Đánh bại nhiều võ sĩ của Pháp, Ấn Độ, Thái Lan… ông Sáu Cường với thân thủ phi phàm được mệnh danh “Thần cước không đối thủ” ở Nam bộ xưa.

Những năm 30 của thế kỷ trước, Sáu Cường khuynh đảo giới giang hồ, đập tan sự khinh khi miệt thị về những con người Việt Nam da vàng yếu đuối. Bản lĩnh của một hảo hán yên hùng, tuyệt kỹ võ công bí hiểm, Sáu Cường khẳng định tên tuổi bằng những trận đấu võ đài oai hùng, “xóa sổ” nhiều võ sĩ, võ sư Tây, Tàu khắc ghi vào lịch sử hình ảnh một tay đấm bất khả chiến bại.

Những năm 1930-1940, Sài Gòn và Nam kỳ lục tỉnh nổi lên trào lưu học võ, tỷ thí bằng các trận đấu lôi đài. Người học võ rất được trọng vọng nên nhiều trai tráng chọn theo con đường này.


Một trận đấu quyền anh ở Sài Gòn xưa. Ảnh: Tư liệu.

Tay đấm “không rành bái tổ”

Nhắc đến Sáu Cường, những người am tường võ thuật đất Nam bộ không thể không nhắc đến bộ cước pháp thiên biến vạn hóa, sức địch quần hùng của ông. Tuy nhiên, câu chuyện tầm sư học đạo của con  người này lại vô cùng bí hiểm. Những tư liệu còn sót lại được nhà văn Đặng Tấn Đức ghi chép trong tác phẩm “Đất lành” cho biết: Sáu Cường tên thật Nguyễn Phước Cường người huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Sinh thời, ông chịu nhiều mất mát. Lên 10, ông đã mồ côi cha mẹ phải đi ở đợ cho người chú họ.

Để có được chén cơm nguội, năm 14 tuổi Cường đã phải ra đường gánh nước thuê. Lớn hơn một chút, Sáu Cường chuyển sang chèo đò thuê từ Cầu Quan băng qua sông cái đến Đại Ngãi. Không “bòn” đủ tiền nộp thuế thân, Sáu Cường phải sống chuỗi ngày chui rúc. Kiếp “trốn xâu lâu thuế” khiến Sáu Cường luôn bị quan làng hiếp đáp. Sự tủi nhục của một thằng dân đen và thân phận thấp kém luôn bị chà đạp đã khiến Sáu Cường quyết tâm theo đuổi nghề võ để tiến thân.

Minh chứng cho việc Sáu Cường không được đào tạo võ nghệ một cách bài bản là việc ông không hề biết cách bái tổ. Song, trong tác phẩm của mình, nhà văn Đặng Tấn Đức ghi nhận Sáu Cường có thầy dạy hẳn hoi. Một trong số đó có võ sư Hai Ngàn, cao thủ trong nhóm Kèo xanh kèo vàng (Băng phái giang hồ trước năm 1945 tại tỉnh Trà Vinh – PV). Tuy nhiên, chỉ được vài tháng, thầy Hai Ngàn rời đi.

Để luyện thành công bộ thần cước có sức địch quần hùng ấy, Sáu Cường có một chế độ luyện tập khác người. Sau những giờ gánh nước thuê, chèo đò thuê trở về, ông lại lao vào ruộng chuối, đá rạp cả những thân chuối to. Cứ như vậy, ông hết đá chuối lại đá sang người rơm. Ông cho rơm ngâm nước với một dung dịch bí mật khiến cọng rơm cứng, chắc, dai như sợi thừng. Thế nhưng, những người rơm cũng không chịu nổi chục cú đá của ông.

Tuyệt thế thần cước và trận đấu đầu đời

Những năm loạn ly, các võ sư, người thông thạo võ thuật đều được những phú ông, địa chủ thuê về bảo vệ nhà cửa, khẳng định vị thế, lấy uy với thiên hạ. Những năm 60, huyện Tiểu Cần nổi lên địa chủ Bảy Thoại rất chuộng võ học. Bảy Thoại luôn tìm tòi, giao du với những anh tài võ học đất Trà Vinh. Để khẳng định niềm say mê võ học, Bảy Thoại san ruộng, mở sân võ làm nơi tụ hội cho những người cùng sở thích. Thời gian này, rất nhiều cao thủ đã tề tựu trong nhà Bảy Thoại.

Khi ấy, Sáu Cường dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng khí phách của một hảo hán và tài võ nghệ của mình cũng đã được nhiều người biết đến. Anh thanh niên trẻ cũng được Bảy Thoại đặc biệt chú ý và rước về tư gia, giao việc đảm bảo an ninh cho đám tá điền. Tại đây, Sáu Cường vô tình bước vào trận đấu đầu đời. Trận đấu đầu tiên mở màn cho những chuỗi ngày chinh phục các võ đài, khuất phục các tay đấm trong, ngoài nước.

Các cao thủ quyền anh từ Pháp, Miên, Ấn Độ, Thái Lan… cũng sang thi đấu. Nhờ thể trạng cao lớn, chuyên nghiệp, nên họ hạ gục nhiều võ sĩ Việt, nhanh chóng thống trị các võ đài.

Nhân vật Sáu Cường quê Trà Vinh xuất hiện. Trong trận đấu tại Cần Thơ được tổ chức cho võ sĩ người Pháp gốc Ấn Độ thi triển tài năng, Sáu Cường đứng ra thách đấu.

Võ sĩ người Pháp sử dụng quyền anh kết hợp võ Ấn, từng thắng 10 trận khi thượng đài ở khu vực Đông Nam Á. Nhưng khi đối mặt Sáu Cường, anh này bị hạ knock out ngay trong hiệp 2 bởi cú song phi.

3 tháng sau đó, Sáu Cường tiếp tục thượng đài với võ sĩ người Thái tên Anthuong Chay ở Sài Gòn. Đây là võ sĩ từng thi đấu nhiều nước ở châu Âu, thắng đến 30 trận, chưa nếm mùi thất bại. Anh ta đánh một thứ võ gọi là Muay Thái lợi hại nhưng vẫn đo ván trước Sáu Cường.

Thời điểm đó, Sáu Cường trở thành một huyền thoại của làng võ Sài Gòn và Nam kỳ lục tỉnh với thành tích bất bại. Ông được mệnh danh là “thần cước” với những cú đòn chân liên hoàn dũng mãnh. Các lão làng võ thuật cho rằng Sáu Cường có thế mạnh ở những cú đá do trời phú cho ông 2 bàn chân to lớn dị thường.


Trong hồi ký Từ U Minh đến Cần Thơ, nhà văn Sơn Nam bày tỏ lòng ngưỡng mộ với võ sĩ Sáu Cường nức danh thời ấy. Trên đường chu du của mình, ông đã trực tiếp chứng kiến cuộc đấu võ đài của Sáu Cường và võ sĩ quyền anh da màu có tên Kid Chocolat.

Trận đó, võ sĩ ngoại quốc tìm cách áp sát, tung những đòn móc quai hàm lợi hại nhưng bị Sáu Cường dùng ngón đá nghìn cân, phòng thủ từ xa. Chocolat trúng cước té lăn cù nhưng ngồi dậy nhanh chóng, xốc tới đánh móc. Cuối cùng Sáu Cường được trọng tài xử thắng điểm, ông liền đi một đường quyền đẹp mắt để cảm tạ.

“Cường cao ráo, tay chân khá dài, thỉnh thoảng nhảy cao như con chim đại bàng. Xem ông đấu, tôi và bao khán giả khác lấy làm hãnh diện cho dân tộc”, nhà văn Sơn Nam miêu tả.

Mẫu quảng cáo đấu quyền anh trên báo thời xưa. Ảnh: Tư liệu.

Danh tiếng của thần cước càng nổi sau khi đánh bại tay đấm Hồng Sơn bảo vệ hãng xà bông thuần Việt của Trương Văn Bền. Sau trận này, “thần cước” Sáu Cường nhanh chóng quy tụ hàng trăm đàn em, bảo kê một vùng rộng lớn các bến xe, rạp hát, sòng bạc…

Một trong lãnh địa kiếm cơm lý tưởng nhất lúc bấy giờ là bến xe An Đông (khu vực đường Lê Hồng Phong, quận 10). Nhờ đòn liên hoàn cước không ai đỡ nổi, Sáu Cường sau khi thách đấu giành thắng lợi chiếm quyền bảo kê bến xe. Ông sau đó cùng đàn em dần thâu tóm nhiều điểm làm ăn béo bở khác.

Tuyệt kỹ

Chân dung “Thần cước Sáu Cường”. 

Sau nhiều biến động xã hội, tuổi cũng lớn, Sáu Cường về Trà Vinh sinh sống. Ông cũng vài lần nhận lời thách đấu từ các võ sĩ trong nước và giành thắng lợi dù sức khỏe đã giảm sút. Trong lần thượng đài cuối cùng, ông thua võ sĩ đến từ Hà Nội rồi giải nghệ.

Sau năm 1945, Sáu Cường tham gia cách mạng, trở thành cái gai trong mắt nhà cầm quyền Pháp. Do có uy tín, được nhiều người kính trọng nên chính quyền rất sợ ảnh hưởng của ông tác động đến phong trào chống đối lúc bấy giờ.

Pháp nhiều lần tổ chức lực lượng vây bắt nhưng Sáu Cường với thân thủ của mình đều thoát được. Đến lần bị mật thám chỉ điểm, ông không thoát nổi vòng vây nên bị bắt giữ. Sáu Cường bị Pháp tử hình tại Trà Vinh sau vài tháng biệt giam.