Từ này đặc biệt phổ biến trong phương ngữ miền nam, dùng để chỉ người chủ trì một cuộc họp, một bữa tiệc hay một chương trình nào đó. Dựa trên định nghĩa này ta có thể hiểu được chữ “chủ”, nhưng còn “xị” thì sao? Liệu điều này có liên quan gì đến “xị” trong “một xị rượu” hay không?

Nghiệt ngã nghề “nhậu quan hệ” | Lao Động Online | LAODONG.VN ...

Câu trả lời là không. Bất ngờ hơn, từ “chủ xị” này có xuất phát từ một từ vô cùng quen thuộc khác là “chủ tịch”. “Chủ tịch”, Hán tự là 主席,phiên âm theo tiếng Bắc Kinh là zhǔ xí. Dân ta trong quá trình khẩn hoang và cộng cư với người Hoa đã Việt hoá “zhǔ xí” thành “chủ xị”.

Theo từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh thì chủ (主) có nghĩa là người đứng đầu còn tịch (席) có nghĩa là cái chiếu. Như vậy “chủ tịch” ban đầu là người ở vị trí đầu trong chiếc chiếu. Văn hoá “trải chiếu họp bàn” vốn rất phổ biến thời xưa, nên mới có thành ngữ “ngồi chiếu trên” hay “ngồi chiếu dưới”.

Việc người miền Nam dùng “chủ xị” nhiều hơn miền Bắc và miền Trung cho thấy từ này hình thành trong giai đoạn khẩn hoang của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, khi người Việt và người Hoa cùng góp phần mở mang bờ cõi nơi này. Cũng nói thêm là “xị” trong “xị rượu” là lấy từ “xá xị”, khi ngày trước người ta dùng chai xá xị để đong dung tích.

Đúng ra một chai xá xị chỉ khoảng 220ml, nhưng do mua bán hơn thua mà dần người ta tính thành 250ml như hiện nay.

(Tham khảo bài viết của Cao Gia Vĩnh Xuân)