Nhắc đến Hưng Yên có lẽ phải nhắc đến những địa danh nổi tiếng như Phố Hiến, chùa Chuông, đền Dạ Trạch, làng Nôm, và những đặc sản như nhãn lồng hay tương bần…

Tìm lại nét văn hóa Hưng Yên xưa
Ảnh minh họa phố Hiến xưa  (Ảnh: internet)

Hưng Yên có diện tích 926 km², dân số 1,2 triệu người (2013), có 8 huyện, 1 thị xã và một thành phố. Hưng Yên nằm ở đồng bằng châu thổ sông Hồng với những nét đặc trưng của văn minh lúa nước. Nơi đây cũng có rất nhiều nét văn hóa, phong tục và những trò chơi dân gian phong phú.

Phố Hiến – Nơi giao thương bậc nhất Bắc Bộ xưa

Phố Hiến là nơi giao thương nổi tiếng bậc nhất vùng Bắc Bộ, vì vậy mới có câu “Nhất Kinh kỳ, nhì Phố Hiến”. Theo sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, thì tên Phố Hiến có xuất xứ từ chữ Hiến của Hiến Doanh hay Hiến Nam, vốn là cơ quan hành chính của trấn Sơn Nam xưa. Sách Đại Nam nhất thống chí cũng thừa nhận ý kiến này. Thế kỷ 17, Phố Hiến trở thành một trung tâm kinh tế có nhiều mối giao lưu quốc tế.

Tìm lại nét văn hóa Hưng Yên xưa
(Ảnh minh họa Phố Hiến xưa)

Vị trí của Phố Hiến có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các tuyến giao thông đường thuỷ thuộc hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình, nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bằng đường thuỷ, từ Phố Hiến có thể liên lạc tới hầu hết các địa phương thuộc các trấn Sơn Nam, Hải Dương, An Quảng. Phố Hiến là nơi trung chuyển, cửa ngõ án ngữ hoặc thông thương của mọi tuyến giao thương đường sông từ vùng biển Bắc Bộ đi sâu vào đất liền tới Kinh thành Thăng Long, qua các tuyến sông Đáy, sông Hồng, sông Thái Bình.

Cùng với các tuyến giao thương đường sông, các tuyến giao thương ven biển đã nối liền Phố Hiến với các thị trường xa hơn. Từ thời nhà Trần, các thương nhân người Hoa ở Xích Đằng đã có những mối liên hệ với các cảng Hội Triều (Thanh Hoá), Càn Hải và Hội Thống (Nghệ An). Qua hai hệ thống sông Đàng Ngoài và sông Đáy, Phố Hiến còn bắt nhịp với các tuyến giao thương quốc tế ở biển Đông, như Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, cũng như với các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp…

Phố Hiến mang những nhu cầu tâm linh văn hoá của nhiều cộng đồng người khác nhau, thể hiện qua những công trình kiến trúc. Nổi bật là các phong cách kiến trúc Việt Nam và phong cách kiến trúc Trung Hoa (với sắc thái vùng Phúc Kiến, phía Nam Trung Quốc), thấp thoáng có phong cách kiến trúc châu Âu. Nhà thờ Kitô giáo ở Phố Hiến là một nhà thờ cổ, xây dựng từ thế kỷ 17, theo phong cách Gô-tích . Nhiều khi, các phong cách kiến trúc này pha trộn lẫn nhau giống như ở các đô thị Việt Nam khác.

Thừa hưởng vị trí đắc địa như vậy nên Phố Hiến cũng mang theo những nền văn hóa đa sắc tộc, là nơi văn hóa, kinh tế phát triển bậc nhất nhì vào thế kỷ 17.

Những di tích còn mãi với thời gian

Chùa Chuôngcó tên chữ là Kim Chung Tự (金鍾寺) nằm tại thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên. Chùa Chuông nằm trong quần thể di tích Phố Hiến và được mệnh danh là “Phố Hiến đệ nhất danh thắng”.

Tìm lại nét văn hóa Hưng Yên xưa
Chùa Chuông (Ảnh: internet)

Chùa có kết cấu kiểu Nội công ngoại quốc, là kiểu chùa có hai hành lang dài nối liền nhà tiền đường ở phía trước với nhà hậu đường, ở phía sau làm thành một khung hình chữ nhật bao quanh. Bố cục mặt bằng chùa có dạng phía trong hình chữ Công (工), còn phía ngoài có khung bao quanh như chữ khẩu (口) hay như ở chữ Quốc (國). Với kết cấu Nôi công ngoại quốc, chùa bao gồm: Tiền đường, Thượng điện, Nhà tổ, Nhà mẫu và 2 dãy hành lang. Mặt tiền chùa quay hướng Nam, đó là hướng của “Bát Nhã” và “Trí Tuệ”. Chùa được bố trí cân xứng trên một trục trải dài từ cổng Tam quan đến Nhà tổ. Qua cổng Tam quan là tới ba nhịp cầu đá xanh, bắc ngang qua ao (mắt rồng), cây cầu được xây dựng năm 1702. Tiếp đến là con đường độc đạo được lát đá xanh dẫn thẳng đến nhà tiền đường, theo quan niệm nhà Phật là con đường chân chính dẫn dắt con người thoát khỏi bể khổ.

Tìm lại nét văn hóa Hưng Yên xưa
Chùa Chuông (Ảnh: Internet)

Nối giữa tiền đường và Thượng điện là khoảng sân, giữa sân có cây hương đá còn gọi là “Thạch trụ”. Thượng điện cũng gồm năm gian, kết cấu giống nhà Tiền đường, mang đậm nét kiến trúc thời Hậu Lê. Ở hai đầu phía Đông và phía Tây nối nhà Tiền đường và nhà Mẫu là hai dãy hành lang. Hai dãy hành lang được bài trí đối xứng các lớp tượng khác nhau. Đầu tiên là động “Thập điện Diêm Vương”, diễn tả cảnh nhục hình mà con người phải trải qua nơi âm giới. Đây là triết lý nhân quả của nhà Phật, người ta tin rằng con người sống trên dương thế, khi từ giã cõi đời phải trải qua 10 cửa điện để Diêm Vương xét hỏi công và tội. Ứng với mỗi tội đồ là một hình phạt tương ứng. Tiếp đến là tượng Bát Bộ Kim Cương, sau đó là 18 pho “Thập Bát La Hán”, 18 vị được tạo tác trong tư thế. Nét độc đáo của tượng “Thập Bát La Hán” diễn tả được nội tâm biểu hiện qua từng khuôn mặt …

Đền Dạ Trạch còn gọi là Đền Hóa, là ngôi đền nằm ở thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đây là nơi thờ Chử Đồng Tử cùng 2 vị phu nhân. Tổng thể công trình kiến trúc trong khu này gồm 18 ngôi nhà mái ngói cong hình 18 thuyền rồng cách điệu. Đây là kiến trúc đặc biệt nhằm tái hiện hoạt cảnh đoàn thuyền của công chúa Tiên Dung đang giăng buồm du ngoạn trên bến sông thuở nào. Đền Dạ Trạch gắn liền với sự tích Tiên Dung và Chử Đồng Tử.

Lễ hội đến Dạ Trạch (Ảnh: internet)
Lễ hội đền Dạ Trạch (Ảnh: internet)

Hùng Vương thứ 18 có cô con gái tên là Tiên Dung đến tuổi cập kê lại chỉ thích ngao du sơn thủy, không chịu lấy chồng. Vào một ngày đẹp trời, nàng cho thuyền dạo chơi dọc sông Hồng. Lúc đó Chử Đồng Tử đang ngâm mình bắt cá dưới sông, nhìn thấy từ xa đoàn thuyền dong buồm đi tới, sợ quá chàng liền chạy lên bờ nhằm khóm lau vùi mình xuống cát. Số là nhà Chử Đồng Tử quá nghèo, có mỗi chiếc khố mà cha con phải thay nhau mặc. Khi cha mất, Chử Đồng Tử đã liệm khố cùng cha, nên phải chịu cảnh trần truồng, không dám lộ người khỏi mặt nước.

Ngắm phong cảnh hữu tình, công chúa Tiên Dung cho dừng thuyền, sai thị nữ lên bờ quây màn tắm bên một khóm lau, chẳng ngờ lại đúng nơi chàng trai họ Chử giấu mình. Nước dội cát trôi, phút chốc nàng thấy lộ ra thân hình một chàng trai trẻ cũng không quần áo. Chử sợ hãi định chạy trốn nhưng Tiên Dung ngẫm thấy là duyên trời định bèn nói: “Ta và chàng tình cờ gặp nhau thế này, âu cũng là nhân duyên do trời sắp đặt”. Liền đó nàng truyền mang quần áo cho Chử Đồng Tử và cùng chàng làm lễ kết duyên ngay trên thuyền.

Vua Hùng nghe tin con gái lấy kẻ nghèo hèn thì đùng đùng nổi giận không nhận là con nữa. Tiên Dung thấy vậy không dám về, ở lại cùng Chử Đồng Tử sống cuộc đời bình dị mà hạnh phúc. Họ mưu sinh bằng nghề chài lưới và trao đổi hàng hoá trên sông. Nơi ấy trở thành nơi đô hội, thuyền bè buôn bán tấp nập. Cảm mến vợ chồng họ, Tiên Ông đã truyền phép thần cho Chử Đồng Tử, sau đó Chử và Tiên Dung đi khắp vùng Khoái Châu dùng phép thần để cứu sống những người chết do bị nạn dịch, đói khổ…

Sau kẻ nịnh thần về kinh đô tâu với vua rằng vợ chồng công chúa Tiên Dung dùng phép lạ dựng thành quách, muốn lập riêng bờ cõi. Ngỡ con làm phản, vua Hùng sai quân đến dẹp. Vợ chồng Chử Đồng Tử không dám cưỡng lại mệnh cha, chờ chịu tội. Nửa đêm hôm ấy một trận cuồng phong nổi lên, cả lâu đài thành quách của vợ chồng Chử Đồng Tử cùng bay lên trời, để lại một đầm nước rộng mênh mông. Người đời sau gọi đầm ấy là Đầm Nhất Dạ.

Cảm động tr­ước mối tình bất tử, đền thờ Đức thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa được nhân dân thờ phụng nhiều nơi trên địa bàn đồng bằng và Trung du Bắc bộ, chủ yếu là các làng ven sông Hồng

Bên cạnh đền Dạ Trạch và Chùa Chuông, Hưng Yên cũng có rất nhiều di tích văn hóa có giá trị. Hiện đã có 18 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Các di tích nổi tiếng như: đền Mây ở Xích Đằng, đền Trần, chùa Hiến (Thiên Ứng tự), chùa Nễ Châu, v.v. Người Hoa sinh sống ở Phố Hiến cũng để lại nhiều công trình kiến trúc tôn giáo như đền Mẫu (thờ Dương Qu‎ý Phi), đền Thiên Hậu (thờ Lâm Tức Mặc), Võ Miếu (thờ ba anh em Lưu Bị, Quan Vân Trường và Trương Phi). Nhiều lễ hội gắn liền với các di tích được duy trì hàng năm, tái hiện hình ảnh mấy trăm năm trước của Phố Hiến.

Nét cổ kính của làng quê Việt

Làng Nôm nằm tại xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm là một không gian cổ kính của làng quê Việt Nam với những cây đa, giếng nước, sân đình, chùa, chợ, cổng làng và những ngôi nhà cổ. Ngôi làng này vẫn nguyên vẹn dấu xưa, với kiến trúc cổ kính, cảnh quan hài hoà và những nét văn hoá mang đậm truyền thống của một làng quê Việt cổ.

làng Nôm (Ảnh: internet)
Làng Nôm (Ảnh: internet)

Cổng làng sừng sững được xây dựng bề thế gồm bốn trụ vuông với những họa tiết tinh xảo. Vòm cổng được đắp một đại từ gồm ba chữ: “Đồng Cầu Nôm”. Đây chính là sự khác biệt dường như không thể tìm thấy được ở những ngôi làng khác thuộc các làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Qua cổng làng không gian như tĩnh lặng bởi một hồ nước trong xanh, quanh hồ là những ngôi nhà cổ, những cây cổ thụ ngả bóng xuống mặt nước yên bình.

Làng Nôm (Ảnh: internet)
Làng Nôm (Ảnh: internet)

Thật khó mà tìm được ở nơi nào có một không gian bình yên mang đậm nét của làng quê Việt cổ như nơi này. Ngay cạnh chợ là ngôi chùa Linh Thông cổ kính đứng uy nghiêm như bất chấp thời gian. Bước qua cổng chùa rộng lớn là một không gian tĩnh lặng và thanh tịnh.

Làng Nôm (Ảnh: internet)
(Ảnh: internet)

Hiện nay trong làng còn nhiều ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm tuổi với những nét kiến trúc độc đáo của thời xưa. Những ngôi nhà nơi đây là minh chứng cho một thời kỳ hưng thịnh của làng. Theo như sử sách ghi lại, làng Nôm được hình thành từ đầu Công Nguyên và đến thế kỷ XV thì dân cư bắt đầu tập trung đông đúc. Hiện nay làng có diện tích 43,7 ha, với gần 600 nhân khẩu.

Đặc sản Hưng Yên

Nhắc đến Hưng Yên hẳn không ai không nghĩ đến nhãn lồng. Tương truyền rằng, cây nhãn tổ Hưng Yên là đặc sản quý của vùng. Vì thế cứ vào tháng bảy hàng năm, khi quả nhãn đã chín, các vị quan dân địa phương cùng các vị tiền bối liền chọn các chàng trai trẻ khôi ngô, tuấn tú trong làng để trèo cây hái nhãn. Đây là cây nhãn có cùi dày, múi thơm, mọng và ngọt nhất trong vùng nên được lựa chọn lựa để dâng lên Đức Phật và làm sản vật tiến Vua, nên giống nhãn này bây giờ còn gọi là giống nhãn tiến vua. Số lượng nhãn còn lại được chia theo khẩu cho các gia đình trong làng, mỗi người chỉ được từ hai đến ba quả.

Nhãn lồng Hưng Yên (Ảnh: Internet)
Nhãn lồng Hưng Yên (Ảnh: Internet)

Lý giải về cái tên “nhãn lồng Hưng Yên” các bậc tiền bối trong làng có câu trả lời như sau: “Vì nhãn là loại quả khi chín có mùi thơm nên thường bị chim, chuột và dơi phá hoại, gây mất năng suất. Vậy nên các vị thành hoàng cùng người dân trong làng đã nghĩ ra cách dùng tre tươi đan thành lồng và chùm vào chùm nhãn để bảo vệ quả. Từ đó nhãn có tên gọi là nhãn lồng”.

Từ lâu, nhãn lồng đã là loại quả gắn bó với hình ảnh thân thuộc của người dân Hưng Yên. Hầu hết, mỗi nhà đều có ít nhất một cây nhãn.

Ai từng đến Hưng Yên và ghé qua thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào sẽ không thể cầm lòng mà dừng lại trước những hiệu bán tương bần – một đặc sản nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Từ xa xưa, bên cạnh nhãn lồng, tương bần cũng là thứ sản vật ngon dùng để tiến vua.

Tương bần Hưng Yên (Ảnh: Internet)
Tương bần Hưng Yên (Ảnh: Internet)

Nguyên liệu làm tương bần không khó kiếm nhưng công đoạn làm tương cực kỳ công phu và mất thời gian. Hơn nữa, để có những bát tương vàng ươm, thơm nức và ngọt đòi hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm rất nhiều từ bàn tay của người thợ và bí quyết của từng gia đình.

Ngày nay, tương bần vẫn nổi tiếng khắp nơi và trở thành một loại nước chấm đặc sản khiến nhiều người yêu thích.

Những nét văn hóa, kiến trúc cũng như những đặc sản đã làm nên bản sắc văn hóa Hưng Yên. Mong sao những giá trị văn hóa đó được bảo tồn.

Thanh Phong