “Đồng hồ” là một từ Hán – Việt gồm hai yếu tố “đồng” và “hồ”.

“Đồng” 銅 dùng để chỉ kim loại mà nay chúng ta vẫn quen với kí hiệu hóa học là Cu. “Hồ” 壼 là cái bình đựng chất lỏng, có miệng nhỏ, ở giữa phình ra. Thời xưa, con người ghi nhận thời gian bằng buổi, ngày, tháng, năm… nhưng những khoảng thời gian dưới một ngày thì trước khi có đồng hồ, việc đo đạc thiếu chính xác.

Để biết giờ trong ngày, người ta dùng một cái hồ bằng đồng có lỗ thủng nhỏ ở đáy rồi đổ nước vào trong. Nước sẽ chảy từ đáy hồ ra, và mực nước trong hồ vợi dần. Trên thành hồ có nét khắc các vạch ngang để tính giờ. Mực nước sẽ đánh dấu giờ ở đó. Ở Việt Nam, năm 1029, triều đình cho xây điện Phụng Tiên ở trước sân rồng.

Trên nóc điện này vua cho dựng lầu Chính Dương, trong lầu có đặt “máy đồng hồ giọt nước” hoạt động theo nguyên lý kể trên và cắt cử người coi giữ, cứ nhìn vào đồng hồ mà điểm trống báo canh, báo thời khắc cho cả triều đình. Truyện Kiều có hai chữ “khắc lậu” trong câu “Đêm thâu khắc lậu canh tàn Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm gương” để chỉ thời điểm đêm khuya, lúc nàng Kiều lén theo gã Sở Khanh đi trốn khỏi nhà mụ Tú Bà.

Nguyễn Du cũng viết trong Truyện Kiều: Giọt rồng canh đã điểm ba Tiểu thư nhìn mặt dường đà cam tâm là để chỉ giọt nước đồng hồ cũng cùng loại nhưng có chạm khắc hình con rồng. Sau này, đồng hồ cơ, đồng hồ điện tử dần xuất hiện, có thể hiện thị thời gian chính xác tuyệt đối. Thế nhưng, từ “đồng hồ” thì vẫn còn đó như là một chứng nhân lịch sử.